Thường thì mình tuy thích đọc truyện cổ đại nhưng nhìn thấy kiểu nữ chính này sẽ tránh xa ngay, kiểu nữ chính bánh bèo suốt ngày khóc ấy. Nhưng trong lúc rảnh rỗi không có gì làm và chỉ có quyển này ở bên cạnh thì đã đọc một mạch hết cả quyển và thực sự thay đổi cách nhìn về truyện, đặc biệt là An Mi.
An Mi là một người con gái Hồ, loại người mạt hạng trong xã hội phong kiến xưa, loại người đóng khế làm nô hoặc bán rẻ tiếng cười trong các quán rượu. Nói chung là gái Hồ không có kết cục gì tốt đẹp, tựa như Khang Cổ Nhĩ – một cô gái vượt biên rất thân với An Mi – đã tự vẫn khi thấy người mình yêu kết hôn với người khác.
An Mi không phải là quá xinh đẹp, thậm chí nàng còn rất ngờ nghệch và yếu đuối, cũng chính vì nàng nên 5 loại sâu mọt mới có cơ hội làm loạn thiên hạ. Nhưng người ngốc có phúc, cuối cùng chính sự kiên cường bất khuất và hi sinh hết lòng của An Mi đã cảm động một Phù Trường Khanh lòng dạ sắt đá, làm hắn nguyện thay đổi bản thân vì nàng, nhận ra Đỗ Thục (con mọt thứ năm) chỉ qua một lần gặp mặt.
Nếu xếp An Mi vào thể loại nữ chính bánh bèo thì phải nghĩ đến những gian khổ tủi nhục nàng chịu đựng và đã vượt qua để đương đầu sóng vai cùng Phù Trường Khanh, suýt nữa đã tiêu tán hồn phách để cứu mạng Phù Trường Khanh. Nhưng nếu xếp An Mi vào thể loại nữ cường thì càng không thỏa đáng, vì nàng luôn tránh khó khăn và khóc trong bất lực vì không thể làm chủ cuộc sống của mình.
Ban đầu vừa đọc mình đã đoán Phù Trường Khanh là nam chính, nhưng thực sự tính cách của anh này quá đáng ghét, luôn vênh mặt kiêu ngạo. Nhìn người hầu Tiểu Đàn kia là biết, chó cậy mặt chủ, mấy lần gặp mặt vô tình của Phù Trường Khanh với An Mi chẳng có gì tốt đẹp, chỉ đi lướt qua nhau mà thôi. Bản tính Phù Trường Khanh ác độc, chuyên nghĩ ra vô số hình phạt tàn nhẫn cho phạm nhân, cũng cực ghét tham quan nên Phù thứ sử là người ai ai cũng muốn lấy lòng. Nhưng không phải ai cũng lấy lòng được, nếu không khéo thì sẽ lập tức vào ngục trong khi còn chẳng hiểu lý do.
Cũng vì những tháng ngày cùng chung hoạn nạn nơi Đột Quyết mới làm Phù Trường Khanh hiểu rõ An Mi, nhưng hắn cũng là một kẻ nhẫn tâm đến cùng cực khi buộc An Mi phải chọn làm thiếp hay coi như không quen biết. Phù Trường Khanh này tàn độc đến tận xương tủy, ác với cả mình lẫn cả người mình yêu, nhưng tất cả cũng chỉ vì muốn bảo vệ An Mi. Nàng và hắn tuy trong lòng đều đầy vết thương, nhưng khi đến với nhau là duyên trời tác hợp.
Quỷ Hòe Quỷ Liễu có lẽ là nhân vật quan trọng nhất. Họ tạo ra cơ hội để An Mi và Phù Trường Khanh gặp gỡ, cứu sống Phù Trường Khanh và An Mi, vậy mà suýt chút nữa bị hắn đốn cây. Mình rất thích cp này, đặc biệt là chi tiết “quan tài gỗ Liễu khắc uyên ương song hí”.
