DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Thế giới Ả Rập còn gọi là dân tộc Ả Rập hoặc các quốc gia Ả Rập, hiện gồm có 22 quốc gia nói tiếng Ả Rập thuộc Liên đoàn Ả Rập. Lãnh thổ của các quốc gia Ả Rập trải dài từ Đại Tây Dương tại phía tây đến biển Ả Rập tại phía đông, và từ Địa Trung Hải tại phía bắc đến Sừng châu Phi và Ấn Độ Dương tại phía đông nam. Tổng dân số thế giới Ả Rập là khoảng 422 triệu người theo số liệu năm 2012, trên một nửa trong số đó dưới 25 tuổi.

Trong thời Trung đại, thế giới Ả Rập đồng nghĩa với các đế quốc Ả Rập trong lịch sử. Chủ nghĩa dân tộc Ả Rập trỗi dậy vào nửa cuối của thế kỷ 19, cùng với các phong trào dân tộc chủ nghĩa khác bên trong Đế quốc Ottoman. Liên đoàn Ả Rập được thành lập vào năm 1945 nhằm đại diện cho lợi ích của nhân dân Ả Rập và đặc biệt là theo đuổi thống nhất chính trị các quốc gia Ả Rập; một kế hoạch được gọi là chủ nghĩa liên Ả Rập

Trong tôn giáo, đa số dân chúng trong thế giới Ả Rập trung thành với Hồi giáo, và tôn giáo này có vị thế chính thức tại hầu hết các quốc gia trong số đó. Luật Shariah hiện diện một phần trong hệ thống tư pháp tại một số quốc gia (đặc biệt là bán đảo Ả Rập), trong khi các quốc gia khác có tư pháp thế tục. Đa số các quốc gia Ả Rập tin theo Hồi giáo Sunni, riêng Iraq và Bahrain có cộng đồng Hồi giáo Shia chiếm đa số, còn Liban, Yemen và Kuwait có một thiểu số Shia lớn. Tại Ả Rập Xê Út, các nhóm Ismail cũng tồn tại trong vùng Al-Hasa ở miền đông và thành phố Najran ở miền nam. Hồi giáo Ibadi được hành đạo tại Oman, tín đồ Ibadi chiếm khoảng 75% số người Hồi giáo tại Oman.

Ngoài ra còn có các tín đồ Cơ Đốc giáo trong thế giới Ả Rập, đặc biệt là tại Ai Cập, Syria, Liban, Iraq, Jordan và Palestine. Các cộng đồng Copt, Maronite và Assyria cô lập lần lượt tồn tại trong thung lũng sông Nin, Levant và miền bắc Iraq. Các cộng đồng người người Assyria, Armenia, Syriac-Arame và Cơ Đốc giáo Ả Rập phân bổ khắp Iraq, Syria, Liban và Jordan, nhiều cộng đồng bị thu hẹp do các xung đột khác nhau trong khu vực.

Trong quá khứ, chế độ nô lệ trong thế giới Hồi giáo phát triển từ những thực tiễn về chế độ nô lệ trong thế giới Ả Rập thời kỳ tiền Hồi giáo.

Văn minh Ả Rập vô cùng phong phú, có một cuốn sách mà bạn sẽ tìm thấy được những giá trị ở đó là “Lịch sử văn minh Ả Rập”.

Lịch sử văn minh Ả Rập – cuốn sách theo chiều dài lịch sử Ả Rập

Nếu quý độc giả là người muốn được khám phá thế giới quanh mình thì không nên bỏ qua cuốn sách “Lịch sử văn minh Ả Rập”. Như một cuốn nhật ký xâu chuỗi lại những giá trị văn hóa về tôn giáo, nghệ thuật, tín ngưỡng, con người,… trải dài qua các giai đoạn lịch sử từ năm 569-632 Mahomet đến 1260-1277 Baibars làm chúa Mameluk.

Với 475 trang sách, có thể nhiều độc giả sẽ cho cuốn sách Văn minh Hồi giáo này dài quá, nhưng các học giả sẽ chê nó ngắn quá, thiếu sót. Chỉ tại những điểm tuyệt đỉnh của lịch sử, xã hội mới sản xuất được cùng trong thời gian những vĩ nhân trong chính giới, giáo giới, trong văn học, hóa học, triết học và y học nhiều như Hồi giáo trong bốn thế kỷ từ Haroun al – Rashid tới Averroès … Nhưng một phần lớn, nhất là về chính trị, thơ ca và nghệ thuật riêng của dân tộc Ả Rập là đáng quý và đáng trân trọng vô cùng!

