Nguyễn Du - Trên Đường Gió Bụi - Hoàng Khôi |
|
Tác giả | Hoàng Khôi |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 4171 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Hoàng Khôi Nguyễn Du Hồ Xuân Hương Danh nhân Tiểu thuyết Lịch sử Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | ebookvie.com |
Cuộc đời Nguyễn Du có nhiều chỗ “mờ”! Mười năm gió bụi là cả một khoảng thời gian dài Nguyễn Du ở Thái Bình làm gì, hay còn đi đâu nữa? Nguyễn Du có chống Tây Sơn không và chống như thế nào? Mối tình Nguyễn Du với Hồ Xuân Hương kéo dài ba năm là lúc ông ở độ tuổi bao nhiêu? Nguyễn Du theo Gia Long có phải là tự nguyện? Rồi Truyện Kiều sáng tác ở thời điểm nào? Tại sao nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về cảnh vật, con người Trung Hoa lại không trùng với con đường mà ông đi sứ?...
Tất cả những điều đó, các nhà nghiên cứu đều đang gắng sức giải mã. Cũng đã có những giả thiết, những đoán định hợp lý, hợp tình, song vẫn cần những chứng cứ chính xác để tìm sự đồng thuận cao. Nhưng không phải vì thế mà người ta bớt yêu Nguyễn Du, bớt yêu Truyện Kiều, bớt yêu Văn tế thập loại chúng sinh và hàng trăm bài thơ, bài văn của Nguyễn Du bằng chữ Nôm, chữ Hán. Trái lại, các công trình nghiên cứu Nguyễn Du và tác phẩm của ông càng ngày càng thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Người Mỹ, người Anh, người Pháp, người Nga, người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đều có những tổ chức, những chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Người Việt hải ngoại hướng tới quê hương cũng tiếp cận Nguyễn Du và tác phẩm của ông không ít. Ở trong nước, di tích Tiên Điền, quê hương Nguyễn Du được xem là di tích cấp đặc biệt của quốc gia. Đặc biệt năm 2011, một tổ chức nghiên cứu Truyện Kiều của các nhà khoa học và những người yêu mến Nguyễn Du, yêu mến Truyện Kiều được thành lập, gọi là Hội Kiều học Việt Nam.
Tất cả những điều ấy cho thấy Nguyễn Du và Truyện Kiều luôn là một ma lực, hấp dẫn. Đặc biệt Truyện Kiều được phổ biến, quảng bá bằng rất nhiều hình thức, phương thức từ bác học đến dân gian. Sinh hoạt về Kiều là một sinh hoạt văn hóa và Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa.
Trong khi chờ để bổ sung một niên biểu chuẩn xác về Nguyễn Du, đã có những nhà văn thả trí tưởng tượng để tái hiện hình ảnh Nguyễn Du, đắp thịt, đắp da cho nhân vật mà mình yêu mến với mong muốn bè bạn cảm thông hơn về số phận, về nhân cách, về tâm hồn của một con người, một thi nhân nổi tiếng. Sự thực, người dựng chuyện về Nguyễn Du không nhiều. Ngoài một đôi mẩu giai thoại được loan truyền, chuyện về danh nhân Nguyễn Du chỉ mới có cuốn Ba trăm năm lẻ của Vũ Ngọc Khánh xuất bản năm 1988 và cuốn Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang xuất bản năm 2010. Cả hai cuốn trên đều nói rất sơ lược, thậm chí không nhắc tới khoảng thời gian mười năm Nguyễn Du lưu lạc.
