DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Đường Công Danh Của Nikodem Dyzma - Tadeusz Dolega-Mostowicz

Tác giả Tadeusz Dołęga-Mostowicz
Bộ sách
Thể loại Tiểu thuyết
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 3554
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Tadeusz Dolega-Mostowicz Tiểu thuyết Văn học Ba Lan Văn học phương Tây
Nguồn Nhóm dự án Tây Phong Lĩnh
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Tađêus Đôuenga Môxtôvich (Tadeusz Dolega Mostowicz, 1898 - 1939) là nhà văn xuất sắc của nền văn học Ba Lan thời cận đại. Ông là tác giả của những tiểu thuyết tâm lý xã hội theo khuynh hướng tình cảm rất được ưa chuộng (Thầy lang, Giáo sư Vintrurơ), nhưng nổi tiếng nhất với các tác phẩm hiện thực phê phán đặc sắc: Đường công danh của Nikôđem Đyzma.

Hoạt động văn học trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy hấp dẫn của T.Đôuenga Môxtôvich diễn ra trùng với thời kỳ hai mươi năm tồn tại và phát triển của nước Ba Lan tư sản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1919 - 1939), trong bối cảnh đất nước vừa giành lại được độc lập sau hàng thế kỷ bị các thế lực đế quốc chia cắt, xâu xé, hoàn toàn bị xóa tên trên bản đồ thế giới, để rồi chẳng mấy chốc lại rơi vào nanh vuốt của bè lũ phát xít Đức. Chính thời kỳ giai cấp tư sản dân tộc non yếu được nắm tay lái con thuyền quốc gia vừa bị lọt vào cái “mắt bão” - vùng tạm thời yên tĩnh giữa những cơn bão táp hung bạo trên toàn thế giới, song không thiếu những rối ren phức tạp trong nước - là thời kỳ thuận lợi cho chủ nghĩa cơ hội phát triển, thời kỳ những nghịch cảnh, những đảo lộn xã hội diễn ra liên tiếp, tập trung và sôi động hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là thời kỳ được T.Đôuenga Môxtôvich lấy làm bối cảnh cho quyển tiểu thuyết xuất sắc nhất của ông.

Đường công danh của Nikôđem Đyzma quả là hiển hách, đáng ngạc nhiên, bởi đó gần như là cuộc hội tụ của biết bao “ngẫu nhiên may mắn, bao “số đỏ”, đến mức khiến người đời phải chóng mặt, ngỡ ngàng. Ở chương đầu sách, y chỉ là một anh công chức cấp thấp ở tỉnh lẻ bị mất việc, đang lang thang tìm việc làm, túi rỗng không và chiếc dạ dày lép kẹp. Ấy thế mà tới những trang cuối sách y đã là một triệu phú cỡ lớn, chủ một cơ ngơi nông - công - nghiệp khổng lồ, chính khách số một của đất nước, người được chính tổng thống mời ra đảm nhiệm sứ mạng thành lập nội các mới, nhằm chèo lái con thuyền quốc gia qua cơn bão chao đảo!

