DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Gặp gỡ cuối năm” – đúng như cái tên của nó – kể về cuộc gặp gỡ tại một bữa tiệc tất niên. Chị Hoàng – chủ nhà, chủ trì – đã khiêm nhường thông báo trước là bữa tiệc “rất xoàng”, vì thế, mỗi vị khách có mặt cần phải góp một câu chuyện thật hay để bữa tiệc thêm phần hấp dẫn.

Điểm qua các thực khách được mời dự tiệc tất niên, có thể khẳng định đây là cuộc gặp gỡ của trí thức thuộc nhiều thế hệ khác nhau, từng đứng ở các vị trí chính trị đối lập nhau.

Gặp gỡ cuối năm”, như vậy,  là ‘hội nghị bàn tròn’ của những người trí thức về các vấn đề xã hội.

Mỗi nhân vật đề cập đến một vấn đề khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến trả lời câu hỏi: Phải sống thế nào trong năm mới, trong tương lai khi năm cũ, quá khứ đã khép lại? Qua cuộc gặp gỡ, đối thoại của các nhân vật, người đọc được phản tỉnh: Nên sống giản dị, thuận theo tự nhiên, không tham lam, không vị kỉ, nên hết sức tỉnh táo để không lầm đường lạc lối, không xa rời mục tiêu chung của dân tộc, nên là một lực đẩy chứ đừng là lực cản trong hành trình đi lên của đất nước…
 

Về tác giả:

Nhà văn Nguyễn Khải (1930 - 2008) là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ nhà văn trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Các sáng tác của ông thường gắn liền với những bước chuyển mình của đất nước, thể hiện sự nhạy bén và cách khám phá riêng của nhà văn với các vấn đề xã hội, vì thế ông được gọi là nhà văn thời sự.

Nhà văn Nguyễn Khải đã nhận rất nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1982) cho tiểu thuyết "Gặp gỡ cuối năm"; Năm 2000, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II.

***

Mỗi dịp tết đến xuân về, đọc lại Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, độc giả vẫn “gặp gỡ” nhiều điều thú vị. Tiểu thuyết được viết năm 1981, cách đây đã 37 năm, trong một sinh quyển ít nhiều khác biệt. Nhưng những vấn đề đặt ra trong truyện vẫn chưa cũ, vẫn có sức quyến rũ đối với người đọc hôm nay.

 

Gặp gỡ cuối năm – đúng như cái tên của nó – kể về cuộc gặp gỡ tại một bữa tiệc tất niên. Chị Hoàng – chủ nhà, chủ trì – đã khiêm nhường thông báo trước là bữa tiệc “rất xoàng”, vì thế, mỗi vị khách có mặt cần phải góp một câu chuyện thật hay để bữa tiệc thêm phần hấp dẫn. Bà chủ nhà bí ẩn này như đang muốn lắng nghe, đồng thời muốn bày tỏ một điều gì đó quan trọng khi năm cũ kết thúc, năm mới bắt đầu.

 

