DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Nghệ Thuật Và Vật Lý - Leonard Shlain

Tác giả Leonard Shlain
Bộ sách Tủ Sách Tri Thức Mới
Thể loại Khoa học - Tâm lý học
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 7373
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Leonard Shlain Tủ Sách Tri Thức Mới Khoa học Vật lý Nghệ thuật
Nguồn tve-4u.org
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Nghệ thuật thể hiện thế giới nhìn thấy được, còn vật lí giải thích sự vận hành không nhìn thấy được của thế giới đó, khiến cho hai lĩnh vực này dường như hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng trong cuốn Nghệ thuật và vật lí, Leonard Shlain đã theo dõi sát sự phát triển bên cạnh nhau của hai lĩnh vực này trong suốt nhiều thế kỉ để phát lộ ra một mối tương quan thật kinh ngạc về quan niệm.

***

Có một lần vào năm 1979, tôi đưa đứa con gái mười hai tuổi của mình đi thăm Bảo tàng Mĩ thuật Hiện đại tại thành phố New York. Tôi có phần lo rằng việc nuôi dưỡng tại vùng California đã tước đi của con bé cái vốn di sản văn hóa phong phú của nền văn minh phương Tây, và muốn cho cháu xem một số ví dụ xuất sắc của nó đang tồn tại ở bờ phía Đông này của nước Mĩ.

Bắt đầu với các tác phẩm trưng bày thuộc trường phái Ấn tượng Pháp của Bảo tàng, tôi đã cố khuấy động trong con tôi niềm sùng kính và tâm trạng rạo rực mà tôi luôn cảm thấy trước những tuyệt tác hội họa. Tuy nhiên, khi hai bố con càng đi sâu mãi vào cái mê cung trong bảo tàng, các tác phẩm mỗi lúc càng trở nên hiện đại hơn. Con gái tôi, với cái lối hỏi làm người lớn bối rối, cứ ép tôi phải giảng giải hết bức tranh này đến bức tranh khác tại sao chúng lại tạo nên “nghệ thuật vĩ đại” như vậy. Tôi đã phải trả lời nó rằng nếu toà nhà này mà chỉ là kho báu của nền văn hóa của chúng ta, thì tôi chắc chắn có thể giải thích bằng một thứ tiếng Anh đơn giản về cái gì đã làm cho mỗi bức tranh trở nên quý giá, độc nhất vô nhị như vậy. Mỗi lúc tôi một bứt rứt vì không trả lời nổi các câu hỏi thẳng thắn của con bé.

Sau đó, vừa sưởi nắng và nhóp nhép nhai bánh mì kẹp xúc xích, hai bố con vừa bàn luận về những gì đã xem. Với vẻ hồn nhiên trong sáng của con trẻ, con gái tôi dõng dạc tuyên bố quan điểm của nó - rằng đối với phần lớn mảng nghệ thuật vừa rồi, vị Hoàng đế đã không hề có quần áo gì cả[1]! Tôi chợt nhận ra rằng mặc dù hiểu về nội dung trí tuệ của từng trào lưu hiện đại, nhưng thực ra tôi cũng chưa “nắm bắt được” nó. Tôi đâm cảm thấy bực bội với các họa sĩ đã làm cho việc lĩnh hội nghệ thuật trở nên quá khó đối với chúng ta. Cứ như là họ đã từ chối không cho chúng ta tham dự vào một vài bí mật quan trọng nào đó cùng với họ.

Rồi mấy ngày tiếp theo trong các bảo tàng khác, tôi cứ liên tục bị đối mặt với tình cảnh tiến thoái lưỡng nan không lấy gì làm thoải mái này. Làm thế nào mà ý nghĩa của những thể hiện nghệ thuật đồng đại với mình lại vuột qua sự hiểu biết của một thành viên năng động và nhạy bén của nền văn hóa như tôi?

