DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Chuyện Ma Ám Ở Trang Viên Bly

Tác giả Henry James
Bộ sách
Thể loại Kinh dị
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 8131
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Henry James Nguyên Hương Tiểu Thuyết Kinh Dị Tâm Lý Xã Hội Văn học Mỹ Văn học phương Tây
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

“Tôi nhớ rằng mọi chuyện bắt đầu với một loạt thăng trầm trong cảm xúc, một chút bấp bênh của hồi hộp lo sợ”

Một cô gái trẻ nhận được công việc đầu tiên trong đời là làm gia sư cho hai đứa trẻ xinh đẹp, trong sáng và lặng lẽ đến dị thường tại toà dinh thự Bly cô độc, bị bủa vây trong cái ác rình rập. Những bóng người ẩn hiện từ toà tháp tối tăm và ô cửa sổ bụi bặm, các bóng ma xấu xa lặng lẽ tiến đến ngày một gần. Với nỗi kinh hoàng lớn dần, cô gia sư bất lực nhận ra những sinh vật tàn ác đó nhắm đến bọn trẻ, rắp tâm xâm chiếm cơ thể, tâm trí và cả linh hồn các em… Nhưng không ai ngoài cô nhìn thấy những bóng ma ấy. Phải chăng những ám ảnh kia được gợi lên từ chính trí tưởng tượng của cô gia sư, hay sự thật còn chứa đựng nhiều hơn thế?

HENRY JAME (1843 - 1916)

Là nhà văn người Mỹ, một trong những người sáng lập và dẫn đầu trường phái hiện thực trong văn hư cấu. Ông sống phần lớn cuộc đời tại Anh và trở thành công dân Anh không lâu trước khi qua đời. Ông được biết tới chủ yếu nhờ một loạt tiểu thuyết đồ sộ miêu tả sự giao thoa giữa Mỹ và châu Âu. Truyện của ông xoay quanh mối quan hệ cá nhân, cách sử dụng quyền lực đúng mực trong các mối quan hệ đó, và nhiều vấn đề đạo đức khác. Phương pháp viết của ông lấy góc nhìn của một nhân vật trong truyện, cho phép ông khám phá các hiện tượng ý thức và nhận thức, phong cách viết trong các tác phẩm về sau của ông từng được so sánh với tranh trường phái ấn tượng. Henry James kiên định tin rằng các nhà văn ở Anh và Mỹ nên được tự do tối đa trong việc thể hiện thế giới quan của mình, giống như các nhà văn Pháp. Chất sáng tạo trong thủ pháp sử dụng góc nhìn, độc thoại nội tâm và người trần thuật không đáng tin cậy trong các câu chuyện và tiểu thuyết của ông mang lại chiều sâu và sự hấp dẫn mới cho thể loại hư cấu hiện thực, và báo hiệu sự đổi mới trong văn học của thế kỉ hai mươi. Là một nhà văn có
bút lực phi phàm, bên cạnh số lượng tác phẩm hư cấu đồ sộ, ông còn xuất bản báo, sách du lịch, tiểu sử, tự truyện, phê bình văn học, và kịch. Một số vở kịch của ông được biểu diễn lúc sinh thời và đạt được thành công nhất định. Tác phẩm kịch của ông được cho là có ảnh hưởng sâu rộng tới truyện và tiểu thuyết của ông sau này.

Henry James từng được đề cử giải Nobel Văn học vào các năm 1911, 1912, và 1916.

Từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 1898 đến nay, CHUYỆN MA ÁM Ở TRANG VIÊN BLY đã được mệnh danh là một trong những truyện ma nổi tiếng nhất thế giới, là nguyên tác và nguồn cảm hứng cho hàng loạt các tác phẩm chuyển thể cũng như sản phẩm làm lại thuộc nhiều loại hình khác nhau: phim điện ảnh, phim truyền hình, opera, kịch, balê

“Một câu chuyện nhỏ độc hại đến sửng sốt, và cũng tuyệt diệu nhất.” – OSCAR WILDE -

“CHUYỆN MA ÁM Ở TRANG VIÊN BLY là một trong những câu chuyện ma rùng rợn nhất từ trước đến nay, phần lớn là vì nó khó nắm bắt theo cách quá hấp dẫn.”

