Chính Tinh, Tứ Hỏa Và Các Sao Liên Hệ |
|
Tác giả | Đằng Sơn |
Bộ sách | Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học |
Thể loại | Chiêm tinh - Phong thủy |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 717 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Đằng Sơn Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học Tử Vi Chiêm Tinh Tham Khảo |
Nguồn | Nguyễn Ngọc Hoàng |
Sinh năm 1953, du học Hoa Kỳ năm 1972, tốt nghiệp kỹ sư hóa học năm 1976 (đại học Southern California, Los Angeles) và tiến sĩ kỹ sư hóa học năm 1981 (đại học Minnesota, Minneapolis). Tiến sĩ Đằng Sơn, từ năm 15 tuổi đã say mê và nghiên cứu khoa tử vi.
Năm 1995 ông sang Đài Loan làm việc và ở đây gần bảy năm. Nhờ Đài Loan là tân thánh địa của khoa Tử Vi với những kỳ nhân như Chính Huyền Sơn Nhân, Liễu Vô cơ sĩ, Phan Tử Ngư v.v... ông học được nhiều điều mới lạ. Với một sự tự tin mới, ông bắt đầu cuộc hành trình đi tìm lại cái nền tảng đã thất truyền của khoa tử vi.
Năm 1996 ông đọc quyển “Kinh Dịch và Tử Vi đẩu số của dịch lý gia Đài Loan Tạ Phồn Trị, với căn bản khoa học sẵn có, ông tìm ra ở đây cái chìa khóa của khoa tứ vi. Ông tin rằng cái kho tàng Tử Vi đã nằm im bí mật từ hơn nghin năm nay đã được khai mở.
Cùng lúc, ông tìm ra lý do để khẳng quyết rằng thuyết âm dương mới là nền tảng tối thượng của khoa học. Khám phá này dẫn đến hai quyển sách khoa học viết bằng Anh ngữ “The End of Probability and the New Meaning of Quantum Physics ” (Ngày tàn của khoa xác xuất và ý nghĩa mới của vật lý lượng tử, 2002), “Symmetry and the End of Probability ” (Luật đối xứng và ngày tàn của khoa xác suất, 2003).
Ngoài bộ “Tử Vi hoàn toàn khoa học”, ông đang nuôi các bộ “Kinh dịch hoàn toàn khoa học”, “Mệnh lý hoàn toàn khoa học”, và “Thuyết âm dương hoàn toàn khoa học”.
***
Cùng một soạn giả
SẼ XUẤT BẢN
Tử Vi hoàn toàn khoa học tập 2. Cơ sở khoa học của các phụ tinh
Trong tập 1 độc giả đã thấy nền tảng âm dương của khoa Tử Vi được thiết lập chặt chẽ qua 14 chính tinh, tứ Hóa, Tả Hữu Xương Khúc Hình Riêu Không Kiếp và các sao phụ thuộc như Thai Tọa, Quang Quý, Thai Cáo, Thiên Địa Giải.
Nhưng vẫn còn rẫt nhiều vấn đề cần giải đáp. Thí dụ: Bằng luận cứ nào mà Tử Vi đặt thêm gần trăm sao “thần sát” như Lộc Tồn, Kình Đà, Đại Tiểu Hao...? Một số “thần sát” như Thiên Quan, Lưu Hà của Tử Vi được an khác với các khoa ngũ tinh, vậy là sai hay là Tử Vi có một lý khác? Vòng Thái Tuế có nền tảng khoa học hay không? vân vân...
Tất cả những vấn nạn kể trên và nhiều vấn nạn khác nữa đều được giải quyết tường tận trong tập 2 của “Tử Vi hoàn toàn khoa học”.
Kinh Dịch hoàn toàn khoa học tập 1
Thuyết âm dương và ý nghĩa 64 quẻ
Cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được tại sao 64 quẻ kinh Dịch lại có ý nghĩa như vậy. Quẻ thứ 10 Thiên Trạch Lý chẳng hạn, lời thoán là “Lần đi trên đuôi cọp. Cọp không cắn người; hanh thông”.
