Quẳng Gánh Lo Đi và Vui Sống - Dale Carnegie |
|
Tác giả | Dale Carnegie |
Bộ sách | |
Thể loại | Self Help - Khởi nghiệp |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 25025 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Dale Carnegie Kỹ năng sống Best Seller Self Help |
Nguồn | isach.info |
Trong phần cuối bài Tựa của dịch giả Nguyễn Hiến Lê có đoạn:
“Nếu đời người quả là bể thảm thì cuốn sách này chính là ngọn gió thần đưa thuyền ta tới cõi Nát bàn, một cõi Nát bàn ở ngay trần thế.
Chúng tôi trân trọng tặng nó cho hết thảy những bạn đương bị con sâu ưu tư làm cho khổ sở trằn trọc canh khuya, tan nát cõi lòng. Ngay từ những chương đầu, bạn sẽ thấy tư tưởng sâu thẳm của bạn tiêu tan như sương mù gặp nắng xuân và bạn sẽ mỉm cười nhận rằng đời quả đáng sống. Kìa, đô đốc Byrd đã nói: “Chúng ta không cô độc trên thế giới này đâu, có cả vật vô tri như mặt trăng, mặt trời, cũng cứ đều đều, đúng ngày, đúng giờ lại chiếu sáng chúng ta, lại cho ta cảnh rực rỡ của bình minh hoặc cảnh êm đềm của đêm lặng”.
Bài Tựa này, cụ Nguyễn Hiến Lê viết từ năm 1951, lúc cụ dạy học ở Long Xuyên. Nửa thế kỷ sau, trong bản in năm 2001 của NXb Văn hóa (tạm gọi là bản 2001), và đoạn trích ở trên được in ở bìa sau.
Nhắc lại việc “dịch Dale Carnegie và viết sách học làm người”, cụ Nguyễn Hiến Lê viết trong Hồi kí như sau:
“Để học tiếng Anh, tôi tập địch sách tiếng Anh ra tiếng Việt cũng như trước kia để học bạch thoại, tôi dịch Hồ Thích.
Thật may mắn, ông P. Hiếu giới thiệu cho tôi hai cuốn How to win friends and influence people và How to stop worrying[1] đều của Dale Carnegie và kiếm cho tôi được cả nguyên bản tiếng Mĩ với bản dịch ra tiếng Pháp.
Hai cuốn đó cực kì hấp dẫn, tôi say mê đọc, biết được một lối viết mới, một lối dạy học mới, toàn bằng thuật kể truyện. Mỗi chương dài 10 tới 20 trang chỉ đưa ra một chân lí hay một lời khuyên; và để người đọc tin chân lí, lời khuyên đó, Carnegie kể cả chục câu chuyện có thực, do ông nghe thấy, hoặc đọc được trong sách báo, nhiều khi là kinh nghiệm của bản thân của ông nữa, kể bằng một giọng rất có duyên, cho nên đọc thích hơn tiểu thuyết, mà lại dễ nhớ.
Tiếng Anh của tôi hồi đó còn non lắm – thực sự thì chỉ kể như mới học được sáu tháng – nên nhiều chỗ tôi phải dựa vào bản dịch tiếng Pháp. Và dịch cuốn How to win friends xong, tôi đưa ông Hiếu coi lại, sửa chữa. Do đó mà chúng tôi kí tên chung với nhau[2]. Tôi đặt nhan đề là Đắc nhân tâm.
Chủ trương của tôi là dịch sách “Học làm người” như hai cuốn đó thì chỉ nên dịch thoát, có thể cắt bớt, tóm tắt, sửa đổi một chút cho thích hợp với người mình miễn là không phản ý tác giả; nhờ vậy mà bản dịch của chúng tôi rất lưu loát, không có “dấu vết dịch”, độc giả rất thích.
(…) Qui tắc đắc nhân tâm gồm trong câu “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân”, mà tất cả triết gia thời thượng cổ từ Thích Ca, Khổng Tử, Ki Tô… đều đã dạy nhân loai, nhưng trình bày như Dale Carnegie thì hơi có tính cách vị lợi, và tôi nghĩ trong đời cũng có một đôi khi chúng ta cần phải tỏ thái độ một cách cương quyết chứ không thể lúc nào cũng giữ nụ cười trên môi được. Cho nên tôi thích cuốn How to stop worring mà chúng tôi dịch là Quẳng gánh lo đi hơn.
