Đông Chu liệt quốc |
|
Tác giả | Phùng Mộng Long |
Bộ sách | |
Thể loại | Lịch sử - Quân sự |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 mp3 |
Lượt xem | 2119 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 mp3 Audiobook Sách Nói full Sái Nguyên Phóng Phùng Mộng Long Nguyễn Đỗ Mục Cao Xuân Huy Thanh Nguyệt Kinh Điển Lịch Sử Dã Sử Chiến Tranh Quân Sự Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Tên sách: Đông Chu liệt quốc
Tác giả: Phùng Mộng Long
Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Hiệu đính: Cao Xuân Huy
Giới thiệu và bổ sung: Lê Huy Tiêu, Lê Đức Niệm
Nhà xuất bản: Văn học, Công ty Văn hóa Đông A
Năm xuất bản: 2014
Phùng Mộng Long, 1574 - 1646, 馮夢龍 (phồn thể) hoặc 冯梦龙 (giản thể), sinh vào năm thứ 2 thời Vạn Lịch triều Minh và mất thời Thuận Trị triều Thanh, là tác giả của tiểu tuyết nổi tiếng “Đông Chu Liệt Quốc”. Trước đây, tác giả thường được coi là người Ngô Huyện tuy nhiên gần đây, sau khi tái bản “Thọ Ninh Đãi Chí”, mới xác định rằng ông quê ở Trường Châu.
Phùng Mộng Long tự là Do Long, cũng có khi ký là Long Tử Do, quê ở Trường Châu, nay là Tô Châu, Giang Tô. Ông xuất thân từ gia đình có học vấn, từ nhỏ ông đã nổi tiếng tài hoa. Lúc còn trẻ, Phùng Mộng Long là người khá phong lưu, nhưng cũng lận đận trong thi cử. Năm 57 tuổi, ông được chọn làm Cống Sinh. Trong đời vua Sùng Trinh nhà Minh, ông giữ chức tri huyện tại huyện Thọ Ninh, Phúc Kiến. Sau đó, Phùng Mộng Long không còn hứng thú với việc làm quan, chỉ ham thích những sinh hoạt văn nghệ dân gian. Cuối đời Minh, kinh tế thương nghiệp phát đạt, trong dân gian rất thịnh hành việc diễn xướng các ca khúc đương thời. Không phân nam bắc, chẳng chia nam phụ lão ấu, ai ai cũng thích nghe, thích hát. Đặc biệt là trong các thanh lâu (kỹ viện) nghiệp đàn ca càng phát đạt.
Lúc quânThanh xua quân xuống vùng phía Nam, ông từng tham gia vào hoạt động chống Thanh, khi chính quyền Nam Minh bị tiêu diệt thì ông buồn rầu mà chết.
Cả cuộc đời Phùng Mộng Long gắn liền với việc nghiên cứu, chỉnh lý, sáng tác văn học phong tục, đạt được những thành tựu mà ít người sánh kịp. Một khối lượng đồ sộ gồm các tác phẩm sưu tầm, biên soạn và sáng tác đã được ông để lại với nhiều loại hình như văn học dân gian, sân khấu, truyện ngắn và cả tiểu thuyết.
Tiêu biểu là bộ Đông Chu Liệt Quốc của Phùng Mộng Long đã rất quen thuộc ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Châu Á. Nội dung tác phẩm xoay quanh cuộc tranh giành lãnh thổ và quyền lực giữa các nước chư hầu thời Xuân Thu và Chiến Quốc, cụ thể là từ Chu U Vương nhà Chu đến khi Tần Thủy Hoàng diệt thâu 6 nước Sở, Hàn, Yên, Triệu, Ngụy, Tề, đưa Trung Nguyên về tay nhà Tần.
Tác phẩm thứ hai cũng rất đáng chú ý là bộ Tam Ngôn (nguyên bản Cổ kim tiểu thuyết) gồm các quyển Dụ Thế Minh Ngôn, Cảnh Thế Thông Ngôn và Tỉnh Thế Hằng Ngôn, lần lượt được khắc in vào trước sau niên hiệu Thiên Khải nguyên niên, Thiên Khải năm thứ 4 và Thiên Khải năm thứ 7 (1624-1627). Những tiểu thuyết trong Tam Ngôn có nguồn gốc khác nhau, tình huống khá phức tạp. Một bộ phận nhỏ là những “thoại bản” lưu truyền ở các đời Tống, Nguyên, Minh được ghi chép sau đó được Phùng Mộng Long gia công sử chữa, còn phần lớn là Phùng Mộng Long đã dựa vào những bút kí, tiểu thuyết, truyền kỳ, những mẩu chuyện lịch sử, dân gian thời trước để sáng tác nên.