Cũng trong chuyến đi ấy, tôi còn đọc một cuốn sách khá nổi tiếng về vật lí hiện đại và tôi đã phải vật lộn với những khái niệm cơ bản của môn khoa học này. Nỗi tò mò suốt đời tôi về những vấn đề như vậy đã không được môn vật lí thuở đại học làm cho thoả mãn, bởi vì chúng tôi đã không được học cả thuyết tương đối của Einstein lẫn môn cơ lượng tử. Vị giáo sư lầm lì và khô khan của chúng tôi đã gạt phắt chúng đi, nói rằng ông đã hết thời gian. Những năm sau đó, khi bắt đầu tự mày mò tìm hiểu về vật lí hiện đại, tôi đã choáng váng trước sự khó hiểu dị thường của nhiều ý tưởng cơ bản của nó. Ý nghĩ này đã trở lại với tôi trong chuyến thăm bảo tàng ở New York. Mấy ngày sau, khi đang lơ đãng đứng trước một bức tranh trừu tượng khồng lồ tại phòng tranh Whitney, tôi băn khoăn tự hỏi làm thế nào mà một hệ thống suy tư về thế giới (bởi vì vật lí về bản chất chính là thế) lại có thể vượt quá tầm hiểu biết của hầu hết những thành viên thông minh nhất của xã hội.

Chính lúc ấy tôi chợt bừng ngộ ra điều làm nên cảm hứng cho cuốn sách này, và cho mười năm làm việc tiếp theo. Tôi thầm nghĩ, hình như có một mối liên hệ giữa cái không thể giải thích hết được của nghệ thuật hiện đại với cái không thể thấu hiểu hết của vật lí hiện đại.

Về nghề nghiệp, tôi không phải là nhà vật lí hay nhà phê bình nghệ thuật, mà là bác sĩ phẫu thuật. Vì thế, tôi đem đến cho cả nghệ thuật lẫn vật lí một con mắt nhìn tương đối không định kiến và một tâm thế của người mới bắt đầu học hỏi. Mặc dù sự khờ khạo của mình đã buộc tôi thực hiện nhiều nghiên cứu hơn hẳn so với một chuyên gia có thể phải làm để hiểu được những sắc thái tinh tế của chủ đề này; nhưng chính điều đó lại có những ưu thế nổi bật. Chẳng hạn như, vì không phải kiếm sống dựa trên một trong hai lĩnh vực ấy, tôi có phần nào tự do hơn trong các suy đoán của mình so với các nhà chuyên môn, những người luôn có một cái gì đó dễ bị mất. Tôi sẽ tiếp cận vật lí với tư cách như là một nghệ sĩ cố gắng giải thích các nguyên lí của nó với những nghệ sĩ khác. Tương tự như vậy, bằng diễn giải khoa học, tôi hi vọng sẽ giải mã được sự huyền bí của nghệ thuật.

Tôi thường được người ta hỏi tại sao một nhà phẫu thuật lại có thể nói một cách hấp dẫn được về hai chủ đề khá nặng và khác hẳn nhau như thế. Thật ngạc nhiên là chính nghề phẫu thuật, một cách chỉ riêng nó mới có, đã chuẩn bị cho tôi có thể đảm đương được nhiệm vụ ấy, bởi nhà phẫu thuật vừa là nhà khoa học vừa là nhà nghệ sĩ. Phẫu thuật đòi hỏi một cảm quan mĩ học sắc sảo đến tinh tế: trong nghề có câu châm ngôn rằng nếu một ca mổ “nom” không đẹp, thì hầu như chắc chắn là nó không vận hành một cách hoàn mĩ. Bác sĩ phẫu thuật do đó trông cậy chủ yếu vào hoạt động linh cảm thị giác-không gian của bán cầu não phải. Đồng thời, nghề của chúng tôi rõ ràng là được đào tạo một cách rất khoa học. Lập luận logic, suy đoán, tư duy trừu tượng của bán cầu não trái là những hòn đá bắc cầu dẫn đến các nguyên lí chuyên sâu của cái kho văn bản khoa học rộng bao la. Yêu cầu của nghề phẫu thuật, đòi hỏi tôi phải liên tục chuyển đi chuyển lại giữa hai chức năng bổ trợ nhau ấy của tâm lí con người, đã phục vụ đắc lực cho tôi để thực hiện công trình này.