Đúng như Đoàn Như Khuê nói:
… Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,
Coi lại cùng trong bể thảm thôi.
Dù sang hèn, giàu nghèo, ai cũng có ưu tư, phiền muộn; chỉ hạng đạt quan, triết nhân, quân tử mới “thản đãng đãng” (thản nhiên, vui vẻ) được, như Khổng Tử nói (Luận ngữ – Thuật nhi – 36). Nhưng làm sao có thể thản nhiên, vui vẻ thì Khổng Tử không chỉ cho ta biết. Carnegie bỏ ra bảy năm nghiên cứu hết các triết gia cổ kim, đông tây, đọc hàng trăm tiểu sử, phỏng vấn hàng trăm đồng bào của ông để viết cuốn Quẳng gánh lo đi.
Tôi bắt đầu đau bao tử từ khi phi cơ Pháp bắn liên thanh xuống miền Tân Thạnh (1946), năm sau qua Long Xuyên, để quên tình cảnh nước và nhà tôi phải trốn vào trong sách vở, nhưng viết và đọc suốt ngày thì bệnh bao tử lại nặng thêm, mà bác sĩ không biết, cứ cho là gan yếu, uống thuốc Tây, thuốc Bắc, thuốc Nam đều không hết.
Rồi khi đọc cuốn Quẳng gánh lo đi, tôi thấy hết ưu tư, nhẹ hẳn người. Suốt thời gian dịch và trong năm sáu tháng sau nữa, tôi có cảm giác “đãng đãng” đó. Vì vậy mà tôi rất mang ơn tác giả, viết một bài Tựa tôi lấy làm đắc ý để giới thiệu với độc giả, và cuối bài, đề:
“Long Xuyên, một ngày đẹp trong 365 ngày đẹp năm 1951”
Nhiều độc giả đồng ý với tôi là cuốn đó hay hơn Đắc nhân tâm, và ngay từ chương đầu đã trút được một phần nỗi lo rồi, cho nên chép nhan đề chương đó “Đắc nhất nhật quá nhất nhật” để trước mặt, trên bàn viết.
Mới đây, một độc giả, bác sĩ, bảo từ hồi đi học, đọc xong chương đó, thì đổi chữ kí, không kí tên thật nữa mà kí là “Today” (Hôm nay). Tôi còn giữ một bản của chữ kí đó của ông ta”.
“Mới đây”, theo như lời cụ Nguyễn Hiến Lê thuật lại ở trên, cách nay khoảng ba mươi năm rồi. Và “mới đây”, cách nay khoảng hai tháng, tôi thấy trên một tờ nhật báo nọ, vị bác sĩ phụ trách chuyên mục tư vấn sức khỏe khuyên độc giả “bệnh nhân” rằng, ngoài thuốc men và nghỉ ngơi tịnh dưỡng, nên đọc tìm cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống. Lời khuyên của vị bác sĩ này, cho ta thấy rằng, những qui tắc để diệt lo do Dale Carnegie nêu ra từ năm 1948, dù cách nay 60 năm rồi, vẫn còn hữu ích.
Tôi mua được cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” (và hai cuốn khác nữa) hồi đầu tháng tám từ một người bán hàng dạo, giá bìa ghi 34.000 đồng[3], nhưng chỉ phải trả 24.000 đồng nhờ được bớt 30%. Tôi dùng cuốn này để bổ sung phần thiếu sót trong ebook cùng tên do bác vvn thực hiện (tạm gọi là bản vvn) trước đây. Như các bạn đã biết, ebook đó được thực hiện từ bản nguồn thiếu bài Tựa, chương XIX và XX; ngoài ra, các chương còn lại, chương nào cũng bị cắt bớt một vài đoạn. Trong lúc bổ sung, tôi cũng sửa lại các từ trong bản vvn như sanh, đường sí, diễn giả, (cây) đờn… thành sinh, tiểu đường, diễn viên, (cây) đàn…
Trước đây tôi đã gõ bài Tựa (và đã đăng trên TVE), lần này tôi chỉ tốn công gõ khoảng 40 trang thôi – khoảng 12% cuốn sách; số còn lại chép từ bản vvn. Tôi cũng dùng bản này để chú thích vài chỗ trong bản 2001. Nếu không có ebook của bác vvn đó chắc tôi không đủ kiên nhẫn để gõ cả cuốn. Xin chân thành cám ơn bác vvn và xin gởi phiên bản mới đến các bạn khoái … vô sự tiểu thần tiên.
