DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Khép lại những tranh cãi, Giữa lòng tăm tối vẫn luôn và sẽ mãi là tuyệt phẩm văn chương đáng đọc của mọi thời đại.

Joseph Conrad (1857 - 1924) là một trong những tác gia vĩ đại nhất của nền văn học Anh quốc. Ông là bậc thầy của nghệ thuật tạo tổng thể văn xuôi, phong cách tự sự, xây dựng nhân vật và mô tả tâm lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều cây bút khác sau này như TS Eliot, F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway hay George Orwell.

Thế nhưng tác giả của những áng văn đầy chất thơ Shakespeare này lại là một người gốc Ba Lan tới định cư tại xứ sở sương mù, và đến tận năm hai mươi tuổi mới nói trôi chảy tiếng Anh.

Là người ngoại quốc, từng trải qua những năm tháng lênh đênh trên những con tàu thương gia của Anh và Pháp, Conrad đã truyền tải được xúc cảm của những miền đất khác vào nền văn học Anh, phản ánh một thế giới hoàn toàn bị thống trị bởi người châu Âu.

Giữa lòng tăm tối là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Joseph Conrad, là kiệt tác văn học mà giới mộ điệu văn chương đều đã quen thuộc. Cuốn tiểu thuyết bao trọn câu chuyện phiêu lưu hải hồ của Marlow dựa trên hành trình có thật của chính tác giả vào năm 1890.

Là người của biển cả, Marlow nghe theo tiếng sóng vẫy gọi, khao khát đi tới những miền đất chưa định danh trên địa đồ - “những khoảng trống của niềm hân hoan”, “một vạt trắng cho giấc mơ huy hoàng”, dấn thân vào “vùng tăm tối vô phương thấu hiểu”, cùng với tính hiếu kỳ thản nhiên của một trí óc tế nhị và trạng thái điềm tĩnh của một con tim sắt đá.

Trên một con tàu hơi nước vá víu xập xệ thiếu thốn đủ đường, cùng thủy thủ đoàn là mấy tay da đen của bộ tộc ăn thịt người lúc nào cũng bốc mùi thịt hà mã thiu, Marlow ngược dòng con sông Congo hùng vĩ, bí hiểm mà mê hoặc để hoàn thành một nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi.

Ông phải đi cứu Kurtz - người được ca tụng khắp nơi là “thiên tài toàn năng”, kiếm được nhiều ngà voi nhất Công ty, được cả dân da đen yêu kính hết mực và đang ốm thập tử nhất sinh ở vùng thượng nguồn - về với văn minh, trước khi gã lìa đời. Sau bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy của chốn rừng thiêng nước độc, Marlow tới được nơi, gặp được người, nhưng chỉ trở về với một tập tài liệu và lời tuyệt mệnh: “Nỗi kinh hoàng! Nỗi kinh hoàng!”

Miền hoang dã Phi châu tạo ra bao nhiêu trở ngại cho con tàu của Marlow thì Giữa lòng tăm tối cũng gây ra bấy nhiêu sóng gió trong giới văn chương thậm chí cả giới phân tâm học, hoạt động nhân quyền hay nghiên cứu châu Phi cũng nhảy vào cuộc.

Người ta bàn ra tán vào, khẩu chiến rồi cả bút chiến với nhau về cách hành văn của tác giả, cấu trúc, ý nghĩa của tác phẩm và vô vàn những thứ khác. Một trong những chủ đề được tranh cãi quyết liệt nhất chính là vấn đề phân biệt chủng tộc.

Chinua Achebe - nhà văn, nhà thơ người Nigeria từng chỉ trích tác phẩm này là “phân biệt chủng tộc một cách khủng khiếp” với những hình ảnh miêu tả người da đen như những kẻ mọi rợ ngu đần, như những con vật chịu đòn roi. Những tình cảnh đáng thương, những vụ tra tấn kinh hoàng đều được kể lại bằng chất giọng lạnh lùng, vô cảm.

