DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Khi màn đêm buông xuống...

Khi bóng tối và hơi lạnh giăng khắp thế gian, vạn vật chìm trong giấc ngủ êm đềm, thì có nhiều sinh vật mới bắt đầu trỗi dậy, hòa mình vào nhịp sống sôi động ở nửa bên kia của tự nhiên. Đó là những ma cà rồng.

Bên trong hàng rào sắt hoa, được khoanh vùng biệt lập nhờ núi rừng rậm rà kỳ bí là một học viện xây dựng theo phong cách Gothic với những đỉnh tháp chuốt nhọn và những ô kính cửa sổ phủ màu để ngăn ánh nắng. Học viện ẩn dật, xa người thường và xa các đô thị lớn hiện đại này là nơi đào tạo các ma cà rồng trẻ tuổi, cũng là nơi chứng kiến những đắm say lãng mạn, những ghen tuông tị hiềm, và cả những hiểm nguy chí mạng trong cuộc sống của họ...

Học Viện Ma Cà Rồng gồm có:
***
Ma cà rồng là một trong những hình tượng hư cấu nổi tiếng và hấp dẫn nhất từng xuất hiện trong văn học. Cách đây 8 năm, bán nguyệt san Painted Bride từng thống kê rằng ma cà rồng đã xuất hiện hơn 9,5 triệu lần trong các tác phẩm văn học xuất bản bằng tiếng Anh tính từ năm 1819 (năm ra đời kiệt tác kinh điển về ma cà rồng Dracula của Bram Stoker). Con số đó, xét về mặt tương đối, chỉ đứng sau mật độ xuất hiện của Jesus Christ (hơn 100 triệu lần) cũng trong các tác phẩm văn học tiếng Anh.

Từ gần 200 năm nay, ma cà rồng đã vượt xa khỏi phạm vi châu Âu, đem hình ảnh chiếc áo choàng đen, mắt máu, răng nanh cùng vết cắn nhọn của mình trở nên nổi tiếng thế giới. Hình ảnh ma cà rồng biến đổi khá nhiều nhờ trí tưởng tượng mỗi ngày một phong phú của tác giả, theo thị hiếu ngày một đa dạng của độc giả; xuất hiện trong nhiều thể loại hơn hẳn xưa kia, không chỉ giới hạn ở kinh dị, hình sự, phiêu lưu... mà lấn cả sang diễm tình, học đường và chick-lit. Các tác phẩm tiêu biểu từng được độc giả Việt Nam biết đến bao gồm Biên niên sử Ma cà rồng (Anne Rice), Chạng vạng (Stephanie Meyer), Bí ẩn phương Nam (Charlaine Harris).

Còn Richelle Mead tạo nên khung cảnh và hệ thống nhân vật của mình bằng cách đánh bóng lại kho truyền thuyết nằm sâu dưới bụi dày thời gian ở Balkan và Romania, đưa chúng vượt biển sang Bắc Mỹ, tái sinh tại một trong những tiểu bang sôi động nhất Mỹ. Tuy bối cảnh là trái đất thời hiện đại, ở cách một thành phố sầm uất của nước Mỹ chỉ vài dặm đường, cũng có những nhân vật trẻ trung đẹp đẽ, Học viện Ma cà rồng là một không gian riêng biệt chỉ dành cho ma cà rồng. Con người hầu như không hay biết, không xuất hiện và nhất là không can thiệp vào sự hiện hữu của ma cà rồng. Mặc dù vậy, tác phẩm thực chất nhìn nhận lại chính con người chúng ta qua một bề ngoài mới, một bề ngoài siêu nhiên. Ma cà rồng của Mead gồm ba loại: Moroi (ma cà rồng sống), Strigoi (ma cà rồng chết) và Dhampir (ma cà rồng lai). Hai loại đầu sinh ra từ dân gian Romania, loại thứ ba từ dân gian vùng Balkan. Đây cũng là chi tiết chưa hề được chú ý khai thác ở bất cứ tác phẩm văn học đương đại nào về ma cà rồng.

Bộ truyện Học viện Ma cà rồng gồm 6 cuốn, ghi lại những dốc cao và vực thẳm trong quãng thời gian rèn luyện trưởng thành của các Moroi và Dhampir trẻ tuổi tại một trường trung học bí mật. Phần lớn sự kiện diễn ra tại học viện Thánh Vladimir thuộc tiểu bang Montana. Ngôi trường theo phong cách Gothic này nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng và núi đồi, thức dậy vào ban đêm, ngủ yên vào ban ngày. Quanh trường đặt các bùa chú bảo vệ, an ninh được bổ sung thêm nhờ sự tuần tra canh gác của các Giám hộ gốc Dhampir.