Goldfish.
QUẲNG GÁNH LO ĐI & VUI SỐNG
Quân tử thản đãng đãng
Tiểu nhân thường thích thích[4].
Khổng Tử.
Một buổi trưa hè, chúng tôi đương đàm đạo tại nhà anh Đ., bỗng một bạn tôi ngừng câu nói dở, chỉ ra ngoài cửa bảo: -Các bạn coi kìa, nữ bác sĩ lái xe đi chích thuốc.
Chúng tôi nhìn ra. Một người đàn bà còn trẻ, tóc bù xù, mặt lem luốc, cặp mắt láo liêng, miệng cười toe toét, vừa đi vừa vòng hai tay ra phía trước, xoay đi xoay lại như người lái xe hơi, thỉnh thoảng ngừng chân, tay như cầm vật gì nhỏ, đưa lên đưa xuống.
Anh Đ. giảng: “Nữ bác sĩ đi chích thuốc đấy. Ngày nào cũng vậy, mưa cũng như nắng, đi đủ ba lần, qua đủ bốn, năm con đường quanh đây… Nhiều thân chủ, dữ ta!”
Rồi anh vội sầm nét mặt: “Tội nghiệp, nhà khá giả, lại con một, mà như vậy…!”
Ngừng một chút, anh tiếp: “Nhưng nghĩ kỹ, chị ta có thấy khổ đâu? Trái lại mỗi khi lái xe, tin mình là bác sĩ, chắc sung sướng lắm… Sướng hơn chúng mình nhiều! Chính chúng ta mới đáng thương!”.
Ai nấy đang vui, bỗng buồn bã, lẳng lặng gật đầu. Chao ơi, trong số anh em ngồi đó, phần nhiều đều được thiên hạ khen sang và giàu, biết bao nhiêu người khao khát địa vị, mà chính họ tự thấy khổ hơn một mụ điên!
“Chính chúng ta mới đáng thương!”
Nếu vậy đời quả là bể khổ mà bốn câu thơ này của Đoàn Như Khuê thiệt thâm thuý vô cùng:
Bể thảm mênh mông sóng lụt trời!
Khách trần chèo một lá thuyền chơi,
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,
Coi lại cùng trong bể thảm thôi.[5]
“Chính chúng ta mới đáng thương!”
Như vậy thì cái bề ngoài vui tươi kia chỉ là cái vỏ của một tâm hồn chán nản, bị phiền muộn, ưu tư, ganh ghét, hờn oán dày vò! Mặt biển lặng, phản chiếu màu trời rực rỡ đấy, nhưng dưới đáy có những lượn sóng ngầm đủ sức cuốn cát và lay đá. Cánh đồng tươi thắm cười đón gió xuân đấy, nhưng trong hoa, sâu đã lẳng lặng đục nhuỵ và hút nhựa không ngừng.
Phải ngăn những đợt sóng oán hờn ấy lại, diệt con sâu ưu tư đó đi, nếu không, nó sẽ diệt ta mất, chẳng sớm thì chầy, ta sẽ sinh ra cáu kỉnh, chán chường, đau tim, đau bao tử, mất ngủ, mất ăn, mắc bệnh thần kinh và loạn óc.
Dale Carnegie viết cuốn Quẳng gánh lo đi… và vui sống này chính để chỉ cho ta cái cách diệt những kẻ thù vô hình ấy. Ta thiệt khó thắng vì chúng ngự trị ngay trong thâm tâm ta, nhưng ta phải thắng, vì thắng mới có thể SỐNG được.