Là người đi sau, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều công trình nghiên cứu và phát hiện mới, có điều kiện gặp gỡ và học hỏi nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia ở Hội Kiều học Việt Nam, cùng với mong muốn được góp một chút gì cho quê hương Nghi Xuân của mình, nên mạnh dạn dựng một Nguyễn Du theo cách mình hiểu. Nhà viết tiểu thuyết lịch sử lừng danh người Pháp, Alexandre Dumas từng khẳng định: Lịch sử chỉ là chiếc đinh để tôi treo bức tranh của mình. Tôi rất đồng tình với quan niệm này nên đã đặt nhân vật của mình với những thăng trầm lịch sử, đặt nhân vật của mình trong tương quan với những con người có thực cùng thời, chiếu ứng với những bài thơ của chính nhân vật viết ra rồi dựng lên một khung cảnh tôi cho là hợp lý. Truyện được dựng trên tinh thần như thế và tác giả chỉ tái hiện nhân vật Nguyễn Du trong khoảng thời gian từ thơ ấu đến ngoài tuổi 30 (khoảng năm 1793). Tôi cho rằng Nguyễn Du không chỉ có mười năm gió bụi mà cả cuộc đời ông sau trước đều trong cõi phong trần.
Cuốn sách này được viết để bày tỏ tình yêu của tôi với quê hương và văn hào Nguyễn Du, để góp tiếng nói của một thành viên Hội Kiều học chào mừng ngày kỷ niệm 250 năm sinh của ông và cũng để nhớ tới thân phụ tôi, người đã nhiều năm gắn bó với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tôi xin cảm ơn những người thầy, những bạn bè đã gián tiếp gợi ý cho tôi qua các công trình mà tôi được tham khảo.
HOÀNG KHÔI
***
Đoàn Nguyễn Tuấn chỉ tập bản thảo viết tay Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du đang đặt ngay ngắn trên án sách của chú em và hỏi:
-Hai chữ “Bất uất” ghi ngoài bìa sách liệu có ăn nhập gì với câu chuyện của chú đang viết ra?
Nguyễn Du giãi bày:
-Ở cuối sách, em chỉ mong mua vui cũng được một vài trống canh nhưng bác biết đấy, thế nào trong truyện chẳng gửi gắm ít nhiều tâm sự. Hẳn sẽ có người chê, người cười! Vậy nên dẫn ra ngoài bìa hai chữ của cụ Khổng. Cụ dạy nhân tri bất uất, bất diệc quân tử hồ (người khác không hiểu tôi, tôi cũng không oán hận). Em viết vậy là để cho rộng đường dư luận, mong sao được nhiều người mặc sức khen, chê.
-Chú quả là người rộng lượng và lo xa. Truyện này rất lôi cuốn! Anh nghĩ nếu sách này được phổ biến rộng ra, thiên hạ sẽ còn nhiều chuyện để bàn.
-Đa tạ anh quá khen. Xin được anh chỉ dẫn thêm nữa.
-Anh em mình đều là người đọc sách, lại rất hiểu nhau nên anh xin nói thật lòng mình. Cuốn sách của chú không chỉ phê bình trong một vài buổi là đủ. Riêng anh, mấy hôm nay suy ngẫm rất nhiều, lại nhớ lần anh em trò chuyện ở Hà Bắc nên đã mạn phép viết mấy lời đề từ. Chú xem rồi bổ chính nhé!
Nguyễn Du trân trọng đón nhận tờ hoa tiên Đoàn Nguyễn Tuấn trao. Bài đề từ chỉ có tám câu bằng chữ Hán rất cô đọng nhưng đúng là một nhận xét tổng quát, chuẩn xác, lại bộc lộ được cảm xúc chân thành.
Từ đàn lệ ngữ
Duyên các kiều tình
Kiến kiếm bất kiến nhân
Thần hồ ký hĩ
Thái hoa nhường mật
Tân khổ vi thùy
Thị phong khởi ngữ
Diệc lãnh đố ngữ.
Tạm dịch:
...Lời mĩ lệ chốn văn đàn
Tả mối tình đáng yêu nơi lầu gác
Khác nào kiếm thuật cao siêu thần diệu
Chỉ thấy kiếm mà không thấy người
Hái hoa để gây mật
Đắng cay gian khổ là ai nhỉ?
Mà nổi gió nên lời
Vậy mà cũng lắm điều đố kỵ lạnh nhạt.