Dự định của tôi là nhằm tới các độc giả thiên về nghệ thuật muốn hiểu thêm về vật lí hiện đại và các nhà khoa học muốn có một cái khung giá trị để thưởng thức nghệ thuật. Vì ngôn ngữ của vật lí là cực kì chính xác, đối lập với ngôn ngữ khơi gợi của nghệ thuật, tôi đã phải bắc nhiều “cây cầu” bằng kho từ vựng chung của hai lĩnh vực. Để đạt được việc này, đôi khi tôi phải mở rộng ý nghĩa của các thuật ngữ khoa học và thỉnh thoảng phải kéo dãn chúng ra trở thành các ẩn dụ thi ca. Đồng thời, tôi cũng đã phải nói rất cụ thể khi diễn giải một tác phẩm nghệ thuật, điều này làm cho người ta thấy có vẻ tôi tin rằng diễn giải của mình là diễn giải duy nhất đối với tác phẩm đó. Ngược lại, tôi biết rằng diễn giải của tôi chỉ là một trong nhiều diễn giải và mong nó sẽ làm phong phú thêm các diễn giải khác. Ghi nhớ như vậy trong tâm trí, tôi mong nhận được sự lượng thứ phần nào của các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực. Mượn lời của William Blake[2], “xin hãy tha thứ cho cái mà các bạn không tán thành và xin hãy yêu quý tôi về việc đã nhiệt tình dốc hết tài sức của bản thân.”

Khi tôi viết mấy câu cuối cùng trên, mà hài hước thay chúng lại xuất hiện trước tiên trong cuốn sách, thật khó có thể tin rằng cái công trình hút trọn thời gian công sức này của tôi đã hoàn thành. Tôi mong bạn khi đọc cuốn sách này sẽ thấy thích thú như khi tôi viết ra nó.

LEONARD SHLAIN

Thung lũng Mill, California

***

LEONARD SHLAIN TỰ BẠCH

Tôi thường thầm tự chơi một trò chơi trí tuệ là cố gắng miêu tả chỉ bằng một từ về một người nào đó mà mình đã biết tương đối rõ. Tôi biết một số người mà bản chất có thể tóm tắt trong từ Không!, còn một số khác thì là Có!. Số nữa thì là Có thể. Đối với một số khác nữa thì là Khi nào?, hay Ở đâu?, hoặc Như thế nào? Nhiều người thì cái từ đơn đó sẽ là Ai? Các tính chất như hăng say, chịu đựng, sáng tạo hay độc hại tôi thấy có thể hợp với một số cá nhân khác. Còn cái từ duy nhất mà tôi dùng để tóm tắt mình sẽ là Tại sao?

Tôi sinh ra ở Detroit, Michigan. Cha tôi là một người Nga di cư, cha mẹ vợ tôi cũng vậy. Theo như trí nhớ của tôi thì chưa bao giờ tôi thấy cha mình cầm trên tay một cuốn sách nào cả. Là một nhà kinh doanh cực kì thông minh, ông luôn ngốn ngấu tờ báo, nhưng ông không hề quan tâm đến bất cứ vấn đề gì liên quan đến văn học. Mẹ tôi thì lại là một độc giả say mê các thiên tiểu thuyết diễm tình. Cả hai ông bà đều không tỏ ra có một tình yêu nào đối với nghệ thuật hay khoa học. Tôi là một đứa trẻ mơ mộng, thường hay chơi những trò chơi tưởng tượng tỉ mỉ. Tôi yêu thể thao và thường được là ứng viên thứ ba hay thứ tư chức đội trưởng các đội tuyển của trường. Tôi lắp ráp mô hình máy bay... và tôi yêu đọc sách.

Tôi là con út trong nhà. Anh trai và hai chị gái đã không có ảnh hưởng thực sự lớn lắm đến lòng say mê học hỏi trong tôi. Nói một cách ẩn dụ, nhờ có ngọn đèn xì mà ông bố luôn thúc vào lưng liên quan đến bảng kết quả học tập, mà tôi đã tốt nghiệp trung học vào năm mười sáu tuổi - một ý tưởng tồi. Về mặt tình cảm, tôi chỉ mới mười sáu tuổi trong khi các bạn cùng lớp đã mười tám, một khoảng cách phải đo bằng nhiều năm ánh sáng - hay ít ra cậu học trò năm cuối trường trung học này đã cảm thấy như vậy.