Thế nhưng những lập luận khác lại cho rằng tại thời điểm Conrad viết cuốn tiểu thuyết này, khái niệm “phân biệt chủng tộc” vẫn chưa thành hình, quan niệm về khác biệt chủng tộc vẫn còn in đậm. Đó là thời người da đen bị trưng bày như thú lạ tại những nước đế quốc, và bị đối xử như súc vật, nô lệ tại những vùng thuộc địa. Vì thế, không thể trách cứ Conrad được.

Tuy vậy, chính nhà văn cũng từng khẳng định rằng Giữa lòng tăm tối ngầm ý chỉ ra “tội ác của sự kém hiệu quả và ích kỷ thuần túy khi khai hóa văn minh ở châu Phi”.

Thật vậy, hãy đọc những dòng này trong truyện: “Tôi ngờ rằng với họ cai trị chỉ đơn thuần là bóp nghẹt, không hơn. Họ là kẻ chinh phục, mà chinh phục thì chỉ cần vũ lực - vốn chả có gì đáng huênh hoang, vì sức mạnh của anh chỉ là ngẫu nhiên phát sinh từ cái yếu của kẻ khác. Họ vơ vét được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vơ vét để mà vơ vét. Đó chẳng qua là cưỡng đoạt bằng bạo lực, sát nhân có tình tiết tăng nặng trên diện rộng...”

Như thế, Giữa lòng tăm tối, ở một chừng mực nào đó, có thể coi là một bản cáo trạng về lòng tham, thói ưa hủy diệt và quyền lực chuyên chế của chủ nghĩa thực dân, “một bài phân tích về sự suy nhụt nhuệ khí của người da trắng, khi anh ra thoát khỏi vòng kiềm tỏa của châu Âu, bám rễ ở miền nhiệt đới với vũ khí trang bị đến tận chân răng, để thu lợi từ tầng lớp bị trị”. Và con sông dẫn tới “trái tim của một vùng tăm tối khôn cùng” không phải là con sông Congo cuộn xoáy ở lục địa Đen mà là con sông Thames êm đềm, dưới bầu trời hôn ám của “đế chế nơi mặt trời không bao giờ lặn”.

Khép lại những tranh cãi, Giữa lòng tăm tối vẫn luôn và sẽ mãi là tuyệt phẩm văn chương đáng đọc của mọi thời đại. Bằng ngôn từ mơ hồ mà dứt khoát, huyền bí mà hữu hình, Joseph Conrad đã viết nên một áng văn đậm chất thơ, hấp dẫn, ám ảnh và đầy tính biểu tượng - một kiệt tác của của nghệ thuật phân tích tâm lý bậc thầy, của phiêu lưu, của thiên nhiên hoang dại, hùng vĩ, và ảo tưởng của cả thời đại.

***

Nellie, chiếc thuyền hai buồm, buông neo không một tiếng buồm lật phật, lặng lẽ nghỉ ngơi. Nước đã xuống, gió cơ hồ đã lặng; được buộc dưới sông, nó chỉ còn một việc là đậu đó đợi triều lên.

Cửa sông Thames trải dài trước mắt chúng tôi, như khởi đầu của một thủy lộ dài bất tận. Ngoài khơi xa biển và trời liền thành một tấm áo không thấy đường may, và trong không gian lung linh này, những cánh buồm rám nắng vẫn dập dờn trên ngọn thủy triều như đứng yên thành từng cụm vải bạt đỏ chóp nhọn, lấp lánh ánh vécni từ những cột buồm. Sương lan trên những bãi bồi phẳng lì chạy dài tít tắp về phía biển. Bầu trời trên Gravesend[1] tăm tối, còn phía xa dường như vẫn ngưng tụ thành một quầng u ám thảm sầu, âm trầm bất động trùm lên đô thành lớn nhất và vĩ đại nhất trên trái đất.

Tay Giám đốc Công ty là thuyền trưởng và chủ nhà của chúng tôi. Bốn người bọn tôi[2] trìu mến nhìn bóng lưng gã đứng trên mũi thuyền, nhìn về phía biển. Cả sông không có hình ảnh nào đại dương bằng nửa gã. Nhìn gã như một hoa tiêu, niềm tin của người đi biển được nhân cách hóa. Khó mà nhận ra, nghề của gã không phải ngoài kia, nơi giang khẩu lung linh, mà ở sau lưng, giữa vùng âm trầm u ám nọ.

