Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa |
|
Tác giả | Will Durant |
Bộ sách | The Lessons Of History |
Thể loại | Lịch sử - Quân sự |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 7296 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Will Durant Nguyễn Hiến Lê Trung Quốc The Lessons History Lịch Sử Văn Hoá Xã Hội Biên Khảo Tham Khảo |
Nguồn | e-thuvien.com |
Trong thời gian thực hiện ebook Ấn Độ và Phật Thích Ca, tôi đã có ý định tiếp theo là gõ ít nhất là chương I cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, nên trong bài Vài lời thưa trước, tôi viết: “Tôi chép trọn chương I: Tổng quan về Ấn Độ, cũng vì một lí do khác nữa. Đó là, nếu như không có điều kiện đọc trọn cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, chỉ với chương I và chương II thôi, chúng ta cũng tạm đủ để hiểu tại sao trong cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, Will Durant lại viết câu này: ‘Trọng tâm của tư tưởng Trang tử cũng như của triết gia nửa thần thoại, Lão tử, mà Trang tử coi là sâu sắc hơn Khổng tử nhiều, là một ảo tưởng huyền bí về một cái vô ngã, rất gần với đạo Phật và các Upanishad trong các kinh Veda, khiến chúng ta phải ngờ rằng các thuyết siêu hình của Ấn Độ đã truyền qua Trung Quốc ít nhất là bốn thế kỉ trước khi đạo Phật vô Trung Quốc…’.”
Cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa là phần A: Trung Hoa của cuốn III: Viễn Đông (Book III: The Far East – A: China) trong tập I: Di sản phương Đông (Volume One: Our Oriental Heritage[1] của bộ Lịch sử văn minh (The Story of Civilization) của Will Durant.
Trước khi dịch cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, cụ Nguyễn Hiến Lê đã có khá nhiều tác phẩm viết hoặc dịch về triết học và văn học Trung Quốc. Do vậy, so với cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, cụ có nhiều điều kiện hơn để giúp người đọc dễ hiểu rõ và hiểu đúng nguyên tác hơn. Nhờ “vài chữ hoặc một câu ngắn trong mạch văn” đặt trong dấu [ ] và nhờ phần chú thích của cụ, chúng ta biết được rằng cụ đã đính chính mấy chỗ sai, hoặc chúng ta thấy nhiều chỗ, thay vì dịch theo bản chữ Pháp, cụ lại dịch theo bản chữ Hán mà cụ tìm được, cũng có khi cụ dịch trọn một đoạn mặc dầu trong nguyên tác, tác giả chỉ trích dẫn vài câu ngắn.
Ngược lại, trong các cuốn như Lão tử – Đạo Đức kinh, Khổng tử, Sử Trung Quốc, chúng ta thấy nhiều chỗ cụ Nguyễn Hiến Lê dẫn lời của Will Durant. Ví dụ, trong cuốn Khổng Tử, cụ viết: “Durant, tác giả bộ Lịch sử văn minh, đã nhận định đạo Khổng rất đúng: “Chỉ trong đạo Ki-tô và đạo Phật, chúng ta mới thấy có sự hùng tâm gắng nhân hóa cái bản chất con người như đạo Khổng”. Ngày nay cũng như ngày xưa, dân tộc nào cũng bị cái nạn giáo dục thiên về trí dục quá mà đạo lí suy đồi, tư cách cá nhân cũng như tập thể thấy kém quá thì không có phương thuốc nào công hiệu hơn là cho thanh niên được thấm nhuần đạo Khổng.
Nhưng chỉ một triết lí Khổng học thôi, chưa đủ. Nó rất thích hợp với một quốc gia cần thoát khỏi cảnh hỗn loạn nhu nhược để lập lại trật tự lấy lại sức mạnh, nhưng đối với một quốc gia cần cải tiến hoài để ganh đua trên trường quốc tế thì triết lí đó là một trở ngại”.
Chúng ta đã biết rằng cụ Nguyễn Hiến Lê mua bộ Lịch sử văn minh của Will Durant vào khoảng 1969, và khoảng bốn năm sau cụ viết bộ Trang tử – Nam Hoa kinh, nhưng trong bộ này tôi không thấy cụ dẫn lời nào của Will Durant; hơn nữa, cụ Nguyễn Hiến Lê lại không có chút nghi ngờ nào giống như Will Durant rằng thuyết luân hồi trong các kinh Veda của Ấn Độ đã ảnh hưởng đến học thuyết của Trang tử, nên cụ bảo: “Trang tử không phải là nhà khoa học, mà thời ông sống, đạo Phật chưa truyền qua Trung Hoa, ông không biết các luật khoa học, và luân hồi, nhưng ông đã cảm thấy một cách sâu sắc luật biến hoá trong vũ trụ. Ông nghĩ rằng chúng ta chết rồi có thể biến thành bất kì một vật nào khác như đổi căn nhà (VI.6) mà vật cũng vậy, cũng có thể biến thành người, và dù biến thành gì thì vật và ta rốt cuộc cũng trở về Đạo, “qui căn”, hợp nhất với Đạo. Đó là một tư tưởng đặc sắc của ông, làm căn cho thuyết không phân biệt ta và vật, trọng thiên tính và sự tự do của vạn vật”.