Người hồ nghi có thể hỏi: Kinh Dịch dựa trên lập luận nào để cho rằng “cọp không cắn người; hanh thông” thay vì “cọp sẽ cắn người; bế tắc”? Đây chỉ là một thí dụ của rất nhiều vấn nạn chưa được giải quyết của kinh Dịch.
Quyển sách này chứng minh rằng thuyết âm dương không những phù hợp mà còn ở một cấp độ cao hơn so với khoa học hiện đại. Với kết quả đó, soạn giả chứng minh rằng kinh Dịch là một kết quả hoàn toàn khoa học của thuyết âm dương.
Quan trọng hơn nữa, đây là lần đầu tiên ý nghĩa của bát quái được giải thích rõ ràng và đầy đủ bằng lập luận hoàn toàn khoa học. Nhờ đó độc giả dễ dàng nắm vững ý nghĩa của 64 quẻ một cách mau chóng thay vì phải học thuộc lòng như hiện tại.
***
Tóm tắt và đánh giá sách "Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học - Tập 1: Chính Tinh, Tứ Hỏa Và Các Sao Liên Hệ" của tác giả Đằng Sơn
Tóm tắt:
"Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học - Tập 1: Chính Tinh, Tứ Hỏa Và Các Sao Liên Hệ" của Đằng Sơn là một công trình nghiên cứu sâu sắc về môn tử vi, với mục tiêu giải thích các yếu tố cơ bản và mở rộng hiểu biết về khoa tử vi từ góc nhìn khoa học.
Trong tập 1, tác giả tập trung vào việc trình bày nền tảng âm dương của khoa tử vi thông qua 14 chính tinh và các sao liên quan như Tứ Hỏa, Tả Hữu, Xương Khúc, Hình Riêu, Không Kiếp, và các sao phụ thuộc như Thai Tọa, Quang Quý, Thai Cáo, Thiên Địa Giải. Tác giả Đằng Sơn sử dụng kiến thức khoa học và triết học để lý giải và khẳng định giá trị của tử vi từ một quan điểm hoàn toàn mới, phá bỏ các giới hạn truyền thống và mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực này.
Đánh giá:
Ưu điểm:
Nhược điểm:
Kết luận:
"Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học - Tập 1: Chính Tinh, Tứ Hỏa Và Các Sao Liên Hệ" là một công trình nghiên cứu đầy tâm huyết của Đằng Sơn, mang lại những góc nhìn mới và kiến thức sâu rộng về tử vi từ góc độ khoa học. Cuốn sách không chỉ phù hợp với những người yêu thích và nghiên cứu tử vi mà còn là tài liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về sự giao thoa giữa khoa học và các môn học huyền bí.
***
Tôi còn nhớ năm ấy tôi vừa lên mười lăm tuổi. Gia đình tôi vừa thoát ra khỏi trận phá sản kéo dài đã nhiều năm, nhưng chúng tôi vẫn còn ở trong một căn phố thuê lụp xụp trong một ngõ hẻm cụt ở đường Thoại Ngọc Hầu, Gia Định; nơi mà đến bây giờ tôi còn giữ thật nhiều kỷ niệm của một thời ấu thơ nghèo túng nhưng đẹp đẽ lạ lùng.
Anh Hòa, ông anh lớn của tôi vừa nhập ngũ, nên việc giao mối cà phê chuyển sang anh Bình, ông anh thứ của tôi. Anh Bình rất thích sách bói toán. Vì gia đình không còn đến nỗi túng bấn nữa, thỉnh thoảng khi giao hàng xong anh lại mua về một quyển sách bói. Nhưng anh bận rộn vì phải vừa học vừa làm, thành thử người có nhiều thời giờ xem những sách bói anh mua lại là tôi. Nào là thuật xem tay, đo tay, xem chân, xem tướng, bói bài, so tuổi. Nào là những sách dịch từ chữ Tàu nghe rất kêu như Tam Ngươn Đồ Hình, Tiên Thiên Diệc Số, Đại Diệc Toàn Bộ. Tôi đọc tất cả những sách ấy thật say mê, còn hơn cả bài vở ở trường.