– GILLIAN FLYNN -

***

Chúng tôi quây quần quanh lò sưởi, nín thở lắng nghe câu chuyện, nhưng ngoài lời nhận xét hiển nhiên rằng nó rất ghê rợn, mà chuyện kinh dị vào đêm giáng sinh trong một ngôi nhà cũ thì tất phải ghê rợn, tôi nhớ rằng không ai lên tiếng bình luận gì cho đến khi có người tình cờ nói rằng anh ta từng gặp duy nhất một trường hợp tương tự, xảy đến với một đứa trẻ. Tôi xin nói thêm rằng trường hợp đó là về hồn ma trong một ngôi nhà cũ giống như ngôi nhà chúng tôi đang tụ tập vào dịp này - một vụ hiện hồn kinh khủng, xảy đến với một cậu bé đang ngủ trong phòng với mẹ. Cậu bé đã đánh thức người mẹ trong cơn khiếp hãi; nhưng trước khi người mẹ kịp xua tan cơn sợ và dỗ dành cậu ngủ tiếp, bản thân bà cũng chứng kiến cảnh tượng khiến cậu run rẩy. Nhận xét này đã khơi gợi lời hồi đáp từ Douglas - không phải ngay lúc đó, mà vào tối muộn - dẫn đến một kết quả thú vị khiến tôi chú ý. Câu chuyện người khác đang kể chẳng hấp dẫn lắm, và tôi nhận thấy anh không chú ý lắng nghe. Tôi cho đó là dấu hiệu thể hiện rằng bản thân anh có chuyện muốn kể và chúng tôi chỉ cần chờ đợi. Quả thực chúng tôi đã đợi đến hai đêm sau; nhưng vào tối hôm đó, trước khi chúng tôi giải tán, anh đã nói ra ý nghĩ trong đầu mình.

“Tôi đồng ý - về hồn ma của Griffin, hay dù nó là gì đi nữa - rằng việc nó xuất hiện cho cậu bé nhìn thấy trước, ở cái tuổi dễ tổn thương như vậy, đã thêm điểm nhấn cho câu chuyện. Nhưng đây không phải lần đầu tôi nghe về kiểu chuyện hấp dẫn này liên quan đến trẻ con. Nếu một đứa trẻ đã thêm nhát búa chát chúa cho hiệu quả câu chuyện, thì các vị nói sao với haiđứa trẻ…?”

“Tất nhiên chúng tôi sẽ bảo rằng chúng mang đến hai nhát búa! Và rằng chúng tôi muốn nghe chuyện về chúng,” có người thốt lên.

Tôi vẫn còn có thể hình dung ra Douglas đứng quay lưng về phía ngọn lửa, hai tay đút túi, nhìn xuống những người đang trò chuyện với mình. “Cho đến giờ, chưa có ai ngoài tôi từng nghe chuyện này. Câu chuyện có phần quá kinh khủng.” Câu này đương nhiên là đã được vài người nói ra để tạo hiệu quả tối đa cho câu chuyện của mình, và người bạn của chúng tôi, với nghệ thuật kể chuyện tinh tế, chuẩn bị cho chiến thắng của mình bằng cách đưa mắt nhìn chúng tôi rồi nói tiếp: “Vượt ra ngoài tất cả. Tôi chưa từng biết đến thứ gì có thể chạm tới câu chuyện này.”

“Về mặt đáng sợ ư?” Tôi nhớ mình đã hỏi như vậy.

Dường như anh muốn đáp rằng không chỉ đơn giản như vậy; như thể anh thực sự không tìm được từ thích hợp để miêu tả. Anh đưa tay xoa mắt, khẽ nhăn mặt. “Về độ kinh hoàng!”