Cuộc gặp gỡ tiến diễn hết sức tự nhiên. Việt – nhà văn quân đội, người kể chuyện – đến sớm nhất. Sau Việt là anh Quý – luật sư, từng là viên chức của bộ ngoại giao ở chế độ cũ. Anh từng rất thành công trong sự nghiệp nhưng rồi anh bị rơi vào mặc cảm thất bại. Sau bao nhiêu trải nghiệm cuộc sống, bây giờ anh muốn né tránh mọi chuyện, cười nói như một kẻ vô tâm. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài, trong thâm tâm anh là cả “một nỗi niềm, một chí hướng, một nhớ tiếc nào đó”. Đến thứ ba là vợ chồng anh Hảo. Anh Hảo là luật sư được đào tạo ở Pháp, từng làm tri huyện nhưng sớm treo ấn từ quan để đi theo kháng chiến, từng được giao giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng. Là một “công tử” đi làm cách mạng, có lúc anh được tin tưởng, có lúc bị nghi ngờ nhưng lúc nào anh cũng sống đúng là mình, “dám nói to những điều anh cho là đúng”. Người đến thứ tư là anh Đại, đã tám mươi tuổi nhưng vẫn rất galant và hóm hỉnh. Anh trước kia là kĩ sư hóa học được đào tạo ở Đức, không theo khuynh hướng chính trị nào nhưng ủng hộ nhiệt tình tất cả các phong trào yêu nước. Anh bị bắt, bị tù đày, bị mất hết gia sản cũng chỉ vì yêu nước. Đến thứ năm là anh Chương và Bình. Anh Chương là người có hai bằng tiến sĩ, một luật, một văn chương. Anh từng giữ các chức vụ quan trọng: viện trưởng một viện đại học, bộ trưởng quốc gia giáo dục, làm thượng nghị sĩ trong nhóm đối lập. Sau khi hòa bình được tái lập anh phải đi cải tạo rồi trở về làm một người dân thường, tâm tính đã có nhiều thay đổi. Còn Bình thì trẻ, đẹp trai, lịch thiệp, năng động, mới tốt nghiệp đại học vài năm nhưng đã là giám đốc một công ti. Theo nhận xét của anh Hoàng thì Bình “lịch sự, tinh tế như Pháp mà lại nhanh chóng, thiết thực như Mĩ”. Đến thứ sáu là Quân. Dưới cái vỏ bên ngoài là một nhà báo quốc tế, Quân tham gia công tác tình báo đã nhiều năm. Từng gặp rất nhiều loại người, phải đối diện với rất nhiều hiểm nguy nhưng Quân vẫn một lòng vì lí tưởng cách mạng. Quan điểm sống của Quân rất rõ ràng: “Quốc gia hữu sự, kẻ thất phu còn phải gánh trách nhiệm huống hồ là anh trí thức”, “Làm người đã khó, làm trí thức lại càng khó hơn. Hàng ngày phải lựa chọn, từng việc phải lựa chọn, lầm lỡ một chút là tiếng xấu để đời”.

 

Điểm qua các thực khách được mời dự tiệc tất niên, có thể khẳng định đây là cuộc gặp gỡ của trí thức thuộc nhiều thế hệ khác nhau, từng đứng ở các vị trí chính trị đối lập nhau. Sự góp mặt của các nhân vật có cuộc đời không hề “nhạt nhẽo” này dự báo câu chuyện đêm giao thừa sẽ có nhiều bất ngờ thú vị.

 

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí thân mật ấm cúng và đầy cởi mở như ý của chủ nhà. Chỉ trong thời gian một bữa tiệc, bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn đã lần lượt được kể ra, chuyện xưa có, chuyện nay có, chuyện kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hóa, khoa học… đều có. Sau mỗi câu chuyện, người dự tiệc lại đưa ra những lời bàn thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Hình như trong lòng mỗi người đều ăm ắp tâm sự, chỉ mong có cơ hội để được phơi trải, giãi bày. Từ câu chuyện về cách ứng xử kì quặc để thể hiện khí tiết của Nguyễn Thế Truyền, Quân cho rằng đó là kiểu “trí thức trùm chăn” và anh nêu rõ quan điểm của mình về cách hành xử cần có của người trí thức khi đất nước lâm nguy. Câu chuyện về “chú Phùng” và các mối quan hệ phức tạp đầy bất ngờ của nhân vật này với nhân viên C.I.A thể hiện nhận định riêng của Quân về các mối quan hệ phức tạp của các nước trong chiến tranh Việt Nam. Vấn đề lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trong làm ăn kinh tế, mối liên hệ giữa miếng cơm manh áo và lí tưởng sống, sức mạnh của đồng tiền… được Bình nói đến bằng những câu chuyện đời thường hết sức sinh động. Rồi câu chuyện về những ngày sống ở Mã Đảo của anh Đại. Thoạt đầu tưởng chỉ là một câu chuyện “nhạt” của một ông già đã mất hết sự minh mẫn, nào ngờ chứa trong đó là nhiều câu chuyện về âm mưu, thủ đoạn và sự giành giật đến kinh hoàng. Rồi câu chuyện về thiền của anh Chương, anh Hảo cũng được mọi người hưởng ứng sôi nổi. Đâu chỉ là chuyện thiền, đó còn là chuyện nhận thức cuộc sống, lựa chọn cách sống, tâm thế sống trước những biến động. Câu chuyện tử vi số mệnh cũng thu hút sự quan tâm của cả người già và người trẻ. Từ chuyện tử vi, vai trò của con người trong việc chủ động hoán cải số mệnh đã được củng cố. Anh Chương không ngần ngại bày tỏ nỗi đau đời, sự mệt mỏi của bản thân trong cảnh ngộ hiện tại. Câu chuyện tranh giành quyền lực và sự chi phối của đồng tiền đến việc hình thành đại cục trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa trước kia được anh Chương và Quân nói đến một cách say sưa. Anh Đại và Bình quan tâm đến mối quan hệ giữa đồng tiền và nhân cách… Cứ thế, mỗi câu chuyện hé mở một điều mới mẻ về sự thật trong quá khứ, sự thật đang diễn ra và cuộc đối thoại bình đẳng cất lên những tiếng nói cá nhân sâu sắc.

