DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Nguyễn Phong Việt: ‘Bị gọi là nhà thơ lưu manh, tôi thấy thú vị’

“Ai cũng có thể là một người lưu manh cả chứ không riêng gì nhà thơ”, Nguyễn Phong Việt nói, “Khi bị nói như vậy, tôi thấy bình thường và thậm chí rất thích câu nói đó”.

Nguyễn Phong Việt là mẫu nhà thơ của thời công nghệ và truyền thông: anh bán thơ số lượng lớn qua dịch vụ thương mại điện tử, không ngần ngại xuất hiện trên truyền thông, không ngại nhảy vào những tranh cãi thị phi về các chủ đề nóng của xã hội…

Trong một lần lên tiếng về vụ đạo ý tưởng của nhà thiết kế Maxk Nguyễn (dự án Saigon Emoji), qua Facebook cá nhân và bài viết "Maxk Nguyễn: Người tốt, kẻ xấu hay tên vô lại?" trên Zing.vn, anh bị một họa sĩ ủng hộ Maxk Nguyễn gọi bóng gió là “lưu manh”.

Song song với những ồn ào thị phi, Nguyễn Phong Việt dành một góc riêng trong cuộc sống của mình cho thơ ca. Ngày 9/12 này, anh ra mắt tập thơ thứ sáu trong sự nghiệp, Sao phải đau đến như vậy. Sáu năm liên tiếp, anh đều ra mắt thơ vào tháng 12 như một món quà Giáng Sinh cho độc giả.

Nguyễn Phong Việt thẳng thắn bàn về danh xưng nhà thơ trong xã hội hiện nay, cùng cách sống và viết không ngại thị phi của anh, trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn nhân tập thơ thứ sáu vừa ra đời.

"Người ta nói tôi lưu manh, tôi phải có cơ hội phản biện"

- Gặp anh ngoài đời, hoạt ngôn và hơi ồn ã, thật khó hình dung anh là tác giả của những vần thơ buồn và thâm trầm trong “Sao phải đau đến như vậy”. Bên trong anh có những con người nào?

- Nói thì nghe có vẻ giống như đa nhân cách, nhưng tôi nghĩ bên trong tôi đúng là có nhiều con người khác nhau. Và may mắn là tôi tách bạch được tất cả những con người đó để không xảy ra xung đột hay thậm chí là lẫn lộn vào nhau.

Nguyen Phong Viet: ‘Bi goi la nha tho luu manh, toi thay thu vi’ hinh anh 1
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Ảnh: Hữu Quốc.

Với thơ, tôi có một con người lãng mạn, những sự tươi đẹp hay u buồn trong thơ của tôi rất hay trộn lẫn vào nhau nhưng cơ bản thì nỗi buồn bao giờ cũng nhiều hơn.

Với công việc, tôi là người làm việc rất nhanh và quyết đoán. Tôi đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, tiêu chí của tôi là sáng tạo bao giờ cũng không thể tách rời khỏi thực tế đặc biệt là trong mảng truyền thông, báo chí... mà tôi đang làm.

Với một con người của các mối quan hệ bạn bè thì tôi lại rất hoạt bát, thậm chí là “chém gió” rất nhiều vì tôi nghĩ những lúc ấy chủ yếu là làm cho không khí hay câu chuyện vui vẻ là chính. Với một con người của gia đình, tôi cơ bản không phải là một người chồng tốt lắm về nhiều mặt nhưng lại là một người cha chăm con rất giỏi.

- Vậy tại sao khi “trốn vào trong thơ”, con người anh lại khác thường ngày đến vậy?

- Thơ gần như là một góc trú ẩn của riêng tôi. Cũng giống như bạn hay có một góc quán quen mà bạn hay thích ngồi ở đó mỗi khi có nỗi niềm vậy. Bản chất thơ ca của tôi là cảm xúc, nó dẫn dắt tôi đi đến những nơi mà nó muốn.

