DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả cuốn “Nàng vũ công” gồm tuyển tập bộ ba truyện ngắn đầu tay của Mori Ogai – môt trong ba trụ cột của nền văn học hiện đại Nhật Bản.

“Nàng vũ công” tuyển tập bộ ba truyện ngắn đầu tay của Mori Ogai gồm Nàng Vũ Công, Truyện Người Phù Du và Người Đưa Thư. Đây là tam bộ tác trữ tình về nước Đức, được coi là những tác phẩm mang tính khai sáng khuynh hướng lãng mạn phương Tây trong văn học Nhật Bản cận đại.

Ba tác phẩm này cùng kết hợp với nhau đã miêu tả chân thực quãng thời gian Mori Ogai du học ở Đức, làm sống lại bầu không khí và cuộc sống ở ba nơi mà ông đã từng đi qua.

Thành phố Berlin cùng câu chuyện tình với nàng thiếu nữ múa ba – lê; Quãng thời gian lang thang ở những quán cà phê tại München trong Truyện Người Phù Du; Và cuối cùng là cuộc sống cùng giới quý tộc Sachsen trong Người Đưa Thư. Cả ba không chỉ đẹp kỳ lạ vì mối tình buồn giữa chàng trai người Nhật và cô gái Đức, mà còn mang tính “tự thú” của nhân vật kể chuyện, và biết đâu cũng là của chính tác giả.

***

Mori Ogai sinh ra ở Tsuwano, tỉnh Iwami (nay là tỉnh Shimane) trong một gia đình đời đời làm nghề thầy thuốc cho lãnh chúa, lớn lên theo truyền thống đó, vào Đại học Đế quốc Tokyo học y khoa. Ông tốt nghiệp năm 1881 và trở thành quân y của lục quân.

Dấu ấn lãng mạn

Sau khi học ở Đức trở về, Ogai đã bắt đầu văn nghiệp bằng việc xuất bản hợp tuyển thơ dịch nhan đề Dấu tích (Omokage - Vestiges, 1889). Đó chính là một sự giới thiệu kịp thời thơ lãng mạn phương Tây. Sau đó, ông thâm nhập vào lĩnh vực tiểu thuyết.

Tiểu thuyết đầu tay của ông, Nàng vũ công (Maihime, 1890) được viết dưới hình thức một thiên hồi ký với lời văn thanh nhã miêu tả mối tình giữa một sinh viên Nhật, Ota Toyotaro và nàng vũ công nghèo tên Elisa mới 16 tuổi, tại thành phố Berlin cuối thế kỉ 19. Mối tình này rất gần gũi với cuộc sống của chính Mori Ogai.

Khi Mori Ogai đi Đức học 5 năm, một cô gái người Đức tên Elise, vì yêu ông say đắm nên cũng đã theo ông đến Nhật. Nhưng sau đó, vì những lề thói xã hội khi đó, mối tình của họ cũng buộc phải dang dở. Mori Ogai cưới con gái của một trung tướng Nhật.

Có lẽ Mori Ogai viết câu chuyện này để hồi tưởng lại mối tình đã qua của mình, cũng là để bày tỏ nỗi hoài nhớ của mình với thời kỳ sống ở Đức.

Văn chương trong tác phẩm này thanh nhã, tác giả kết hợp được lối hành văn mới mẻ của Tây phương, cùng khả năng sử dụng Hán văn điêu luyện, làm toát lên hương vị trữ tình của Tây Âu cận đại. Với tác phẩm tiêu biểu này, Mori Ogai đã thật sự thổi một luồng gió mới vào văn đàn thời Minh Trị.

Cùng năm đó, ông viết Truyện người ca kỹ (Utakata no Ki) và năm sau lại cho ra đời Người đưa thư (Fumizukai). Cả ba tác phẩm đều nhuốm màu tình cảm lãng mạn cá nhân, được giới bình luận gọi chung là “bộ ba tác phẩm (trilogy) viết về nước Đức” của ông.

Ba tác phẩm này cũng tiêu biểu cho thời kỳ đầu tiên sáng tác, còn mang nặng dấu ấn cá nhân, nhưng đã thể hiện được những nét đặc trưng của Mori Ogai.

