DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Henderson ông hoàng mưa, một cuốn tiểu thuyết vừa kỳ thú vừa uyên áo, viết về hành trình gian khổ - qua những cuộc phiêu lưu nhiều bất trắc đến một vùng “đất lạ” - nhằm hướng tới sự thức tỉnh tinh thần, của một con người vốn dĩ đầy những sự bất toàn mà gốc rễ sâu xa nằm ở bản tính trì độn và dung tục của một thể chất quá ư sung mãn.

Cuốn sách này, với “những ý tưởng tràn trề, sự mỉa mai rực sáng, cái hài vui nhộn và sức cảm thông thấu suốt… pha trộn giữa tiểu thuyết giang hồ phóng dật với sự phân tích tinh tế về nền văn hóa hiện đại của chúng ta, với thể loại truyện phiêu lưu mạo hiểm, với những đoạn quyết liệt và những đoạn bi thương liên tục nối tiếp nhau, điểm xuyết những đối thoại triết học, tất cả được triển khai bởi một giọng tường thuật có ngôn từ dí dỏm và khả năng nhìn thấu những sự phức tạp cả bên ngoài lẫn bên trong khiến ta hành động hoặc ngăn ta hành động” (theo Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển), là một cuốn sách vừa đầy ắp đời sống thực tại vừa mông lung sâu thẳm, khó dò và thật khó quên. Saul Bellow (1915-2005) là nhà văn lớn người Mỹ, Nobel Văn chương 1976. 

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông gồm The Adventures of Augie March (1953), Seize the day (1956), Henderson the rain king (1959), Herzog (1964), Mr. Sammler’s planet (1970), Humboldt’s gift (1975), Ravelstein (2000)… Ngoài giải Nobel, ông còn được trao nhiều giải thưởng danh giá khác như Giải Pulitzer và Giải thưởng Sách Quốc gia của Hoa Kỳ.

***

Đọc cuốn này vì quá yêu ca khúc "Both Sides Now" của Joni Mitchell. 

Truyện có nhiều điểm trừ, ví dụ ông nhân vật chính thu thập những nét bựa nhất của Trump (và tuyệt vời về gia tài, hình thể), có thể hơi động chạm về quyền phụ nữ và sắc tộc, lối viết lại có tí hơi hướng anh hùng kiểu Mỹ mình rất ghét và lại giống kiểu du ký thám hiểm phiêu lưu mình cũng rất ghét luôn. Nhưng.

Vâng, luôn là những sự "nhưng" ;)) đúng kiểu chọn thể loại dù có tầm thường, nhưng qua tay một nhà văn tầm cỡ, thì nó vẫn có vóc dáng đồ sộ. Đọc xong cảm thấy đúng kiểu ôi mình cũng thế =)) Lão Henderson này kiểu nhân vật luôn bức bí hiện sinh, luôn "tôi muốn tôi muốn" không ngừng, có những hành động bột phát không khả năng kiểm soát... Mình y chang =))) Về ý tưởng, truyện nêu ra hai nét thú vị đó là Grun-tu-molani, tức là muốn được sống cơ, và tâm sinh tướng. Rất thú vị. 

Đại để phải sống nguy hiểm các bạn ạ. Đọc rất Nietzsche. Phải sống thật nguy hiểm và không có gì giúp tiến nhanh tốt hơn là đau khổ ;))

Nguyên Trang's Review

***

Henderson, ông hoàng mưa. 1959. Của Saul Bellow. Bản Tiếng Việt do Thiếu Khanh Nguyễn Huỳnh Điệp dịch.

Biết bắt đầu từ đâu, từ chi tiết nào, tình tiết nào, nhận định nào, trải nghiệm nào, băn khoăn nào, tương đồng nào, sáng rõ nào, lờ mờ nào, thích thú nào, nghi ngờ nào,….để viết về nó?