Giữa chúng tôi, như đã có lần tôi từng nói[3], có sự gắn bó của biển khơi. Ngoài việc neo đậu lòng nhau sau những quãng dài xa cách, nó còn giúp chúng tôi chịu đựng được những huyên thuyên, thậm chí là định kiến, của nhau. Tay Luật sư - loại bạn già chơi rất được - bởi tuổi cao đức trọng nhất hội, sở hữu cái đệm duy nhất trên boong, và nằm trên tấm thảm duy nhất. Tay Kế toán ôm theo hộp domino và đang lẩn mẩn xây nhà với những mảnh ngà. Marlow ngồi xếp bằng ở đuôi tàu, lưng dựa vào cột buồm lái. Má hóp, da vàng, lưng thẳng, dung mạo khắc khổ, đôi tay buông xuôi, lòng bàn tay ngửa ra trước, gã nhìn như một bức ngẫu tượng. Tay giám đốc, yên tâm là neo đã chắc, xuống đuôi tàu nhập bọn với chúng tôi. Cả bọn uể oải trò chuyện đôi lời. Rồi boong tàu chìm trong im lặng. Bởi lẽ gì đó, chúng tôi không bắt đầu ván domino ấy. Chúng tôi thấy trầm tư, chẳng có hứng làm gì ngoài tĩnh tâm quan sát. Ngày tàn dần trong cái bình lặng của ánh quang huy thanh tĩnh và tú lệ. Nước tỏa sáng một cách bình yên; vòm trời, không một gợn mây, như một khoảng mênh mông ôn nhuận ngập tràn thứ ánh sáng vô nhiễm; màn sương trên đầm lầy miền Essex[4] giống một tấm sa mỏng phát quang, rủ xuống từ những triền cao cây phủ trong nội địa, buông từng lớp trong mờ lên những bãi bồi. Chỉ riêng vùng ảm đạm phía tầy, vần vũ trên thượng lưu, là mỗi lúc một thêm u ám, như thể phẫn nộ trước sự lấn tới của mặt trời.

Và cuối cùng, trong một đường lặn hình cung không thể cảm nhận được, mặt trời chìm dần, và từ màu trắng rực đổi sang sắc đỏ đục không phát quang và tỏa nhiệt, như thể sắp đột ngột tắt lịm, bị hạ sát khi chạm phải quầng u ám đang vần vũ trên một vùng người.

Lập tức mặt nước bắt đầu thay đổi, và vẻ bình lặng kia bớt xán lạn nhưng lại nồng đậm hơn. Con sông lâu đời an tĩnh nghỉ ngơi giữa dòng nước mênh mang lúc ngày tàn, sau bao thuở phục vụ đắc lực chủng tộc định cư hai bên bờ, trải rộng trong vẻ tôn nghiêm bình đạm của một thủy lộ dẫn đến những chốn tận cùng trái đất. Bọn tôi quan sát dòng chảy khả kính này, không phải dưới hồng quang rực rỡ của một ngày ngắn ngủi một đến rồi đi không trở lại, mà trong ánh sáng uy nghi của ký ức trường tồn. Và quả thực, với kẻ từng, như người ta vẫn nói, “đi theo tiếng gọi biển khơi” với niềm đam mê và sùng kính, không gì dễ dàng hơn việc triệu hoán những anh linh quá khứ trên hạ lưu sông Thames. Con nước thủy triều vẫn miệt mài, tận tụy xuống lên, tràn ngập ký ức về người và thuyền từng được nó đưa về lại cố hương hoặc đem vào hải chiến. Nó từng quen biết và phục vụ tất cả những con người mà dân tộc này hằng tự hào, từ Sir Francis Drake tới Sir John Franklin, đều là Hiệp sĩ, có tước hiệu và không tước hiệu[5] - những hiệp khách giang hồ của biển cả. Nó từng vận chuyển những con tàu với cái tên lấp lánh như ngọc trong đêm tối thời gian, từ chiếc Golden Hind trở về với hai mạn tròn chất đầy châu báu và được ngự giá Nữ hoàng đến thăm, rồi từ ấy rời xa dòng chảy huyền thoại này[6], đến chiếc ErebusTerror, theo đuổi những cuộc chinh phục khác - và không bao giờ quay lại[7]. Nó biết rõ cả hải thuyền và hải khách. Họ giong buồm từ Deptford, Greenwich và Erith[8] - kẻ phiêu lưu lẫn người lập nghiệp; tàu Hoàng gia cùng thuyền thương khách; thuyền trưởng, đô đốc, đám hắc thương[9] vùng Viễn Đông, các “tướng lĩnh tự phong của Hải đội Đông Ấn. Săn vàng hay cầu danh, ai nấy đều khởi hành theo dòng chảy ấy, mang gươm, và thường là cầm đuốc, sứ giả của quyền uy từ lục địa, hộ tống một điểm tinh hỏa từ ngọn lửa thiêng. Có sự vĩ đại nào không từng theo con nước của dòng sông ấy đến với bí ẩn của một miền đất lạ!... Giấc mơ của con người, hạt giống của thịnh vượng chung, mầm mống của đế quốc.