Và tôi phải khác biệt để mọi người nhớ đến thơ tôi theo cách nào đó. Nên tôi luôn nghĩ thơ mình không hẳn là hay hơn người khác viết mà đơn giản nhất là nó thật hơn người khác…

Nguyen Phong Viet: ‘Bi goi la nha tho luu manh, toi thay thu vi’ hinh anh 2
Tập thơ Sao phải đau đến như vậy. Ảnh: Mỹ Ngân.

- Anh từng bị một họa sĩ nói bóng gió “không phải là nhà thơ mà là một kẻ lưu manh”. Anh thậm chí không né tránh mà còn chia sẻ lời quy kết ẩn danh đó qua Facebook cá nhân. Câu nói đó tác động đến anh ra sao?

- Tôi thấy đó là điều bình thường trong cuộc sống và thậm chí rất thích câu nói của bạn họa sĩ đó, Bút Chì. Thích ở đây có thể hiểu theo nghĩa là khi một người khác nhận xét về con người của mình, quan điểm sống của mình thì mình rất muốn nghe đầy đủ để biết rõ mình đúng chỗ nào, sai chỗ nào và thậm chí có cơ hội phản biện để nói rõ về những điều đó ra sao.

Chỉ tiếc là bạn hoạ sĩ kia lại chọn thái độ im lặng, không nói rõ tại sao bạn ấy lại nhận xét như vậy về tôi. Tôi là người rất thích sự phản biện đặc biệt là sự phản biện văn minh.

"Để thốt ra hai tiếng "lưu manh", bạn phải có đủ chứng cứ hay lập luận chi tiết. Tiếc là khi tôi hỏi rõ hơn thì họa sĩ Bút Chì lại im lặng"

- Nguyễn Phong Việt

- Anh nghĩ sao về hai chữ "lưu manh" đó? Nhà thơ thì không được lưu manh chăng?

- Tôi nghĩ ai cũng có thể là một người lưu manh cả chứ không riêng gì nhà thơ. Với tôi, để thốt ra hai tiếng lưu manh đó cơ bản bạn phải có đủ chứng cứ hay lập luận chi tiết để đưa tới nhận định đó. Tiếc là bạn họa sĩ không hoặc vì lí do nào đó mà chưa đưa ra những điều đó để bảo vệ luận điểm cho rằng tôi là một người lưu manh.

- Anh thường lên tiếng trên Facebook về các sự vụ đang nóng, như lần bình luận vụ Maxk Nguyễn đạo ý tưởng qua trang Saigon Emoji, hay vụ Huyền Chip nói dối... Tại sao anh cứ nhảy vào nước sôi lửa bỏng thị phi?

- Tôi không phải là người đứng ra tố và thật ra tôi cũng không thích những việc “đấu tố” kiểu đó cho lắm. Chỉ là khi quan sát dòng sự kiện, tôi cảm giác đôi lúc chúng ta không hiểu đúng hết bản chất vấn đề. Nói cách khác, nhiều người trong số chúng ta dùng cảm tính thay vì lý trí để phán xét sự việc.

Những vụ việc tôi lên tiếng bao giờ cũng ở thái độ rất chừng mực, tôi không bao giờ công kích cá nhân mà chỉ chia sẻ quan điểm của mình ở vị trí tương đối công tâm nhất, hy vọng góp được một tiếng nói để giảm đi cả những công kích cực đoan lẫn bênh vực vô lý. Và thật sự là người trẻ Việt Nam đang rất kém ở khâu phản biện.

"Tôi không thích “đấu tố” trên mạng, nhưng tôi lên tiếng vì thấy chúng ta không hiểu hết bản chất vấn đề"

- Nguyễn Phong Việt

- Nhưng những lần công khai lên tiếng cũng khiến tên tuổi anh bị dính vào thị phi, điều đó có làm ảnh hưởng đến "tâm hồn thơ" không?