Là người con đầu tiên trong gia đình vào được đại học, tôi nhập trường với ý định sẽ trở thành một bác sĩ (lại một kết quả nữa của ngọn đèn xì). Tôi đăng kí học theo một chương trình tăng tốc là chương trình có thể giúp tôi xin học được vào trường y ngay từ năm thứ hai, chứ không phải đi theo chương trình quy chuẩn thông thường bốn năm. Để đạt được mục đích của mình, tôi phải học tăng số môn khoa học lên gấp đôi để hoàn thành các yêu cầu cần thiết trong khoảng thời gian đã rút ngắn lại ấy.

Không có dịp học xong năm thứ hai và không đăng kí học được các môn tự chọn về các khoa học nhân văn đầy thú vị, tôi có cảm giác mình đã bị thiêu thiếu một cái gì đó. Nhưng trong cơn lốc quay cuồng của những năm tiếp theo đó - trường y, thực tập nội trú trong bệnh viện, một đợt quân dịch bắt buộc, rồi bác sĩ phẫu thuật nội trú bắt đầu từ Bệnh viện Bellevue New York và kết thúc tại Bệnh viện Giáo hội Trưởng lão ở San Francisco - tôi đã có rất ít thời gian để tiếc than cho mất mát ấy của mình. Giai đoạn ấy của đời tôi dường như chuyện tôi đã bỏ ra mười hai năm trong trại huấn luyện tân binh lính thủy đánh bộ.

Bất chấp niềm tự hào về việc mình đã làm chủ được một loạt những kĩ năng chuyên môn, tôi vẫn mong lấp đầy được cái mà tôi coi là một lỗ hổng khổng lồ trong học vấn của mình. Tại sao, tôi thầm hỏi, những con người mà tôi kính trọng lại có vẻ như biết thưởng thức được những lĩnh vực mà tôi hầu như biết rất ít hay chẳng biết gì? Giá như tôi đã có được kiểu sống nhàn nhã hơn một chút, thì có lẽ tôi đã đăng kí học một trong nhiều khóa bổ túc dành cho người lớn tại vùng Vịnh San Francisco này. Nhưng không may, gia đình, con cái và những đòi hỏi lúc nào cũng thường trực của cái nghề nghiệp chuyên môn mà tôi đã chọn không cho phép tôi thực hiện được phương án ấy. Cuộc đời tôi luôn quá lộn xộn một chút, nên tôi không có thể thực hiện được bất kì một kiểu đào tạo sau đại học quy củ trường lớp nào. Phương án duy nhất còn lại là tôi phải tự mình thực hiện việc đó.

Khi nhìn lại những cuốn sách mà mình đã viết, tôi thấy chúng dường như là cái cách thức để tôi tự thỏa mãn với những tò mò của mình và thu nhận kiến thức về những chủ đề mà tôi trước đó chỉ loáng thoáng biết đến.

Mỗi một cuốn sách tôi viết ra đều bắt đầu bằng các câu hỏi. Trong trường hợp của Nghệ thuật và Vật lí, các câu hỏi ấy là: Tại sao nghệ thuật hiện đại lại khó hiểu đến như vậy? Có được điểm số đáng khâm phục trong kì thi vào đại học, nhưng tại sao tôi lại “chẳng luận ra được gì” với loại nghệ thuật ấy? Tại sao tôi lại không hình dung ra nổi continuum không-thời gian hay bước nhảy lượng tử? Trong những cuốn sách tiếp theo của tôi, các câu hỏi là: Nếu mọi người đã từng tôn thờ các nữ thần trong thế giới cổ đại, tại sao họ lại thôi không làm thế nữa? Tại sao các niềm tin tôn giáo lại có sức mạnh ghê gớm đến như vậy? Tại sao phụ nữ lại hành kinh? Nếu hơn 4.000 loài có vú giống cái khác đã có thể sinh con mà không phải mất đi một lượng tương tự cái chất dịch sống còn này, thì tại sao loài người chúng ta vẫn còn cái đặc tính này được mã hóa ghi trong gen của chúng ta?

