Châu Âu Có Gì Lạ Không Em? |
|
Tác giả | Misa Gjone |
Bộ sách | |
Thể loại | Du ký |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 7137 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Misa Gjone Phóng Sự Du Ký Tản Văn Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Cuốn sách là những ghi chép và mô tả của tác giả về hành trình du lịch của bản thân qua một số quốc gia châu Âu, từ đó chia sẻ những trải nghiệm chân thực và mới mẻ về văn hóa, lịch sử, ẩm thực và con người nơi xứ lạ.
Châu Âu có gì lạ qua đôi mắt của Misa Gjone? Đó là một châu Âu cổ kính với những công trình kiến trúc lâu đời. Đó là một châu Âu đáng yêu với những sắc màu rực rỡ của chậu phong lữ, trái rừng chín mọng. Đó là một châu Âu sôi động với hội hè miên man; những lần đi hytte, những buổi fika cùng gia đình và bạn bè. Đó còn là một châu Âu đầy “tội lỗi” với những cô nàng mang ánh mắt khắc khoải trên phố đèn đỏ, những mảng sáng – tối đối lập chan chát của cuộc sống hiện đại…
***
Review của #RinBaBa về sách Châu Âu Có Gì Lạ Không Em:
Cuốn sách này ngọt ngào hơn mình tưởng. Làm mình nhớ tới bộ phim "Me before you". Tự dưng thế thôi!
Mình đã đi Châu Âu bao giờ đâu, nhưng xem phim ảnh thì cũng thấy vài nơi. Tuy vậy, xem và trải nghiệm khác nhau lắm.
Qua đôi mắt của tác giả thì Châu Âu trong cảm nhận của mình không còn mang vẻ lạnh lùng và xa lạ nữa. Châu Âu lạ lắm, lãng mạn, êm đềm và say say lòng như những cơn gió thu.
Mới đọc vài bước trong hành trình của tác giả thôi. Yêu lắm! Tối nay ôm đọc hết.
***
Đã từng có một thời, tôi mê mẩn những cuốn sách du ký của các tác giả hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Thế giới hiện lên một cách sống động, chân thực và đầy góc cạnh sáng tối qua ngòi bút của họ. Bây giờ, tôi vẫn đọc những cuốn sách như thế, của các cây bút trẻ hơn và tôi cũng bắt đầu dành sự quan tâm lớn hơn cho các tác giả Việt. Sách của họ bắt đầu dày lên, chiếm nhiều diện tích hơn trong những thư viện, hiệu sách, ở khu mà tại các hiệu sách lớn của nước ngoài luôn là khu rất lớn, phía trên có gắn dòng chữ “travel”.
Không nghi ngờ gì nữa, người Việt ngày càng đi nhiều ra thế giới. Họ không chỉ đi, ngắm nghía, trải nghiệm, thu nhận những điều hay ho, tích cực (và cảm nhận cả những điều tiêu cực), họ còn viết nữa. Đương nhiên, không phải ai trong số họ cũng là nhà văn. Nhiều trong số họ là du học sinh hoặc người Việt sống ở nước ngoài và họ viết rất khác với những tác giả du ký phương Tây. Bởi họ là người Việt, họ nhìn thế giới qua góc nhìn, văn hóa, ngôn ngữ và cảm nhận của người Việt. Đấy không phải là những cuốn sách nghiên cứu về thế giới mà là tập hợp các ghi chép lại về những nơi họ đã đi qua, những gì họ đã ăn, những người họ đã yêu hoặc ghét, những kỷ niệm họ đã có. Họ chính là cầu nối giữa người Việt ở trong nước với thế giới, đưa độc giả theo chân họ ra nước ngoài và truyền cho độc giả cảm hứng đi.
Lê Thị Ngọc Quyên hay Misa Gjone, cũng không phải là một nhà văn. Nhưng cô gái trẻ này từ lâu đã được nhiều người biết đến qua blog mang biệt danh của cô. Đấy không phải là một nơi post ảnh đẹp và những dòng văn hay mà là một cửa sổ đưa độc giả ra thế giới, cũng là một kênh để cô trải lòng mình sau những chuyến đi. Tôi đã có lần vào đọc blog của cô và nghĩ: Thật tiếc nếu Quyên không in những câu chuyện của mình thành sách nhỉ? Bây giờ thì câu hỏi ấy đã có lời đáp. Quyên đã in sách và đó chính là cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay, viết về những hành trình mà cô đã đi trong nhiều năm, qua rất nhiều nơi ở châu Âu - nơi hiện cô đang sống cùng với gia đình nhỏ của mình.