“Ôi, hấp dẫn quá đi mất!” Một người trong cánh phụ nữ kêu lên.

Anh không hề chú ý đến cô ta; anh nhìn tôi, nhưng như thể thay vì tôi, anh đang nhìn thấy thứ mình nói đến. “Về sự xấu xa dị hợm nói chung, về nỗi khiếp sợ và đau đớn.”

“Chà,” tôi bảo, “thế thì hãy ngồi xuống và bắt đầu kể ngay đi.”

Anh quay về phía ngọn lửa, đưa chân gẩy một khúc gỗ, ngắm nhìn chốc lát. Rồi anh quay lại đối mặt với chúng tôi: “Tôi chưa bắt đầu kể được. Tôi phải gửi thư vào thành phố đã.” Một loạt tiếng ca thán vang lên, kèm theo trách móc; sau đó anh liền giải thích, vẫn với vẻ lơ đãng: “Câu chuyện đã được ghi lại và cất giữ trong ngăn kéo suốt nhiều năm. Tôi có thể viết thư và gửi kèm chìa khóa cho người của mình; anh ta sẽ gửi bưu kiện tới đây khi tìm thấy nó.” Cá nhân tôi cảm thấy dường như anh chủ động đề xuất việc này - có vẻ anh gần như kêu gọi mọi người giúp anh thôi do dự. Anh đã phá vỡ một lớp băng dày tích tụ qua nhiều mùa đông; anh có những lí do riêng để giữ im lặng lâu như vậy. Những người khác bất mãn với sự trì hoãn, nhưng chính những trăn trở của anh đã hấp dẫn tôi. Tôi yêu cầu anh viết thư để gửi ngay chuyến bưu chính đầu tiên và anh đồng ý cho chúng tôi nghe chuyện sớm; rồi tôi hỏi anh trải nghiệm mà anh nói đến có phải của chính bản thân anh hay không. Với câu hỏi này, anh trả lời ngay tức khắc. “Ôi, ơn Chúa, không!”

“Vậy còn bản ghi chép là của anh? Anh đã ghi lại câu chuyện đó?”

“Tôi không ghi lại gì ngoài ấn tượng về nó. Tôi ghi khắc vào đây,” anh vỗ lên tim mình. “Tôi chưa từng quên.”

“Vậy bản ghi chép…?”

“Là một bản thảo cũ kĩ, đã phai màu mực, bằng bút tích đẹp nhất trên đời.” Anh lại quay về phía ngọn lửa. “Bút tích của một phụ nữ. Cô đã qua đời hai mươi năm rồi. Cô gửi cho tôi những trang giấy ấy trước khi chết.”

Lúc này tất cả bọn họ đều đang lắng nghe, và tất nhiên có người tỏ ý trêu chọc, hay ít nhất là rút ra suy diễn. Nhưng anh bác bỏ suy diễn một cách nghiêm túc, dù cũng không tỏ vẻ bực bội. “Cô là một người hết sức duyên dáng, nhưng cô lớn hơn tôi mười tuổi. Cô là gia sư của em gái tôi,” anh lặng lẽ nói thêm. “Cô là người phụ nữ đáng mến nhất tôi từng biết ở địa vị đó; dù làm bất cứ nghề nghiệp gì, cô cũng sẽ là một người đáng kính, chuyện đã lâu lắm rồi, và câu chuyện kia còn lâu hơn nữa. Khi ấy tôi đang học ở trường Trinity, tôi gặp cô khi về nhà vào mùa hè năm thứ hai. Năm ấy tôi ở nhà khá nhiều - một mùa hè đẹp. Chúng tôi đã đi dạo và nói chuyện vài lần trong vườn vào giờ nghỉ của cô - những cuộc trò chuyện khiến tôi phát hiện cô cực kỳ thông minh và dễ mến. Ô đúng vậy; đừng cười: tôi yêu quý cô rất nhiều và đến tận hôm nay vẫn lấy làm vui mừng khi nghĩ cô cũng quý mến tôi. Nếu không thì cô đã không kể với tôi rồi. Cô chưa từng kể với bất cứ ai. Không chỉ vì cô nói vậy, mà tôi biết là thực sự cô chưa từng kể. Tôi không chỉ biết chắc; tôi thấy rõ như vậy. Các vị sẽ dễ dàng rút ra kết luận ngay khi nghe chuyện.”

