Ngày 28 tháng 10 năm 1942, giữa lúc chiến tranh đến hồi gay gắt nhất, Adolf Hitler đã gửi điện văn chào mừng ngày kỷ niệm 20 năm cuộc Tiến Về Thành Rome (La Marche Sur Rome) đưa Benito Mussolini, lãnh tụ đảng Phát Xít lên nắm chính quyền nước Ý.
Sau 1945, chiến tranh kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của những nước dưới chế độ Phát Xít thì danh từ “Phát Xít" chỉ còn là danh từ ghi trong sử sách, hoạt động Phát Xít tê liệt. Nhưng thời gian không kéo dài bao lâu, thế giới lại chịu những cơn khủng hoảng mới. Danh từ ”Phát Xít" lại sống dậy trong các cuộc tranh luận chính trị, phe tả lớn tiếng gọi De Gaulle là bọn Phát Xít. Nhiều nơi các tổ chức Phát Xít âm thầm tái phục hoạt động. Chủ Nghĩa Phát Xít được kể như một chủ lưu tư tưởng cho chính sách lập quốc tại các quốc gia mới. Trên sách báo, tạp chí các câu hỏi đặt ra: “Le fascism est il actuel? Is fascism still a threat?”. Ở Tây Ban Nha, người ta đang lo ngại về cái chết của ông tướng Phát Xít Franco sẽ đưa đến những khủng hoảng trầm trọng cho xứ sở này. Ở Argentina, một lần nữa, lực lượng Phát Xít Peron trở lại chính quyền.
Theo giáo sư Ebenstein, bên cạnh Chủ Nghĩa Tư Bản, Chủ Nghĩa Cộng Sản, Chủ Nghĩa Xã Hội vẫn phải kể đến Chủ Nghĩa Phát Xít hiện đang lãnh đạo chính trị thế giới ngày nay.
Nói đến Chủ Nghĩa Phát Xít thì phải nói luôn đến con người lãnh tụ, bởi vì tối cao nguyên tắc của chủ nghĩa này là “leader pringciple” người ấy là Benito Mussolini. Trên tư tưởng ta có thể thấy Chủ Nghĩa Phát Xít ở George Sorel, ở Charles Mauras là những tiền nhân của Mussolini. Nhưng Mussolini lại là người đầu tiên hành động và thực hiện Chính Trị Phát Xít.
***
Tại một thôn xóm tồi tàn Predappio của vùng Romagne nghèo khổ, ngày 29-07-1883 một đứa trẻ kháu khỉnh và khỏe mạnh chào đời. Cha của nó là Alessamdro, bác thợ rèn quen thuộc của dân chúng về phương diện nghề nghiệp cũng như về chuyện la cà nhậu nhẹt, tán gái, nhất là về quan điểm chính trị vô chính phủ ưa tranh luận thích nổi loạn. Mẹ nó là một giáo viên hiền lành, ngoan đạo và thầm lặng.
Để tưởng niệm nhà cách mạng Mexico, Benito Juarez, cha nó lấy ngay chữ Benito mà đặt cho đứa con trai đầu lòng của mình. Do đó, đứa trẻ được mang cái tên định mệnh Benito Mussolini.
Gia đình bác thợ rèn sinh sống thật khó khăn cực nhọc. Bữa cơm chiều bao giờ cũng chỉ có một món súp làm bằng bột ngô gọi là món “polenta” nấu với nước lã. Đĩa thịt rất xa lạ trên bàn ăn của họ. Đó cũng là tình trạng chung cho hầu hết dân cùng khốn ở vùng này. Alessamdro rỏ mồ hôi đổi lấy đồng công rẻ mạt. Rosa Maltoni, mẹ Benito, với đôi mắt sâu và buồn, phải làm việc suốt ngày, mang đồng lương về giúp chồng. Khốn nỗi học trò mỗi lúc một thưa thớt vì không ai muốn giao phó con cái cho vợ chồng “thằng cha phản loạn” dạy dỗ, chúng sẽ trở lên hư đốn, sẽ không chịu đi kiếm ăn nuôi thân, tư tưởng phản loạn có thể đầu độc tâm não chúng. Thêm vào đấy là sự hạch hỏi hậm họe gây khó dễ của bọn chức dịch. Bà Rosa thường than thở với những người thương xót mình: “Các chị chắc chưa rõ nỗi lo, nỗi buồn, nỗi vất vả đêm ngày của tôi kiếm cơm nuôi trẻ để phải cắn răng chịu đựng lời xỉ vả từ bọn người chẳng thèm biết đến sự cố gắng của kẻ đem công lao ra kiếm sống”.
Ngay từ lúc năm sáu tuổi, Benito đã nổi tiếng là một đứa trẻ ngỗ nghịch, ưa gây gổ đánh nhau, trẻ các làng đều kiêng dè. Như trong tự truyện, Mussolini viết:
...
Mời các bạn đón đọc
Mussolini Lãnh Tụ Phát Xít của tác giả
Vũ Tài Lục.