Tháng 10/2010, công ty IPM cùng NXB Hội Nhà văn ấn hành tại Việt Nam 2 tập đầu tiên trong bộ truyện là Màn đêm và Sương giá. Màn đêm mở ra bằng cảnh Rose và Lissa bị các Giám hộ áp tải về học viện sau hai năm lẩn trốn trong thế giới loài người. Các nhân vật đều tuyệt mỹ, nhưng ai cũng xanh xao vì phải sống trong bóng đêm. Trên những giảng đường cổ kính, họ luyện tập khả năng điều khiển các sức mạnh tự nhiên như lửa, gió, đất hay nước. Sau những tấm rèm ký túc, họ quay cuồng trong các dạ tiệc, háo hức tìm hiểu những thu hút giữa nữ và nam. Vừa trẻ trung cuồng nhiệt, họ vừa tỉnh táo và thực dụng đến đáng sợ. Ai cũng biết trường học là bước đệm để tiến vào xã hội người lớn mai sau, vì thế tất cả sẵn lòng đắm say nhưng không ràng buộc, vui cười nhưng không thân thiết, bè phái phe nhóm nhưng không bao giờ tin tưởng.

Sương giá dần dà đẩy câu chuyện lên một cao trào mới, dữ dội và bi thảm hơn. Các học sinh chuẩn bị bước vào xã hội con người, các biến động của đời thực va vào họ. Tình yêu, hận thù, dục vọng... lớp lớp tràn tới, đòi hỏi mỗi người phải biết ứng xử thích hợp và kịp thời. Theo truyền thuyết, ai đó sắp cưới mà chết, hoặc chết rồi mà còn hiện về làm tình với người mình sắp cưới thì sẽ biến thành Strigoi. Nhưng theo Mead, có rất nhiều cách để tạo ra Strigoi: chẳng hạn một Moroi giết chết người mình vừa hút máu, một Moroi hoặc một Dhampir bị Strigoi cắn... đều chắc chắn biến thành Strigoi, nói cách khác là cái ác rình rập khắp nơi, chỉ bất cẩn hoặc lỡ tay làm điều xấu thì sẽ mãi mãi trở thành kẻ xấu, không còn đường quay đầu trở lại.

Bên cạnh các yếu tố sẵn có về dòng giống và sức mạnh thượng đẳng của ma cà rồng, Mead còn cấu tứ thêm rất nhiều yếu tố phi thực hấp dẫn. Đó là điếm máu, hôn bóng, thần giao cách cảm giữa hai linh hồn, là khả năng chuyện trò với người khác nhờ đi vào giấc mơ của họ. Ngoài những chi tiết cần đến trí tưởng tượng phong phú ấy, Học viện Ma cà rồng còn hấp dẫn nhờ kỹ năng viết đầy rung cảm của Richelle Mead khi đặc tả những khoảnh khắc xao động khôn cưỡng giữa Rose và Dimitri - nhất là trong cái đêm họ gần như thất thân với nhau, khi chạy máy quay theo những cú nhay cắn tàn bạo của Strigoi trên cần cổ bấy nát của Eddie, khi chậm rãi níu giữ những giây phút nặng nề cuối cùng của Mason... Tóm lại là một kỹ năng đem đến cho người đọc những phút phiêu linh vì đắm say, xót xa vì mất mát, uất nghẹn vì bất lực.

Không chỉ là một tác phẩm tâm tình cho tuổi trẻ, Học viện Ma cà rồng còn là kết quả của sự tương tác đầy thấu hiểu với truyện dân gian, truyền thuyết cũng như khoa học quanh hình tượng nhân vật lâu đời và nổi tiếng ma cà rồng.
***

Suy-sụp-sau-sung-sướng là thủ pháp gây kịch tính quen thuộc trong rất nhiều tiểu thuyết lãng mạn. Đại loại là nếu truyện chưa kết thúc mà đã có một đêm thăng hoa, thì chỉ trong vòng nửa ngày tiếp theo sẽ xảy ra xung đột hoặc bi kịch để ngăn chặn đêm thăng hoa thứ hai nói riêng và ngăn chặn hạnh phúc đi vào thoái trào nói chung. Tính đến tập 5, Mead sử dụng thủ pháp này hai lần, và cả hai đều báo hiệu những biến cố bi thảm xoay chiều số phận bao nhiêu người.