Khi tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi này từ các chuyên gia, tôi phát hiện ra rằng các câu trả lời của họ đều không rõ ràng. Được trời ban cho một óc tưởng tượng dồi dào, tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ xem có thể xây dựng được một giả thuyết khả dĩ đáng tin để giải thích cái bí ẩn này hay không. Một khi có được bằng một linh cảm sáng tạo nào đó, tôi liền lao vào từng chủ đề, lục lọi kiếm tìm các bằng chứng để chứng minh cho các lí thuyết của mình. Mỗi một công trình của tôi đều bắt đầu bằng việc nghiên cứu tập trung đáng kể. Và như thực tế thường thấy, tôi đã bắt gặp được đủ mọi kiểu sự thật rất thú vị mà tôi dệt thành các trang sách sau này.

Các cặp hồ sơ của tôi đều phồng căng vì những bài viết xé ra từ báo và tạp chí, hay những trang sách tôi sao chụp từ những cuốn sách được chú giải kĩ càng. Tôi yêu bản thân quá trình tìm kiếm. Mỗi khi phát hiện ra được một mối liên hệ giữa hai chủ đề hoàn toàn cách biệt, tôi cảm thấy râm ran cả da đầu. Tôi có thể hình dung ra rằng các tế bào hình cây trong não mình đang vươn ra tạo nên các liên hệ mới với khối kiến thức cũ. Đối với tôi, làm cho da đầu ngứa râm ran như thế là một trong những phương diện thích thú nhất của việc viết - đúng vào khi sắp xếp nên một câu văn thanh nhã hay chọn được một ẩn dụ thích hợp. Càng ngày càng tăng, các cố gắng của tôi đang chưng cất bản chất của tôi thành một từ duy nhất - nhà văn.