Mở đầu cuốn sách là sự lý giải về bộc phát của bán đảo Ả Rập là biến cố lạ lùng nhất trong lịch sử thời Trung cổ; hậu quả của nó là một nửa thế giới ở chung quanh Địa Trung Hải bị người Ả Rập xâm chiếm và cải giáo (biến đổi tín ngưỡng). Không có bán đảo nào lớn bằng bán đảo Ả Rập: chiều dài nhất được hai ngàn hai trăm cây số. Về phương diện địa chất, bán đảo đó tiếp tục sa mạc Sahara, là một phần của cái đai cát đi ngang qua Ba Tư, tới tận sa mạc Gobi.

Còn rất nhiều điều thú vị về văn minh Ả Rập mà bạn chưa từng biết đến, tôi nghĩ cuốn sách sẽ là cơ hội để bạn tiếp cận nền văn minh này mà không phải tìm các nguồn từ đâu cả.

***

Vài lời thưa trước

Cuốn Lịch sử văn minh Ả Rập, cũng như các cuốn Lịch sử văn minh Ấn ĐộLịch sử văn minh Trung Hoa…, cụ Nguyễn Hiến Lê cũng dịch từ bản Pháp dịch của nhà Rencontre ở Lausanne, Thuỵ Sĩ. Nguyên tác tiếng Anh là Cuốn II: Islamic Civilization: 569-1258 (Văn minh Hồi giáo: 569-1258) trong Tập IV: Age of Faith[1] (Thời Trung Cổ) trong bộ The Story of Civilization (Lịch sử văn minh) của Will Durant.

Năm 569 là năm nhà tiên tri Mohomet, người khai sáng đạo Hồi, chào đời; năm 1258 là năm quân Mông Cổ cướp phá kinh đô Bagdad, chấm dứt triều đại Abbaside.

Mahomet và các người nối nghiệp chinh phục trọn bán đảo Ả Rập, sau đó “chiếm được một nửa những nước ở châu Á thuộc về đế quốc Byzantin[2], trọn Ba Tư và Ai Cập, một phần lớn Bắc Phi”, phần lớn bán đảo Iberan[3]; dựng nên một đế quốc Hồi giáo rộng mênh mông, trãi dài từ Đại Tây Dương tới sông Indus gồm các miền Tây Á, Trung Á, Bắc Phi, một phần Tây Nam châu Âu (xem bản đồ bên dưới). Sau năm 750, tuy người Hồi giáo còn chiếm thêm đảo Corse, đảo Sardaigne, đảo Sicile, nhưng chính quyền trung ương lần lần suy yếu, nhiều lãnh chúa là người Ả Rập, hoặc người Ba Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Berbère…, mỗi nhà hùng cứ một phương, đế quốc Hồi giáo bị chia cắt thành nhiều vương quốc độc lập. Năm 1258, vị calife (vừa là vua vừa là giáo chủ Hồi giáo) cuối cùng của triều đại Abbaside bị quân Mông Cổ giết, nhưng triều đại Mameluk hùng mạnh ở Ai Cập vẫn còn. Năm 1260 quân Mamelut tiêu diệt một đạo quân Mông Cổ Ain-Jalut, và “năm 1303, một trận quyết định ở gần Damas chấm dứt sự xâm lăng của Mông Cổ và cứu được Syrie cho Hồi giáo, có lẽ cả châu Âu cho Kitô giáo nữa”; các lãnh chúa Mamelut cũng cứu “xứ Palestine khỏi bị quân France xâm chiếm, và khi họ đuổi được chiến sĩ Kitô[4] giáo cuối cùng ra khỏi châu Á”; triều đại Mamelut còn kéo dài “cho tới khi người Thổ Ottman diệt năm 1517”.