“Bởi vì câu chuyện ấy quá đáng sợ?”

Anh tiếp tục nhìn chăm chú về phía tôi. “Các vị sẽ tự rút ra kết luận,” anh nhắc lại. “Anh sẽ tự rút ra kết luận.”

Tôi cũng nhìn anh không chớp. “Tôi hiểu rồi. Cô ấy đang yêu.”

Anh bật cười lần đầu tiên. “Anh nói đúng đấy. Phải, cô đang yêu. Đúng hơn là đã từng yêu. Điều đó thể hiện rõ ràng - cô không thể kể câu chuyện của mình mà không biểu lộ điều đó. Tôi đã thấy, và cô thấy rằng tôi đã thấy; nhưng không ai trong chúng tôi nhắc đến. Tôi nhớ như in thời gian và địa điểm - nơi góc thảm cỏ, dưới bóng râm của hàng sồi lớn và buổi chiều mùa hè dài nóng bức. Đó không phải khung cảnh thích hợp để nghe chuyện kinh dị; nhưng ối chao…!” Anh rời bỏ lò sưởi và thả mình lại ghế ngồi.

“Anh sẽ nhận được bưu kiện vào sáng thứ Năm?” Tôi hỏi.

“Chắc phải đến chuyến bưu chính thứ hai.”

“Vậy thì, sau bữa tối…”

“Các vị đều sẽ gặp tôi ở đây?” Anh lại nhìn khắp lượt chúng tôi. “Sẽ không có ai rời đi chứ?” Giọng điệu anh gần như mong đợi.

“Tất cả mọi người đều sẽ ở lại!”

Tôi sẽ ở lại” và “Tôi sẽ ở lại!” là tiếng kêu của những quý cô đã định sẵn ngày rời đi. Tuy nhiên bà Griffin tỏ ý muốn biết thêm. “Cô ấy đang yêu ai?”

“Câu chuyện sẽ nói rõ,” tôi tranh lời đáp.

“Ôi, tôi nóng lòng nghe chuyện quá!”

“Câu chuyện sẽ không nói rõ đâu,” Douglas nói; “không nói theo một cách lộ liễu, sỗ sàng.”

“Thế thì thật đáng tiếc. Tôi chỉ hiểu được theo mỗi cách ấy.”

Anh cũng không nói ư, Douglas?” Một người khác hỏi.

Anh lại đứng bật dậy. “Có - ngày mai. Giờ thì tôi phải đi ngủ thôi. Chúc ngủ ngon.” Rồi anh nhanh chóng vớ lấy một ngọn nến, và bỏ lại chúng tôi trong ngỡ ngàng.

Từ đầu bên này của hành lang màu nâu rộng lớn chúng tôi nghe thấy tiếng chân anh bước lên cầu thang; khi đó bà Griffin nói: “Chà, nếu tôi không biết cô ấy đang yêu ai, thì tôi cũng biết anh ấy yêu ai.”

“Cô ấy già hơn mười tuổi,” chồng bà đáp lại.

Càng thêm lí do… ở cái tuổi ấy! Nhưng anh ấy giữ kín lâu như vậy cũng khá là đáng quý.”

“Bốn mươi năm!” Griffin nói thêm.

“Rốt cuộc bảy giờ cũng vỡ oà ra.”

