Giải Mã Tài Năng |
|
Tác giả | Geoff Colvin |
Bộ sách | |
Thể loại | Self Help - Khởi nghiệp |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 1110 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Geoff Colvin Quỳnh Hương Self Help Tham Khảo |
Nguồn | |
Đừng tin Mozart khi ra đời đã líu lo huýt sáo khúc dạo đầu của công-xéc-tô số 9, Einstein luôn được các thầy cô giáo ở tiểu học xoa đầu khen học giỏi, hay “Tiger“ Woods vừa rời bụng mẹ đã cầm cây gậy đánh golf vào tay. Không thể phủ nhận là đa số chúng ta, những người trần mắt thịt và không có năng khiếu siêu phàm nào, quá dễ tin vào thiên chức nằm sẵn trong gien của các Mozart, Einstein hay Woods. Vì vậy nên mới choáng váng khi vấp phải một Geoff Colvin – kẻ đốt đền, tên xô đổ tượng thánh, gã bôi bẩn mặt trời!?
Geoff Colvin là tổng biên tập của tạp chí “Fortune Magazine“ và được coi là một trong những chuyên gia kinh tế sáng giá nhất mà ĐH Harvard từng đào tạo ra. Là người dẫn chương trình “Wall Street Week with Fortune“, hằng tuần ông diễn thuyết trước số khán giả đông nhất mà một chương trình kinh tế từng đạt được ở Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, chừng ấy chiến tích không nhất thiết là cái tem chất lượng để bảo đảm nói câu nào cũng đúng. Nhưng cuốn sách bạn đang cầm trong tay là kết quả nghiên cứu nghiêm túc của nhiều nhà khoa học uy tín. Và giờ đây ta có minh chứng cho lời của Thomas Edison bằng giấy trắng mực đen: “Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”. Geoff Colvin đã phũ phàng dọn sạch mọi lầm tưởng rằng năng khiếu trời cho là chìa khóa duy nhất dẫn đến thành tựu phi thường. Bằng lập luận chặt chẽ, ví dụ thực tế và ngôn ngữ sắc bén, tác giả chỉ ra những nhân tố nào tạo thành thiên tài mà ở đó, năng khiếu bẩm sinh chỉ chiếm một vị trí quá đỗi khiêm nhường. Geoff Colvin thuật lại cho ta thấy con đường lên đỉnh cao của các nhân vật siêu việt, nhưng không để ca bài “thân thế và sự nghiệp”, mà cốt khẳng định: một môi trường vừa gây áp lực vừa thúc đẩy phát triển, cộng với tinh thần kỷ luật và ý chí hướng đích, đó là phương trình đơn giản (để hiểu) nhưng khó (thực thi) để đạt thành công phi thường.
Một điểm đập vào mắt khi phân tích các thiên tài là khả năng tập trung cao độ trong thời gian dài. Song nhất thiết cũng phải có một môi trường xã hội và văn hóa nhằm phát hiện sớm mầm mống sẵn có, nhất là thông qua bố mẹ hay người thân, lý tưởng nữa là được giao tiếp với các bậc thầy trong lĩnh vực đó để các mầm mống ấy đừng mai một trong bóng tối. Những điều kiện khung ấy tạo ra tầm nhìn cho trẻ, gợi ý về tương lai, khêu gợi ý thức về chỗ đứng tương lai trong nhóm ưu tú. Người ta cũng manh nha nhận thấy chìa khóa thành công nằm trong các bài tập tốc độ chậm, lặp đi lặp lại để não bộ ghi nhận và “xếp vào bộ nhớ” – các trung tâm thể thao thế giới đang tích hợp loại bài tập không dụng cụ với tốc độ chậm, tập từng ngày cho đến khi thuộc lòng.
Thế giới sẽ không bao giờ chen chúc đầy những Mozart, Einstein hay Woods. Nhưng sẽ tẻ nhạt biết bao khi ra ngõ là chạm mặt thiên tài. Ta hoàn toàn có thể chấp nhận rằng sự chọn lọc tự nhiên (không hẳn theo định nghĩa bạo liệt của Darwin) là cái sàng khổng lồ để tách thóc khỏi trấu, song tự phung phí tiềm năng của mình bằng cách đổ tội cho “gien xấu” chỉ là một dạng tự dối lòng. Tất nhiên, di sản sinh học do bố mẹ để lại là một cái cần câu, song câu được cá hay không lại là chuyện khác. Các phân tích khoa học thuần lý tính cho thấy khả năng âm nhạc của Mozart từ tuổi thơ hoàn toàn là kết quả của sự chăm chút sớm bởi tay người bố, nhà soạn nhạc cung đình Leopold Mozart; những sáng tác đầu tay thuở hoa niên chỉ là sự lặp lại các bài tập của thầy giáo, đôi khi được phụ huynh “chỉnh sửa” đôi chút và hầu như luôn được hậu thế thêu dệt thêm nhiều. Mozart thành tài từ lúc rất trẻ, đúng vậy, song so sánh với các học sinh trường năng khiếu nhạc hôm nay thì cũng chẳng có gì vượt trội. Các sáng tác của ông hôm nay được in ra hàng triệu đĩa, song hầu như tất cả đều theo đơn đặt hàng chứ không phải cảm xúc lai láng trên tháp ngà… Nhà phê bình âm nhạc người New York, Alex Ross, đã tổng kết phần lớn các phát hiện gần đây trong cuốn “Điều kỳ diệu của Salzburg”: “Các bậc cha mẹ tham vọng, những người thường bật các đĩa ‘Baby Mozart’ cho con trẻ của mình xem, hẳn sẽ thất vọng nếu biết rằng Mozart trở thành Mozart chính nhờ vào sự khổ luyện của chính ông.”
Lại quay lại nhìn vào gương, chúng ta, số đông của nhân loại, những người không được đặt vào nôi một vài năng khiếu xuất chúng, nên cảm ơn tác giả đã đem lại một thông điệp tốt lành: ai sẵn sàng khép mình vào kỷ luật và đầu tư mồ hôi nước mắt, người đó có thể thành một vận động viên thể thao đỉnh cao hay một nghệ sĩ tài ba. Chỉ số thông minh (IQ) thời Mozart chưa thành khái niệm, ở nửa sau thế kỷ 20 chợt được đưa lên như thước đo vạn năng cho trí lực, và hôm nay đã bị coi là một công cụ đầy khiếm khuyết để xác định thành công: hầu như các kiện tướng cờ đều không có IQ cao! Vậy thì đừng than vãn, đừng há miệng chờ sung, đừng đổ cho nhà nhiều ruồi mà không gặp được nàng Thơ, đừng bảo không có điện nên không bật được computer – từ hôm nay trở đi, từ khi đọc xong cuốn sách này sẽ không còn nhiều cớ thoái thác nữa!