Cho đến bây giờ, hơn 30 năm đã trôi qua, trong đầu tôi vẫn còn hình ảnh mường tượng của một cách bói gọi là cách bói “ông Hoàng Đế”. Theo cách này, số mệnh tốt hay xấu tùy người xem ứng với bộ phận nào trên thân thể “ông Hoàng Đế’’. Mặc dù chẳng nhớ cách bói ra sao, ghi trong sách nào, và mình có nhớ đúng nguyên văn bài “thiệu” không; những câu sau đây vẫn còn in đậm hoài trong trí tôi:
An ở chân hoàng đế
Thôi đừng luyến sự thế
Nên xuất gia tu hành
Cũng nên rời quê hương
Chồng vợ hai lượt kế
Đời lặn suối trèo non
Gian nan bao xiết kể!
Tại sao ở tuổi thanh xuân của một cậu trai mới lớn tôi lại in trí những câu đầy bi thảm ấy, thay vì những lời đoán lạc quan, hạnh phúc hơn, như ở đầu, ở bụng ông Hoàng Đế chẳng hạn? Phải chăng vì ở ngay tuổi còn non dại ấy tôi đã bi quan về cuộc sống? Đây là một câu hỏi mà suốt đời tôi sẽ không bao giờ trả lời được. Nhưng có một điều chắc chắn: Những quyển sách bói mà anh Bình mua về đã khiến tôi thắc mắc về số phận của con người.
Một điều chắc chắn nữa, lúc ấy tôi mê nhất quyển Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư của ông Vân Đằng Thái Thứ Lang. Một lý do khiến tôi thích tử vi là tử vi có vẻ phù hợp với khoa học. Nhưng sau khi lấy nhiều lá số người quen rồi đoán thử, tôi đâm ra hoang mang. Có mấy lá số vừa có cách chết non, vừa có cách sống lâu. Vậy thì chết non đúng hay sống lâu đúng? Đấy chỉ là một trong nhiều mâu thuẫn mà tôi khám phá đầy dẫy trong tử vi. Sau khi lén lấy tiền của gia đình đi học vài ông bà thầy bói và khám phá ra một vài điều mà tôi không muốn viết lên đây, tôi hết sức chán nản. Đi từ cực đoan này sang cực đoan khác, tôi bỏ không những tử vi mà tất cả mọi môn bói toán.
Sang Mỹ du học đầu năm 1972, một năm sau thì cha tôi mất trong tai nạn hàng không lớn nhất lịch sử Việt Nam thời ấy. Cột trụ gia đình gãy đổ, nhà không đủ sức chuyển ngân, tôi phải vật lộn với miếng ăn trong khi vẫn cố gắng tiếp tục học hành, Những gì liên quan tới khoa học huyền bí đã tưởng chỉ còn là một quá khứ càng lúc càng xa xôi.
Không ngờ xảy ra biến cố 1975, làn sóng tị nạn tràn sang. Năm 1983, cộng đồng Việt Nam ở San Jose đã đủ lớn mạnh, những nhà lãnh đạo cộng đồng quyết định tổ chức hội chợ tết Quý Hợi thật quy mô. Một nhu cần của hội chợ tết quy mô đầu tiên này là phải có gian hàng bói toán “cho có hương vị tết quê nhà ”. Ông anh lớn của tôi sốt sắng giới thiệu, bảo là tôi đã biết xem bói ở Việt Nam. Mặc dù chẳng còn muốn dính líu gì đến bói toán nữa, tôi không dám phụ những người có lòng nên vẫn bạo gan mở ra gian hàng xem bói “không đúng vẫn lấy tiền”. Không hiểu tại sao số người xem đông ngoài mức tưởng tượng. Nhưng chẳng muốn đóng tiếp vở kịch thầy bói quên sách vở, tôi chỉ cố làm thêm một năm nữa (tết Giáp Tý 1984) rồi “giải nghệ”.
Cùng khoảng thời gian này, tôi và anh Trần Quảng Nam trở nên thân thiết. Anh Nam (lúc ấy chưa làm ra bản “Mười năm tình cũ”) có biệt tài xem hạn. Anh dùng ngày sinh của tôi, lấy ra 12 lá số, rồi bảo chắc chắn chỉ có một lá đúng với tôi. Anh bảo sao tôi biết vậy, bởi thực tình lúc ấy đối với tôi bói toán chỉ là một trò tiêu khiển tâm não mà thôi. Thêm tính gàn bướng, tôi hoặc không buồn để ý lá số tử vi nói gì, hoặc cố ý làm ngược lại xem kết quả ra sao.
