DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Một Nghiên Cứu Về Các Nguyên Tắc Nhận Thức Của Con Người

Tác giả George Berkeley
Bộ sách Tinh Hoa Tri Thức
Thể loại Triết Học
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 6689
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full George Berkeley Tinh Hoa Tri Thức Triết Học Tham Khảo Chuyên Ngành
Nguồn tve-4u.org
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Về đại thể, cấu trúc của công trình Các nguyên tắc gồm hai phần: Dẫn nhập (gồm 25 tiểu đoạn) và Phần I (gồm 156 tiểu đoạn).

Trong phần Dẫn nhập, Berkeley chủ yếu tập trung phê phán học thuyết của Locke về các ý niệm trừu tượng như là một nguyên tắc sai lầm cơ bản đã “đưa toàn bộ sự nghi ngờ, sự không chắc chắn, những sự phi lý và những mâu thuẫn ấy vào trong một vài trường phái triết học” (§1). Đối với Locke, và nhiều triết gia khác, trí óc hay tinh thần “có năng lực tạo ra những ý niệm trừu tượng” (§6) bằng cách thực hiện thao tác tách biệt trong tư tưởng các yếu tố hay các thuộc tính của những sự vật cá biệt thành những cái cấu thành đơn giản để rút ra yếu tố hay thuộc tính mà các sự vật cá biệt đều có, tức những cái phổ biến.

Berkeley công kích học thuyết này bằng luận điểm cho rằng thao tác trừu tượng hóa các ý niệm như thế là điều ta không thể làm được, và nguồn gốc của sai lầm ấy chính là quan điểm ngộ nhận về công dụng của ngôn ngữ: mục đích của ngôn ngữ là truyền đạt các ý niệm của ta và mọi tên gọi (names) có nghĩa đều biểu thị một ý niệm trừu tượng. Đối với Berkeley, ngôn ngữ chỉ biểu thị các ý niệm phổ biến (general ideas) chứ không biểu thị bất cứ một ý niệm trừu tượng nào. Do đó, phương cách để ta có thể đi đến chân lý và tránh mọi sai lầm là hãy “loại bỏ trở ngại và sự lừa dối của những từ ngữ ra khỏi những đệ nhất nguyên nhân của nhận thức” (§25).

Toàn bộ nội dung của Phần I được Berkeley triển khai thành 156 tiểu đoạn liền mạch. Về sau, để giúp độc giả nắm bắt nội dung trình bày của Berkeley được dễ dàng hơn, các nhà biên tập các tác phẩm của Berkeley đã phân chia Phần I thành các nhóm tiểu đoạn như sau:

1. Đối tượng và chủ thể của nhận thức (§§1-2);

2. Những luận cứ ủng hộ thuyết phi vật chất (§§3-33);

3. Những luận cứ phản bác và trả lời (§§34-84);

4. Những hệ quả và áp dụng quan niệm của Berkeley (§§85-156).

***

 

Lời người dịch

George Berkeley (1685-1753) là triết gia duy nghiệm kiệt xuất người Ireland, một trong những gương mặt quan trọng nhất của nền triết học Tây phương hiện đại thời kì đầu. Lập trường triết học của Berkeley là duy tâm thường nghiệm (empirical idealism), được thể hiện trong câu cách ngôn nổi tiếng “esse est percipi” (tồn tại là được tri giác). Đối với ông, không có gì hiện hữu ngoại trừ các ý niệm và các tinh thần; các ý niệm là cái được tri giác, còn tinh thần (mind hay spirit)1 là cái tri giác những cái được tri giác. Các công trình của Berkeley trải rộng trên các lĩnh vực khoa học, triết học và thần học; riêng trong lĩnh vực triết học thì Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người (1710) và Ba cuộc đối thoại giữa Hylas và Philonous (1713) là hai công trình được biết đến nhiều nhất.