***
Nghệ thuật và vật lí là một cặp ghép thật lạ lùng. Trong một loạt các lĩnh vực của con người, liệu còn có hai cái nào xa biệt với nhau hơn thế không? Người nghệ sĩ sử dụng hình tượng và ẩn dụ; còn nhà vật lí thì dùng con số và phương trình. Nghệ thuật ôm trùm một lãnh địa tưởng tượng của các đặc trưng mĩ học, còn vật lí tồn tại trong một thế giới của các quan hệ toán học được khoanh định một cách rạch ròi giữa những thuộc tính có thể lượng hóa được. Từ trước đến giờ, nghệ thuật đã sáng tạo nên các ảo ảnh nhằm khơi gợi cảm xúc, còn vật lí là một ngành khoa học chính xác tạo nên tính có lí. Thậm chí những luận đề khuôn sáo của hai lĩnh vực này cũng đối nghịch nhau như hai cực trái đất. Trong trường đại học, lớp sinh viên nghệ thuật tiên phong thời thượng thường không giao du với đám đồng trang lứa phàm phu hơn ở khoa vật lí. Nếu tình cờ đem đặt cạnh nhau thì thấy hai lĩnh vực này dường như chả có mấy gì chung: nghệ thuật ít khi, nếu như có, được đả động đến trong bất kì một cuốn sách giáo khoa tiêu chuẩn nào về vật lí, còn các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật cũng hiếm khi diễn giải tác phẩm của một nghệ sĩ dưới ánh sáng của khuôn khổ khái niệm vật lí.
Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt có vẻ như không thể dung hòa nổi ấy, có một đặc tính cơ bản đã liên kết vững bền hai lĩnh vực này. Cả nghệ thuật đột phá lẫn vật lí có tầm dự báo xa đều là những cuộc khám phá vào bản chất của hiện thực. Roy Lichtenstein, nghệ sĩ trường phái bình dân những năm 60 của thế kỉ hai mươi, đã tuyên bố: “Nhận thức có tổ chức chính là cái mà nghệ thuật muốn nói tới”. Issac Newton có thể cũng đã phát biểu hệt như thế về vật lí, bởi vì chính bản thân ông cũng quan tâm đến những nhận thức có tổ chức. Tuy các phương pháp của hai lĩnh vực khác nhau một cách cơ bản, nhưng cả nghệ sĩ lẫn nhà vật lí đều cùng chung một niềm khao khát muốn khám phá những cách thức mà các mảnh đan xen lẫn nhau của hiện thực đã ghép lại với nhau. Đây chính là nền tảng chung mà trên đó vật lí và nghệ thuật đã gặp nhau.
Paul Gauguin có lần đã nói: “Chỉ có hai loại nghệ sĩ - những nhà cách mạng và những kẻ sao chép”. Nghệ thuật bàn luận trong cuốn sách này chủ yếu sẽ là nghệ thuật được các nhà cách mạng sáng tạo ra, bởi vì tác phẩm của những nghệ sĩ đó báo hiệu khởi đầu một sự thay đổi lớn trong thế giới quan của cả một nền văn minh. Tương tự như vậy, mặc dù sự phát triển của vật lí luôn luôn phụ thuộc vào các cống hiến tích tụ từ nhiều con người làm việc tận tụy và xuất chúng, nhưng trong một số dịp hiếm hoi của lịch sử, đã xảy ra việc cá nhân một nhà vật lí nào đó đã có một cái nhìn thấu đáo một vấn đề quan trọng tới mức khiến cho quan niệm của toàn bộ xã hội ở thời đại đó về hiện thực bị xem xét lại. Thi sĩ Rainer Maria Rilke đã gọi cái tầm nhìn siêu việt ấy là một cơn “bùng cháy của minh thị”, cho phép một số nghệ sĩ và nhà vật lí nhìn thấy được cái mà không một ai trước họ đã từng nghĩ là có. Họ - những người nghệ sĩ cách mạng và nhà vật lí có tầm nhìn sâu xa - sẽ được ghép cặp trong những trang sách tiếp sau đây.
Định nghĩa của Émile Zola về nghệ thuật - là “Tự nhiên được nhìn qua một tâm trạng” - cũng gợi đến vật lí, vì tương tự như nghệ thuật, vật lí cũng có liên hệ với tự nhiên. Trong tiếng Hi Lạp, từ physis (vật lí) có nghĩa là “tự nhiên”. Lấy cái nền chung ấy làm điểm xuất phát, tôi sẽ mô tả các mối liên kết cũng như những sự khác biệt giữa hai con đường có vẻ như khác hẳn nhau này mà theo đó hai hệ thống nhận thức của chúng ta về tự nhiên được tổ chức nên.