Tôi, người cũng đã sống và làm việc ở châu Âu nhiều năm và phải thừa nhận rằng: Quyên không thể có những ghi chép sâu sắc đến thế về châu Âu, nếu không yêu nơi này bằng cả trái tim.
Đấy là những thành phố ở Đức; là ngày hội ở Ý, trong những thành phố nhỏ; là đêm không ngủ ở Budapest; là thành phố ánh sáng Paris; là dòng Vltava ở Czech; là Na Uy, quê hương thứ hai của cô... Rất, rất nhiều những hành trình đã được viết ra, được kể một cách chi tiết, để độc giả có thể thấy, có thể cảm nhận được những hơi thở của cuộc sống ở đó, thông qua hình ảnh về những con người, những hoạt động văn hóa nghệ thuật. Điều ấy cho thấy tác giả không chỉ là người yêu thích cuộc sống ở khắp nẻo châu Âu mà còn khá am hiểu về những nơi cô đã đi qua. Không phải ai cũng làm được điều ấy. Không phải tác giả Việt nào, kể cả các nhà văn đã từng viết về châu Âu, cũng có được cái nhìn sâu sắc đến thế.
Nếu bạn tìm kiếm trong cuốn sách này những chỉ dẫn du lịch, chắc chắn bạn sẽ không thấy. Những chỉ dẫn đó bạn có thể thấy trong blog Misa Gjone của cô. Quyên là một người thích chia sẻ kinh nghiệm du lịch cho người Việt trên blog cá nhân, nhưng cuốn sách này là một tập hợp những bài viết thể hiện cảm nhận của tác giả về những nơi cô đã đi qua, đã in đậm các cảm xúc trong trái tim cô, một người đã đi trên những cung đường châu Âu từ những năm còn rất trẻ. Tôi cũng đi từ khi còn trẻ, nhưng tôi đến châu Âu vẫn còn sau Quyên và tôi cũng hơi ghen tị với Quyên về những cung đường và cảm nhận mà cô đã có ở đó, khi mới tuổi 20...
- TRƯƠNG ANH NGỌC
Nhà báo, tác giả du ký
***
Một ngày cuối tháng 10 năm 2007, tôi lúc đó đang học năm nhất đại học, được mẹ chở đến nhà sách Xuân Thu trên đường Đồng Khởi, Quận 1 để mua hai quyển sách: Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương và Oxford thương yêu. Những chuyến đi ngang dọc châu Âu của cô sinh viên Giáng Uyên cùng câu chuyện tình lãng mạn của Kim và anh chàng Fernando “bạn trai nhà người ta” đã nuôi lớn giấc mơ du học của tôi từ lúc đó. Suốt những năm đại học, tôi vùi đầu vào sách giáo khoa cùng các đầu sách tiếng Đức vừa hiếm vừa đắt đỏ để nâng cao kiến thức và vốn từ vựng chuyên ngành. Công sức học hành cuối cùng cũng được đền đáp. Tôi lần lượt tham dự các khóa học trao đổi ngắn hạn ở Đức và Ý, đều là học bổng toàn phần do chính phủ các nước cấp cho sinh viên nước ngoài. 22 tuổi, lần đầu tiên tôi biết đến châu Âu, biết đến những thành phố cổ kính, làng mạc thanh bình và những chuyến xe lửa cao tốc chạy êm như ru xuyên qua biên giới các nước. Ở Đức, tôi sống ở ngoại ô thành phố Düsseldorf, trong căn phòng nhỏ cùng hai cô bạn - một Thái Lan, một Phần Lan. Hằng ngày, tôi cùng một anh chàng Phần Lan cao lêu nghêu ở phòng bên cạnh chạy đua với chuyến xe lửa luôn đến trễ đúng năm phút để đến lớp học. Ở Ý, tôi sống ba tháng với một cô bạn người Ấn Độ trên căn gác xép một ngôi nhà cũ ở Porta Pesa, trải đủ mọi vui buồn hờn giận với cô bạn khác màu da và bất đồng ngôn ngữ. Ngày chia tay, tôi đi trước vào buổi sáng, bỏ lại cô nàng ngồi ôm gối khóc hu hu như đứa trẻ.