“Sự vỡ oà này,” tôi đáp lại, “sẽ biến tối thứ Năm thành một dịp đặc biệt.” Và mọi người đều đồng ý với tôi rằng, trước tình huống này, chúng tôi đều đã mất hứng thú với mọi câu chuyện khác. Câu chuyện cuối cùng, dù không hoàn chỉnh và chỉ như mở đầu của một loạt truyện dài kì, đã được kể ra; chúng tôi bắt tay và “bắt nến”, như một người nói, rồi đi ngủ.


Ngày hôm sau, tôi biết rằng một lá thư kèm theo chìa khoá đã được gửi đến căn hộ của Douglas ở London vào chuyến bưu chính đầu tiên. Nhưng dù tin đó đã bị lan truyền cho mọi người, hay phải chăng chính vì lẽ đó, chúng tôi để anh yên cho đến sau bữa tối, thực tế là tới tận khi đã khuya đến mức thích hợp với bầu không khí mà kỳ vọng của chúng tôi tạo lập nên. Khi đó anh trở nên cởi mở đúng như chúng tôi mong muốn và cho chúng tôi lí do chính đáng nhất về thái độ cởi mở đó. Một lần nữa chúng tôi tụ tập trước lò sưởi trong đại sảnh để nghe anh kể, giống như tối hôm trước, khi chúng tôi bị anh khơi gợi tâm trí. Có vẻ như bản tường thuật mà anh hứa sẽ đọc cho chúng tôi nghe thực sự cần một lời mở đầu thích đáng.

Tôi xin được nói rõ rằng bản tường thuật mà tôi trình bày dưới đây được lấy từ bản chép nguyên văn do chính tôi ghi lại nhiều năm sau đó. Douglas tội nghiệp đã gửi bản thảo cho tôi trước khi chết - khi anh thấy rõ cái chết sắp đến gần. Bản thảo đến tay anh vào ngày thứ ba của cuộc tụ tập và vào đêm thứ tư, tại đúng chỗ hôm trước, với sự truyền cảm mạnh mẽ, anh bắt đầu đọc trước đám đông quây quần. May thay, các quý cô hôm trước hứa sẽ ở lại cuối cùng lại thất hứa: họ đã rời đi theo lịch trình định sẵn, mang theo lòng hiếu kì sôi sục mà anh đã gợi lên trong tất cả chúng tôi, theo như lời họ thừa nhận. Nhưng điều đó chỉ khiến đám đông thính giả cuối cùng của anh thêm thu gọn và có chọn lọc, chia sẻ một đam mê chung, vây quanh ngọn lửa.

Những dòng đầu tiên cho biết rằng bản ghi chép này được thực hiện tại thời điểm sau khi câu chuyện đã bắt đầu. Theo đó, người bạn cũ của Douglas - cô con gái út của một mục sư nông thôn nghèo - ở tuổi hai mươi, đã đến London để nhận công việc dạy học đầu tiên. Lòng đầy hồi hộp, cô tới gặp mặt trực tiếp người đăng quảng cáo tuyển dụng mà trước đó cô đã trao đổi qua thư. Khi cô trình diện tại ngôi nhà đồ sộ và bề thế trên phố Harley, ông chủ tương lai thể hiện mình là một quý ông độc thân lịch thiệp đang tuổi tráng niên; hình tượng như vậy chưa từng xuất hiện, trừ trong mơ hay tiểu thuyết, trước một cô gái đầy xúc động, hồi hộp, đến từ một ngôi nhà của mục sư vùng Hampshire. Mẫu người như anh không bao giờ lỗi thời. Điển trai, bạo dạn và nhã nhặn, tự nhiên, vui vẻ và nhân từ. Tất nhiên anh gây cho cô ấn tượng lịch thiệp và phong nhã, nhưng điều chinh phục cô hơn cả và cho cô lòng dũng cảm mà cô thể hiện về sau là việc anh đã coi toàn bộ công việc của cô như một ân huệ, một trách nhiệm mà đáng lẽ anh phải vui lòng đảm đương.