Cũng như bất kì một nhà khoa học nào khác, nhà vật lí có nhiệm vụ phá vỡ “tự nhiên” ra thành các thành tố để phân tích mối quan hệ của chúng với nhau. Quá trình này chủ yếu là một quá trình quy giản. Ngược lại, người nghệ sĩ thường đem các đặc trưng khác biệt của thực tại đặt cạnh nhau rồi tổng hợp chúng, để đến lúc hoàn thành, tổng thể công trình sẽ lớn hơn tổng các thành tố ấy. Có một sự giao thoa đáng kể trong những kĩ thuật mà nhà vật lí và người nghệ sĩ sử dụng. Nhà văn Vladimir Nabokov đã viết: “Không có khoa học nào mà không có sự tưởng tượng, cũng như không có nghệ thuật nào mà không có sự thật”.
Trong phạm vi của chủ đề khoa học, ở cuốn sách này, tôi sẽ tập trung vào vật lí theo quá trình mà nó đã phát triển mấy trăm năm trở lại đây. Tuy nhiên, xin độc giả lưu ý rằng nhà vật lí ngày nay đang khoác một chiếc áo choàng được truyền từ đời này sang đời khác trong lịch sử nhân loại. Nhà vật lí ngày nay là đại diện đương đại của một truyền thống quang vinh, mà chúng ta có thể khám phá ra nguồn gốc sâu xa của nó thông qua những nhà khoa học đầu tiên - các nhà thần học đạo Cơ đốc, các nhà triết học tự nhiên, các tu sĩ đa thần giáo và các pháp sư thời đồ đá cũ, những người xuất sắc nhất trong số họ đã đóng góp từng mảnh một trong cái trò chơi chắp hình đến bất tận của tự nhiên. Có lẽ, nhà vật lí đầu tiên chính là cái người đã khám phá ra cách làm thế nào để tạo nên một ngọn lửa.
Tôi đã chọn riêng ra ngành vật lí, bởi vì trong thế kỉ này, tất cả các ngành khoa học “cứng” khác đều nhận thấy rằng chúng đều được neo chung vào cái tảng đá này. Hóa học khởi đầu bằng những cố gắng nhằm xác định và phân lập các nguyên tố, và đi đến chỗ hòa nhập vào các định luật chi phối các hiện tượng ở cấp độ nguyên tử. Thiên văn học bắt đầu từ niềm ngạc nhiên thích thú trước chuyển động của các thiên thể và tiến đến việc tìm hiểu cấu trúc của hệ mặt trời. Ngày ngay, khi nghiên cứu các thiên hà, nhà vật lí thiên văn nói về các định luật chi phối các lực và vật chất. Khởi đầu từ phép phân loại các giống loài ở thời Aristotle, sinh học đã phát triển thành sự nghiên cứu về mối tương tác vật lí của các nguyên tử trong sinh học phân tử. Vật lí, trước kia chỉ là một ngành trong các ngành khoa học, đến thế kỉ này đã được trao vương miện, trở thành ông Vua của các ngành Khoa học.
Trong trường hợp của các ngành nghệ thuật thị giác, bên cạnh việc tô điểm, bắt chước, diễn giải hiện thực, một số ít nghệ sĩ đã sáng tạo ra một loại ngôn ngữ kí hiệu / biểu tượng biểu trưng cho những thứ mà chưa có từ ngữ để gọi chúng. Giống như Sigmund Freud viết trong tác phẩm Văn minh và những sự bất bình của nó đã ví sự tiến bộ của toàn thể những con người trong một nền văn minh như sự phát triển của một đời người, tôi cho rằng những cách tân cơ bản của nghệ thuật là hiện thân của các giai đoạn tiền ngôn ngữ của các khái niệm mới mà cuối cùng chúng sẽ làm thay đổi cả một nền văn minh. Dù là một đứa trẻ hay một xã hội đang mấp mé bên bờ của sự thay đổi, thì việc “tiêu hóa” các hình ảnh không quen thuộc sẽ là khởi đầu cho một cách tư duy mới về hiện thực. Sự đối chiếu này sẽ dẫn đến việc hình thành các ý tưởng trừu tượng, những cái mà sau đó mới làm nảy sinh ra ngôn ngữ mô tả.
Ví dụ, hãy quan sát một đứa trẻ khi nó đang cố gắng làm chủ môi trường quanh nó. Rất lâu trước khi khả năng nói / lời nói hình thành, đứa trẻ đã thiết lập được một mối liên hệ giữa cái bình sữa và cảm giác thỏa mãn. Dần dà nó tích tụ được một loạt hình ảnh khác nhau của cái bình. Đây là một chiến công đáng kinh ngạc, nếu xét đến việc cái bình được nhìn theo các góc khác nhau sẽ thay đổi hẳn hình dạng đi: từ một khối trụ chuyển sang hình bầu dục rồi sang vòng tròn. Tổng hợp các hình ảnh ấy lại, các cơ quan nhận thức đang phát triển của đứa bé sẽ tạo ra một hình ảnh trừu tượng hàm chứa ý niệm về toàn bộ nhóm các vật mà từ đó đứa bé có thể nhận ra đó là cái bình sữa. Bước trừu tượng hóa này cho phép em bé hiểu được ý niệm “cái bình”. Do vẫn còn chưa có ngôn ngữ, đứa bé giờ đây có thể phát ra tín hiệu ham muốn bằng cách chỉ tay.