- Hoàn toàn không. Vì như tôi chia sẻ, tôi tách bạch các con người bên trong mình rất rõ ràng. Thật ra, với người làm báo, gặp những vấn đề bức xúc mà không phản biện mới là điều đau đớn nhất... Như vậy, ta không ngăn chặn được cái xấu lây lan quanh mình.

Nhà thơ chơi thân với giới giải trí: Không chấp nhận được thì đã rời đi

- Đã hơn 6 năm từ ngày anh nổi lên như một nhà thơ best-seller. Thời nay, mọi danh xưng dù hoành tráng đến đâu cũng đều trôi đi quá nhanh. Với anh, danh xưng “nhà thơ best-seller” đã cũ mòn chưa?

- Tôi nghĩ là đã cũ. Tôi của 6 năm trước cũng đã khác với tôi hiện tại rất nhiều. Hiện tại, tôi chỉ mong duy nhất một điều là tất cả những độc giả mua sách của tôi đều không cảm thấy thất vọng hay bị lừa vì nội dung cuốn sách không như họ mong đợi.

Còn việc, bán được nhiều sách thì bao giờ cũng là niềm vui của người viết, càng nhiều càng tốt, đó là thực tế.

Nguyen Phong Viet: ‘Bi goi la nha tho luu manh, toi thay thu vi’ hinh anh 3
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt và ca sĩ Mỹ Tâm tặng tập thơ, album nhạc cho nhau nhân ngày Mỹ Tâm ra mắt album mới Tâm 9 hôm 3/12.

- Anh cũng luôn giới thiệu mình với danh xưng nhà báo và anh cũng hiểu rất rõ về giới giải trí Việt Nam. Dường như anh còn gắn bó với vai trò nhà báo hơn nhà thơ?

- Đúng vậy. Tôi vẫn xem nghề báo là nghề mà tôi yêu quý và giỏi nhất. Hành trình làm thơ của tôi được biết đến chưa tới 10 năm. Nhưng nghề báo thì tôi đã đi cùng với nó được 15 năm.

"Với người làm báo, gặp vấn đề bức xúc mà không phản biện mới là điều đau đớn nhất"

- Nguyễn Phong Việt

Tôi thích công việc làm báo, vì thứ nhất cho tôi cơ hội phản biện mạnh mẽ về những điều mà tôi bức xúc, phần còn lại nghề này khiến cho tôi lúc nào cũng ở trong trạng thái sợ mình bị bỏ rơi khỏi dòng chảy thông tin. Và để không bị bỏ rơi, tôi buộc phải cố gắng mỗi ngày trong cả phần còn lại của cuộc đời.

- Một nhà thơ lại chơi thân với giới giải trí - một chốn thường bị nói là xô bồ. Với anh, đó có phải là một định kiến, hay những gì anh biết còn kinh khủng những điều đăng trên báo?

- Giới giải trí cũng như một xã hội thu nhỏ, nó có tất cả hỷ nộ ái ố. Và thực tế là những điều chưa viết lên báo đôi khi còn kinh khủng hơn rất nhiều. Nhưng khi bạn đã sống trong nó thì phải học cách chấp nhận.

Còn không hãy rời khỏi cuộc chơi. Ở đây không ai ép bạn nên việc dừng hay không dừng lại là phụ thuộc vào bạn. Với tôi, phải khốc liệt thì mới là giới giải trí nên tôi không có định kiến nào cả.

- Anh là một stay-at-home dad (ông bố nội trợ) để vợ chuyên tâm xây dựng sự nghiệp. Vì sao anh có lựa chọn rất hiện đại nhưng nhiều ông chồng ngần ngại này?

- Tôi nghĩ ở khía cạnh này tôi phải cảm ơn con trai mình. Vì nhờ có con, tôi mới thật sự trưởng thành hơn, biết sống có trách nhiệm hơn và biết mình nên làm gì nếu muốn trở thành người tốt trong cuộc đời này.

Nguyen Phong Viet: ‘Bi goi la nha tho luu manh, toi thay thu vi’ hinh anh 4
Thơ Nguyễn Phong Việt. Ảnh: Mỹ Ngân.

