Dám Dẫn Đầu |
|
Tác giả | Mike Merrill |
Bộ sách | |
Thể loại | Self Help - Khởi nghiệp |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 1612 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Mike Merrill Self Help Truyền Động Lực Khởi Nghiệp |
Nguồn | Duong Kobo |
Sự thành công của một công ty là tổng thể của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định phụ thuộc vào vai trò của người lãnh đạo. Người lãnh đạo như "thuyền trưởng", phải biết lèo lái con tàu của mình vượt qua sóng gió, biết định hướng đi khi con tàu lạc lối, cũng như tìm mọi cách để con tàu vượt qua những chặng đường và đáp bến bình an.
Dám dẫn đầu là quyển sách tập hợp những câu chuyện về khả năng, kinh nghiệm và bí quyết lãnh đạo của 50 giám đốc điều hành (CEO) ở các công ty, tập đoàn hàng đầu của Mỹ và Anh. Trong hệ thống quản trị kinh doanh của Mỹ và Anh, chức vụ giám đốc điều hành thường do công ty tuyển dụng từ bên ngoài theo những tiêu chí khách quan và công bằng, để giúp công ty phát triển, hoặc duy trì sự ổn định, hoặc giải cứu công ty qua những giai đoạn khủng hoảng. Điều tiên quyết cần phải có ở những giám đốc điều hành này không phải chỉ là sự vững vàng về chuyên môn kỹ thuật mà còn là sự khôn khéo, năng lực và kinh nghiệm trong quản lý, điều hành.
Khác với những quyển sách khác, quyển sách này không đi sâu vào lý thuyết quản trị kinh doanh đơn thuần, mà trình bày những kinh nghiệm lãnh đạo, những trải nghiệm thực tế cũng như những bí quyết ứng phó với các tình huống kinh doanh cụ thể. Đây không phải là sách tham khảo có tính học thuật hoặc cẩm nang xử lý tình huống, mà là những bài học thực tiễn có giá trị. Hầu như những con người được đề cập trong quyển sách này đều có bước khởi đầu với rất nhiều gian nan, thử thách. Nhưng bằng nỗ lực và sự phấn đấu của bản thân, tất cả đều trở thành những người thành công trong sự nghiệp.
Điểm nổi bật của những nhà lãnh đạo trong quyển sách này chính là đường lối quản lý "không đi theo lối mòn", dám nghĩ dám làm, vượt lên những phương thức quản lý truyền thống, hay quan điểm, thói quen từ trước đến nay. Những nhân vật chính trong các câu chuyện đã biết khai phá, xoay chuyển tình huống, hoặc mạnh dạn xóa bỏ tất cả để làm lại từ đầu, hay nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng mọi chi tiết, tình huống thực tế để tìm ra hướng đi đúng nhất, góp phần cho sự thành công trong sự nghiệp của mình. Cuốn sách này cổ vũ các nhà lãnh đạo nên chỉ huy, dũng cảm đi đầu trong mọi tình huống, nhưng không phải bằng cách nhắm mắt liều lĩnh, mà dựa trên cơ sở những thông tin vững chắc đã nghiên cứu và phân tích cẩn thận trước đó. Đó mới chính là bản lĩnh của nhà lãnh đạo hiện đại.
Bạn hãy dành chút thời gian để đọc quyển sách đặc biệt này. Với những câu chuyện và tình huống có thật của những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, chắc chắn bạn sẽ nhận ra và rút cho mình được nhiều bài học và kinh nghiệm hữu ích để có thể áp dụng thích hợp và hiệu quả nhất cho những vấn đề và tình huống xảy ra trong công tác quản lý và kinh doanh của chính bạn.
- First News
***
Một dẫn chứng điển hình về vai trò chỉ huy từ tuyến đầu của các nhà lãnh đạo là trong vụ khủng bố bi thảm ngày 11/9/2001 ở tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Quốc tế, Mỹ. Trong số hàng trăm nhân viên cứu hỏa đã hy sinh, có năm chỉ huy cấp cao của Sở Cứu hỏa Thành phố New York. Cả năm người đều hy sinh khi đang điều hành công tác di tản nạn nhân bị kẹt lại trong hai tòa nhà. Họ xông pha nơi tuyến đầu chứ không đứng ở vị trí an toàn để chỉ trỏ hay ra lệnh cho nhân viên thi hành nhiệm vụ. Trong tấn thảm kịch kinh hoàng đó, họ đã trở thành biểu tượng gương mẫu về bản lĩnh chỉ huy của mình.