Chưa biết. Mà cũng có thể là chưa nghĩ ra. Sự bắt đầu khó thật. Thôi thì bắt đầu từ sự hoài nghi của chính mình vậy, thế nghĩa là cũng bắt đầu từ một sự hi vọng đấy! Cũng có nghĩa là bắt đầu từ lời của một “kẻ khác”, vừa bác học, lại vừa mang tính PR, đính kèm chễm chệ trên bìa 4, để thể hiện giá trị, để trước tiên, khiến cho người ta mua nó, và đọc nó. Nguyên văn phần mở đóng ngoặc đơn là “theo Lời tuyên dương của Viện Hàn Lâm Thụy Điển”. Còn nguyên văn bộ phận đóng mở ngoặc kép: “những ý tưởng tràn trề, sự mỉa mai rực sáng, cái hài vui nhộn và sức cảm thông thấu suốt…pha trộn giữa tiểu thuyết giang hồ phóng dật với sự phấn khích về nền văn hóa hiện đại của chúng ta, với thể loại truyện phiêu lưu mạo hiểm, với những đoạn quyết liệt và những đoạn bi thương liên tục nối tiếp nhau, điểm xuyết vào những đối thoại triết học, tất cả được triển khai bằng một giọng tường thuật có ngôn từ dí dỏm và khả năng nhìn thấu những sự phức tạp cả bên ngoài lẫn bên trong khiến ta hành động hoặc ngăn ta hành động”. Chắc cũng có thể nhặt nốt một phần nhỏ không nằm trong ngoặc nào cả nhưng vào đây thì buộc phải thêm ngoặc nọ ngoặc kia: “một cuốn sách vừa đầy ắp đời sống thực tại vừa mông lung sâu thẳm, khó dò và thật khó quên”. Không phải là đang muốn cố lắp ghép các quãng tụng ca bóng bẩy vào bài viết để đạt đến kĩ thuật tự lăng-xê ngòi bút làm gì cả đâu. Chủ yếu là đang muốn một lần nữa gọi lại được rất nhiều tính từ tuyệt vời đã được dùng để nói về tác phẩm ấy. Tôi nghĩ Ông hoàng mưa thực sự xứng đáng với tất cả những tính từ mạnh nhất, cuồng nộ nhất. Đúng hơn, nó xứng đáng với những động tính từ của sự cực điểm. Có thể kể ra hàng loạt từ đoạn trích vừa rồi: tràn trề, mỉa mai, rực sáng, vui nhộn, thấu suốt, phóng dật, phấn khích, mạo hiểm, quyết liệt, bi thương, triết học, dí dỏm, thấu, phức tạp, mông lung, sâu thẳm, khó dò, khó quên,…Nhìn từ góc độ bình thường thì cuốn tiểu thuyết ấy, tôi nghĩ, không được…bình thường cho lắm. Nó viết về những nhân vật chẳng bình thường tẹo nào (mà Bakhtin gọi là “nghịch dị” thì phải), các nhân vật ấy lại toàn làm những điều kì vĩ nực cười, và chỉ có thể nói về nó bằng những ngôn từ hơi bị “phi thường” một chút (có lẽ nói “bất thường” sẽ hợp hơn “phi thường” ấy chứ, bởi lẽ nó hoàn toàn không phải là tính sử thi gì ở đây cả). Tác phẩm nhiều chất văn xuôi hơn là sử thi, và cũng nhiều chất trữ tình hơn. Nhưng cũng chẳng thể rút nó vào một hay vài bản chất. Là bởi đầy những tâm sự nhưng cũng chẳng xếp được vào tính trữ tình, thậm chí gọi nó bằng cụm “kể lể linh tinh” thì cũng đâu phải là không hợp lý? Và như đã nói, nhân vật toàn muốn làm, cần làm, sống vì, chết vì những điều kì vĩ, lại còn đầy những là gian khổ, khao khát, đau đớn nữa; chỉ tội “cái cười” vẫn cứ ẩn náu đâu đấy sau đó. Người ta đôi khi tưởng sẽ bắt gặp (và chính nhân vật cũng tưởng là mình như thế) một kẻ anh hùng. Không sai nhưng chưa đủ. Henderson là một anh hùng ngờ nghệch (dỡ bỏ motif anh hùng ca cũng như motif anh khờ truyện cười), một chàng ngốc lúc thì gặp may lúc không gặp may (dỡ motif chàng ngốc gặp may); một kẻ phương Tây, da trắng không còn là đang “đi khai hóa” mà chỉ định đi tìm sự bù trừ kết nối giữa các nền văn minh (tuy mục đích nghe có vẻ cao thượng hơn) nhưng cũng thất bại thảm hại,…Bằng tất cả những sự phá vỡ ấy, tôi muốn nhấn mạnh hơn cả về Henderson như một kẻ ở bất cứ nơi nào cũng cố vượt thoát khỏi cái “bình thường”, tất nhiên, cũng sẽ sai hoàn toàn nếu quy nó đơn giản vảo cái “phi thường” của mô hình lãng mạn.