 

Gặp gỡ cuối năm, như vậy, là “hội nghị bàn tròn” của những người trí thức về các vấn đề xã hội. Trong “hội nghị” này không có sự phân biệt tuổi tác, vai vế, tư cách chính trị, mỗi người đều được quyền nói thẳng nói thật những nhận thức, quan điểm cá nhân của mình. Tác phẩm ra đời năm năm sau khi chiến tranh kết thúc. Đây là lúc những khách mời nhìn lại lịch sử, nhìn lại chính mình sau độ lùi thời gian cần thiết để rút ra bài học cho hiện tại và tương lai. Quân và Quý có chung nhận định, không ai có thể đứng ngoài chính trị, ngay cả những người nói là họ không quan tâm đến chính trị thì “không quan tâm” đã là một thái độ chính trị rồi. Vì thế mà mỗi người, đặc biệt là mỗi trí thức, phải hết sức thận trọng, “từng ngày phải lựa chọn, từng việc phải lựa chọn”, “lầm lỡ một chút là tiếng xấu để đời”. Anh Chương – người một thời lầm lỡ – khẳng định, đã là trí thức thì không ai bán nước cả, anh Hảo thành công do đi đúng đường, còn mình thất bại là do buổi đầu lựa chọn đường đi không đúng. Với anh Đại và Bình thì con người cần có lòng tự trọng. Khi đất nước có ngoại bang xâm lược, lòng tự trọng thể hiện ở việc đóng góp sức người sức của cho đất nước, ở thái độ bất hợp tác với kẻ thù; còn thời bình, lòng tự trọng thể hiện ở việc chiến thắng những ham muốn vật chất của cá nhân, dám từ chối quyền lợi cá nhân khi quyền lợi ấy mâu thuẫn với lợi ích tập thể. Bình quyết liệt hơn khi nói tới vấn đề đồng tiền…

 

Mỗi nhân vật đề cập đến một vấn đề khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến trả lời câu hỏi: Phải sống thế nào trong năm mới, trong tương lai khi năm cũ, quá khứ đã khép lại? Anh Quý nguyện sẽ không vì “mưu cái lợi riêng mà nỡ phá phách sự nghiệp chung”. Anh Chương chỉ mong muốn được trở về với gia đình, làm một người chồng, người cha tốt. Anh Hảo vẫn tiếp tục chọn cách sống thuận theo tự nhiên bởi anh đã tìm thấy ở đó sự an lạc. Bình khẳng định, nếu người trẻ để sức mạnh đồng tiền cám dỗ thì sẽ mất tất cả. Quân mong muốn được là “một cái gì đó trong khoảnh khắc ta đang sống, là một sức đẩy dẫu là yếu ớt vào cái dòng lưu chuyển chung”. Chị Hoàng tỉ mẩn chuẩn bị bữa tiệc mà mỗi món là một món khoái khẩu đối với từng khách mời; chị còn chọn mặc bộ quần áo đẹp nhất, sang nhất trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Chị Hảo, chị Bơ cũng góp thêm mấy món ăn thật tết, thật truyền thống mà mình kì công làm để mời mọi người… Dù mỗi người mang một nỗi niềm, một tâm sự riêng nhưng đến giờ phút giao thừa, không ai bảo ai, tất cả cùng hân hoan nâng li chúc mừng năm mới. Qua cuộc gặp gỡ, đối thoại của các nhân vật, người đọc được phản tỉnh: Nên sống giản dị, thuận theo tự nhiên, không tham lam, không vị kỉ, nên hết sức tỉnh táo để không lầm đường lạc lối, không xa rời mục tiêu chung của dân tộc, nên là một lực đẩy chứ đừng là lực cản trong hành trình đi lên của đất nước…

 

Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải đã vượt lên giới hạn của buổi tiệc tất niên thông thường khi năm hết tết đến của một gia đình để trở thành cuộc gặp gỡ mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đó là cuộc gặp gỡ cần thiết của các thế hệ, của những trải nghiệm sống, những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong quá khứ để có thêm bài học cần thiết cho hiện tại và tương lai. Tác phẩm này cứ vẫn tươi mới chừng nào con người không thôi thiện chí và khát vọng làm mới mình, làm mới cuộc đời.