Nhưng thời gian từ 1976 đến năm 1986 quả là 10 năm đầy biến chuyển trong đời tôi. Được người mê bị người bỏ, du thủ du thực hôm nay chủ tịch sinh viên hôm sau, học hành lười biếng, thi vấn đáp 10 câu trả lời sai 9 mà vẫn được cấp bằng chỉ vì một ông thầy (không quen biết) trong hội đồng giám khảo ép các ông khác phải chấm đậu, cầm mảnh bằng về Call rách rưới phải sống bám gia đình, một điếu thuốc hút cũng không có tiền mua, đi làm kỹ sư rồi bị đuổi việc, được người bỏ bạc triệu mở hãng cho làm chức lớn rồi hãng lại sạt nghiệp, làm báo rồi đóng cửa báo thành phóng viên vườn, vân vân... Nhiều đêm nằm một mình ngẫm lại lá số anh Trần Quảng Nam đã lấy hộ, tôi giật mình, vì gần như tất cả những chuyn biến ấy đều ghi rành rành trên lá số!
Thế là tôi quyết định trở lại khoa học huyền bí. Bắt đầu năm 1986 tôi đi sâu vào khoa chiêm tinh tây phương mà trước đó tôi chỉ có kiến thức ngoài da. Trong một lần bệnh nặng, như có người trên mách bảo, tôi tìm ra tương quan giữa thuyết tứ nguyên tố (four elements) của tây phương và thuyết ngũ hành của Á Đông. Tôi bắt đầu viết các bài nghiên cứu về khoa học huyền bí cho tờ Văn Uyển ở San Jose của anh Trần Nghi Hoàng (tác giả tập thơ Trần Nghi Hoàng) và chị Trần Thị Bông Giấy (sau này gây sóng gió trong làng văn nghệ Việt Nam ở Hoa Kỳ với các tập “Truyện dài không có tên” mà tôi xin phép không bàn thêm).
Run rủi làm sao, nhờ đứng ra tổ chức giải cờ tướng hàng năm ở hội chợ tết San Jose, năm 1993 tôi học được cách đọc chữ Hán nhờ công giảng dạy của cụ chủ tịch hội cờ tướng Lã Vượng. Kiến thức chữ Hán mở cho tôi một chân trời mới. Mỗi cuối tuần tôi ghé các tiệm sách tiếng Hoa ở San Jose và San Francisco tìm sách viết về bói toán. Qua các sách này tôi được biết Đài Loan là thánh địa mới của các bộ môn khoa học huyền bí, dứt xa Trung Hoa lục địa. Riêng khoa Tử Vi đang ở trong giai đoạn trăm hoa đua nở ở Đài Loan. Tôi thầm mơ có dịp sang Đài Loan để nghiên cứu thêm về môn này.
Tưởng chỉ là ước mơ, không ngờ tháng 4 năm 1994 ông trưởng phòng kỹ sư ứng dụng gọi tôi vào văn phòng, bảo tôi phải làm một chuyến đi cấp tốc sang 4 nước Á Châu để cứu vãn tĩnh thế nguy ngập. Tình cờ thứ nhất là trong bốn nước ấy có Đài Loan. Tình cờ thứ hai Đài Loan là nơi dừng chân sau cùng. Tôi nhờ văn phòng Đài Loan giữ một phòng khách sạn rẻ tiền ở gần “đại lộ sách" Trùng Khánh ở Đài Bắc. Hạn visa chỉ cho tôi ở lại thêm 1 ngày hai đêm. Nhưng bằng ấy đủ thời gian để tôi biết sách số mệnh Đài Loan nhiều như rừng. Riêng về môn tử vi, dù mỗi tháng trung bình đọc một quyển có lẽ cả đời cũng không hết. Tôi trở về Mỹ trong niềm hối tiếc, tưởng cuộc đời bận rộn sẽ chẳng bao giờ cho tôi cơ hội trở lại Đài Loan nữa.
