Mọi Cái Tên - Jose Saramago |
|
Tác giả | José Saramago |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 4404 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Jose Saramago Kinh điển Tiểu thuyết Văn học Bồ Đào Nha Văn học phương Tây |
Nguồn | tve-4u.org |
“Là một nhà văn lớn của thời đại, dấn thân vào con đường sáng tạo từ ngày trẻ, nhưng phải tới ngoài lục thập mới được xã hội nhìn nhận ít nhiều đúng tầm cỡ (Giải Nobel Văn học 1998). José Saramago đã có lúc phải cay đắng thở than: ‘Lên sao Hỏa còn dễ hơn gõ được vào trái tim những người đồng thời…’ Cách đây sáu năm, ngày 18-6-2010, ông đã qua đời trên đảo Lanzarote, thọ 87 tuổi.”
José Saramago sinh năm 1922, trong một gia đình nông dân nghèo ở cách thủ đô Bồ Đào Nha hơn trăm cây số. Cha ông từng là lính pháo binh trong chiến tranh thế giới thứ nhất và sau khi giải ngũ, đã trở lại với công việc đồng áng. Tuy nhiên, khi nhà văn tương lai lên ba tuổi, người cha đã quyết định tìm kế sinh nhai ở Lisbon. Và thủ đô cũng là nơi mà Saramago sẽ sống từ đó đến gần hết cuộc đời mình.
Saramago đã phải trải qua một tuổi thơ vất vả, thậm chí còn không được học hết trung học. Những công việc đầu tiên khi ở tuổi trưởng thành là làm thợ nguội sửa chữa ô tô, kỹ thuật viên vẽ thiết kế, nhân viên y tế, nhân viên bảo hiểm xã hội… Nhưng dù vất vả thế nào thì chàng thanh niên Saramago cũng rất hiếu học, rất chăm chỉ đọc sách và tự nghiên cứu các ngoại ngữ. Năm 22 tuổi, nhà văn tương lai đã lấy vợ là một nữ họa sĩ. Tới những năm 80 của thế kỷ trước, Saramago đã li dị người vợ đầu và cưới một nữ nhà báo làm vợ…
Tác phẩm đầu tay của Saramago “Mảnh đất tội lỗi” được xuất bản năm 1947 nhưng từ thời điểm đó, ông đã ngừng xuất hiện cho tới năm 1966 mới cho in tiếp tập sách mới là “Chùm thơ có thể”…
Theo các nhà phê bình văn học, tài năng ở Saramago nảy nở… hơi bị muộn. Ông từng làm phóng viên, từng viết nhiều về chính trị, nhưng chỉ từ năm 1976, ở tuổi 54, ông mới được sống hoàn toàn nhờ lao động văn học. Thành công vang dội đầu tiên tới với Saramago là vào năm 1980 với tiểu thuyết “Đứng lên từ cát bụi”, tác phẩm được dư luận chung đánh giá là cuốn tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên của ông. Hai năm sau, tên tuổi của ông càng được tôn vinh với tiểu thuyết mới “Hồi ức về tu viện”. Cuốn sách này ngay sau khi ra đời đã được dịch ra vài thứ tiếng nước ngoài và mở cửa cho Saramago đi tới cùng thế giới. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Saramago hoàn toàn tập trung sức lực cho sáng tác văn học và đã liên tiếp cho ra đời các tập tiểu thuyết có ấn tượng như “Năm Ricardo Reis qua đời” (1984), “Chiếc bè đá” (1986), “Lịch sử cuộc phong tỏa Lisbon” (1989)…
Năm 1991, Saramago cho xuất bản tiểu thuyết “Phúc âm theo Jesus Christ” mang đậm cách nhìn tả khuynh vào lịch sử nhà thờ. Cuốn sách này đã gây nên nhiều chuyện ầm ĩ nhưng vẫn được xuất bản tới hơn 20 lần tại Bồ Đào Nha và đã được dịch ra 25 thứ tiếng khác trên thế giới. Chính quyền Bồ Đào Nha dưới sức ép của Nhà thờ đã cắt xén bản thảo “Phúc âm theo Jesus Christ” nên Saramago đã rời bỏ đất nước sang cư trú tại quần đảo Canarias của Tây Ban Nha.