***

T

ôi là người đến đầu tiên trong đám khách được bà chị tôi mời tới ăn bữa cơm cuối năm. Theo chị nói, Tết này chị không ăn Tết, chỉ làm một mâm cơm cúng tối Ba mươi, ngày mồng Một đóng cửa không tiếp khách, ngày mồng Hai xoa mạt chược, ngày mồng Ba ngủ, từ ngày Bốn trở ra mọi sự lại như năm cũ. Cũng chẳng có năm cũ và năm mới, ngày hôm qua và ngày mai, ngày ngày đều giống nhau, người người thì tàn tạ, tiền bạc hiếm hoi dần, tin vui thưa vắng dần, nhưng vẫn cứ phải sống, chẳng có ai chết, họ nội họ ngoại suốt năm năm nay không có một ai chết. Người bảy mươi sắp sang tuổi bảy mốt, người tám mươi sắp sang tuổi tám mốt, như vẫn còn muốn sống thêm cả chục năm nữa, lạ thật, quái quỷ thật, trêu chọc nhau thật.
Tôi nói:
- Nhưng sang ngày mai chị vẫn cứ phải thêm một tuổi, ví như năm nay chị sáu mươi, qua đêm nay tuổi chỉ sẽ là sáu mươi mốt.
Chị Hoàng vội xua tay:
- Không khiến nịnh, nỡm ạ. Năm nay tao sáu tư, sang năm đã là sáu nhăm.
- Đấy nhé, vẫn cứ là "sang năm".
- Ừ, ừ, có ai bảo ngày hôm nay không là ngày cuối cùng của một năm đâu. Nhưng ngày mai là ngày gì? Là ngày đầu tiên của một năm mới à? Với các anh thì phải, nhưng với tôi vẫn là một năm cũ, mãi mãi là một năm cũ, mỗi năm mỗi cũ đi!
Mỗi năm mỗi cũ đi, có lẽ đúng, với chị là đúng. Người chị mập hơn, các thớ thịt trên mặt như lỏng ra, chảy dần xuống. Tóc chưa bạc nhưng thưa nhiều, nhìn rõ cả da đầu. Cũng là cũ rồi, mỗi năm mỗi cũ, tôi thầm nhắc lại rồi bật cười:
- Bữa cơm tất niên gì mà lạ, không có người mới ra, chỉ có những người cũ đi.
- Mày thì sao?
- Cũng đang cũ dần đi.
- Năm mươi ngoài chỉ có cũ đi chứ mới ra thế nào được.
Tôi trách:
- Một lũ người ọp ẹp, cũ kỹ ngồi cạnh nhau, ngắm nhìn nhau để đón hy vọng một năm mới! Cái trò chơi độc ác này chắc là phát minh của riêng chị.
Chị Hoàng nhìn chăm chú những ngón tay mới sơn móng đỏ chót, cười nhạc không nói gì. Bà chủ đã tiều tụy tang thương, mà cái nơi để trú nấp, để vào ra cũng tả tơi, lở lói, tan nát, là phòng chờ của nhà ga, là quán trọ của tỉnh lẻ, chứ không thể là nơi của một gia đình. Từ hai năm nay chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau tại số nhà này, còn con trai, con dâu và các cháu nội đã lần lượt ra nước ngoài bằng nhiều đường bí mật khác nhau, phiêu bạt tại nhiều nơi nhưng đều bình an cả. Người ở lại sống để chờ đợi đến lượt mình cũng sẽ ra đi, tất nhiên là phải đi thật đàng hoàng, có giấy xuất cảnh và nhập cảnh, có tiễn và có đón. Nhưng là bao giờ? Là tháng sau? Là năm tới? Cái đó còn tùy ở sự may rủi, ở mệnh trời. Lại mệnh trời! Bà con trong này mười người có đến chín tin ở mệnh trời. Ông đồng bà cốt nở như sâu. Trong các khoản tiền chi hàng tháng có một khoản chi cho việc xem tướng số, "mua hy vọng" người ta bảo thế, không có hy vọng thì sống làm sao? Ông anh tôi là một trường hợp ngoại lệ. Ông là một viên chức gương mẫu, là cái đinh, cái vít của một guồng máy hành chính tinh xảo, là giáo sư trường Quốc gia Hành chánh thời chế độ cũ. Tóm lại, là người chỉ tin ở những gì trong phạm vi hiểu biết và tính toán của chính mình, trong tầm tay với của chính mình. Thậm chí đến sự buồn, vui, mừng, giận cũng có thể tự kiềm chế được. Một gương mặt bất động, một dáng đi lặng lẽ, tiếp chuyện ai thì nghe và nhìn, chỉ nói khi rất cần, tiếp nhận chứ không ban phát, thi hành chứ không bàn luận, cần sự chuẩn xác chứ không cần sự bay bướm, là người rất hiền và rất lành như nhận xét của cả họ, là "type" viên chức hoàn hảo nhất, theo nhận xét của riêng tôi.