Đỗ Thục có lẽ là nhân vật phản diện lớn nhất, nhưng cũng là nhân vật mình thích nhất. Mình đã đọc đi đọc lại phần đó không biết bao nhiêu lần. Đỗ Thục tính cách quả quyết, nhẹ nhàng mà tàn nhẫn, nàng gieo rắc đại họa cho cả đất nước, làm những người chứa chấp nàng đều chết cả. Đỗ Thục là một diễn viên trời phú, một nhà thông thái, một bậc thầy ngoại giao siêu đẳng, nàng cũng là một người trọng tình trọng nghĩa với những huynh đệ đã tu hành cùng nàng, và nàng cố gắng thực hiện sứ mệnh cuối cùng của mình. Trong truyện, Đỗ Thục lúc nào cũng thảnh thơi, ung dung, nắm hết mọi thứ trong lòng bàn tay, tuy cuối cùng lật thuyền vì Phù Trường Khanh nhưng mình cũng thở phào nhẹ nhõm vì một cái kết HE.
Quyển này của Thủy Hợp khá u buồn, sâu lắng, làm mình vừa đọc vừa lau nước mắt nhưng cũng có nhiều chi tiết hài hước. Giọng văn dịu dàng cuốn hút làm cho cái kết trở nên hoàn mỹ, dù cả An Mi và Phù Trường Khanh sau này đều thương tích đầy mình, theo nghĩa đen.
Thời đó có một lời nói lưu truyền, “Lạc Dương có Phù Trường Khanh tài hoa tuấn tú, Kinh đô có Quý Tử Ngang đường đường chính chính.”
Phù Trường Khanh: “Quý Tử Ngang là hạng gà chó gì mà dám so sánh với ta.”
Và hai bậc anh tài này đều có tính cách như nhau, kiêu căng ngạo mạn như nhau, người giám sát kẻ kia chém đầu, kẻ đứng dưới nhìn người mất đầu. Chung quy đều chết dưới tay Đỗ Thục, người mà cả hai đều lơ là.
_Kyo_
Tác giả: Thủy Hợp
Thuở nhỏ sống ở Nam Kinh, cực kỳ yêu thích tiểu thuyết. Trong số đó đã từng say mê những chuyện phong hoa tuyết nguyệt, thần tiên ma quái, thích tưởng tượng những văn nhân nhạy cảm ẩn nấp trong số những nhân vật phong lưu, và mong một ngày nào đó có đủ khả năng để hạ bút viết về những nhân vật đầy mâu thuẫn như vậy…
“Này Quỷ Hòe, có muốn cá cược không?”
“Hở? Cược chuyện gì? Cược cái gì?”
“Cược xem sau khi ngươi bị sét đánh đen thui thì còn ai thờ cúng ngươi nữa không. Ai thua thì dùng hình dạng nguyên thủy của người đó làm quan tài.”
“Khà khà, lấy… thân gỗ thần nghìn năm làm quan tài, lão Liễu… lấy thi thể to lớn của ngươi?”
“Bớt nói những câu đùa nhạt nhẽo đi. Nào, tới đây…”
Tại một thôn nhỏ tên Tiểu Trạch ở phía tây nam huyện Phù Phong, quận Thủy Bình ở Tần Châu, An Mi đang tranh thủ thời gian chạng vạng rảnh rỗi để ngâm cả cánh tay đầy thương tích vào dòng nước suối mát lạnh. Dòng suối có một vùng nước trong và lặng sóng tại chỗ dòng chảy hiền hòa, vừa hay in bóng khuôn mặt khổ sở của nàng.
Đó là một khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng nõn như sữa dê,ngũ quan thanh tú và rõ nét, nhất là đôi lông mày đen nhánh dưới tóc mái, nó như trăng non, dài mảnh, phần đuôi lại hơi xếch lên. Thái dương mịn màng như lấp lánh các tia sáng xanh… Ấy vậy mà đôi lông mày phong lưu như thế lúc này đây đang nhíu lại, đôi con ngươi đen láy hơi run rẩy, hoảng loạn dưới hàng mi dày.
“Mình phải đi tìm chàng…” Sau khi thở dồn dập một hồi lâu, An Mi ngẩn người nhìn ráng mây hồng trôi qua dưới đáy nước màu xanh lam, nàng lẩm bẩm, vừa sợ hãi nhưng cũng rất kiên quyết.
An Mi họ An, đây là một trong “Chiêu Vũ cửu tính1” nổi danh của người Hồ, nguyên quán tại Tây Vực, châu An Tức nước An2.