Ai ngờ tháng 9 cùng năm hãng lại gửi tôi sang Á Châu, rồi mùa giáng sinh một chuyến khá dài nữa. Đến tháng 5 năm sau (1995) tôi được biệt phái sang Á Châu, dự định 6 tháng. Rút ngắn câu chuyện, tôi rời Đài Loan về hẳn lại Mỹ tháng 12 năm 2001. Tính lại thời gian tôi ở Á Châu chính thức không thôi đã là 6 năm 6 tháng. Trong suốt thời gian ây, ngoài công việc của sở tôi dành tất cả thời giờ còn lại để nghiên cứu các khoa mệnh lý. Sáu năm sáu tháng là một thời gian khá dài, thế nhưng như tôi đã nói, rừng sách mệnh lý Đài Loan quá mênh mông mà đời người thì quá ngắn. Để đạt kết quả tôi đành quyết định giới hạn trọng tâm nghiên cứu vào Tử Vi và dịch lý. Còn môn Phong Thủy (tức Địa Lý) mà tôi cũng rất say mê, đành chờ cơ duyên khác vậy.
Lúc bắt đầu nghiên cứu, mục đích của tôi chỉ cốt là học cái tinh hoa của Đài Loan về Tử Vi và Dịch lý rồi tóm lược lại bằng một số sách tiếng Việt. Thú thật ngoài sự say mê chân thật, lúc ấy tôi còn có nhiều tính háo danh, mơ được đời sau này nhắc tới như người có công đưa kiến thức Tử Vi và dịch lý của Việt Nam trở lại mức ngang hàng với thế giới.
Thế nhưng sau một thời gian nghiền ngẫm các sách Tử Vi ở Đài Loan và Hồng Kông, suy nghĩ của tôi hoàn toàn đổi khác. Tôi cảm nhận ra hai điều. Thứ nhất, không thể nào đi sâu vào khoa tử vi nếu không thấu triệt kinh Dịch, thứ hai kinh Dịch không phải là khoa học huyền bí tối thượng như tôi đã tưởng, mà chỉ là một trong nhiều ứng dụng của thuyết âm dương. Tóm lại thuyết âm dương mới là mấu chốt cơ bản của huyền học Á đông, phải hiểu nó mới mong sáng tỏ các vấn đề khác. Thế là tôi đổi đường hướng nghiên cứu, chuyển trọng tâm sang thuyết âm dương.
Đi vào sâu thêm tôi mới thấy rằng thuyết âm dương vẫn còn ở trong tình trạng rất mơ hồ. Mặc dù quan điểm âm dương khá dễ hiểu, câu “vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưững nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật” lại không có lô gích gì cả. Tại sao “bát quái sinh vạn vật ” ? Mệnh lý tây phương dừng ở tứ nguyên tố (Đất Nước Gió Lửa). Nếu coi tứ nguyên tố tương đồng với tứ tượng thì phải đặt câu hỏi là tại sao thuyết âm dương không dừng ở tứ tượng? Thứ nữa, tại sao “bát quái sinh vạn vật” mà không phải là “bát quái sinh thập lục tiểu quái, thập lục tiểu quái sinh vạn vật” hoặc “bát quái sinh thập lục tiểu quái, thập lục tiểu quái sinh tam thập nhị đại quái, tam thập nhị đại quái sinh vạn vật” vân vân...
Tóm lại, thuyết âm dương đặt nền tảng trên bát quái, nhưng lại chẳng giải thích tại sao nền tảng ấy đáng tin cậy. Đó là chưa kể những vấn đề như tiên thiên bát quái, hậu thiên bát quái. Có hàng chục thuyết, vậy thì ai sai ai đúng ? Vấn đề nữa là tương quan giữa âm dương và ngũ hành. Có sách bảo ngũ hành là một kết quả của âm dương. Có sách bảo hai thuyết này biệt lập.
Vì không tìm ra lời giải thỏa đáng trong bất cứ sách nào, tôi đi đến một quyết định táo bạo là tự tìm một con đường đi cho mình. Vì tôi nghiên cứu thuyết âm dương và Tử Vi cùng một lúc, để khỏi lạc đề xin kể lại diễn trình nghiên cứu thuyết âm dương trong một cơ hội khác; ở đây tôi sẽ chỉ nối về những chi tiết dính líu đến khoa Tử Vi thôi.