Đọc bài tựa cuốn Đắc nhân tâm: bí quyết của thành công, bạn đã được biết qua về lối sống, mới đầu long đong, sau thành công rực rỡ của Dale Carnegie; ở đây chúng ta không nhắc lại nữa, chỉ kể cách ông viết cuốn Quẳng gánh lo đi… và vui sống này.
Hồi mới bắt đầu dạy môn nói trước công chúng tại hội Thanh niên theo Thiên Chúa giáo ở Nữu Ước, ông thấy cần phải chỉ cho học sinh của ông – hầu hết là những người có địa vị quan trọng trong đủ các ngành hoạt động xã hội – cách thắng ưu tư và phiền muộn. Ông bèn tìm trong thư viện lớn nhất ở Nữu Ước hết thảy những cuốn sách bàn về vấn đề ấy và ông chỉ thấy vỏn vẹn có 25 cuốn, còn sách nghiên cứu về… loài rùa thì có tới 190!
Thiệt lạ lùng! Đối với một vấn đề hệ trọng cho cả nhân loại như vấn đề diệt nỗi lo lắng để cho bể thảm vơi bớt đi, đời người được vui tươi hơn, mà loài người thờ ơ như vậy? Trách chi những người bị bệnh thần kinh chiếm hết phân nửa số giường trong các dưỡng đường Âu Mỹ. Trách chi hết thảy chúng ta dù sang hèn, giàu nghèo, đều phải phàn nàn rằng chính những kẻ điên mới là hạng người sung sướng trên đời!
Đọc hết 25 cuốn sách ấy, không thấy cuốn nào đầy đủ, khả dĩ dùng để dạy học được, ông đành bỏ ra 7 năm để nghiên cứu hết các triết gia cổ, kim, đông, tây, đọc hàng trăm tiểu sử, từ tiểu sử của Khổng Tử tới đời tư của Churchill, rồi lại phỏng vấn hàng chục các danh nhân đương thời và hàng trăm đồng bào của ông trong hạng trung lưu. Nhờ vậy sách ông được đặc điểm là đầy đủ những truyện thiệt mà bất kỳ ai cũng có thể kiểm sát.
Những điều thu thập được trong sách và đời sống hàng ngày ấy, ông sắp đặt lại, chia làm 30 chương để chỉ cho ta biết:
Vậy ông đã “thuật nhi bất tác” đúng như lời đức Khổng Tử, mà nhận rằng trong sách của mình không có chi mới hết. Toàn là những qui tắc mà ai cũng biết và nếu chịu áp dụng thì không một nỗi ưu phiền nào là không diệt được, từ những ưu tư về gia đình, tài sản, tình duyên, đến những lo lắng về tính mệnh, công danh, bệnh tật liên miên[7]. Nhưng tiếc rằng rất ít người áp dụng nó, cho nên ông phải viết cuốn này, để gõ cửa từng nhà – như lời ông nói – khuyên chúng ta đề phòng bệnh ưu uất, làm cho cứ mười người thì có một người bị bệnh thần kinh, cứ hai phút lại có người hóa điên, và giết hại loài người một vạn lần hơn bệnh đậu mùa! Tóm lại, ông chỉ có công nhắc lại những quy tắc rất thông thường và cố “nhồi nó vào óc ta” để ta thi hành thôi.
Tuy nhiên tác giả đã nhồi vào óc ta một cách tuyệt khéo, nhờ lời văn có duyên của ông. Từ trang đầu đến trang cuối, toàn là những chuyện thiệt, cổ kim, đông tây, cũng như trong cuốn Đắc nhân tâm: bí quyết của thành công. Nếu xét kỹ, ta thấy văn ông có chỗ điệp ý, lại có đoạn ý tứ rời rạc, nhưng chính vì vậy mà lời rất tự nhiên, đột ngột, khiến đọc lên ta tưởng tượng như có ông ngồi bên cạnh, ngó ta bằng cặp mắt sâu sắc, mỉm cười một cách hóm hỉnh, mà giảng giải cho ta, nói chuyện với ta vậy.