Vài nét tiểu sử và sự nghiệp của Berkeley

Berkeley chào đời vào ngày 12 tháng Ba năm 1685 ở Hạt Kilkenny, Ireland. Năm 11 tuổi, ông vào học trường Kilkenny ở Dublin. Năm 15 tuổi, ông bước chân vào Học viện Ba ngôi (Trinity College), cũng ở Dubin. Berkeley lấy bằng cử nhân tại đây vào năm 1704, đến năm 1707 lấy bằng Thạc sĩ và được tuyển làm giảng viên (Junior Fellow) của học viện này.

Năm 1709, Berkeley được thụ phong chức chấp sự (deacon) trong giáo phái Anh và xuất bản công trình chính đầu tiên của mình Thử hướng đến một lí thuyết mới về cái nhìn. Trong công trình này, Berkeley bàn về những giới hạn của cái nhìn của con người và đưa ra quan niệm rằng đối tượng thực sự của thị giác không phải là các đối tượng vật chất mà là ánh sáng và màu sắc. Những luận điểm được nêu ra trong công trình này báo hiệu sự ra đời của các công trình triết học quan trọng nhất của ông.

Vào năm 1710, khi chỉ mới 25 tuổi, Berkeley xuất bản công trình triết học Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người - Phần I, từ đây chúng tôi sẽ nói gọn là Các nguyên tắc. Công trình này là những nỗ lực của Berkeley gắng tìm cách bác bỏ những yêu sách của John Locke, một triết gia duy nghiệm thuộc thế hệ trước ông, về bản chất của tri giác con người. Nhưng vì công trình này thuộc dạng kén độc giả, chỉ dành riêng cho giới trí thức ở thủ đô London, nên ông bắt tay viết những bài dễ đọc hơn, trong hình thức đối thoại, và cho xuất bản ở London vào năm 1713 dưới nhan đề Ba cuộc đối thoại giữa Hylas và Philonous.

Trong thời gian ở London, để xúc tiến việc xuất bản các công trình triết học của mình, ông kết giao bằng hữu với một số nhà trí thức nổi danh thời bấy giờ như nhà thơ Jonathan Swift (1667-1745), nhà thơ, nhà tiểu luận Joseph Addison (1672-1719), nhà soạn kịch Richard Steele (1709-1729), và nhà thơ Alexander Pope (1688-1744). Ông tham gia viết bài cho tờ Guardian của Steele để chống lại tư tưởng tự do của thuyết bất khả tri lúc bấy giờ, nhưng do ông không kí tên vào các bài báo này nên cho đến nay các ý kiến về việc ông có phải là tác giả của chúng hay không vẫn còn bất đồng.

Năm 1721, ông xuất bản cuốn Bàn về sự vận động, một luận văn ngắn bàn về những nền tảng triết học của cơ học. Ngoài ra, ông còn có một tập các bản ghi chép những nhận xét triết học trong suốt quá trình phát triển học thuyết duy tâm và thuyết phi vật chất của mình; và tập ghi chép này, thường được gọi là Những nhận xét triết học, ông chỉ viết cho riêng mình nên không có ý định công bố.

Năm 1724, Berkeley được bổ nhiệm làm Trưởng Tu viện Derry. Lúc này, ông bắt tay khai triển dự án xây dựng một trường học ở Bermuda với ý nghĩ châu Âu đã trở nên già cỗi sau cuộc khủng hoảng “Bong bóng Biển Nam’’ (South Sea Bubble) và Thế giới Mới sẽ là niềm hi vọng cho tương lai con người. Được Nghị viện Anh hứa tài trợ kinh phí, ông dong buồm sang châu Mỹ vào năm 1728. Sau ba năm hoài công ngồi chờ kinh phí được hứa hẹn, ông trở về Anh. Trong thời gian ở châu Mỹ, ông đã soạn thảo Alciphron, cũng là một công trình triết học và là một suối nguồn quan trọng cho các quan niệm của ông về ngôn ngữ. Sau khi về Anh, Berkeley tập trung viết và cho xuất bản một loạt các công trình: Bài giảng trước Hội Truyền giáo Phúc âm ở nước ngoài (1732), Lí thuyết về cái nhìn (chứng minh và giải thích) (1733), Nhà giải tích hay bài luận gửi cho một nhà toán học vô tín ngưỡng (1734), Bảo vệ tự do tư tưởng trong toán học (1735), Các lí do không đáp lại câu trả lời đầy đủ của ngài Walton (1735), cũng như xem xét lại để tái bản Các nguyên tắcBa cuộc đối thoại (1734).