- Anh đi đâu nhỉ? - tôi hỏi - Chiều Ba mươi vẫn có người mời xoa à?
- Đi làm đẹp, hớt tóc, cạo râu, đón xuân mới.
Tôi cười ngờ vực:
- Ồ, ông già còn lạc quan nhỉ?
- Cũng buồn rồi, nóng ruột lắm rồi, có bữa chị để ý thấy mặt anh đỏ bừng, hai bàn tay nắm chặt lại nện khe khẽ lên tay ghế. Muốn điên lắm đấy.
- Còn chị?
Chị Hoàng nhìn tôi, mắt nhìn như dại đi:
- Chị hả? Chị đã trải qua các thời kỳ. Bây giờ thì trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng. Có thể, chị nói là có thể lát nữa, trước đông đủ mọi người chị sẽ nói rõ cái ý định sắp tới của chị.
Tôi vẫn cười cợt:
- Chị có thể cho em biết trước được không?
Chị vẫn nhìn tôi chằm chặp:
- Không, không thể cho biết trước được. Tối nay đối với anh chị sẽ là một tối không bình thường.
Chuyện gì thế nhỉ? Chuyện gì có vẻ nghiêm trọng đến thế nhỉ? Nhưng phải đợi lát nữa. Những ai sẽ có mặt tại nhà này trong lát nữa?
o O o
Người khách đến sau tôi là anh Quý, xuất thân luật sư, sau làm viên chức của Bộ ngoại giao các chính quyền của chế độ cũ. Một nhà ngoại giao cũng có tên tuổi, nghe người ta bảo thế, bạn thân của cả hai anh chị tôi từ vài chục năm nay và hiện giờ là khách xoa mạt chược những ngày chẵn của gia đình. Thoạt làm quen tôi không ưa anh lắm. Anh cười đùa như một kẻ vô tâm, tránh né mọi sự bình phẩm và hoàn toàn không có ý kiến gì về thời cuộc. Mỗi lần gặp tôi chỉ trò chuyện với anh qua loa, vì cái ông già lễ phép và lãnh đạm chẳng có gì buộc tôi phải chú ý. Nhưng có một bận nghe anh đọc và bình một đoạn thơ trong "Ly Tao" của Khuất Nguyên, tôi mới nhận ra mình đã hiểu lầm người. Cái ruột trong rất khác với cái vỏ ngoài. Anh cũng có một nỗi niềm, một chí hướng, một nhớ tiếc nào đó. Bữa ấy tôi hết lời tán tụng cái giọng đọc thơ của anh vì không tiện đả động tới cái khác. Nhưng chính anh lại gợi: "Cậu chỉ khen cái giọng thôi à?". Tôi nóng mặt: "à, có cả cái khác nữa chứ, cái bên trong, cái tâm tư của anh!". Anh cười ha hả: "Tôi nhìn vào cậu để đọc đoạn thơ này, cậu phải thế nào tôi mới đọc được hay đến thế chứ?" Bà chị tôi nói dằn dỗi: "Còn tôi chỉ là cái túi thịt trong con mắt các người, có phải không?". Anh vẫn cười: "Thế bà còn muốn gì hơn nào". Họ vẫn ăn nói với nhau chớt nhả, suồng sả như vậy, nhưng chẳng ai giận ai cả, bè bạn với nhau những mấy chục năm mà. Rồi anh khoe cũng có làm nhiều thơ lắm, làm cho mình chứ không dám đọc cho ai nghe. "Cái tâm mình thì thật mà chữ nghĩa sao nó cũ kỹ, khuôn sáo thế. Thì ra, cái sáo của nghề ngoại giao đã thấm nhiễm vào tôi quá lâu rồi", anh tự thú nhận như vậy.

Mời các bạn đón đọc Gặp Gỡ Cuối Năm của tác giả Nguyễn Khải.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000