Trong nhiều cuốn sách của mình, Saramago đã lựa chọn những cốt truyện lạ, thậm chí mang tính dị thường. Thí dụ như trong cuốn “Chiếc bè đá”, câu chuyện diễn ra trên bán đảo Iberia bị tách lìa khỏi lục địa châu Âu và buộc phải trôi lênh đênh trên biển. Trong tiểu thuyết “Mù lòa” (1995), cư dân của một quốc gia đã phải gánh chịu bệnh dịch bí hiểm làm hỏng mắt, dần dà khiến cho xã hội bị tan rã. Trong tiểu thuyết “Những gián đoạn trong cái chết”, cư dân ở một quốc gia khác đã phải gánh chịu một tai họa khác – không ai bị chết cả nên đất nước phải đối mặt với nạn nhân mãn, các cơ sở mai táng và tổ chức lễ tang bị ăn không ngồi rồi và thế là xuất hiện một tổ chức bất hợp pháp tìm cách sát hại những người già cả…
Mỗi một cốt truyện như thế đã được Saramago sử dụng như phương tiện để bày tỏ một hay một vài ý tưởng, nay đã tạo dựng thành di sản tinh thần đích thực của nhà văn. Để tiếp cận với những ý tưởng ấy, độc giả bắt buộc phải vượt qua được những cửa ải của thứ ngôn ngữ nặng nề của nhà văn vì Saramago hay sử dụng các cú pháp đã được phức tạp hóa và bất chấp các quy tắc ngữ pháp hay chính tả và vì thế, đã khiến cho không ít nhà phê bình văn học nhìn ra trong phong cách sáng tác này của ông những dư âm của vô thức… Một trong những thủ pháp điển hình khác của Saramago là nhà văn còn hay tạo nên một hiện thực khác. Thủ pháp này đã được thể hiện rõ nhất trong tiểu thuyết “Năm Ricardo Reis qua đời” (1984) mà trong đó nhà văn đã làm sống lại “cái tôi thứ hai” của thi sĩ Bồ Đào nha Fernando Pessoa hay trong “Lịch sử cuộc phong tỏa Lisbon” (1989) với nhân vật chính là người hiệu đính cuốn sách sử về thành phố và đã thêm một từ “không” vào đó khiến cho ý nghĩa cuốn sách trở nên hoàn toàn sai khác…
Những quan điểm chính trị và tôn giáo của José Saramago đã mang lại cho ông danh tiếng không kém gì những tác phẩm của ông. Ông gia nhập đảng Cộng sản Bồ Đào Nha năm 47 tuổi và đã giữ nguyên danh hiệu đảng viên cộng sản cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Năm 1975, sau cuộc “cách mạng hoa cẩm chướng”, chính thẻ đảng Cộng sản đã trở thành nguyên do khiến ông bị loại khỏi vị trí Phó Tổng biên tập báo “Diario de Noticias”. Về sau ông đã đánh giá sự việc này là chuyện may mắn nhất của đời ông: “Khi đó, tôi đã dừng bước và suy ngẫm. Khi đó tôi lại tái sinh như một nhà văn”…
Saramago là người nhất quán phê phán mô hình hiện đại của xã hội tư bản chủ nghĩa ở phương Tây. Ông nói: “Con người là một sinh vật duy lý nhưng lại hành xử một cách phi lý. Nếu sự thật ngược lại thế thì trên thế giới đã không xảy ra nạn đói…” Những tuyên ngôn dễ quá mù ra mưa của ông đã khiến Saramago trở thành mục tiêu phê phán cả từ phía những chế độ chính trị mà ông dị ứng lẫn từ phía các đồng nghiệp trí thức. Một trong những vụ việc gây tai tiếng nhất trong các hoạt động xã hội của Saramago là chuyến thăm của ông tới khu tự trị Palestine năm 2002. Ở Ramalla, ông đã so sánh thành phố đang bị phong tỏa này với các trại tập trung của bè lũ phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai… “Sống trong âm vọng của nạn diệt chủng Do Thái Holocaust, người Israel cứ tưởng rằng họ làm gì cũng được vì họ đã phải trải qua một thảm kịch như thế. Quan điểm này theo tôi là rất đạo đức giả. Những khốn khổ của cha ông họ đã không làm họ sáng mắt thêm điều gì cả” – Saramago đã tuyên bố như thế sau một năm tới thăm Ramalla. Sau sự kiện này, ông đã bị buộc tội là một kẻ theo chủ nghĩa bài Do Thái và thật đáng tiếc là một bộ phận của xã hội phương Tây đã nghĩ ông quả thực là như vậy. Khi tin tức về việc ông qua đời lan đi trên thế giới, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện những dòng tít: “Người được nhận giải thưởng Nobel và người bài Do Thái đã mất”, “Đã qua đời một nhà văn Bồ Đào Nha, người từng so sánh Israel với nước Đức Quốc xã”…
Có thể đối với một số người, Saramago là một nhà văn “khẩu xà”, nhưng đó là một trí thức “tâm Phật”. Tuy nhiên, theo đánh giá của một ông chủ nhà xuất bản có tiếng ở Bồ Đào Nha, Jorge De Avezado, đối với Saramago, “đen luôn là đen, không thể nào nói khác đi được”.