Cô nhận thấy anh giàu có, nhưng cũng xa hoa đến khiếp đảm - cô đã thấy anh trong trang phục đắt tiền hào nhoáng, trong diện mạo đẹp đẽ, trong những thói quen đắt đỏ, trong vẻ phong lưu trước mặt phụ nữ. Nơi ở tại thành phố của anh là một ngôi nhà rộng lớn chứa đầy chiến lợi phẩm và đồ lưu niệm từ du lịch và săn bắn; nhưng nơi anh muốn cô đến ngay lập tức là ngôi nhà ở quê, một biệt thự cổ của gia đình tại Essex.

Anh bị trao quyền giám hộ hai đứa cháu một trai một gái, con của người anh trai trong quân ngũ, sau cái chết của cha mẹ chúng tại Ấn Độ vào hai năm trước. Với một người đàn ông ở địa vị của anh - độc thân, không có cả kinh nghiệm lẫn chút ít kiên nhẫn nào - bọn trẻ là gánh nặng rất lớn. Điều này gây ra nỗi lo lớn cùng một loạt sai lầm, hẳn nhiên là từ phía anh, nhưng anh vô cùng xót thương bọn trẻ tội nghiệp và đã làm tất cả những gì có thể. Cụ thể thì anh đã gửi chúng về ngôi nhà khác của mình ở nông thôn, là môi trường thích hợp dành cho chúng, và để chúng ở đó với những người tốt nhất mà anh tìm được để chăm nom chúng, anh thậm chí đã cử chính những người hầu của mình đi phục vụ chúng, và về thăm chúng mỗi khi có thể. Điều khó xử là chúng không còn người thân nào khác, mà việc riêng của anh đã chiếm dụng toàn bộ thời gian. Anh đã cho chúng sở hữu Bly, một nơi an toàn và lành mạnh, đồng thời cử bà Grose, một người phụ nữ xuất sắc, làm người đứng đầu tại dinh cơ nho nhỏ của chúng. Bà Grose từng là hầu gái cho mẹ của anh và anh tin chắc vị khách của mình sẽ quý mến bà. Hiện giờ bà là quản gia và cũng tạm thời đóng vai trò chăm nom bé gái; may mắn thay, bà cực kỳ yêu quý cô bé, vì bản thân bà không có con cái. Còn có nhiều người giúp việc khác, nhưng tất nhiên cô gái trẻ chuẩn bị đến đó làm gia sư sẽ nắm quyền hành tối cao. Vào các kỳ nghỉ, cô cũng sẽ phải trông nom bé trai, cậu bé đã đi học được một kì - dù tuổi hơi nhỏ, nhưng còn cách nào khác đâu? - và chuẩn bị về vì kỳ nghỉ sắp bắt đầu. Trước đó từng có một cô gái khác trông nom hai đứa trẻ nhưng cô ta không may đã mất. Cô ta làm việc khá xuất sắc - là một người hết sức đáng kính - cho đến khi qua đời, dẫn đến tình huống khó xử khiến cho Miles bé nhỏ không còn lựa chọn nào khác ngoài trường học. Kể từ đó, bà Grose đã phụ trách dạy dỗ Flora trong khả năng của mình, về mặt phép tắc và lễ nghi. Ngoài ra còn có một đầu bếp, hầu gái, người phụ nữ phụ trách việc bơ sữa, một con ngựa lùn già, cùng người giữ ngựa, và một người làm vườn già, tất cả đều vô cùng đáng kính.

Sau khi Douglas trình bày bối cảnh đến đây, có người đặt câu hỏi. “Thế cô gia sư trước chết vì cái gì? Chết ngộp trong đáng kính chắc?”

Bạn tôi trả lời ngay tức khắc. “Sau này sẽ nói. Tôi không báo trước.”

“Xin lỗi, tôi nghĩ báo trước chính là việc anh đang làm.”