Sở dĩ ông có lối văn vô cùng hấp dẫn ấy – từ trước chúng ta chưa được đọc một tác giả nào bàn về tâm lý mà vui như ông – có lẽ nhờ hoàn cảnh tạo nên.
Có hồi ông bán xe cam nhông, thất bại thê thảm vì tính ghét máy móc lắm, ông bèn xin dạy khoa “nói trước công chúng” trong hội “Thanh niên Thiên Chúa giáo”. Hội bằng lòng nhận, nhưng không tin tài của ông, không chịu trả mỗi tối 5 Mỹ kim, mà chỉ cho ông chia lời thôi – nếu có lời. Học sinh thì toàn là những người có tuổi, có công ăn việc làm, muốn học sao cho có kết quả ngay và học giờ nào mới trả tiền giờ ấy. Ông phải đem hết tâm lực ra và soạn bài sao vừa vui vừa bổ ích thì mới hòng giữ họ lâu và mình có đủ tiền độ nhật. Vì vậy ông không thể dùng những sách khô khan của nhà trường để dạy, đành phải kiếm nhiều thí dụ thực tế kể cho học sinh để cho họ mê man nghe từ đầu giờ đến cuối giờ. Nhờ đó ông luyện được lối văn tự nhiên rõ ràng, có duyên, hấp dẫn một cách lạ lùng.
Chúng tôi tưởng lối văn ấy phải là lối văn của thế kỷ thứ 20 này. Đọc những sách triết lý viết từ thế kỷ 17, ta thấy thiệt chán: văn trừu tượng quá, nghiêm quá, gọn quá, bắt ta phải suy nghĩ nhiều quá. Ta không được rảnh rang như hồi xưa – mỗi tuần ta phải đọc một hai cuốn sách, chín, mười số báo – lại quen với lối văn tiểu thuyết và phóng sự nên lối văn nghiêm nghị của những thế kỷ trước không còn hợp với phần đông chúng ta. Một ngày kia, trừ một số sách viết cho các nhà chuyên môn, có lẽ hết thảy các sách phải viết bằng lối văn tựa như phóng sự, mới mong có người đọc, dầu sách học cho người lớn hay trẻ em.
Ông Dale Carnegie đã mở đường trong công việc viết sách cho người lớn bằng lối văn ấy. Vì sách của ông không khác chi những tập phóng sự cả. Ông đã thành công rực rỡ, sách ông bán rất chạy. Cuốn Quẳng gánh lo đi… và vui sống này chỉ trong 3 năm (1948-1950) đã tái bản tới lần thứ tư.
Riêng chúng tôi, từ khi vì duyên may được đọc cuốn ấy, đã thấy tâm hồn nhẹ nhàng, khoáng đạt hơn trước nhiều. Và mỗi lần có điều gì thắc mắc, mở sách ra, là thấy ngay cách giải quyết, chẳng khác Tôn Tẩn khi xưa mỗi lúc lâm nguy mở cẩm nang của thầy ra, tìm phương thoát nạn.
Nếu đời người quả là bể thảm thì cuốn sách này chính là ngọn gió thần đưa thuyền ta tới cõi Nát bàn, một cõi Nát bàn ở ngay trần thế.
Chúng tôi trân trọng tặng nó cho hết thảy những bạn đương bị con sâu ưu tư làm cho khổ sở trằn trọc canh khuya, tan nát cõi lòng. Ngay từ những chương đầu, bạn sẽ thấy tư tưởng sâu thẳm của bạn tiêu tan như sương mù gặp nắng xuân và bạn sẽ mỉm cười nhận rằng đời quả đáng sống. Kìa, đô đốc Byrd đã nói: “Chúng ta không cô độc trên thế giới này đâu, có cả vật vô tri như mặt trăng, mặt trời, cũng cứ đều đều, đúng ngày, đúng giờ lại chiếu sáng chúng ta, lại cho ta cảnh rực rỡ của bình minh hoặc cảnh êm đềm của đêm lặng”.
Long Xuyên,
Một ngày đẹp trong 365 ngày đẹp năm 1951.