Y như trong giao đãi, với cuốn sách từ ghét đến bình thường tôi tán tụng rất dễ, nhưng với cuốn sách từ thích đến yêu, tôi thường lúng túng không biết bắt đầu từ đâu cả, bởi tôi sợ không lột tả hết cái hay của nó, khiến người nghe/đọc sẽ thấy sao mà tầm thường những điều tôi chỉ ra, làm tội nghiệp cuốn sách tôi thích đến yêu đi. Suốt mười lăm năm nay, chưa một tác phẩm nào khiến tôi khổ sở vì mong ngóng như Học viện Ma cà rồng (Vampire Academy), dù trước đây cũng từng đưa Harry Potter và Bảo bối Tử thần vào danh sách mong đợi. Trong lúc chờ đợi tập cuối Last Sacrifice phát hành vào 14 Dec này, những lơ mơ trước ngủ của tôi tràn ngập Strigoi/Moroi/Dhampir, và tôi nghĩ thôi thì trút chúng ra giấy một lần, để óc còn khuây khỏa theo truyện khác.

Nhớ là khi bắt đầu đọc tập 1, tôi phải càu nhàu vì dạo gần đây ma cà rồng cứ bám lúc nhúc ở các giá sách YA, khiến người ta chẳng nhìn thấy truyện nào nữa cả. Trong hơn 100 năm từ Dracula của Bram Stoker đến Argeneau Family của Lynsay Sands hay Vampire Academy của Richelle Mead, ma cà rồng đã thực hiện một cuộc cách mạng ngoạn mục. Không còn di chuyển bằng quan tài hay xe hòm qua lại đơn điệu giữa tiểu thuyết kinh dị và trinh thám, không còn sự tàn bạo vô nhân tính một chiều từ đôi răng nanh đến cặp mắt đỏ đọc, ma cà rồng thế kỷ XXI đã ngồi SUV bành trướng sang tiểu thuyết lãng mạn, thanh xuân và kịch tình, cũng như khoác thêm ánh đắm say cho cặp mắt, môi gợi cảm che đôi nanh, và áo choàng đen thay bằng thời trang hàng hiệu.

Ma cà rồng là lựa chọn không cần thiết nhưng thú vị cho nhân vật của Mead.

Không cần thiết bởi vì thế giới mà chị xây dựng chỉ toàn là ma cà rồng. Trong một tương quan không – đúng hơn là ít – sự giao tiếp/so sánh với xã hội loài người, lại hoàn toàn không có cặp đôi người-ma nào, thì đặc trưng đáng sợ/quyến rũ của ma cà rồng không mấy nổi bật, và tính chất chông chênh bi thảm khiến tình yêu trở nên lãng mạn tột cùng giữa hai giống loài hút máu-bị hút máu không có cơ sở tồn tại. Ngoài ra, việc chọn ma cà rồng làm nhân vật sẽ khiến câu truyện mê hồn này bị đổ đồng vào một rừng tác phẩm thuộc tiểu loại vampire, khi trình làng rất dễ dính so sánh là ăn theo Chạng vạng, và các bài PR Việt Nam lười biếng sẽ đặt ngay một tiêu đề lợm giọng rẻ tiền là Học viện Ma cà rồng – kẻ soán ngôi/kế vị/đối thủ của Twilight. Mead hoàn toàn có thể viết một câu truyện huyền ảo về người thường hoặc yêu tinh với chính nội dung chị dùng cho Học viện Ma cà rồng, tất nhiên cần điều chỉnh vài ba tình tiết mà với bút lực dồi dào và tài hoa của Mead, tôi nghĩ chỉ là chuyện nhỏ đi vừa kẽ răng.

Thú vị là bởi nếu Mead không lựa ma cà rồng, chẳng biết đến bao giờ mới có người chỉ cho tôi một kho dân gian thần thoại chưa từng được văn học khai quật về ác quỷ hút máu như thế này.

 

1. Hệ thống nhân vật

Ma cà rồng, với Mead, là một từ không chi tiết. Theo Học viện Ma cà rồng, cần phải phân biệt Moroi, Dhampir và Strigoi. Thứ tự này cũng là thứ tự đẳng cấp huyết thống trong truyện, còn người thường xếp hạng chót.

Moroi có nguồn gốc từ truyện dân gian Romania. Những đứa trẻ sơ sinh ngoài giá thú, chưa được rửa tội đã bị bố/mẹ chúng giết, chết đi sẽ biến thành Moroi. Sang tiểu thuyết của Mead, Moroi là những ma cà rồng tự nhiên (có sinh có tử, bản tính lương thiện, chịu nắng kém), thân hình cao gầy yếu ớt, nước da nhợt nhạt, màu mắt và màu tóc đa dạng, thức ăn chính là máu của những người thường tự nguyện (chỉ hút vừa đủ không để người ta chết), thức ăn phụ là sữa chua và các món ẩm thực khác giống con người, biết vận dụng một trong bốn nguyên tố cơ bản là đất-khí-lửa-nước để làm phép thuật, một số ít Moroi còn biết vận dụng nguyên tố linh hồn. Ngoài Học viện Ma cà rồng, Moroi chưa từng xuất hiện trong một tác phẩm hư cấu nào khác.

