Cuốn sách này không thực sự nhằm vào một đối tượng nào. Khi viết sách này, tác giả không quan tâm phục vụ hoặc chống lại bất kỳ phe phái nào. Tác giả tìm cách hiểu thấu vấn đề không theo cách làm cho nó khác đi mà theo cách nhìn xa hơn các phe phái. Và trong khi các phe phái lo toan đến ngày mai thì tôi muốn lo nghĩ cho tương lai.
Theo tác giả, nền dân trị hứa hẹn được những gì cho tương lai là tuỳ thuộc vào yếu tố quyết định: tinh thần trách nhiệm của các công dân đối với cộng đồng. Từ đó, ông đặt ra hàng loạt vấn đề còn nóng bỏng tính thời sự:
- Nên mạnh dạn thực hiện nền dân trí đến đâu?
- Làm thế nào để hợp nhất sự tham gia của toàn dân với thể chế chính trị đại diện?
- Xã hội hiện đại đứng trước nguy cơ nào khi sự thờ ơ, tính phi chính trị và xu hướng trở về với cuộc sống riêng tư ngày càng gia tăng trong nhân dân?
- Làm sao cân đối được mối quan hệ giữa nhà nước và kinh tế, giữa cá nhân và xã hội: hay nói cách khác, giữa tự do và bình đẳng?
***
Trong những ngày lưu trú ở Hoa Kì, giữa những cái mới lạ hấp dẫn tôi, chẳng có thứ gì đập mạnh vào mắt hơn là sự bình đẳng của những điều kiện. Tôi có thể khám phá chẳng khó khăn gì ảnh hưởng kì diệu của sự kiện căn bản này đến tiến trình của toàn bộ xã hội. Nó đem lại một định hướng tinh thần nhất định cho công chúng, nó tạo một dáng vẻ nhất định cho luật pháp. Nó đem lại cho người cầm quyền những châm ngôn xử thế mới mẻ và đem lại cho người bị cai trị những tập quán đặc thù.
Rồi tôi sớm nhận ra rằng, sự kiện ấy cũng ảnh hưởng ra rất xa khỏi những tập tục chính trị và luật pháp, và nó tác động không kém cả đến xã hội dân sự lẫn chính quyền. Nó tạo ra dư luận, nó làm nảy sinh các tình cảm, nó tạo ra các tập quán và cải biến những gì không do nó tạo ra.
Vậy là, càng nghiên cứu xã hội Mĩ, tôi càng nhìn thấy nhiều hơn rằng sự bình đẳng của những điều kiện là sự kiện tạo sinh (le fait générateur) hầu như đã đề ra từng sự kiện riêng rẽ, và tôi không ngừng bắt gặp lại điều ấy trước mắt mình như một trung tâm điểm từ đó mọi quan sát của mình đều quy tụ vào.
Thế rồi tôi suy nghĩ trở về với bán cầu của chúng ta và tôi thấy dường như ở châu Âu cũng có cái gì đó tương tự với cái khung cảnh đang diễn ra trước mắt tôi ở Tân thế giới. Tôi nhìn thấy sự bình đẳng của những điều kiện, tuy không đạt tới tột cùng giới hạn như ở Hoa Kì, song từng ngày lại vẫn tiến gần hơn tới trình độ đó. Và tôi cảm thấy cái nền dân trị ấy, là cái đã ngự trị xã hội nước Mĩ rồi, thì ở châu Âu nó đang tiến nhanh tới chỗ thành một quyền lực hẳn hoi.
Từ phút giây đó hình thành trong tôi ý tưởng viết nên cuốn sách mọi người rồi sẽ đọc.
Mời các bạn đón đọc
Nền Dân Trị Mỹ của tác giả
Alexis De Tocqueville.