Sáng tạo và tính tự truyện

Cũng như nhiều nhà văn Nhật khác, Mori Ogai chống lại quan niệm của chủ nghĩa tự nhiên khi xem tính dục như trung tâm của cuộc sống con người, ông viết tác phẩm Tính dục (Vitas Sexualis, 1909) miêu tả một cách trần trụi phóng đãng nhưng cũng đầy tinh thần phê phán cuộc sống tính dục của các nhân vật trong truyện. Tác phẩm này đã bị cấm đoán lưu hành trong một thời gian khá dài.

Cũng trong giai đoạn này, ông liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, với những đề tài đa dạng, phong phú như Cuộc thảo luận (Kodankai), Tuổi trẻ (Seisen, 1910), Nhạn (Gan, 1911 - 1913),... Đây là những áng văn thể hiện tinh thần cởi mở, phóng khoáng của Mori Ogai, khi ông luôn tập trung khai thác những nét tinh tế riêng biệt trong mối quan hệ giữa con người với con người.

Tiểu thuyết Nhạn đã được dịch giả Hoàng Long chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đây là cuốn tiểu thuyết mang phong vị Nhật Bản rất đậm đà. Câu chuyện miêu tả tâm lý và tình cảm của một thiếu nữ con gái nhà bán kẹo, thấy bản thân gặp cảnh tù túng như lũ chìm mình nuôi trong lòng khi cô phải lấy Suezo, người làm nghề cho vay lãi, ông chồng già, không chút thương yêu.

Trong khi đó, chàng sinh viên trường thuốc hàng ngày đi đến trường dưới cửa nhà cô trên con dốc mang tên định mệnh là Dốc Vô Duyên mới là người cô thầm thương. Thế nhưng, có lẽ cũng do định mệnh, họ không bao giờ có thể ở gần nhau. Ngay dịp may gặp gỡ cuối cùng trước khi chàng sinh viên sang Đức du học cũng vô tình bị phá vỡ.

Tình cảm của họ cứ mãi là những run rẩy lặng thầm khuất lấp tận cùng tâm tư. Đó là kiểu u buồn, day dứt mà độc giả say mê văn chương Nhật vốn đã quá quen thuộc. Thế nhưng, Mori Ogai viết run rẩy đến mức, mọi ranh giới đời sống đều trở thành như hư hao mong manh.

Trong giai đoạn sáng tác này, những sáng tác của Mori Ogai hầu hết đều xoay quanh những cảm giác của kẻ “đứng bên lề”, hay “cam phận”. Nỗi thống khổ buồn bã ấy còn được thể hiện sâu đậm trong một số tác phẩm nối liền nhau như Dường như thế đấy (Kanoyoni, 1912) và Dưới cái chùy (Tsui ikka, 1913)...

Tác phẩm của Mori Ogai dù ở đề tài nào cũng thấm đẫm tính chất tự truyện. Dấu vết cuộc đời cá nhân của tác giả tồn tại như một chất liệu giàu có, đầy trăn trở và thôi thúc.

Mori Ogai cũng đóng vai trò tiên phong trong việc giới thiệu thơ Tây phương với người Nhật, với những tác phẩm thơ của Heinrich Heine và Goethe, được dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Ông cũng từng viết kịch theo phong cách Âu tây nhưng cũng yêu chuộng sân khấu cổ điển Kabuki.

Ngoài ra, Mori Ogai còn để lại dấu ấn trên phương pháp luận của các nhà phê bình văn học thời Minh Trị. Trong lãnh vực này, theo Ivan Morris, ông tỏ ra chịu ảnh hưởng mỹ học của triết gia duy lý Đức Karl Eduard von Hartmann (1842-1906).

***

Những mối tình viễn xứ

Được viết vào khoảng thời gian văn hào Mori Ogai du học tại Đức, tập truyện ngắn Nàng vũ công, bao gồm ba tác phẩm: Nàng vũ công, Truyện người phù du, Người đưa thư, dẫu có khác nhau về tình tiết, sự kiện, không gian, thời gian, ngôi kể… thì tất cả đều viết về chủ đề: những câu chuyện tình yêu, cảm xúc của các chàng trai du học nơi đất khách với những cô gái đẹp bản xứ.