Sự bành trướng của đế quốc Hồi giáo
(http://www.conservapedia.com/images/thumb/1/16/Islam750.jpg/590px-Islam750.jpg)

Nền văn minh Hồi giáo được tác giả nêu ra trong cuốn này là nền văn minh các dân tộc theo Hồi giáo từ năm 569 đến năm 1258 (trước và sau khoảng thời gian đó, tác giả chỉ nêu khái quát). Theo tác giả thì “Gần như Kitô giáo chỉ ảnh hưởng tới Hồi giáo ở phương diện tôn giáo và chiến tranh… Ngược lại, ảnh hưởng của Hồi giáo tới Kitô giáo vừa đa diện vừa lớn lao vô cùng. Châu Âu theo Kitô giáo học được của Hồi giáo nhiều món ăn, thức uống, thuốc trị bệnh, áo giáp, huy chương, các kiểu và ý kiến về nghệ thuật, kĩ thuật thương mại, kĩ nghệ, luật và phương pháp hàng hải… Thơ ngụ ngôn và những chữ số Ấn Độ cũng khoát một hình thức Ả Rập trước khi vô châu Âu. Khoa học Hồi giáo duy trì và mạnh mẽ khai triển thêm môn toán, lý, hoá, thiên văn, y học của Hy Lạp để sau truyền lại cho châu Âu… Y học Hồi giáo đứng đầu thế giới trong năm trăm năm. Triết học Hồi giáo sửa đổi triết thuyết của Aristote để truyền lại cho châu Âu theo Kitô giáo, Avicenne và Averroès là những ngôi sao sáng ở phương Đông soi đường cho các nhà thần học phái kinh viện châu Âu, và được các nhà này coi là những bậc thầy ngang hàng với các triết gia Hy Lạp thời cổ… Một phần văn minh rực rỡ ấy là di sản của Hy Lạp; nhưng một phần lớn, nhất là về chính trị, thi ca và nghệ thuật là riêng của dân tộc Ả Rập và nó quí vô cùng”. Không chỉ riêng dân tộc Ả Rập mà các dân tộc khác trong đế quốc Hồi giáo cũng đóng góp một phần đáng kể vào nền vinh Hồi giáo, đặc biệt là dân tộc Ba Tư. Ngoài “ngôi sao sáng ở phương Đông” Avicenne là người Ba Tư kể trên, còn có thi hào Omar Khayyam, nhà bác học al-Biruni, nhà toán học Al-Khwarizmi (tác giả cuốn “Đại số học”)…, và tác phẩm được nhiều người biết đến, cuốn “Ngàn lẻ một đêm”, cũng của người Ba Tư.

Tuy nền văn minh Hồi giáo thời Trung cổ là do nhiều dân tộc theo Hồi giáo đóng góp, ba trung tâm văn hoá nổi tiếng nhất là Le Caire ở Ai Cập, Bagdad ở Mésopotamie và Cordoue ở Tây Ban Nha, còn xứ Ả Rập, nơi khai sinh của Hồi giáo, từ năm 762, năm al-Mansur dời đô từ Médine đến Bagdad, không còn là trung tâm của đế quốc Hồi giáo nữa, nhưng nền văn minh trên những xứ bị dân tộc Ả Rập chinh phục đó cũng được xem là nền văn minh Ả Rập, và đế quốc Hồi giáo cũng được gọi là đế quốc Ả Rập. Hai cụm từ “văn minh Ả Rập” và “đế quốc Ả Rập”[5], trước khi dịch cuốn Lịch sử văn minh Ả Rập, cụ Nguyễn Hiến Lê đã dùng trong cuốn Bán đảo Ả Rập xuất bản năm 1969.


Theo Danh mục sách của Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Mười câu chuyện văn chương thì cuốn Lịch sử văn minh Ả Rập do nhà Phục Hưng xuất bản lần đầu vào năm 1975. Ở đây tôi chép theo bản in của nhà Văn hóa Thông tin, xuất bản Quí I năm 2006[6]. Trong quá trình chép lại, tôi tham khảo cuốn Islamic Civilization: 569-1258 nêu trên để sửa những chỗ in sai và chú thích, nếu như thấy cần thiết. Có nhiều đoạn sách in thiếu, tôi phải dịch các đoạn tương ứng trong nguyên tác tiếng Anh (về sau gọi là bản tiếng Anh) để bổ sung, trong số các đoạn dịch bổ sung đó có vài đoạn tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của QuocSan. Bạn QuocSan còn tách cuốn Islamic Civilization: 569-1258 trong tập Age of Faith cho vào cuối ebook. Ngoài ra, bạn Vvn cũng giúp tôi biết thêm về âm lịch Hồi giáo. Xin chân thành cảm ơn hai bạn.