Mặt trời lặn; hoàng hôn trùm lên dòng sông, và ánh đèn bắt đầu xuất hiện ven bờ. Hải đăng Chapman, một vật thể ba chân mọc lên từ bãi lầy, chiếu sáng rực rỡ. Ánh đèn từ những con tàu di chuyển trên thủy đạo - một dòng ngược xuôi tấp nập của những ngọn đèn. Và xa hơn về tây, trên thượng lưu, vùng trời phía trên thành phố khổng lồ kia vẫn mang dấu hiệu bất tường, một vầng âm trầm u ám trong ánh tịch dương, một tia nhìn giận dữ chói gắt dưới trời sao.

“Nơi đây,” Marlow đột ngột lên tiếng, “cũng từng là một trong những chốn tối tăm trên trái đất.”[10]

Gã là người duy nhất trong cả hội còn “đi theo tiếng gọi biển khơi.” Nếu có nói xấu được gã điểm gì thì đó là gã không đại diện cho tầng lớp của mình. Gã là hải khách nhưng cũng là lãng khách, trong khi phần lớn những người đi biển khác sống một cuộc đời, ta tạm gọi là, yên vị. Đầu óc họ mang tâm thức tại gia, và nhà của họ luôn đi cùng họ - con tàu; và tổ quốc của họ cũng vậy - biển cả. Tàu nào cũng giống tàu nào, và biển cả thì muôn đời vẫn thế. Trong sự bất biến của môi trường quanh họ, những duyên hải xa xôi, những mặt người xứ lạ, những bao la biến động của cuộc đời, tất cả lướt qua, được che phủ không phải bởi cảm giác huyền bí mà dưới một thái độ vô tri ít nhiều khinh thị; bởi đối với người đi biển, chẳng có gì huyền bí trừ bản thân biển cả, người tình của sự hiện tồn của y, và khó nhìn thấu như chính số mệnh. Với họ, sau giờ lao động, một cuộc dạo chơi hoặc truy hoan tùy tiện trên bờ là đủ khám phá bí mật của cả một lục địa, và nhìn chung họ thấy bí mật này chả có gì đáng biết. Chuyện của dân đi biển có một sự giản đơn trực diện, toàn bộ ý nghĩa của nó chỉ gói gọn trong một cái vỏ lạc vỡ[11]. Nhưng Marlow không phải dân đi biển điển hình (không kể xu hướng huyên thuyên ở gã), và với gã, ý nghĩa của sự kiện không nằm trong hạt lạc, mà ở ngoài, bao quanh sự tích phát sinh ra nó giống như nguồn sáng nhiệt phát sinh hồng quang, tương tự như những quầng sáng đôi khi ta vẫn quan sát thấy nhờ quang phổ của ánh trăng.