Nàng vũ công được kể lại qua lời tự thuật của nhân vật “tôi”, một chàng người Nhật tên Toyotaro học tập và sinh sống ở Đức. Khoảng thởi gian đó, anh đã quen biết rồi nên duyên với nàng vũ công Elise. Câu chuyện tái hiện đủ thăng trầm cuộc sống cùng những mâu thuẫn, ngã rẽ đau đớn buộc người đàn ông phải đứng giữa các lựa chọn. Hay như cuộc hạnh ngộ đầy duyên nợ giữa chàng sinh viên mỹ thuật Kose cùng cô người mẫu xinh đẹp Marie, từ đó, mở ra cả đoạn tình cảm mang tính truyền đời kéo dài từ quá khứ tới hiện tại của cô gái nhỏ Marie ở tác phẩm Truyện người phù du. Và câu chuyện về cuộc gặp gỡ dầu ngắn ngủi nhưng mang tính quyết định tới số phận giữa sĩ quan trẻ tuổi Kobayashi với nàng tiểu thư Ida trong truyện ngắn Người đưa thư. Những mối tình đó có thể sâu dậm kéo dài theo năm tháng, cũng có thể chỉ là cảm xúc đẹp thoáng qua hay cuộc gặp gỡ vội vàng như một mối duyên nợ nhưng đều mang những nỗi sầu bi tha thiết.

Bởi thế, Nàng vũ công dù mang hình thức một tập truyện ngắn nhưng cấu trúc lại tựa cuốn tiểu thuyết với sự nhất quán ở chủ đề lẫn hình tượng tác phẩm. Qua đó, tác giả vừa tái hiện hình ảnh phương Tây từ bóng hình nước Đức hoa lệ vừa khắc họa hình ảnh những con người xa xứ nói chung và chính bản thân tác giả nói riêng. Những kẻ mang mối giao cảm với cố hương và mối giao hòa với bản xứ nơi họ sinh sống.

Cái đẹp và bi kịch

Ba truyện ngắn trong Nàng vũ công đều viết và thể hiện cái đẹp. Đó là vẻ đẹp của con người, cảnh vật, tình cảm, cảm xúc và vẻ đẹp trong chính ngôn từ của Mori Ogai. Cái đẹp ở Nàng vũ công còn đi liền với chất bi nơi trang viết.

Trước hết, khi viết về cái đẹp, Mori tái hiện lại nét đẹp miền viễn xứ xa xôi. Nước Đức và châu Âu đẹp từ cảnh vật: dòng nước, con sông, những nếp nhà, những cơn mưa tuyết và cơn giông…, là nơi giàu truyền thống văn hóa, nghệ thuật: những tòa lâu đài, bảo tàng danh giá cùng những “người khổng lồ” đã làm nên lịch sử. Có lẽ, mảnh đất đẹp đẽ, giàu truyền thống văn hóa lịch sử là cái nôi tạo nên những con người nghệ sĩ, hay chính những con người nghệ sĩ đã cùng nhau làm nên mảnh đất văn hóa lâu đời.

Cùng với vẻ đẹp đến từ cảnh vật, là vẻ đẹp của con người. Vẻ đẹp của các cô gái bản xứ: nàng Elise mong manh yếu đuối, nàng Marie với đôi mắt buồn bảng lảng nhưng hoang dại, cuồng si; nàng Ida quý tộc mà kiên cường, mạnh mẽ. Vẻ đẹp của các chàng trai du học sinh tài hoa đã phần nào khẳng định tài năng nơi đất khách.

Nhưng nét đẹp con người, dưới ngòi bút Mori Ogai không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp đến từ ngoại hình mà còn đến từ vẻ đẹp nội tâm. Mỗi người, mang một nét đẹp nhân dạng khác nhau tựa tấm gương phản chiếu chính tính cách, số phận họ. Và từ việc khắc họa dáng hình nhân vật, tác giả như ngầm tiên đoán trước với độc giả về số phận cùng những bi kịch trong cuộc đời từng người. Đó là bi kịch tình yêu bị chia cắt như của Elise với Toyotaro, là bi kịch sinh li từ biệt giữa Kose với Marie. Rộng hơn, đó còn là bi kịch thế hệ, bi kịch con người.

