Mặc dù được xuất bản vào những năm 30 của thế kỷ trước, nhưng đến nay, sau hơn 80 năm, nó vẫn còn mang tính thời sự. Bởi lẽ dù vùng đất này đã có nhiều biến đổi về chính trị, kinh tế và xã hội nhưng vẫn còn lưu giữ được những nét cơ bản cho đến tận ngày hôm nay.
Có thể nói tác phẩm Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ là công trình nghiên cứu đầu tiên về nông dân học, về nông nghiệp gia đình và về hệ thống nông nghiệp. Sách chia làm 3 phần: Môi trường vật chất, Cư dân nông thôn, Phương tiện sống của nông dân Bắc Kỳ. Mỗi phần có nhiều chương phân tích cặn kẽ về đất và người Bắc Bộ như địa hình, khí hậu châu thổ, lịch sử di dân và sự vận động của dân số, nông nghiệp, công nghiệp, làng xã...
Cuốn sách là nguồn tư liệu quý cho những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng như những ai quan tâm đến lịch sử dân tộc Việt Nam.
***
Cuốn sách của Pierre Gourou nghiên cứu về châu thổ sông Hồng, một châu thổ vào loại đông dân nhất thế giới, cái nôi của nền văn minh Việt Nam, là một tác phẩm đặc sắc nghiên cứu về địa lý nhân văn. Mặc dù được xuất bản từ các năm 30 của thế kỷ trước, nhưng đến nay sau hơn 70 năm nó vẫn còn mang tính thời sự. Vì mặc dù đã có nhiều biến đổi về chính trị, kinh tế và xã hội ở vùng đất này, nhưng những nét cơ bản và những vấn đề vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nhưng rất tiếc rằng rất nhiều nhà nghiên cứu và độc giả Việt Nam lại không biết đến công trình này, một phần vì cuốn sách chỉ còn ở một vài thư viện, một phần vì hiện nay còn ít người
đọc được chữ Pháp.
Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng việc xuất bản bản dịch của cuốn sách này vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà địa lý nổi tiếng người Pháp có lẽ là một hành động có ý nghĩa nhất để nhớ đến nhà nghiên cứu xuất sắc này.
Vài chục năm gần đây, việc nghiên cứu về nông thôn, về nông dân đã trở thành một lãnh vực thu hút sự chú ý của nhiều môn học kinh tế xã hội, nhất là sau khi các tác phẩm của nhà kinh tế học Nga A.Tchaianov được dịch ra tiếng Anh. Một môn học mới gọi là nông dân học (Peasant studies) với nhiều tạp chí quốc tế đã xuất hiện. Với sự xuất hiện của lý thuyết hệ thống các môn học mới, như hệ thống nông nghiệp, sinh thái học nhân văn, sinh thái học nông nghiệp, chúng đã dần dần trở thành những môn học bắt buộc ở các trường đại học.
Sự ra đời của các môn học đó sẽ tạo nên cơ sở lý luận cho việc phát triển nông thôn, một hoạt động rất thời sự hiện nay. Đặc biệt trong thời gian gần đây sự phát triển nông nghiệp của các nước tư bản chủ nghĩa châu Âu và của các nước đang phát triển, sau những biến đổi ở nông thôn các nước xã hội chủ nghĩa, thì mô hình nông nghiệp gia đình đã chứng tỏ là mô hình có ưu thế nhất, hơn hẳn các mô hình nông nghiệp quy mô lớn dùng lao động làm thuê hay lao động tập thể. Mô hình nông nghiệp gia đình là một thành tựu lớn nhất của thế kỷ XX. Vì vậy việc nghiên cứu về kinh tế gia đình nông dân với các quy luật riêng biệt của nó, do A.Tchaianov phát hiện, đã trở thành một đề tài hấp dẫn nhiều nhà khoa học. Cuốn sách của Pierre Gourou chính là con én báo hiệu các sự kiện trên, vì đây là một công trình nghiên cứu đầu tiên về nông dân học, về nông nghiệp gia đình và về hệ thống nông nghiệp. Có lẽ tất cả các môn học nói trên phải coi Gourou là người tiên phong cho môn học của mình. Điều thú vị là trong cuốn sách của mình, Gourou có dự báo về tình hình của châu thổ sông Hồng vào cuối thế kỷ: “Nếu người ta chấp nhận một suất dư là 15 trên 1.000 thì dân số châu thổ Bắc kỳ sẽ là 13.000.000 nhân khẩu vào năm 1984. Chúng tôi tin rằng số dư thực phải giữ mức giữa 10 và 15 trên 1.000, và nếu như không gì làm biến đổi tiến độ của sự khai triển, thì dân số vùng Châu thổ sẽ lên tới 13.000.000 giữa năm 1984 và 2001. Như vậy mật độ trung bình của dân số sẽ gấp đôi mật độ hiện nay: nó sẽ ở mức 860 khẩu trên một cây số vuông. Một tình huống như thế dường như không tưởng tượng được, và dường như không thể đối với vùng Châu thổ vốn dĩ hiện nay đang không nuôi 430 người trên một cây số vuông, làm sao mà lại có thể cung cấp cho những nhu cầu của một dân số đông gấp đôi”. Trong thực tế vào các năm 30 của thế kỷ XX, lúc Gourou viết cuốn sách này, thì dân số châu thổ sông Hồng chỉ mới có 430 người/km2, vào cuối thế kỷ mật độ dân số đã tăng lên 947 người/km2, tức là đã tăng lên 2,2 lần. Dự báo về tăng dân số gần đúng nhưng mối lo của Gourou lại không xảy ra, vì châu thổ sông Hồng không những giải quyết được đủ ăn mà còn dư thừa một ít để xuất khẩu.
...
Mời các bạn đón đọc
Người Nông Dân Châu Thổ Bắc Kỳ của tác giả
Pierre Gourou.