1.Chiêu Vũ cửu tính, hay còn được gọi là “Chín họ người Hồ”, là tên gọi chung cho chín nước nằm bên ngoài núi Thông Lĩnh, Trung Quốc: nước Khang, An, Thạch, Mễ, Sử, Tào, Hà, Hỏa Tầm, Mậu Địa. Tổ tiên của chín họ cũng như chín nước này là tộc người Nguyệt thị cư trú rất sớm ở thành Chiêu Vũ, núi Kỳ Liên. Trước Công nguyên, họ bị người Hung Nô truy đuổi, phải chuyển đến phía tây núi Thông Lĩnh, trước tiên lập ra nước Khang rồi sau mới phân nhánh mà thành chín nước. Quân vương của chín nước này đều có thêm hai chữ “Chiêu Vũ” trước họ của mình để dòng họ không bị mất gốc.
2.Nước An vào thời Hán còn có tên gọi là nước An Tức, do đó hai tên riêng này trong truyện đều chỉ nước An.
Ngạn ngữ đất Tần có câu: “Người Hồ năm trăm năm sau có họ Bạch họ Khang, nghìn năm sau mang họ Triệu họ Trương.”
Thật ra câu này là câu châm chọc người ta nói về người Hồ. Trước triều đình Đại Ngụy ngày nay, Trung Nguyên có mấy trăm năm bị ngoại tộc tàn sát. Hai mươi năm trước, thiên hạ được họ Thiệu dân tộc Hán thống nhất mới xem như kết thúc cục diện người Hồ làm loạn. Tuy rằng triều Đại Ngụy ngày nay cũng chưa thể nói là thái bình thịnh thế, trời yên biển lặng nhưng dù sao thì người Hồ hung ác cũng đã lùi ra quan ngoại. Sau khi được mở mày mở mặt thì thái độ của những người Hán từng chịu đủ loại ức hiếp khó tránh hơi quá khích với người Hồ.
Cũng đúng như câu ngạn ngữ trên - có lẽ một nhánh dân tộc Hồ định cư tại Trung Nguyên năm trăm năm vẫn giữ họ Triệu hay Trương thì bọn họ vẫn cứ là người Hồ. Dòng máu thấp hèn đã được gắn vào họ ngay từ lúc mới sinh ra.
“Mình phải đi tìm chàng.”
“Chàng” trong lời An Mi chính là phu quân của nàng - Từ Trân, vào ngày tân hôn đã bị quan binh dẫn đi Lạc Dương xây kênh Đại Hưng.
Từ hai mươi năm trước, khi người Hồ quấy nhiễu Trung Nguyên rồi phải lùi ra quan ngoại tới nay, hằng năm có rất nhiều thương nhân người Hồ mua thiếu nữ Hồ ở chợ đàn bà tại Quy Từ, Vu Chân1, rồi đi nghìn dặm xa xôi tới bán ở Trung Nguyên. Xưa nay, những cô gái Hồ xinh đẹp giá rẻ chính là lựa chọn đầu tiên của người nghèo khi mua vợ.
1.Tên hai nước ở Tây Vực.
Lúc An Mi mười hai tuổi thì được nhà họ Từ bỏ mười lăm nghìn tiền mua từ một quán rượu ở huyện Phù Phong. Mấy năm qua, từ lớn tới bé nhà họ Từ đều sai nàng như đầy tớ, cho tới năm ngoái nàng hơn mười sáu tuổi thì làm lễ chải tóc2, thành thân với Từ Trân. Ai ngờ vào ngày nàng thành thân thì quan sai đi bắt tráng đinh tới bất ngờ, kết quả là dù đã làm lễ chải tóc nhưng cuộc sống không thay đổi gì cả, thậm chí bà mẹ chồng có tính cách quái đản còn quy chụp chuyện rời đi của con trai là tại nàng, từ đó càng bắt nàng làm nhiều việc hơn.
2.Một trong các tập tục cưới hỏi của dân tộc Hán, trước khi kết hôn thì các cô gái phải thay đổi kiểu tóc, đồng thời cạo sạch phần lông tơ trên mặt.