Một tác phẩm văn học tiêu biểu, xứng đáng của một dân tộc cũng là một tác phẩm hàm chứa những tính phổ biến và sâu xa của nhân loại.
Đông Chu Liệt Quốc là một pho cổ sử, một áng văn tuyệt tác của nền văn học cổ đại Trung Hoa mà sự thâm thúy của các nhà du thuyết, tài ứng xử trong cách đối nhân xử thế, những lý và đạo trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của các bậc đế, vương, bách gia chư tử của hàng chục vương triều và hàng trăm tiểu quốc diễn ra trong suốt 500 năm lịch sử trước Công Nguyên ở nước Trung Hoa cổ đại, đã trở thành những điển tích có ảnh hưởng lớn đến nền văn chương nước nhà, nhất là các nho sĩ thời phong kiến.
Đông Chu Liệt Quốc được viết theo lối tả truyện chương, hồi, theo phương pháp tự sự, ghi chép khá chân thực lịch sử các cuộc chiến tranh, các mưu đồ vương bá, mở đầu bằng nhà Đông Chu (Chu Tuyên Vương) và kết thúc bằng nhà Tần (Tần Thủy Hoàng) gồm thâu Lục quốc (Triệu, Sở, Tấn, Tề, Ngụy, Hàn) thống nhất nước Trung Hoa ngày ấy.
Người xưa nói: “Đọc bộ sách này bằng mấy mươi sách khác” thật không ngoa. Bởi vì sách đã phản ánh quá trình hình thành, tồn tại, phát triển và tiêu vong của biết bao triều đại trong năm thế kỷ với những cuộc chiến tranh triền miên, nạn chém giết, xâu xé, tiếm đoạt, tài ứng xử, thói ươn hèn của từ các bậc quân tử đến hàng tiểu nhân, từ những trí thức Nho gia đến hàng dân dã…, trong đó có cả tệ tham quyền, cố vị đến mọi thủ đoạn gian xảo, từ các cách sống xa hoa, dâm loàn của các đế vương đến những đời thường cơ cực, những nạn nhân của thời ly loạn.
Tính hấp dẫn của cách tả truyện mang tính sử thi ở sách Đông Chu Liệt Quốc được chắt lọc từ những sự kiện lịch sử thâu tóm, không dài dòng kể lể, cũng không đi vào những chi tiết huyễn hoặc, ma quái, Phật trời kiểu Tây Du Ký, Đông Du Bát Tiên của Ngô Thừa Ân và các tác giả thời Tống.
Qua các chương, hồi của sách Đông Chu Liệt Quốc, sự thật được phơi bày qua từng lời nói và hành động của các nhân vật, các luận thuyết, rồi quyền biến bằng các lệnh truyền, phán quyết của các vị vương, công hầu, khanh tướng với tài dẫn giải có lớp lang, trình tự trước, sau, trên, dưới, quyện chặt từ đầu đến cuối của cả bộ sách, khiến người đọc theo dõi say sưa và trọn vẹn, theo kiểu ghi chép khách quan của nhà làm sử.
Bao nhiêu kẻ sĩ, khanh tướng, công hầu, bao nhiêu nhà thuyết khách cỡ Trương Nghi, Tô Tần, Kinh Kha, từ những bậc chiêu hiền, đãi sĩ, sống mộ điệu như Mạnh Thường Quân, cho đến những kẻ cơ hội đầy toan tính xảo quyệt con buôn, kể cả việc mua vua, bán chúa như Lã Bất Vi, Huyền Cao của hai nước Triệu, Trịnh, đều được sao chép thật công phu, chu đáo, mà hữu ý một cách vô tình.
Với cách nhìn đổi mới trong việc đánh giá, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của loài người, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội 6 của Đảng ta, việc tiếp thu các tinh hoa của nền văn minh Hán học với sự hiện diện của bách gia chư tử các triều Trung Hoa cổ đại được coi là sự gạn đục khơi trong trong việc chắt lọc những hạt ngọc của muôn đời.
Giới thiệu bộ sách Đông Chu Liệt Quốc, chúng tôi mong đưa đến tay bạn đọc một áng cổ văn uyên bác, tuy xa xưa mà ý nghĩa thâm sâu về cuộc đời, thuật làm người và dùng người, tính triết lý trong việc hiểu người biết ta, ngẫm nghĩ điều hay, chuộng lẽ phải, ghét bạo quyền, thói giảo hoạt, vẫn là những câu chuyện thời sự nóng hổi, được coi là những bài học muôn đời.
Mong bạn đọc góp ý phê bình.