Và xuyên suốt cả ba truyện ngắn Nàng vũ công, Truyện người phù du, Người đưa thư, dù viết về cái đẹp hay cái bi, giọng văn của Mori Ogai vẫn giữ được chất thơ thấm từng câu chữ. “Trong cái lạnh tê buốt, những mảnh băng sắc nhọn tạo nên bởi tuyết phản chiếu ánh sáng từ bầu trời hửng nắng và lấp lánh lung linh.” Nhưng chính bởi tính thơ, tính nhạc, tính họa quyện hòa nơi con chữ kể cả khi Mori Ogai viết về những cái chết cứ mãi trở đi trở lại trong ba truyện ngắn mà nét buồn trong tập truyện Nàng vũ công lại càng thêm thấm thía, ám ảnh và nhức nhối.

Hồn Nhật nơi xứ người

Tuyển truyện ngắn Nàng vũ công gồm ba truyện ngắn Nàng vũ công, Truyện người phù du, Người đưa thư có bối cảnh ra đời khá đặc biệt. Dù đều là các sáng tác đầu tay của Mori Ogai nhưng được viết khi nhà văn đã gần 30, không còn quá trẻ và trong thời gian du học tại Đức. Hoàn cảnh, bối cảnh, người viết có nét đặc biệt đã làm nên một bộ ba truyện ngắn “mang tính khai sáng khuynh hướng lãng mạn phương tây trong văn học Nhật Bản cận đại.” Tính khai sáng ở đây không chỉ ở khía cạnh những câu chuyện trữ tình đầy cởi mở mà nằm trong hồn cốt con người gửi gắm trên trang viết, một tâm hồn Nhật Bản, lang bạt nơi đất khách.

Cả tập truyện như có một dòng chảy nối tiếp, phát triển qua từng truyện ngắn. Nàng vũ công là bóng hình người thanh niên trẻ tuổi lần đầu bước ra thế giới, trái tim còn nhiều chênh vênh, vô định. Người ta dần hoài nghi những giá trị được tiếp thu trước đó, hoài nghi chính bản thân. Sự hoài nghi, chênh vênh ấy cứ kéo dài và như một vết sẹo nhức nhối trong vô thức làm con người mãi dằn vặt giữa một bên là phương Tây phồn hoa với một bên là quê nhà xa ngái; một bên là tình cảm cá nhân với một bên là ý thức cộng đồng; một bên là hiện đại, tự do với một bên là truyền thống…

Rồi tới Truyện người phù du, sự hoài nghi đấy như đằm lại ở tầng sâu câu chữ. Con người ở đây, đã dần thích nghi và muốn gầy dựng sự nghiệp tại xứ sở xa lạ. Nhưng biểu tượng về quê hương hay thậm chí xa hơn, biểu tượng về tính bi kịch truyền đời buộc người ta lần nữa phải đối diện với bản ngã, đối diện với lăng kính tâm hồn của bản thân. Đời người, từng trải rất nhiều, có lẽ, tận cùng vẫn mãi chỉ là kiếp “phù du” trôi dạt.

Cuối cùng, ở Người đưa thư, tâm hồn Nhật Bản đã thật sự lắng lại trong một ngôn ngữ trần thuật đầy trung dung. Chủ thể tự coi mình như một bưu tá, hay chính như đôi mắt của thời đại. Cứ vậy lặng nhìn con người, sự việc trong sự chảy trôi của thời gian, cuộc đời.

Và phải chăng những chàng trai ở ba truyện ngắn đó, là phân thân của chính Mori Ogai trong tháng ngày ông sống ở nước Đức xa xôi. Một Mori Ogai mang tâm hồn rất Nhật nơi đất khách, dần hé mở cõi lòng đón nhận từng nhịp đập cuộc sống tại mảnh đất xa lạ. Một Mori Ogai, tới giây phút cuối, sau tất cả ngờ vực, hoài nghi, đam mê, say đắm, cũng phần nào lắng lại vào thẳm sâu cảm xúc.

Ba truyện ngắn, như ba lát cắt cuộc đời mang ý nghĩa tựa dấu gạch nối, không chỉ nối kết chặng đường sáng tác của Mori Ogai mà còn như nối kết hai tiến trình lịch sử văn học Nhật Bản; rộng hơn, nối kết hai bờ thế kỉ.

Mời các bạn đón đọc Nàng Vũ Công của tác giả Mori Ogai & Vĩnh Kê (dịch).
FULL: PDF

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000