Năm 1734, Berkeley được phong Giám mục xứ Cloyne, vì thế ông trở lại Ireland và sống tại đó, tập trung chăm lo cho giáo phận của mình. Năm 1752, ông rời xứ cloyne đi Oxford để giám sát việc học hành của con trai, và không lâu sau đó, ông tạ thế vào ngày 14 tháng Giêng, được chôn cất trong Thánh đường Giáo hội Kitô thuộc địa phận Oxford.

Bối cảnh triết học cho sự ra đời công trình Các nguyên tắc

Theo Howard Robinson2, cùng với Ba cuộc đối thoại giữa Hylas và Philoncus, công trình Các nguyên tắc được Berkeley viết trong nỗ lực chống lại “triết học mới” của thế kỉ 17. Phát ngôn viên của triết học mới này là các nhà khoa học và các triết gia tiêu biểu như René Descartes (1596-1650), Issac Newton (1642- 1727), John Locke (1632-1704), Malebranche (1638- 1715), Galileo (1564-1642), và Boyle (1627-91); trong số các phát ngôn viên triết học này, John Locke là nhân vật chiếm nhiều ưu tư của Berkeley nhất.

Liên quan tới vấn đề về bản chất của thực tại, các nhà triết-khoa học gia này, tiêu biểu là John Locke, phân biệt hai loại tính chất: các tính chất hạng nhất (primary qualities) và các tính chất hạng hai (secondary qualities). Loại tính chất thứ nhất là những thuộc tính tự tồn nơi sự vật, như “quảng tính, hình dạng, sự vận động, đứng im, tính rắn hay tính không thể thâm nhập, và con số” (I, §9), còn loại tính chất thứ hai, như “màu sắc, âm thanh, mùi, vị” (1, §9)3, thì không thể tự tồn mà phụ thuộc vào các giác quan - màu sắc là do mắt ta nhìn thấy, âm thanh là do tai ta nghe được, v.v., tức là những thuộc tính chỉ nảy sinh ở trong ta, là những gì thuộc về chủ quan trong đầu óc ta chứ không phải khách quan nơi sự vật hay “vật chất”. Từ đó, họ đi đến chỗ cho rằng thực tại chỉ gồm các tính chất hạng nhất chứ không phải các tính chất hạng hai. Song có điều là, ngoài cái thế giới như nó đang là, đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học, thực tại ta đang sống còn bao gồm một thế giới khác: thế giới như ta kinh nghiệm về nó. Do đó, chắc chắn ta không thể kinh nghiệm về thế giới nếu không có các tính chất hạng hai.

Chúng ta thường quen nghĩ “ý niệm” (idea) là một sản phẩm tạo tác của trí năng, rất gần với nghĩa của chữ “khái niệm” (concept). Nhưng đối với Locke, khi đề xuất thuật ngữ này, ông định nghĩa nó là “bất cứ cái gì là đối tượng của giác tính khi ta suy tưởng” (1.1.8)4. Theo định nghĩa ấy thì “ý niệm” là thuật ngữ không những dùng để chỉ các khái niệm mà còn dùng để chỉ tất cả các hiện tượng khả giác của ý thức, nói cách khác là bất kì cái gì có thể là đối tượng của tư tưởng. Triết học truyền thống Aristoteles và kinh viện phân biệt hai loại đối tượng của tinh thần: loại này là các “mô thức” (forms) hay các “giống” (species), vốn là đối tượng của trí năng hay tư tưởng, loại kia là các “ảnh ảo” (phantasms), đối tượng của tri giác cảm tính; loại này là những cái phổ quát, loại kia là những hình ảnh cảm tính đặc thù. Locke tiếp thu cả hai loại này và thuật ngữ ý niệm của ông được áp dụng cho cả hai nhóm đối tượng ấy.