Cái gì đã khiến Nikôđem Đyzma leo nhanh và cao đến thế trên những bậc thang danh vọng của cuộc đời? Cái gì là nguyên nhân thật sự mở ra con đường công danh đầy huyền thoại của kẻ vô học “bất tài chi tướng” kia? Tại sao giữa lòng cái xã hội quý tộc - tư sản, với những thể chế ngỡ như chặt chẽ, với quy luật cạnh tranh khốc liệt kia lại nảy nòi một cái nỗi oái oăm nhường ấy? Nhà văn đã không đứng ra thuyết minh, trả lời và kết luận thay người đọc, nhưng qua bức tranh liên hoàn hiện thực mà ông đã dựng lên, người đọc nhận thức được rằng: nguyên nhân chính tạo nên bước đường công danh lừng lẫy của nhân vật kia chính là bởi cái xã hội đang sống chỉ có tôn ti, trật tự, luật lệ, kỷ cương về phương diện hình thức mà thôi. Còn bên trong, guồng máy của nó lại hoạt động bằng một loại “nhiên liệu” vạn năng duy nhất là đồng tiền. Trong cái xã hội ấy, ngài luật sư có uy tín nhất, đồng thời cũng là người bảo trợ cho Hội Bảo vệ gia đình (mặc dù là chuyên viên sừng sỏ nhất trong lĩnh vực ly hôn!) đã trắng trợn vòi tiền “công” vì lấy được lời chứng của những người đã chết. Trong xã hội ấy, người ta có thể thuê giết một mạng người với một trăm đồng bạc, có thể đổi trắng thay đen dễ như trở bàn tay, có thể dựng ra cả một tiểu sử huy hoàng để tô son trát phấn cho một anh dốt nát nhà quê đóng tuồng làm “người hùng”, làm “chính khách”, làm nhà “kinh tế thiên tài”... Cái xã hội mà ngay ở những cấp cao nhất của chính quyền, cũng chỉ là một lũ người dốt nát, bất lực, mâu thuẫn nhau, chỉ giỏi ăn chơi cãi vã. Cái xã hội mà “phương sách” hữu hiệu nhất là tiền cộng với lừa đảo, dối trá. Những nghịch cảnh của xã hội được lột trần đến lõa lồ trước mắt người đọc, bởi mấy ai ngờ rằng một “hội đồng” dâm của các vị phu nhân lá ngọc cành vàng, vợ con các “ông lớn”, lại có khả năng điều hành thật sự bộ máy quốc gia, đến mức tống cổ ngài thứ trưởng kiêm đổng lý văn phòng hội đồng bộ trưởng đi... Tàu, chỉ vì ngài sắp lật mặt nạ “người tình chung” của các bà!

Xuyên suốt tác phẩm là hai quá trình có hướng ngược nhau, diễn ra đồng thời, ở một con người - đó là nhân vật chính: Nikôđem Đyzma. Y leo nhanh đến mức đáng kinh ngạc trên những bậc thang danh vọng, nhưng lại tụt dài về phương diện nhân cách, từ cái trong sạch của một con người bình thường xuống vũng bùn nhơ nhớp của những tội lỗi ghê gớm nhất. Ban đầu, dù thất nghiệp, đói rách, Đyzma vẫn còn lương tâm trong sạch, thấy cái phong bì của cậu bé bưu điện đánh rơi y còn thương tình gọi với theo để trả, nhặt được giấy mời đi dự tiệc (gửi một người khác), y mang đến tận nhà (bụng thầm mong được trả công vài đồng bạc), y biết đỏ mặt ngượng khi bịa ra một câu chuyện phạm tội vô hại kể cho một cô gái làm tiền. Thế rồi, chỉ qua một bữa tiệc mà y lấy hết gân cốt đến dự nhằm thỏa mãn cái đói, y đã nhảy một bước lọt vào xã hội thượng lưu, để ngấm dần vào người “độc dược” hiệu nghiệm lấy làm kim chỉ nam cho mọi hành vi đối nhân xử thế: lừa đảo. Không những y không hề ngần ngại khi lừa cơ cướp cả cơ nghiệp lẫn cô vợ xinh đẹp của ông chủ đã hết lòng đối xử tử tế với y, mà y còn không run tay khi thuê bọn lưu manh, giết một người ân nhân cũ để bịt đầu mối, không hề áy náy khi ra lệnh cho bọn cảnh sát đánh đập dã man một cô gái vô tội đã nặng lòng yêu y. Sở dĩ y tha hóa nhanh như thế về phương diện đạo đức chỉ bởi y đã tiếp xúc với những “tinh hoa” của giới cầm quyền. Xét về phương diện ấy, Đyzma cũng là một nạn nhân của xã hội tư bản - một nạn nhân “tự nguyện”. Sự trèo nhanh leo cao của y không phải là thành quả đạt được bởi những thủ thuật không mấy tinh khôn mà y đã học được ở các “tinh hoa” thượng lưu xã hội kia (như kiệm lời để giấu dốt, nhắc lại ý của người khác nhận rằng là của mình…). Mà có nguyên nhân sâu xa hơn: đó là sự mâu thuẫn giữa các giới cầm quyền, các cá nhân có thế lực trong guồng máy xã hội, đó là sự dốt nát trong đánh giá của các giới đó đối với Đyzma. Các vị đại diện cao cấp nhất của xã hội đã không có khả năng phân biệt thật giả, đã ngộ nhận về khả năng - thậm chí tài năng - của Đyzma, đã đưa y lên những địa vị cao sang, đã để y đánh lừa một cách “hào hiệp” nhất. Đúng như lời chàng công tử bá tước Pônimirxki gào lên kết thúc quyển sách: “Không phải hắn dắt mũi các người đâu! Chính các người đã bê cái đồ súc vật ấy đặt lên thành tượng đài! Chính các người! Hỡi lũ người đánh mất hết những tiêu chuẩn lý trí!”. Mỉa mai hơn, Đyzma được leo lên cao đến thế còn chính vì y đã làm thỏa mãn được dục vọng thấp hèn của các vị “phái đẹp” quý tộc trong những cuộc “hành lễ bí mật” mà thực chất là những cuộc hành lạc tập thể, những cuộc loạn hôn không tiền khoáng hậu. Trong các “tài năng” đã đưa Đyzma lên những địa vị cao sang, có “tài” đĩ đực!