Goldfish

***
MAHOMET 569-632
I. BÁN ĐẢO Ả RẬP
Năm 565, Justinien[12] mất. Năm năm sau, Mahomet sinh trong một gia đình nghèo tại một xứ ba phần tư là sa mạc, chỉ có lưa thưa ít bộ lạc du mục mà của cải, bảo vật gom cả lại cũng không đầy chính điện giáo đường Saint Sophie[13]. Lúc đó không ai ngờ được rằng chưa đầy một thế kỉ sau, bọn dân du mục đó chiếm được một nửa những nước ở châu Á thuộc về đế quốc Byzantin, trọn Ba Tư và Ai Cập, một phần lớn Bắc Phi và đương tiến lên Y Pha Nho nữa. Sự bộc phát của bán đảo Ả Rập là biến cố lạ lùng nhất trong lịch sử thời Trung cổ; hậu quả của nó là một nửa thế giới ở chung quanh Địa Trung Hải bị người Ả Rập xâm chiếm và cải giáo (biến đổi tín ngưỡng).

Không có bán đảo nào lớn bằng bán đảo Ả Rập: chiều dài nhất được hai ngàn hai trăm cây số. Về phương diện địa chất, bán đảo đó tiếp tục sa mạc Sahara, là một phần của đai cát đi ngang qua Ba Tư, tới tận sa mạc Gobi. Tiếng Arabe (Ả Rập) có nghĩa là khô khan. Về phương diện địa lí nó là một cao nguyên mênh mông thình lình dựng đứng lên tới ba ngàn thước ở cách Hồng Hải năm chục cây số, rồi hạ lần lần xuống về phía Đông, qua những dãy núi hoang vu, tới vịnh Ba Tư. Ở giữa bán đảo nổi lên vài ốc đảo có cỏ, có làng mạc dưới bóng cây kè[14], với những giếng nước không mấy sâu; chung quanh, tứ phía đều là cát mênh mông trải ra tới mấy trăm cây số. Bốn chục năm tuyết mới đổ một lần, ban đêm lạnh tới không độ (0°); ban ngày ánh nắng làm cháy da, máu muốn sôi lên; vì không khí đầy cát nên dân chúng phải bận áo dài và quàng khăn để che da thịt và tóc. Trời như ngày nào cũng trong sáng, không khí thì như thứ “rượu vang có bọt”. Trên bờ biển, thỉnh thoảng có những cơn mưa rào trút xuống, nên trồng trọt được, văn minh được: nhất là bờ biển ở phía Tây, trong miền Hedjaz, nơi có những thị trấn La Mecque và Médine; ở phía Tây Nam, trong miền Yemen, nơi có những vương quốc cổ của Ả Rập (…)[15].


La Mecque và Médine (tức Mecca và Medina) nay thuộc Vương quốc Ả Rập Xê-út[16]
(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/0/04/Saudi_Arabia_map.png)

Bên cạnh những tiểu quốc ở Bắc và Nam, ngay cả trong những tiểu quốc đó nữa, trước thời Hồi giáo, tổ chức chính trị là một tổ chức gia tộc gồm thị tộc và bộ lạc. Mỗi bộ lạc mang tên một ông tổ chung tưởng tượng nào đó: chẳng hạn bộ lạc Bani-Gassan tự cho mình là hậu duệ của Ghassan. Trước Mahomet, mặc dù người Hy Lạp gọi tất cả dân chúng trong bán đảo là sarakenoi (tức Sarrasin) – có lẽ do tiếng Ả Rập sharkiyum[17] (nghĩa là phương Đông) mà ra, nhưng thực sự những dân tộc đó không thống nhất về chính trị. Vì sự giao thông khó khăn, cho nên các bộ lạc tất phải tự trị về kinh tế, và giữ tính cách địa phương hoặc tính cách riêng của bộ lạc. Người Ả Rập chỉ trung thành và có bổn phận đối với bộ lạc của họ thôi, mà bộ lạc càng nhỏ thì lòng hy sinh đối với bộ lạc càng lớn; họ làm cho bộ lạc tất cả những gì mà hạng người văn minh làm cho tổ quốc, tôn giáo hoặc “nòi giống” của mình – nghĩa là nói dối, ăn cắp, giết người hoặc chết cho bộ lạc, với một lương tâm trong sạch. Mỗi bộ lạc hoặc thị tộc do một sheik thống trị, vị này được các đầu mục bầu trong một gia đình đã nhiều đời giàu có hơn, tài trí hơn hoặc chiến đấu anh dũng hơn các gia đình khác.