Tôi xin ghi nhận vài quyển sách đã ảnh hưởng nhiều đến cái nhìn của tôi cũng như diễn biến trong việc nghiên cứu Tử Vi. Trước hết là hai quyển “Tử Vi nghiệm lý" và “Tử Vi nghiệm lý toàn thư” của ông Thiên Lương. Với phát kiến về vòng Thái Tuế trong cách xem mệnh và đại hạn, ông Thiên Lương chứng minh rằng Tử Vi đã thành một khoa học quốc tế, và người Việt Nam có thể đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ của khoa học này. Kế đó là quyển “Tử Vi dưới mắt khoa học" của ông Vu Thiên Nguyễn Đắc Lộc. Mặc dù có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, quyển sách này đã khởi lên trong tôi ý niệm nghiên cứu tử vi bằng phương pháp khoa học thuần túy.
Nhưng quyển sách có ảnh hưởng lớn nhất với tôi phải kê là “Kinh dịch và Tử Vi đẩu số (nguyên tác “Dịch kinh dữ Tử Vi đẩu số) của dịch lý gia Đài Loan Tạ Phồn Trị. Do soạn giả tự xuất bản năm 1995, quyển này rất khó kiếm và hình như chẳng được ai biết đến. Vì một tình cờ, tôi mở ra và đọc nó trong một tiệm sách vào một ngày mùa hè năm 1996. Sau chỉ vài trang tôi bàng hoàng hiểu ra là soạn giả có lời giải cho những bế tắc của tôi nói riêng và của làng Tử Vi thế giới nói chung. Công tâm mà nói thì cách trình bày của ông Trị vẫn còn quá huyền hoặc; tuy nhiên nhờ đã nghĩ về những vấn đề này lâu năm tôi biết “Dịch kinh dữ Tử Vi đẩu số chính là cái chìa khóa bí mật mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu.
Với cái chìa khóa đó trong tay, suốt mấy năm trường ngoài giờ làm việc cho sở tôi miệt mài tìm cách khai mở những cánh cửa còn lại của khoa Tử Vi. Một người trên 40 tuổi lưu lạc nơi xứ lạ quê người, không vợ không con, không ai chờ ai đợi, cô thân độc ảnh đối diện chồng sách khô khan giữa bốn bức tường của căn phòng trọ trống trải hoặc những phòng khách sạn cô liêu vào những đêm khuya vắng và những buổi cuối tuần dài lê thê; với ai khác có thể là bất hạnh; nhưng đó đã là một trong những thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi.
Nói thế không có nghĩa là việc nghiên cứu của tôi luôn luôn suôn sẻ. Có khi cả năm trời tôi chẳng nảy ra một ý gì đáng ghi xuống giấy. Có khi vừa nẩy ra một ý mới lại thấy cái suy nghĩ cũ của mình sai, phải xóa bỏ mấy chục trang đánh máy để viết lại từ đầu.
Tháng 6 năm 2001 tôi viết xong bản thảo ba quyển “Tử Vi hoàn toàn khoa học”, “mệnh lý hoàn toàn khoa học”, và “kinh Dịch hoàn toàn khoa học”. Đã dự định sẽ về hẳn Mỹ cuối năm, kế hoạch của tôi là in và phổ biến cả ba quyển. Không ngờ ngày 9 tháng 7 khi ở Singapore, một tai nạn lạ lùng xảy ra khiến cả ba bản thảo đều bị xóa mất. Vì ba quyển này đã đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức mới hoàn thành, và xét từ nền tảng thì hai quyển sau quan trọng hơn, tôi cứ tưởng sẽ chẳng bao giờ có thời giờ hoặc lý do để viết lại “Tử Vi hoàn toàn khoa học”.
Đây là một trường hợp mà tôi rất vui mừng khi biết mình đã đoán sai. Như “tái ông thất mã”, một quyển sách khoa học viết bằng Anh ngữ in mãi chẳng xong, thêm một tai nạn thảm khốc xảy ra cho một người thân cầm chân tôi ở California năm 2003, không ngờ lại trở thành cơ duyên để tôi viết lại “Tử Vi hoàn toàn khoa học”. Tôi hết sức cám ơn gia đình anh chị Vũ Bình Nghi đã cho tôi đăng loạt bài này trên tờ Thời Báo ở San Jose mặc dù biết rằng tính chất khô khan của đề tài có thể làm nản chí nhiều người đọc.
