Hậu Thủy Hử |
|
Tác giả | La Quán Trung Thi Nại Am |
Bộ sách | |
Thể loại | Kiếm hiệp - Võ hiệp |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 mp3 |
Lượt xem | 8854 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 mp3 Sách Nói full Thi Nại Am La Quán Trung Tiểu thuyết Võ hiệp Kinh điển Văn học Phương Đông |
Nguồn | |
Ngày nay, chúng ta tin rằng Thi Nại Am chính là thầy của La Quán Trung. Cả hai đều là người cuối Nguyên đầu Minh, nhưng có thực sự đúng như thế?
Nói đến La Quán Trung và Thi Nại Am thì còn có vấn đề tranh cãi về quyền tác giả của hai người đối với một tiểu thuyết nổi tiếng khác là Thủy hử truyện. Ngày nay, chúng ta định danh Thủy hử truyện là của Thi Nại Am. Nhưng người thời Minh là Lang Anh (1487 - 1566) trong Thất tu loại cảo có nói: “Hai sách Tam quốc, Tống Giang là do người Hàng [Châu] là La Quán Trung biên soạn”. Nhưng Lang Anh cũng từng thấy một bản trên có khắc chữ “Tiền Đường, Thi Nại Am”. Chu Lượng Công (1612 - 1672) thời cuối Minh đầu Thanh trong sách Thư ảnh cũng nói: “Thủy hử truyện tương truyền là người Việt đầu thời Hồng Vũ là La Quán Trung sáng tác, lại truyền rằng do người Nguyên là Thi Nại Am sáng tác.
Tây Hồ du lãm chí của Điền Thúc Hòa lại nói sách này do người thời Tống viết. Gần đây, Kim Thánh Thán đem chỗ từ hồi thứ 70 trở về sau đoán định là do La Quán Trung tục biên, hết sức mắng nhiếc La, lại ngụy tạo bài tựa của họ Thi để lên đầu sách. Sách ấy bèn thành của Thi”. Bản Kim Thánh Thán mà Chu Lượng Công nhắc đến chính là bản lưu hành ở Việt Nam hiện nay.
Mặc dù bài tựa của Thi Nại Am trong bản Kim Thánh Thán là giả mạo, nhưng sự tranh giành quyền tác giả giữa Thi Nại Am và La Quán Trung đã xuất hiện từ thời nhà Minh. Cuối cùng, các nhà làm sách đã đi đến giải pháp nước đôi. Họ cho rằng Thủy hử truyện có một bộ phận do Thi Nại Am sáng tác, một bộ phận là La Quán Trung tục biên. Điều này phù hợp với tình hình diện mạo khác nhau của các bản Thủy hử truyện. Có bản gồm 100 hồi, có bản chỉ 70 hồi, lại có bản lên đến 120 hồi, bởi liên quan đến La Quán Trung còn có Tam quốc diễn nghĩa. Nhưng Thủy hử ở một trình độ cao hơn về mặt văn phong tiểu thuyết, vì thế khó có thể nói La Quán Trung là tác giả đầu tay của Thủy hử.
Do đó, xuất hiện thuyết Thi là thầy, La là trò. Hồ Ứng Lân (1551 - 1602) trong Thiếu Thất sơn phòng bút tùng đã nói đến vấn đề ấy. Ông cho biết: “Người thời Nguyên ở Vũ Lâm là Thi mỗ biên soạn Thủy hử truyện, đặc biệt thịnh hành… Môn nhân của ông là La mỗ cũng học theo, làm Tam quốc chí, nhưng rất nông cạn, thô thiển, thật tức cười”. Đến năm 1944, khi biên soạn Hưng Hóa huyện tục chí, người ta lại đưa thêm vào đó một bài đề là Thi Nại Am mộ chí nói là của Vương Đạo Sinh, trong đó xác nhận lý lịch của Thi Nại Am, thậm chí còn liệt kê Tam quốc diễn nghĩa vào danh sách tác phẩm của Thi. Tác giả còn bảo rằng mình từng gặp La Quán Trung và nói chuyện về Thi Nại Am, rằng Thi Nại Am mỗi khi viết xong thì đưa cho học trò (môn nhân) duyệt lại. Trong số học trò đó thì đắc lực nhất là La Quán Trung.
Nếu xét về mặt văn phong, rõ ràng Thủy hử truyện ở một trình độ cao hơn so với Tam quốc diễn nghĩa. Văn tài của Thi Nại Am cao hơn La Quán Trung là điều có thể xác nhận. Nói họ có quan hệ thầy trò không phải không có lý. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ tiến hóa về mặt hình thức của tiểu thuyết chương hồi thì vấn đề lại khác hẳn. Xét về mặt kết cấu các hồi, thủ pháp tự sự, Tam quốc diễn nghĩa đều ở dạng sơ khai hơn. Tiêu đề mỗi hồi trong Tam quốc diễn nghĩa cổ bản đều là tiêu đề đơn, ví dụ: hồi 1 “Tế trời đất, đào viên kết nghĩa”; hồi 2 “Lưu Huyền Đức chém giặc lập công”. Ở Thủy hử truyện, tiêu đề mỗi hồi đã là dạng tiêu đề 2 câu đối ngẫu. Chẳng hạn: hồi 1 “Trương Thiên sư cầu yên ôn dịch; Hồng Thái úy lỡ sổng yêu ma”. Ở Tam quốc diễn nghĩa cổ bản chưa có thơ kết hồi nhưng Thủy hử truyện đã có. Phải đến thời nhà Thanh, cha con Mao Luân, Mao Tôn Cương mới đem diện mạo Tam quốc diễn nghĩa ra tu chỉnh để giúp nó đáp ứng các tiêu chí về mặt hình thức của tiểu thuyết chương hồi. Họ tiến hành đem 2 hồi gộp thành 1, sửa tiêu đề thành 2 câu đối ngẫu. Chẳng hạn, hồi 1 và 2 gộp thành hồi 1 mới với tiêu đề: “Tế trời đất, anh hùng kết nghĩa; Chém Khăn Vàng, hào kiệt lập công”; đồng thời thêm 2 câu thơ kết mỗi hồi.
Lại nữa, trong cổ bản Tam quốc, sau mỗi sự kiện quan trọng có rất nhiều thơ bình, tán. Đây là công cụ để người kể chuyện miệng giao lưu với khán giả trong quá trình kể chuyện. Ở Thủy hử, số lượng thơ hạn chế hơn, bởi vì nó đã chuyển sang loại hình tiểu thuyết để đọc. Thủy hử tả sự việc tỉ mỉ hơn và lan man lắt léo hơn.
Ngược lại, Tam quốc kể chuyện gọn ghẽ hơn. Tam quốc kể Lỗ Túc đi sang Kinh Châu thì sẽ đi thẳng một mạch sang Kinh Châu. Ngược lại, Thủy hử tả một nhân vật xuống núi thì sẽ tả người đó mặc áo gì, quần gì, chân đi giày gì, đội nón gì, tay phải cầm cái gì, tay trái cầm cái gì; sau đó có người nhận xét một câu, nhân vật đáp lại một câu, ai đó dặn dò mấy câu.
Sau đó nhân vật xuống núi, giữa đường trời nắng khát nước lại ghé vào quán rượu. Đem thứ văn phong tỉ mỉ đó ra kể sẽ khiến câu chuyện bị loãng và khán giả sẽ thấy chán. Tam quốc rất gần với nghệ thuật kể chuyện miệng; Thủy hử thì đã thực sự là tiểu thuyết. Do đó, xét trên lịch sử tiến hóa văn học thì La Quán Trung mới đích thị là thầy của Thi Nại Am.