Nơi nào có làng thì dân chúng trồng trên các khu đất khô cằn được ít lúa và rau, nuôi ít gia súc và con ngựa đẹp; nhưng họ thấy trồng chà là, đào, hạnh, lựu, chanh, cam, chuối, vải… có lợi hơn nhiều; một số người trồng những hương thảo, như cây lài, cây oải hương (lavande), cây bách lí hương (thym); có kẻ nấu dầu hoa hồng mọc trên núi; có kẻ rạch thân vào loại cây để lấy nhựa mộc dược (myrrhe) hoặc nhựa thơm khác. Có thể một phần hai mươi dân chúng sống trong các thị trấn ở gần hoặc trên bờ biển phía Tây. Tại đó có nhiều hải cảng và chợ cho các thương thuyền trên Hồng Hải, còn ở phía trong nội địa, là những con đường lớn cho những thương đội muốn tới Syrie. Tương truyền từ năm 2743 trước T.L, Ả Rập đã buôn bán với Ai Cập, mà những thông thương hàng năm với Ấn Độ chắc cũng đã xảy ra từ hồi đó. Mỗi năm có những chợ phiên họp khi ở thị trấn này, khi ở thị trấn khác; chợ phiên lớn ở Ukaz gần La Mecque năm nào cũng thu hút mấy trăm con buôn, kép hát, nhà truyền giáo, con bạc, thi sĩ và gái điếm.

Năm phần sáu dân chúng là người Bédouin du mục di chuyển với đàn gia súc từ đồng cỏ này tới đồng cỏ khác, tuỳ mùa và tuỳ các trận mưa mùa đông. Người Bédouin yêu ngựa lắm, nhưng trong sa mạc, lạc đà là con vật họ quí nhất. Loài lạc đà chỉ đi được mười hai cây số một giờ, điệu bộ lắc lư một cách trịnh trọng mà uyển chuyển, nhưng có thể nhịn nước năm ngày mùa hè và hai mươi ngày mùa đông; sửa nó uống được, nước tiểu của nó làm cho tóc mượt[18], phân nó có thể phơi khô để đốt; thịt nó mềm, ngon; người Bédouin vừa kiên nhẫn và dai sức như lạc đà, vừa dễ cảm và hăng hái như ngựa, có thể đương đầu với sa mạc được. Nhỏ con, mảnh khảnh, mạnh và bền sức, họ có thể sống mấy ngày với vài trái chà là và một ít sữa; rượu chà là làm cho họ quên tình cảnh của họ và kích thích trí tưởng tượng của họ. Để cuộc đời khỏi đều đều buồn chán, họ kiếm người yêu hoặc gây lộn; họ cũng nóng nảy như người Y Pha Nho đã được di truyền huyết thống hoặc thị tộc của họ trả thù liền kẻ nào nhục mạ hoặc làm hại họ hoặc thị tộc họ. Già nửa đời cuộc họ là chiến tranh giữa các bộ lạc với nhau; và khi họ chiếm được Syrie, Ba Tư, Ai Cập, Y Pha Nho rồi thì họ chinh phạt liên miên, tha hồ phóng túng cướp bóc, nhưng mỗi năm họ cũng bỏ ra vài thì kì “hưu chiến thiêng liêng” để đi hành hương hoặc buôn bán. Họ cho sa mạc là của riêng; ai đi ngang qua – ngoài những thời hưu chiến – mà không nộp tiền “mãi lộ” thì họ cho là kẻ ngoại nhân xâm nhập, như vậy họ có ăn cắp của kẻ đó thì cũng như một cách thu thuế rất lương thiện vậy thôi. Họ khinh thị trấn vì ở đó phải theo luật lệ, phải buôn bán, chứ không thể ăn cắp được; sa mạc tuy tàn nhẫn mà họ lại yêu vì họ được tự do. Khả ái mà lại khác khao, rộng rãi mà lại hà tiện, bất lương mà lại trung tín, người Bédouin dù nghèo tới đâu cũng vậy, hiên ngang nhìn đời, tự hào về dòng máu không pha của mình, vui vẻ mang dòng họ mình.
 
Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Văn Minh Ả Rập của tác giả Will Durant & Nguyễn Hiến Lê (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000