Saramago đã sáng lập Mặt trận Bảo vệ Văn hóa Quốc gia. Là một nhà văn vĩ đại, Saramago không hẳn đã được những người đồng bào đương thời của mình ưa chuộng nhất. Không ít người Bồ Đào Nha lại cho rằng khó chiều ông quá. Nhưng sách của ông ở Bồ Đào Nha thì ai cũng đọc và khi ông được trao giải Nobel văn chương năm 1998, thì rất nhiều người Bồ Đào Nha cảm thấy đó là một tin mừng. Khi hay tin nhà văn qua đời, Thủ tướng Bồ Đào Nha lúc đó là Jose Cocrates đã nói rằng, Bồ Đào Nha “đã bị mất một trong những nhà văn hóa chính yếu của mình mà sự ra đi của ông đã là một tổn thất lớn lao đối với đất nước”. Bản thân nhà văn lại coi thái độ không đồng nhất đối với mình từ phía độc giả là chuyện thường tình: “Tôi không phải là người xấu. Nếu tôi có thể làm hại gì đó thì chỉ bằng lời mà thôi”.
Sinh thời, Saramago dù muộn màng nhưng cũng đã được vinh danh không ít. Và ông cũng coi chuyện này rất bình thường. Trong một bài trả lời phỏng vấn trước khi mất không lâu, ông đã nói: “Tôi không phải thiên tài. Tôi đơn giản chỉ làm tròn phận sự của mình thôi”.
Trong một bài trả lời phỏng vấn khác trước khi qua đời ba năm, Saramago nói: “Tôi không có cớ gì để than thở cả. Trong cuộc đời có quá nhiều việc mà ta cứ tưởng là oách, nhưng thực ra chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi đã nhận giải thưởng Nobel. Nhưng điều này thì cũng ích gì?”
José Saramago gọi cuốn “Mọi Cái Tên” của ông là câu chuyện giản dị nhất trong mọi chuyện. Câu chuyện của một người đi tìm một người khác, vì cuộc sống chẳng có gì quan trọng hơn. “Mọi Cái Tên” có sự hiện diện của mọi người đã và sắp sinh ra trên đời này. Nhân vật duy nhất có tên cụ thể trong tác phẩm là Senhor José, một cái tên không đầy đủ.
Senhor José là viên thư ký hạng bét trong Phòng Đăng ký Trung Ương, nơi giữ hồ sơ khai sinh, hôn thú và khai tử của mọi người. Người chết và người sống đều nằm trên những ngăn kệ trong Phòng Đăng ký, nơi có vị trưởng phòng được nhắc đến như chúa trời toàn trí toàn năng. Thú vui duy nhất trong cuộc sống công chức nhàm chán của Senhor José là làm bộ sưu tập chi tiết về cuộc đời của những người nổi tiếng. Một hôm tình cờ bắt gặp tờ khai sinh của một thiếu phụ vô danh, Senhor José quyết định đi tìm nàng. Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa đối với Senhor José nếu anh không đi tìm người phụ nữ đó. Mọi cái tên dẫn người đọc vào cõi không gian vô tận, về nỗi cô đơn mênh mang cùng cực của cuộc sống, vì những sự kiện ngẫu nhiên sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời chúng ta.
Câu văn của Saramago đủng đỉnh, thường có nét lừng khừng, rất đáng sốt ruột, nhưng dí dỏm. Trong cùng một câu viết, người đọc có thể thấy Saramago vừa đóng vai nhân vật trong truyện để mô tả sự kiện đang xảy ra, vừa là kẻ bàng quan chen lời bình phẩm của hắn vào giữa dòng, nhân vật và tác giả luôn luôn chuyển đổi vị trí. Ẩn giữa hai dòng chữ, Saramago để lộ nụ cười tinh quái của ông, và dường như trong khi đọc sách, những sự việc được mô tả mơ hồ giữa hai dòng chữ thường là những điều gây ấn tượng nhất. Saramago dễ chuyển từ một suy nghĩ nghiêm trang sang lời nói kề cà như đùa bỡn, từ những câu nói khoa trương sang một ý niệm súc tích, khiến người đọc phải dừng lại, rồi vội vàng đọc tiếp, hoặc quay ngược lại đoạn trước, để nắm bắt cái tinh tế và đôi khi ranh mãnh của tác giả. Đùa cợt hoặc mỉa mai, ông có thể đặt một quan sát thô kệch ngay trước một ý tưởng lãng mạn.