Trong số những nạn nhân khác của cái xã hội nhầy nhụa đó, người đọc còn nhận thấy một điều: Người càng có địa vị xã hội thấp hèn, thậm chí càng ở “dưới đáy” thì phẩm chất đạo đức lại càng trong sạch. Cô gái Manka dù phải bán thân nuôi miệng, nhưng vẫn ý thức được sự ghê tởm của cái “nghề” mà mình bắt buộc phải làm, vẫn giữ một tình yêu chân thật đối với Đyzma, và vẫn biết căm phẫn tột độ khi tình yêu ấy bị bội bạc. Dù bị đánh đập dã man, nhưng dẫu sao Manka cuối cùng cũng nhận ra bộ mặt thật của Đyzma. Đáng thương cho một phụ nữ xinh đẹp, yếu đuối mà lại muốn hưởng lạc như bá tước tiểu thư Nina, cho đến cuối cùng vẫn không hiểu rằng mình bị đánh lừa, vẫn không hiểu được bản chất người chồng “lý tưởng” và “lỗi lạc” của mình!

Ý nghĩa tố cáo và phê phán của tác phẩm còn tập trung cao ở hình tượng chàng bá tước “điên” Pônimirxki. Chàng là nạn nhân của một trò lừa đảo đã khiến cha chàng khuynh gia bại sản, rồi lại trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo mới, còn trắng trợn hơn, đê mạt hơn. Không phải ngẫu nhiên tiếng nói gần với sự thật nhất, tiếng cười châm biếm sâu cay nhất đối với những nghịch cảnh xã hội lại được tác giả đặt vào miệng một người “điên”, một người “tâm thần”, vốn có một địa vị cao sang, một gia sản giàu có, một học thức uyên bác, nhưng rốt cuộc vẫn bị vứt ra một xó vườn, hay cùng lắm - làm đầy tớ dạy tiếng Anh cho chủ.

Các yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ được sử dụng để xây dựng con đường công danh cho Đyzma đều hợp lôgích, không gây ấn tượng giả tạo, khiên cưỡng. Chất bi và hài được kết hợp hài hòa, trong đó cái hài được tập trung cao, tạo nên một tiếng cười mỉa mai, sâu cay đối với cả bộ máy nhà nước tư sản, từ cấp thấp lên cấp cao nhất. Nhà văn đã thể hiện một bộ mặt xã hội với những biểu hiện sinh động lạ thường qua một bút pháp tưởng như dửng dưng, khách quan mà sắc sảo, tinh tế. Người đọc Ba Lan còn hâm mộ tác phẩm của T.Đôuenga Môxtôvich vì nhà văn đã dựng lại hết sức sống động, hết sức thực từ ngôn ngữ, thói quen, phong tục, tập quán đến cảnh sinh hoạt và bầu không khí của xã hội thượng lưu quý tộc những năm 20 - 30.