Rồi vào một thời điểm nhất định, trong khu vực của bộ não gọi là vùng Broca, các liên hệ giữa các khớp thần kinh đạt đến con số tới hạn, kích hoạt cái công tắc làm bừng sáng cái sức mạnh thần kì của ngôn ngữ. Cái nhà máy chế tạo ngôn ngữ này, xình xịch chạy lan mãi tới xa, tạo ra các âm thanh thay thế, thậm chí che mờ đi những hình ảnh ban đầu. Ngay sau khi đứa bé liên kết được hình ảnh của cái bình với từ “bình”, thì từ này bắt đầu xóa nhòa hình ảnh cái bình, đến mức mà khi trở thành người lớn, chúng ta hầu như không nhận ra rằng khi chúng ta tiến hành tư duy trừu tượng, chúng ta đã không còn nghĩ ngợi theo các hình ảnh nữa. Các khái niệm như “công lí”, “tự do”, “kinh tế học” có thể được lật đi lật lại trong tâm trí chúng ta mà không cần phải viện đến hình ảnh. Mặc dù không bao giờ có quyết định thắng thua dứt khoát giữa từ ngữ và hình ảnh, nhưng con người chúng ta là loài phụ thuộc vào sự trừu tượng hóa của ngôn ngữ, và chủ yếu, từ ngữ cuối cùng luôn vượt lên trên hình ảnh.
Khi ôn lại quá khứ, lục lọi trong kí ức, hồi tưởng, suy ngẫm và hình dung, chúng ta nói chung đều dùng đến hình ảnh. Nhưng để thực hiện cái chức năng cao nhất của bộ não là tư duy trừu tượng, chúng ta đã từ bỏ việc sử dụng hình ảnh và đủ sức làm được mà không phải nhờ cậy đến chúng. Chúng ta đã gọi một cách rất chính xác kiểu tư duy ấy là “trừu tượng”. Đây chính là vương quyền và cũng là sự chuyên chế của ngôn ngữ. Việc gán một cái tên cho một cái gì đó chính là khởi đầu của sự kiểm soát đối với nó. Sau khi Chúa Trời tạo ra Adam, công việc đầu tiên mà Người sai Adam thực hiện là gọi tên tất cả các loài vật. Chúa cho Adam biết rằng làm xong được việc lớn ấy, Adam có thể thống trị tất cả các loài cầm thú. Hãy lưu ý rằng Chúa Trời đã không dạy Adam một cái gì thực dụng như nhóm lên một ngọn lửa hay chuốt nên một cây lao. Thay vào đó, Chúa dạy Adam Cách gọi tên. Từ ngữ, hơn là sức mạnh hay tốc độ, đã trở thành vũ khí mà loài người sử dụng để chinh phục tự nhiên.
Do việc từ ngữ làm xói mòn đi hình ảnh đã xảy ra tại một thời kì sớm đến thế trong cuộc đời con người, nên chúng ta đâm ra quên mất rằng để học được một cái gì đó đặc biệt mới lạ, chúng ta trước hết cần phải hình dung ra nó. “Hình dung” có nghĩa đen là “tạo ra một hình ảnh”. Hãy xét đến những lời chúng ta thốt ra khi phải vật lộn với một ý tưởng mới: “Tôi không hình dung được”, “Hãy để tôi tưởng tượng ra trong đầu”, “Tôi đang cố hình dung ra nó”. Thiết nghĩ, nếu như chức năng tưởng tượng đã đóng vai trò tối quan trọng như thế trong sự phát triển của một đứa trẻ, và nó cũng đã hiện diện trong nền văn minh của loài người nói chung, vậy thì ai là người đã sáng tạo ra các hình ảnh đi trước các ý niệm trừu tượng và ngôn ngữ mô tả? Đó chính là người nghệ sĩ. Trong các trang tiếp theo, tôi sẽ chứng minh nghệ thuật có tính cách mạng có thể được hiểu như thế nào với tư cách là giai đoạn tiền ngôn ngữ của một nền văn minh khi nền văn minh đó bắt đầu trăn trở để thay đổi về cơ bản sự nhận thức của nó đối với thế giới. Để diễn giải cho luận đề này, tôi sẽ nghiên cứu nghệ thuật không chỉ với tư cách là một đối tượng mĩ học làm mãn nhãn chúng ta, mà còn như một Hệ thống Cảnh báo từ xa của tư duy tập thể cả một xã hội. Nghệ thuật thị giác đã báo trước cho các thành viên khác rằng sắp sửa có một sự chuyển dịch khái niệm xảy ra trong hệ thống tư duy đang được sử dụng để nhận thức thế giới. Nhà phê bình nghệ thuật John Russell đã nhận xét: “Trong nghệ thuật, tồn tại một viễn kiến về thế giới mà chúng ta còn chưa tìm ra từ để gọi, chứ chưa nói đến chuyện giải thích được nó”.
...
Mời các bạn đón đọc Nghệ Thuật Và Vật Lý của tác giả Leonard Shlain.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000