Trở về Việt Nam vào tháng 9 năm 2011, tôi bắt đầu cuộc sống của một cô gái văn phòng sáng xách túi đi, chiều tối muộn xách túi về. Một buổi trưa nọ, lúc đang ngồi ăn cơm, mẹ tôi bỗng kể: “Hồi trước lúc con còn ở Ý, bà bán tàu hũ ngày nào cũng đi ngang qua đây, có bữa hỏi mẹ sao không thấy con cháu đâu, chỉ có hai ông bà già ngồi ăn cơm một mình như vầy”. Bữa trưa hôm đó, tôi ăn cơm mà lòng buồn rười rượi. Giấc mơ du học vẫn chưa nguôi ngoai, phần vì bốn tháng ngắn ngủi ở châu Âu chưa thể gọi là đủ để tôi trải nghiệm cựu lục địa, phần nữa vì tôi có ý định học tiếp cao học để củng cố kiến thức và chuẩn bị cho con đường tương lai. Tôi âm thầm tìm kiếm thông tin học bổng toàn phần của các nước châu Âu để tìm được khóa học thích hợp nhất với mình.
Tháng 4 năm 2014, tôi là một trong tám sinh viên Việt Nam nhận học bổng toàn phần cho khóa học cao học tại Thụy Điển. Vậy là tôi lại khăn gói lên đường. Cuộc sống sinh viên ở nước ngoài không hề dễ dàng như tôi tưởng dù không phải lo toan về vấn đề tài chính. Cách học thụ động ở Việt Nam khiến tôi mất một khoảng thời gian mới có thể đuổi kịp phong cách năng động và dân chủ ở châu Âu. Tôi kết thân với vài người bạn: chị H. là đồng hương Việt Nam cũng là bạn chung nhà với tôi suốt thời gian ở Gothenburg, M. là người Palestine lấy chồng cũng là đồng hương ở Thụy Điển và một số bạn bè người Đức, Thụy Điển khác. Những tháng ngày sinh viên vô âu vô lo cộng với túi tiền rủng rỉnh giúp tôi có cơ hội du lịch một số nước trong khu vực Schengen. Sau mỗi chuyến đi, tôi gom góp thông tin và hình ảnh rồi viết bài đăng báo ở Việt Nam.
Trước khi sang Thụy Điển, tôi từng làm biên tập viên mục Du lịch cho tòa soạn báo Thế giới văn hóa online. Vì vừa là người biên tập vừa viết bài nên tôi thấu hiểu tâm trạng của các cộng tác viên báo giấy: Người viết thì đầu tư nội dung thật nhiều, viết thật dài nhưng khi tới tay biên tập thì bài bị cắt cho... thật ngắn để vừa với “đất” của chuyên mục. Sau bao nhiêu năm vừa làm “kẻ cắt” vừa làm “người bị cắt”, tôi quyết định lập một trang web du lịch cho chính mình, nơi tôi có thể viết thoải mái mà không lo bị cắt chữ. Website ban đầu chỉ là nơi đăng lại những bài du ký, sau trở thành nơi tôi chia sẻ kinh nghiệm du lịch đây đó, các hàng quán ngon hay những típ hay ho mà tôi học được trên đường thiên lý.
Khi nhận được lời mời hợp tác xuất bản từ Sống, tôi mới có dịp để xem lại hết toàn bộ gia tài viết lách của mình từ năm 2012 đến nay. Khi biên tập lại những bài viết này, tôi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi trong cuộc sống của chính mình được thể hiện qua nhiều chi tiết rải rác và câu chữ trong các bài viết ấy. Từ một cô sinh viên mới ra trường “chân ướt chân ráo” đến châu Âu lần đầu cho đến khi tôi lập gia đình và trở thành mẹ, từ những ngày ngơ ngác đi sai trạm xe lửa ở Đức cả nửa tháng trời cho đến khi trở thành blogger du lịch rong ruổi khắp châu Âu với chiếc ba lô tím sờn và chiếc máy ảnh Olympus cũ mèm. Để lưu lại hành trình ấy, các bài viết trong du ký Châu Âu có gì lạ không em? sẽ được sắp xếp theo trình tự thời gian được viết thay vì theo quốc gia.
Mời bạn, cùng tôi đi qua những miền đất lạ.
- MISA GJIONE
Na Uy, 4/4/2019