“Cưới một đứa con gái người Hồ quả nhiên không may mắn.” Khi bà mẹ chồng của nàng là Vương thị nhìn chằm chằm nàng làm việc thì thường đảo đôi con ngươi phát sáng, bĩu môi nói. “Lại chả biết ngày sinh tháng đẻ, ai mà biết có phải khắc mệnh không, mặt nhọn má gầy mắt hồ ly, càng lớn càng không biết an phận…”
An Mi đã nhẫn nhịn thành quen, cũng không cãi lại mà chỉ nhẫn nhục chịu khó, một lòng trông ngóng Từ Trân có thể trở về sớm. Không ngờ đợi một năm cũng không thấy tin tức, chỉ nghe nói lao dịch trên kênh Đại Hưng chết hết nhóm này đến nhóm khác, những người không chết thì do cả ngày ngâm mình trong nước mà chân cũng có dòi. Đa phần đều trở nên tàn phế. Thời gian càng dài thì Từ Vương thị càng cho rằng con trai cả của bà ta tám phần đã mất mạng, liền nghĩ đến chuyện để An Mi thành thân với đứa con trai nhỏ - Từ Bảo - năm nay mới mười bốn tuổi. Trong lòng An Mi trăm nghìn lần không đồng ý nên khó giấu được đôi ba ý hiển hiện trong lời nói, tuy nhiên nếu nàng chống đối lại Từ Vương thị thì nhất định sẽ phải chịu một trận đòn nặng.
Nàng không muốn gả cho người khác, huống hồ trượng phu còn chưa có tin báo tử chính xác. Có khi tìm tới kênh Đại Hưng ở Lạc Dương thì có thể tìm được trượng phu; cho dù phải ở lại nơi đó, ở bên trượng phu tiếp tục đi lính, hoặc tìm việc giặt giũ may vá gần đấy làm kế sinh nhai thì cuộc sống cũng sẽ tốt hơn bây giờ chứ?
Khi lòng nàng đã quyết thì dường như nàng nhìn thấy một tia hy vọng. Nàng phấn khích chạy xuống một con dốc thoai thoải, đón làn gió đêm mùa thu thổi qua bãi lau sậy trắng đang bay nhảy. Nàng chạy một mạch đến bên gốc cây hòe lớn ở đầu thôn, quỳ xuống một cách thành kính, cầu khấn. Đó là một cây thần trong thôn, hằng năm người dân đều làm lễ cúng tế bên gốc cây.
Mùa thu năm ngoái, một trận sấm chớp kỳ lạ đã chém cháy cả cây đại thụ, làm nó không thể đâm chồi non được nữa. Trưởng lão trong thôn cho rằng cây thần bị trời phạt, nhất định có lý do không may mắn nào đấy, từ đó bèn dỡ bàn tế, cờ dài ở cây. Từ sau khi bỏ cúng bái thì dân trong thôn cũng dần dần không để ý tới cây hòe này nữa, thường ngày đi qua cũng chẳng thèm liếc nhìn một cái, chỉ có điều không dám tự ý đốn cái cây đã chết khô đi làm củi đốt mà thôi. Trong thôn chỉ còn An Mi là vẫn nhớ tới cây hòe, bình thường nàng hay lén chạy tới cúi lạy, cầu khấn một hồi. Có khi đi lấy nước ngang qua cũng không mất hy vọng mà vẩy ít nước cho nó, mong có một ngày nào đó nó có thể sống lại.
“Thần Hòe phù hộ, phù hộ cho con đi Lạc Dương tìm thấy phu quân, phù hộ cho con đêm nay lên đường thuận lợi…” Hai tay An Mi đang chắp lại thành hình chữ thập, miệng đang đọc lời cầu khấn thì nàng chợt thấy sắc trời tối hẳn, ráng mây hồng trên bầu trời mênh mông kia bỗng chốc tan biến. Đêm tối lạnh lẽo ập xuống. An Mi giật mình sợ hãi trước cảnh tượng kỳ quái bất thình lình này, nàng không dám nhúc nhích cả một lúc lâu.
Bỗng có tiếng cười êm tai đằng sau cây hòe đã chết khô, tiếp theo đó là tiếng bước chân loạt soạt, dường như có người đang giẫm lên cỏ, đi về phía nàng. “Ngày xưa thì vây quanh ta mồm năm miệng mười, ta cũng lười để ý; nay chỉ còn mỗi một tín đồ, ta đây lại có hứng nghe xem nàng ta muốn cầu gì đây.”
An Mi nhìn chằm chằm người đàn ông mặc quần áo màu xanh đi ra từ đằng sau cây hòe, nàng há hốc miệng, nghẹn họng, ngẩn ra nhìn. Người đàn ông áo xanh vẫn luôn nở nụ cười, nhìn nàng an ủi: “Ngươi đừng sợ, ta chính là cây hòe này.”