Nếu như trong hoạt động nhận thức, ta chỉ có thể ý thức trực tiếp về các ý niệm ở trong tinh thần ta, chứ không phải các sự vật khách quan bên ngoài thì hệ luận sẽ dẫn tới chỗ ta buộc phải phủ định sự hiện hữu của thế giới bên ngoài. Để làm điều này, Descartes nêu ra giả thuyết về một tinh quỷ (mauvais genie) “dùng hết tài trí của nó để lường gạt tôi”5. Nếu mọi việc quả đúng như thế, thì những gì tôi kinh nghiệm được rất có thể là kết quả của những trò chơi khăm của tinh quỷ rất mực xảo trá này. Nhưng rồi ông lại cố gắng bác bỏ giả thuyết hoài nghi luận này bằng cách chứng minh sự hiện hữu của một Thượng Đế chân thực (vrai Dieu) không đánh lừa ta và cũng không để ta bị đánh lừa. Nhưng cách Descartes chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế tỏ ra thiếu sức thuyết phục, khó lòng được mọi người chấp nhận, kể cả những người theo thuyết hữu thần. Cách phản ứng của Locke trước thuyết hoài nghi này cũng không mấy hữu dụng, vì cũng chẳng mấy khi ông đưa ra được các luận cứ chống lại nhà hoài nghi. Cho dù không một nhân vật chủ đạo nào của triết học thế kỉ 17 là người theo thuyết hoài nghi, nhưng nền triết học mới luôn bị đánh giá thấp vì không có một luận cứ phản bác thuyết hoài nghi nào cho thật thuyết phục.

Gắn liền với sự lo sợ thuyết hoài nghi là sự lo sợ thuyết duy vật và thuyết vồ thần. Quan niệm cơ giới luận về thế giới tự nhiên làm cho nền triết học thế kỉ 17 khó lòng hiểu được các thực thể tinh thần, như linh hồn hay Thượng Đế, quan hệ với thế giới tự nhiên như thế nào, cụ thể là nó khó lòng hiểu được mối tương tác nhân quả giữa bản thể vật chất và bản thể phi vật chất có thể diễn ra như thế nào. Descartes cố gắng mang lại chút thanh danh khoa học cho quan niệm cơ giới luận về mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác bằng cách cho rằng mối quan hệ ấy diễn ra một bộ phận của não bộ, cụ thể là ở tuyến tùng, nhưng cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Và chính vì quan niệm cơ giới luận về thể xác có nguy cơ làm triệt tiêu tác dụng của cái tinh thần phi vật chất, nên các định luật tất định luận của Newton về vận động đẩy Thượng Đế ra bên ngoài vũ trụ. Các nhà hữu thần luận, trong đó có Berkeley, phản ứng chống lại quan niệm này bằng lí luận cho rằng chính Thượng Đế đã đặt thế giới vào trong sự vận động, rồi sau đó nó vận động mà không cần tới sự nâng đỡ hay can thiệp của Ngài.

Trước bối cảnh tư tưởng nói trên, Berkeley cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc, mà buộc phải tham gia vào cuộc tranh luận tư tưởng của thời đại, do đó ông đã cho xuất bản công trình Các nguyên tắc (1710) với mục đích chính, như lời ông tuyên bố, là “nghiên cứu về những nguyên nhân chủ yếu gây ra sự sai lầm và khó khăn trong các môn khoa học, cùng với những cơ sở của thuyết Hoài nghi, thuyết Vô thần và phi-tôn giáo”, qua đó xây dựng và bảo vệ học thuyết phi vật chất của mình.

Mời các bạn đón đọc Một Nghiên Cứu Về Các Nguyên Tắc Nhận Thức Của Con Người của tác giả George Berkeley.

may-doc-sach

thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000