Mỗi gia đình có một bối cảnh khác nhau. Bà xã tôi là dân kinh doanh nên thời gian dành cho công việc gần như là tất cả. Còn tôi làm tự do (freelancer) nên chủ động về thời gian. Vậy nên, theo cách nào đó, tôi chủ động lùi lại để chăm lo con nhiều hơn là việc cũng không có gì là khác thường lắm.

- Cuộc sống của vợ chồng anh khá đủ đầy, khác với quan niệm về nhà thơ kiểu cũ - tâm hồn trên mây trên gió, luôn nghèo khổ. Anh muốn thay đổi định kiến hoặc lối nghĩ cũ của xã hội về nhà thơ?

- Tôi cũng không hiểu tại sao mọi người cứ mặc định nhà thơ là phải tâm hồn treo ngược cành cây, thậm chí là luôn trong trạng thái suy tư hay nói cách khác là “tỏ ra nguy hiểm”.

"Tôi không hiểu tại sao mọi người cứ mặc định nhà thơ là phải tỏ ra nguy hiểm”

- Nguyễn Phong Việt

9/10 người gặp tôi lần đầu sau khi đọc qua các tác phẩm của tôi đều bị bất ngờ vì tôi trong hình dung của họ hoàn toàn khác. Ở ngoài tôi ăn mặc tương đối đơn giản với jeans và sơ mi.

Nói năng thì kiểu hay bông đùa và bao giờ cũng giao tiếp rất nhanh chứ không tách biệt. Làm thơ, với tôi cũng như một công việc sáng tạo trên câu chữ giống như nhiều nghề làm sáng tạo khác, không phải là một cái gì đó quá độc đáo đến mức phải khác thường.

- Anh cũng là nhà thơ đầu tiên kết hợp với một thương hiệu thương mại điện tử để bán tập thơ mới với số lượng lớn. Anh có sợ bị nói là thơ ca ngày nay đã được thương mại hóa?

- Tôi không sợ. Thậm chí tôi còn nghĩ tại sao mình không bán sách qua Zalo từ sớm mà phải đợi đến cuốn này. Thương mại điện tử chính là chiếc cầu nối quan trọng nhất giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Công nghệ đã thay đổi thói quen mua sắm của người dùng gần như triệt để, chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Bạn không cần phải đến nhà sách, chỉ mất vài phút đồng hồ để mua một cuốn sách bạn yêu thích và sau đó nó sẽ được chuyển đến tận cửa nhà bạn thì không có từ gì có thể diễn tả được ngoài hai tiếng tuyệt vời.

Không biết với các tác giả khác thì như thế nào nhưng với riêng tôi, tôi chỉ mong thơ ca có thể được thương mại hoá theo cách này!

Tập thơ Sao phải đau đến như vậy

Đây là tập thơ thứ sáu của Nguyễn Phong Việt, dày 148 trang, dự kiến lên kệ từ ngày 9/12.

Từ 21/11, độc giả có thể đặt mua sách qua Zalo, kênh phát hành chính thức của tập thơ. Tất cả sách đặt hàng qua Zalo đều có chữ ký và đề tặng của nhà thơ Nguyễn Phong Việt, đồng thời giảm 25% so với giá phát hành. Đặc biệt hơn, 100% lợi nhuận của việc bán sách trên Zalo sẽ được dành tặng cho Quỹ từ thiện Cầu Vồng.

Các bạn có thể đặt sách qua Zalo bằng cách quét mã QR bên dưới hoặc truy cập tại đây: Zalo.me/thonguyenphongviet

Nguyen Phong Viet: ‘Bi goi la nha tho luu manh, toi thay thu vi’ hinh anh 5
 

Giá bìa 80.000

Giá bán

56.000

Tiết kiệm
24.000(30%)
Giá bìa 80.000

Giá bán

56.000

Tiết kiệm
24.000(30%)