Bình luận của gã không làm ai ngạc nhiên. Marlow là như thế. Phát ngôn ấy được đón nhận trong im lặng. Thậm chí chẳng ai buồn lầm bầm; và lúc này gã đang nói, rất chậm rãi...

“Tôi đang nghĩ về thời xa xưa, khi quân La Mã lần đầu đặt chân đến đây, một ngàn chín trăm năm trước[12] - như mới hôm qua... Ánh sáng đã phát xuất từ dòng sông này từ... thời các Hiệp sĩ, nhỉ? Phải; nhưng nó như một lưỡi lửa chạy trên đồng cỏ, một vệt chớp giữa trùng mây. Chúng ta sống dưới ánh sáng bập bùng ấy - cầu cho nó bền lâu như vòng quay của trái đất này! Nhưng hôm qua bóng tối vẫn ở đây. Thử tưởng tượng, cảm giác của viên chỉ huy một chiếc... gọi là gì nhể? – Trireme[13] ưu tú trên Địa Trung Hải, đột nhiên bị điều lên phương bắc; vội vàng đi đường bộ băng qua Gauls; và được giao một con thuyền, loại vẫn được các quân đoàn La Mã - hẳn toàn những kẻ khéo tay ghê gớm - đóng cả trăm chiếc trong một, hai tháng, nếu những gì ta vẫn đọc là đáng tin. Thử hình dung ra gã ở đây - nơi tận cùng thế giới, biển màu chì, trời màu khói, kiểu thuyền vững chãi như cây đàn concertina[14] - bơi ngược sông đem theo quân nhu, hoặc mệnh lệnh, hoặc gì cũng được. Bờ cát, đầm lầy, rừng rú, man dân - cơ hồ không có gì vừa miệng người văn minh, không có gì để uống ngoài nước sông Thames. Ở đây chẳng có rượu Falernian[15], và cũng chẳng có chuyện lên bờ. Thi thoảng lại thấy một doanh trại thất tung trong hoang dã, như cây kim mất tích giữa đụn rơm - giá, sương, bão táp, bệnh dịch, lưu đày và chết chóc - cái chết lởn vởn trong không khí, dưới nước, trong bụi rậm. Binh sĩ chắc hẳn chết ở đây như ngả rạ. Phải rồi - gã sống sót. sống tốt là đằng khác, sống mà không nghĩ ngợi gì nhiều, có chăng chỉ đủ để sau này khoác lác về những gì đã trải qua. Họ đủ nam nhi để đối mặt với bóng tối. Mà có lẽ gã đã phấn chấn hơn khi tơ tưởng đến cơ hội được đề bạt lên hải đội ở Ravenna[16] trong ngày một ngày hai, nếu gã có bạn bè thân cận ở Rome và sống sót qua mùa lam chướng này. Hoặc hãy nghĩ tới một công dân trẻ tử tế, khoác toga - chắc hẳn cháy túi vì cờ bạc - theo gót thái thú, hoặc thuế quan, thậm chí thương gia, đến đây mong kiếm chác được chút gì. Đặt chân lên đầm lầy, cuốc bộ xuyên rừng, và khi đến dịch trạm trong nội địa, thì cảm thấy cái man di, man di cùng cực, vây bủa lấy mình, - tất cả sự sống hoang dã bí hiểm sục sôi trong rừng rậm, trong rừng già, trong tim đám man dân. Chẳng có thời gian để làm quen với những bí ẩn ấy. Gã phải sống giữa chốn vô minh, vốn dĩ là điều đáng hận. Song nó cũng tỏa ra sức dụ hoặc, tác động lên gã. Thứ dụ hoặc nảy sinh từ oán hận - hãy tưởng tượng nỗi hối hận, cơn khát khao đào tẩu, sự ghê tởm trong bất lực, tâm lý buông xuôi, cảm giác căm ghét ngày một dâng cao.”

Mời các bạn đón đọc Giữa Lòng Tăm Tối của tác giả Joseph Conrad.

Giá bìa 110.000   

Giá bán

88.000 

Tiết kiệm
22.000  (20%)
Giá bìa 110.000   

Giá bán

88.000 

Tiết kiệm
22.000  (20%)