Dhampir có nguồn gốc từ truyện dân gian Balkan, là ma cà rồng lai giữa cha ma cà rồng và mẹ người thường. Sang tiểu thuyết của Mead, Dhampir là những ma cà rồng lai giữa cha Moroi và mẹ Dhampir, là một sản phẩm giống như con la (lai giữa lừa và ngựa), tổng hợp gen tốt giữa người và ma, thân hình đầy đặn dẻo dai, mạnh khỏe, chịu nắng tốt, không hút máu, không biết pháp thuật, ăn uống như người thường, màu da, màu tóc và màu mắt đa dạng, nhưng không sinh sản được nếu phối giống cùng nhau – đây cũng là chính là cơ sở để Mead dựng lên mối quan hệ cộng sinh giữa Moroi và Dhampir trong truyện. Ngoài Học viện Ma cà rồng, Dhampir còn xuất hiện lác đác ở vài ba tiểu thuyết khác, mà gần gũi nhất với người đọc Việt Nam là Hừng đông qua hai nhân vật Nahuel và Remesnee Cullen.

Strigoi có nguồn gốc từ thần thoại Romania, là xác chết đội mồ sống dậy. Sang tiểu thuyết của Mead, Strigoi là những ma cà rồng phi tự nhiên (bất sinh bất tử, bản tính tàn độc, chết dưới nắng), nước da nhợt nhạt, mắt đỏ, màu tóc tùy tiền thân, chỉ hút máu và hút cho đến khi nào nạn nhân chết thì thôi, thứ tự hút ưu tiên là Moroi-người thường-Dhampir, không biết pháp thuật nhưng sức mạnh phi phàm. Nói Strigoi phi tự nhiên là bởi chúng không được sinh ra, mà được tạo ra. Strigoi là biến thân của Moroi, Dhampir và người thường nếu thỏa mãn các điều kiện sau: bị Strigoi hút cạn máu rồi được Strigoi cho uống lại máu của nó. Riêng Moroi còn có phương pháp chủ động để biến thành Strigoi là cắn chết người mình vừa hút máu. Ngoài Học viện Ma cà rồng, Strigoi chưa từng xuất hiện trong tác phẩm hư cấu nào khác.

Trong Học viện Ma cà rồng, Moroi và Dhampir đứng cùng một chiến tuyến chống lại Strigoi. Moroi sở hữu pháp thuật nhưng không muốn dùng, sức lực vốn có lại yếu nên phó thác hoàn toàn việc bảo vệ cho Dhampir. Trong cuộc sống, các Moroi cũng làm đủ ngành đủ nghề như người thường, đứng đầu vương quốc là nhà vua hoặc nữ hoàng, bên dưới là hội đồng hoàng tộc gồm thập nhị đại gia. Các Dhampir chỉ có nghề chính là giám hộ (guardian), hầu như không có điều kiện kết hôn, hầu như không có điều kiện học đại học, những Dhampir không muốn làm giám hộ rất ít lựa chọn về nghề nghiệp, phần lớn đàn bà làm điếm (bloodwhore), còn đàn ông làm điếm đực.

Các Moroi và Dhampir được đào tạo trong cùng một trường. Moroi học cách kiềm chế pháp thuật, còn Dhampir học võ công và rèn thể lực để khi 18 tuổi sẽ ra trường bắt đầu sự nghiệp bảo vệ Moroi.

Strigoi bất tử và có sức mạnh tối thượng, chỉ chết khi rơi vào một trong bốn trường hợp sau đây: phơi nắng, chặt đầu, thiêu sống và đóng cọc bạc vào tim. Cọc bạc cũng là vũ khí bất li thân của các giám hộ Dhampir, nó được yểm bằng cả bốn nguyên tố pháp thuật của Moroi để trở thành một thứ bùa sát thương vô địch.

***
Richelle Mead (sinh ngày 12 tháng 11 năm 1976) là một tác giả best-seller người Mỹ với các tác phẩm thuộc dòng tiểu thuyết giả tưởng. Cô nổi tiếng khắp thế giới qua ba sê-ri sách vô cùng được độc giả yêu mến: Georgina Kincaid; Học viện ma cà rồng và Dark Swan. Richelle Mead đã có bằng Cử nhân Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thạc sĩ Tôn giáo So sánh, Thạc sĩ Sư phạm và hiện tập trung cho sự nghiệp văn chương với kỷ luật khắt khe là cứ ba tháng phải hoàn thành bản thảo cho một cuốn sách mới.

Mời các bạn đón đọc Học Viện Ma Cà Rồng Tập 1: Màn Đêm của tác giả Richelle Mead.

Giá bìa 75.000   

Giá bán

56.250 

Giá bìa 75.000   

Giá bán

56.250