Trong cuốn Sử Trung Quốc, chúng ta thấy cụ Nguyễn Hiến Lê trích dẫn rất nhiều từ bộ Lịch sử văn minh, đặc biệt là từ cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, và có lẽ do chịu ảnh của Will Durant, trong cuốn đó, cụ trình bày khá chi tiết nền văn minh Trung Hoa. Cụ bảo: “Tôi cho lịch sử Trung Hoa là lịch sử của một nền văn minh vô cùng độc đặc, tuy ra đời sau vài nền văn minh khác: Ai Cập, Lưỡng Hà… nhưng tồn tại lâu nhất”.
Trong các đoạn trích dẫn mà cụ Nguyễn Hiến Lê không tìm được nguyên tác, cụ phải dịch từ bản tiếng Pháp – như trên tôi đã nói – có khá nhiều bài thơ; và trong những bài này tôi tìm được nguyên tác vài bài (trong chú thích tôi đã chép nguyên văn và tạm dịch), số còn lại bạn vvn tìm được hai bài: Bảo vũ và Tân An lại. Hai bài đó tôi chép vào Phụ lục. Ngoài ra, vì thấy bản in của nhà Văn Hoá Thông tin có khá nhiều chỗ sai sót, nên bạn Tuanz đã dùng cuốn Lịch sử Văn minh Trung Quốc của Trung Tâm Thông Tin – Đại học Sư phạm – 1990[2] để sửa các chỗ sai sót đó và sửa luôn những lỗi do tôi gõ sai, đồng thời góp ý để tôi chỉnh lại một vài chú thích. Xin chân thành cảm ơn bạn vvn, bạn Tuanz, và xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Goldfish
Tháng 8 năm 2010.
Bản đồ Trung Hoa đời Thanh
***
Giữa những năm 30 của thế kỉ này, khi các đế quốc châu Âu, châu Mĩ, đang đà cường thịnh, khi bản đồ Á Phi còn tô một màu thuộc địa xám xịt, thì Will Durant cho ra bộ LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI với phần MỞ ĐẦU là lịch sử văn minh các nước phương Đông: Ai Cập, Tây Á, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản…
Hôm nay, ta nghe đâu đó có lời dự báo rằng cán cân kinh tế của các thập kỉ sau sẽ nghiêng về châu Á. Nhưng 55 năm trước, W. Durant đã viết “Tương lai ở phía Thái Bình Dương và chúng ta phải hướng cặp mắt và trí óc về phía đó”. Nhà sử học, nhà bác học Mĩ gốc Pháp này đã cùng vợ bỏ ra gần ba chục năm để nghiên cứu các dân tộc châu Á và phương Đông và đã viết về các quốc gia này với thái độ công bằng, trân trọng. Từ khi sách ra đời đã mấy thập kỉ, nhưng công trình nghiên cứu này ở ta vẫn chưa phổ biến nhiều; trong lúc đó hãy còn một số giờ dạy và một số tài liệu khác vẫn xem nền văn hóa châu Âu mở đầu với Hi-LA là tột đỉnh, là khởi nguyên của mọi nền văn hóa. Quan niệm này đã bị W. Durant phê phán ngay tại nơi nó được phát sinh, là giới sử gia phương Tây.
Trong phần văn minh phương Đông, W. Durant viết khá kĩ về Ấn Độ và Trung Hoa. Hai quốc gia này là nơi phát sinh hai nền văn minh lớn có tác dụng và ảnh hưởng đến hai phía của lục địa châu Á trong đó có Việt Nam.
Sự phát triển của Ấn Độ và Trung Hoa trong thập kỉ này, tuy mỗi nước có một đặc điểm riêng, nhưng luôn luôn tập trung sự chú ý của cả loài người, đặc biệt của vùng Đông Nam Á, do sự chuyển mình vươn lên với cả quá trình sôi động và phức tạp của nó. Những con rồng nhỏ chung quanh đang trên đà phát triển, con rồng lớn đang đứng trước sự thách thức lớn lao. Thử đi ngược lại những thời kì lịch sử trước đây của Trung Hoa, Ấn Độ để làm cơ sở, tìm hiểu xu hướng phát triển hiện nay của hai nước láng giềng Việt Nam. Đó là mục đích của chúng tôi khi xuất bản tập LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG QUỐC trong bộ sách của W. Durant.
Với các giai đoạn lịch sử xa xưa, có điều kiện thử thách, tham bác được nhiều tài liệu, tác giả đã trình bày một cách uyên bác, dẫn chứng các tài liệu phong phú, phân tích tình thế. Với văn hóa và con người Trung Hoa, kể cả người lao động, nghèo khổ, ít học… tác giả đã dành những lời khen ngợi, những cảm tình đặc biệt. Và, ngược lại, tác giả cũng đã phê phán thẳng thắn những tệ nạn của xã hội phong kiến, độc tài…
Tuy nhiên, với thời cận đại, có thể vì chưa đủ tư liệu, thời gian chưa nhiều, tác giả đôi khi ngộ nhận khi phân tích, đánh giá một số sự kiện, nhân vật lịch sử như những phong trào nổi dậy của nông dân, kể cả Thái Bình Thiên Quốc và Nghĩa Hoà Đoàn, về việc làm của những nhà truyền giáo, về vai trò của nhà cách mạng dân chủ ưu tú Tôn Trung Sơn, hay quan hệ giữa chính phủ Quảng Châu với chính quyền Xô Viết…
Nhân đây chúng tôi chân thành cảm ơn gia đình học giả quá cố NGUYỄN HIẾN LÊ cho phép chúng tôi sử dụng bản dịch này.
NXB Văn Hoá Thông Tin.