Do vô tình hay hữu ý, nhiều tác phẩm hiện thực phê phán thường sa vào chủ nghĩa tự nhiên trong phản ánh hiện thực xã hội. Trong Đường công danh của Nikôđem Đyzma T.Đôuenga Môxtôvich đã tránh được hạn chế này. Tác giả đã không khai thác những yếu tố thấp hèn hoặc kích thích ở những cảnh “gay cấn”, để một mặt duy trì mức độ chân xác của tính cách nhân vật, mặt khác tạo được hứng thú thẩm mỹ lành mạnh. Tác phẩm sử dụng nhiều yếu tố hư cấu nhưng rất thực, và tả được cái thực của xã hội, bởi lẽ nhà văn đã chọn những không gian thích hợp để những yếu tố hư cấu kia hiện ra trong những dáng vẻ thực của đời.

Cũng như nhiều tác phẩm hiện thực phê phán khác, Đường công danh của Nikôđem Đyzma không tránh khỏi những nhược điểm khách quan do thời đại cũng như những nhược điểm chủ quan do nhận thức của tác giả. Mâu thuẫn xã hội mới được miêu tả ở tầng lớp trên, mâu thuẫn giai cấp mới chỉ lướt qua. Tác giả tập trung mô tả và phê phán cái xấu xa, cái phản động, nhưng chưa nêu được những phẩm chất tốt đẹp cũng tồn tại song song trong xã hội ấy. Xã hội trong tiểu thuyết đang chao đảo, nhưng rồi sẽ đi đến đâu, theo con đường nào… Thực ra, công bằng mà nói, đó cũng là những nhược điểm khó tránh nếu đặt tác phẩm và người viết trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mình.

Bằng những giá trị nghệ thuật lớn lao, tiểu thuyết hoạt kê của T.Đôuenga Môxtôvich đã phản ứng khá mạnh mẽ chống lại một xã hội lố lăng, qua đó gián tiếp bênh vực quyền tồn tại và phát triển của những con người lương thiện, trung thực. Chính vì vậy, ngay sau khi ra đời, Đường công danh của Nikôđem Đyzma liền được xem là một hiện tượng văn học đặc sắc ở Ba Lan. Tác phẩm được in lại nhiều lần và cũng được đưa lên màn ảnh ở Ba Lan, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.

Đọc Đường công danh của Nikôđem Đyzma và tìm hiểu thân thế sự nghiệp của T.Đôuenga Môxtôvich, người đọc Việt Nam không khỏi bất giác nghĩ tới Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) và chợt thú vị về những nét tương đồng giữa hai tác giả cũng như hai tác phẩm. Hai tác giả sống gần như đồng thời với nhau, ở hai phương trời xa cách nhau hàng chục nghìn cây số, song đều tài hoa sắc sảo, đều từ giã cuộc đời giữa tuổi sáng tạo rực rỡ, để lại cho đời những tác phẩm sống mãi.

Chúng tôi hy vọng rằng, với bản dịch ra tiếng Việt trực tiếp từ tiếng Ba Lan này Đường công danh của Nikôđem Đyzma sẽ giúp bạn đọc nước ta làm quen với một nhà văn tài hoa của dân tộc Ba Lan, đồng thời xuyên qua cái nhìn đầy phê phán với những hiện tượng bệnh hoạn của xã hội tư sản, thêm trân trọng gìn giữ và phát triển những giá trị thật sự tốt đẹp đang quyết liệt đấu tranh chống các hiện tượng xã hội tiêu cực xuất hiện trong hoàn cảnh xã hội phức tạp của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, góp thêm một tiếng nói nghệ thuật chống lại các biến tướng của chủ nghĩa cơ hội.
Hà Nội, 01 - 1987

Hồng Diệu
***
Tác phẩm: 
Mời các bạn đón đọc Đường Công Danh Của Nikodem Dyzma của tác giả Tadeusz Dolega-Mostowicz.

Giá bìa 190.000   

Giá bán

142.500 

Giá bìa 190.000   

Giá bán

142.500