Khi tôi viết những giòng này, cụ Lã Vượng dạy tôi chữ Hán ngày xưa đã qua đời vì một tai nạn lưu thông. Lòng tôi bùi ngùi thầm nghĩ nếu không gặp cụ có lẽ tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện học chữ Hán, mà không học chữ Hán thì làm sao tôi có thể hiểu để mà biết tầm quan trọng của quyển “kinh Dịch và Tử Vi đẩu số cũng như nhiều tài liệu Hán văn khác về Tử Vi và thuyết âm dương? Nói rõ hơn, nếu tôi không có duyên gặp cụ Vượng thì có lẽ chẳng bao giờ tôi học đủ, hiểu đủ dế viết “Tử Vi hoàn toàn khoa học”.
Nhưng cái duyên học chữ Hán với cụ Vượng chỉ là một. Còn ông anh Bình đã bỏ tiền túi ra mua đủ loại sách mệnh lý cho tôi tha hồ nghiên cứu ở tuổi thơ ngây, còn ban tổ chức hội chợ tết ở San Jose vô tình khiến tôi tìm trở về mệnh lý, còn anh Trần Quảng Nam với khả năng đoán hạn chính xác lạ lùng bắt buộc tôi phải tin rằng Tử Vi có “một cái gì đó ” đáng nghiên cứu, còn quyển lịch sách Thiên Mã và tạp chí Văn Uyển là môi trường cho tôi viết các bài mệnh lý ban đầu, còn ông cấp trên đã khuyến khích tôi sang Đài Loan, còn hoàn cảnh kinh tế phồn thịnh của Hoa Kỳ trong thập niên 1990’s giúp tôi được lưu lại Á Châu đủ lâu cho việc nghiên cứu, còn những nhân duyên đổ vỡ của một thời xưa cũ vô hình chung lại cho tôi cái tự do của một người nghiên cứu không hệ lụy, còn cái duyên với gia đình anh chị chủ trương tờ Thời Báo ở San Jose giúp tôi có lý do và hứng khởi để viết lại loạt bài này v.v...
Vẫn còn nhớ những ý chính của bản thảo đã bị tiêu hủy ngày 9 tháng 7 năm 2001, tôi thầm so sánh và ngạc nhiên khỉ khám phá ra rằng bản tái tạo này đầy đủ hơn về chất liệu và chặt chẽ hơn về lý luận. Hóa ra, ngay cả cái biến cố tưởng là bất hạnh của ngày 9 tháng 7 năm 2001 cũng là một cơ duyên giúp cho những điều tôi viết ra dược đầy đủ hơn và chính xác hơn.
Quyển sách này ra đời cũng lại do một cơ duyên bắt đầu từ những năm tôi còn ở cao học, bởi anh Phan Thanh Thu, người nhận lời in nó ra chính là bào huynh của anh Phan Thanh Tâm. Cuộc đổi đời 1975 vô tình đưa anh Tâm và tôi đến cùng tiểu hang Minnesota lạnh giá, rồi khiến chúng tôi trở thành bạn cùng phòng. Từ năm 1981 tôi và anh Tâm ít khi gặp lại, nhưng cái tình bạn ngàỵ xưa chẳng hiểu sao không hề phai nhạt với thời gian. Khi tôi viết loạt bài “Tử Vi và thế cuộc” năm 2003, anh Tâm là người giúp loạt bài này được phổ biến. Giờ thì cũng nhờ anh mà tôi đã thoát được một gánh nặng, vì khỏi phải lo phần in ấn và phổ biến vốn chẳng phải là sở trường của tôi.
Tôi xin cám ơn tất cả các cơ duyên đó. Còn quyển sách có đóng góp được gì không cho kiến thức Tử Vi, tôi xin để độc giả thẩm xét và quyết định.
San José ngày 8 tháng 6, 2004
Đằng Sơn