Tình trạng “bán hoang dã” có vẻ là một thứ tình trạng thực sự lí tưởng cần hướng đến. Nhưng tính nước đôi ấy không đảm bảo được cho hạnh phúc và sự yên ổn cá nhân. Để tiếp tục tồn tại giữa cộng đồng, Dahfu buộc phải tuân thủ những luật tắc cơ bản nhất của truyền thống. Sự tự do của ông phụ thuộc vào sự tuân thủ. Trong trận chiến đấu cuối cùng, Dahfu bị sư tử Glimo quật ngã. Nó gần như là sự thất bại đau đớn trước một thứ quá khứ, một thứ truyền thống còn hiện diện đầy hoang dại và tàn bạo trong hiện tại. Cái chết thảm hại và cô độc của Dahfu là sự sa thải tuyệt đối của cộng đồng với một cá nhân không tuân thủ quy tắc và thất bại trước những đòi hỏi của tiêu chuẩn chung.

Henderson bỏ trốn Wariri, bỏ trốn khỏi chức phận Ông hoàng mưa, cũng là bỏ trốn sự điều khiển đáng sợ của một cộng đồng tàn bạo. Lần trước ra đi trong xấu hổ và nhục nhã. Lần này trốn chạy trong sợ hãi. Y trở về, ôm trên tay một con sư tử con. Nó hứa hẹn một tương lai của sự hòa trộn đa đặc tính, có ý nghĩa như một hành động mang tính biểu tượng: một nỗ lực mang tâm hồn sư tử về cái thế giới “văn minh” vốn được Henderson mô hình hóa bằng chuồng lợn. Nhân tính, như thế, không phải là một định nghĩa cố định, cũng không thể xuất hiện như một chuẩn mực mà xã hội nào cũng rêu rao hướng tới. Việc chửi mắng kẻ khác là thú vật vốn chỉ được nhìn như thiếu tôn trọng người khác, thực ra, phải nói thêm rằng nó hàm ẩn một sự thiếu tôn trọng cố hữu và vô thức với loài vật. Nói đúng hơn, loài người lẫn giữa những loài khác trong một đường viền nhân tính mềm lỏng và linh động. Điểm quan trọng không phải là việc chỉ ra con người khác con vật ở đâu, mà mỗi người có sự giao thoa như thế nào với các loài động vật. Và lựa chọn của Henderson là một thử nghiệm đáng kể, là sự đề xuất một giải pháp, có lẽ, nhiều hi vọng.

***

Samuel Bellow (1915-2005), nhà văn Mỹ gốc Canada, được coi là một trong những tác gia lớn nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với văn chương thế kỷ hai mươi. Một số tác phẩm đáng kể nhất của ông là The Adventures of Augie March (1953), Seize the day (1956), Henderson the rain king (1959), Herzog (1964), Mr. Sammler’s planet (1970), Humboldt’s gift (1975), Ravelstein(2000)… Ông được trao nhiều giải thưởng danh giá như Giải Nobel Văn chương (1976), Giải Pulitzer, Huân chương Nghệ thuật Quốc gia (National Medal of Arts), và là nhà văn duy nhất từng ba lần đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia (National Book Award) của Hoa Kỳ, cũng là người duy nhất được đề cử giải này tới sáu lần.

Tác phẩm của Bellow có một chủ đề xuyên suốt là phê phán nền văn minh hiện đại, sự mất phương hướng của nó, những nhược điểm cố hữu và trầm kha của nó, chẳng hạn như xu hướng khiến con người sùng bái vật chất, xa rời tri kiến và sự sáng suốt đích thực. Các nhân vật chính của Bellow thường có tiềm năng tinh thần to lớn, cô độc đối đầu với những thế lực tiêu cực của xã hội hiện đại, và mang một ý chí ngoan cường muốn vượt thoát sự yếu đuối và vô minh của bản thân ngõ hầu vươn tới sự thức tỉnh tinh thần. Mặt khác, là người gốc Do Thái, nhà văn sáng tạo ra nhiều nhân vật người Do Thái, mang một cảm quan sâu sắc về tình cảnh mình là “người khác”, là “kẻ lạ” trong lòng thế giới văn minh của phương Tây.

Mời các bạn đón đọc Henderson, Ông Hoàng Mưa của tác giả Saul Bellow.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000