Trong quân đội, nguyên tắc đầu tiên mà một người chỉ huy được huấn luyện là phải ở nơi tiền tuyến. Khẩu hiệu của người chỉ huy quân đội là "Hãy theo tôi" thay vì "Này, các bạn, hãy tiến lên tấn công ngọn đồi phía trước còn tôi sẽ giám sát tại đây".
Nguyên tắc chỉ huy ở tuyến đầu trong quân đội hoàn toàn có thể áp dụng một cách hiệu quả trong kinh doanh. Nếu người lãnh đạo không thực hiện đúng với những nguyên tắc đã đề ra, thì họ không thể buộc nhân viên của mình tuân thủ theo những nguyên tắc đó.
Lãnh đạo bằng cách nêu gương
Hành khách của hãng hàng không JetBlue thường thấy David Neeleman đứng phụ phân phối thẻ lên máy bay, chất hành lý hoặc chuyển thức ăn vào khoang máy bay. Mọi người đặc biệt chú ý đến David Neeleman vì ông chính là Giám đốc Điều hành (CEO) của JetBlue. Thay vì ngồi làm việc an nhàn trong văn phòng như các giám đốc điều hành khác, David thường ra ngoài trò chuyện trực tiếp với hành khách và giúp đỡ nhân viên. Ít nhất mỗi tuần một lần, ông đều tham gia cùng đội bay của JetBlue. Trên mỗi chuyến bay, David luôn tự giới thiệu mình và phát biểu đôi lời, song ông không bao giờ tỏ ra tự đề cao mình. Thay vào đó, ông tìm cách tiếp chuyện thân mật với từng hành khách để hiểu thêm những mong muốn, nhu cầu của họ. Ông cũng dành thời gian nói chuyện với phi hành đoàn, cơ trưởng, tiếp viên, nhân viên cơ khí,... để cảm ơn mọi người nỗ lực làm việc và nhấn mạnh rằng công việc họ đang làm rất quan trọng.
Khi kề vai sát cánh cùng phi hành đoàn và sẵn sàng bắt tay vào mọi công việc, David đã củng cố tầm nhìn và động lực làm việc của mọi người cũng như tạo nên bản sắc riêng cho hãng hàng không JetBlue của mình.
Mọi người thường cho rằng một cá nhân đơn lẻ khó tạo nên chuyển biến trong một doanh nghiệp lớn như thế. Rõ ràng là David không thể nói chuyện với tất cả nhân viên, lại càng không thể tiếp chuyện với mọi hành khách, vì ông còn phải điều hành hoạt động. Thế nhưng, những ai từng được gặp gỡ, trò chuyện cùng ông đều nhắc đến và dành cho ông những lời tốt đẹp khi nói chuyện với những người khác.
David nói: "Tôi biết mình không thể tiếp xúc tất cả nhân viên với chỉ một chuyến bay mỗi tuần, nhưng tôi muốn mọi nhân viên hiểu rằng tôi trân trọng công việc của họ, dù đó là công việc tay chân như dọn rác, hút bụi, vận chuyển ... Những ai chưa được gặp tôi sẽ có dịp trò chuyện với người đã cùng làm việc với tôi trên các chuyến bay".
Nhưng đó có phải là vai trò của một giám đốc điều hành không? Còn nhiều công việc quan trọng cần giải quyết hơn là làm những công việc vụn vặt như thế. Sydney Finkelstein, giáo sư môn quản trị tại Đại học Dartmouth đồng thời là tác giả cuốn Why Smart Executive Fail, đã gọi việc này là "đặt kim chỉ nam về đạo đức cho công ty". Ông giải thích: "Khi văn hóa tổ chức bị sai lạc, điều này sẽ ảnh hưởng khắp tổ chức và phải mất nhiều năm người ta mới có thể nhận ra vấn đề. Nếu không được chỉ dẫn rõ việc nào là đúng mực, việc nào là sai trái, thì một số cá nhân có thể gây ra những điều tệ hại".