“Đứng từ vị trí của người kế nhiệm cô ta,” tôi gợi ý, “tôi sẽ muốn được biết nếu công việc đi kèm với…”

“Nguy hiểm đến tính mạng?” Douglas nói tiếp suy nghĩ của tôi. “Cô ấy quả thực muốn biết, và cô ấy đã biết. Ngày mai anh sẽ được nghe chuyện gì cô ấy đã biết. Còn trước mắt, tất nhiên, viễn cảnh đối với cô có vẻ ảm đạm. Cô còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầy lo lắng: một viễn cảnh với nhiều trách nhiệm và ít bầu bạn, cùng nỗi cô đơn to lớn. Cô do dự - mất vài ngày đắn đo cân nhắc. Nhưng mức lương được trả cao hơn hẳn mức sống đạm bạc của cô. Cô đã nhận lời vào buổi phỏng vấn thứ hai.” Và đến đây, Douglas tạm dừng, khiến tôi góp lời thay mặt cho mọi người…

“Mà cốt lõi của việc này tất nhiên là sức quyến rũ của chàng thanh niên phong nhã. Cô ấy đã bị chinh phục.”

Anh đứng dậy và, như đã làm vào đêm hôm trước, bước về phía lò sưởi, dùng chân gẩy một thanh củi, rồi đứng quay lưng về phía chúng tôi trong chốc lát. “Cô chỉ gặp anh ta hai lần.”

“Đúng vậy, nhưng điều đó càng nói lên tình cảm của cô ấy.”

Tôi hơi ngạc nhiên khi Douglas nghe vậy và quay về phía tôi. “Chính là như thế. Có những người khác,” anh nói tiếp, “không bị chinh phục. Anh ta đã nói thành thật với cô mọi khó khăn của mình - rằng một số ứng viên khác cho rằng điều kiện công việc quá khắt khe. Vì lẽ nào đó họ thực sự e ngại. Công việc này nghe có vẻ tẻ nhạt - có vẻ kỳ quặc; và hơn hết là do điều kiện chính anh ta đặt ra.”

“Đó là…?”

“Là cô không bao giờ được làm phiền anh ta - tuyệt đối không bao giờ: dù là để yêu cầu, than phiền, hay vì bất kể lý do gì; cô chỉ có thể tự mình giải quyết mọi vấn để, nhận mọi khoản tiền từ luật sư của anh ta, đảm nhận toàn bộ trách nhiệm và để anh ta yên. Cô hứa sẽ làm như vậy, và cô kể với tôi rằng cô đã cảm thấy được đền đáp khi anh ta nắm lấy tay cô trong giây lát, vui mừng vì thoát khỏi gánh nặng, cảm ơn cô vì sự hi sinh.”

“Nhưng cô ấy chỉ được đền đáp có như vậy thôi ư?” Một người trong cánh phụ nữ hỏi.

“Cô ấy không bao giờ gặp anh ta nữa.”

“Ôi!” Người phụ nữ nọ đáp. Và đó là từ duy nhất góp thêm vào chủ đề này, khi bạn chúng tôi lại một lần nữa lập tức bỏ chúng tôi mà đi, cho đến đêm hôm sau, bên góc lò sưởi, trong chiếc ghế thoải mái nhất, anh mở tấm bìa đỏ phai màu của một cuốn sổ mỏng viền vàng cũ kĩ. Cả câu chuyện mất hơn một đêm để kể, nhưng ngay khi có cơ hội, vẫn người phụ nữ hôm trước đặt một câu hỏi nữa. “Đầu đề anh đặt cho câu chuyện là gì?”

“Tôi chưa đặt.”

“Ôi, tôi thì có!” Tôi thốt lên. Nhưng Douglas không để ý đến tôi và bắt đầu đọc bằng giọng rành rọt như thể biểu đạt với tai người nghe vẻ đẹp của bút tích tác giả.

Mời các bạn đón đọc Chuyện Ma Ám Ở Trang Viên Bly của tác giả Henry James & Nguyên Hương (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000