DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Chấn Hưng Nhật Bản

Tác giả Clyde Prestowitz
Bộ sách
Thể loại Lịch sử - Quân sự
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 2427
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Clyde Prestowitz Vũ Thanh Nhàn Lịch Sử Tham Khảo
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Nhật Bản là một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới với nguồn vốn dồi dào, công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm quản lý hiện đại và hiệu quả. Là nước xuất khẩu vốn khổng lồ, với hơn 1 nghìn tỉ USD đầu tư trực tiếp ở nước ngoài nên Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trên con đường đi lên trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, Nhật Bản đã phải trải qua hai cuộc tái thiết đất nước vô cùng quan trọng, diễn ra vào thời kỳ Phục hưng Minh Trị năm 1868 và diễn ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cả hai lần tự tái thiết này, Nhật Bản đã tạo ra một nỗ lực to lớn để du nhập, làm chủ, cải tiến, thay đổi công nghệ và bí quyết ngành công nghiệp của phương Tây. Và nhờ đó, Nhật Bản dường như trở nên bất bại trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.

Tuy nhiên, từ năm 1990 trở về đây, nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phát triển chậm lại, đặc biệt là vị trí đứng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ đang bị đe dọa thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Hoạt động đổi mới sáng tạo của Nhật Bản cũng có dấu hiệu đi xuống vào đầu những năm 1990 mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã hết sức nỗ lực tăng gấp đôi chi tiêu dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Một phần nguyên nhân là Nhật Bản chỉ tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực ôtô và điện tử mà bỏ qua những lĩnh vực khác có quy mô toàn cầu và lại những lĩnh vực đòi hỏi đầu tư cao cho nghiên cứu và phát triển như dược phẩm, công nghệ sinh học, phần mềm và dịch vụ máy tính. Đứng trước nguy cơ này, câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có cần một cuộc tái thiết nữa hay không? Và nếu cần thì phải tái thiết như thế nào

Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về phát triển nước Nhật Bản, Thái Hà Books và NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Chấn hưng Nhật Bản: Làm cách nào Nhật Bản có thể tự tái thiết và tại sao điều này lại quan trọng với Hoa Kỳ và thế giới của tác giả Clyde Prestowitz.

Cuốn sách được chia thành 10 chương và được viết theo phong cách hết sức độc đáo. Thay vì mô tả đất nước Nhật Bản của hiện tại sau đó đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách,… thì ở đây, tác giả đã phác họa một bức tranh về đất nước Nhật Bản trong tương lai của năm 2050, một đất nước đã được tái thiết lần thứ ba với rất nhiều sự thay đổi cả về kinh tế – xã hội và chính trị, chẳng hạn như GDP tăng 4,5%/năm, vượt xa so với bất kỳ nước lớn nào và gần gấp đôi GDP của Trung Quốc; dân số có chiều hướng tăng lên và vượt mức 150 triệu người; phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, sinh nhiều con hơn;… và đáng ngạc nhiên hơn là Nhật Bản trở thành quốc gia nói tiếng Anh! Có thể thấy đây là một đất nước trong tương lai hoàn toàn thay đổi so với Nhật Bản của hiện tại. Tưởng như cuốn sách mang đến một câu chuyện giả tưởng song đó lại chính là những thông điệp, những lời khuyên và những kỳ vọng của tác giả, một người Mỹ đã từng có thời gian dài sinh sống và học tập tại Nhật Bản, dành cho đất nước này.

Mục lục:

Những lời khen tặng dành cho Chấn Hưng Nhật Bản

Lời Nhà xuất bản

Giới thiệu: Nền tảng của cuốn sách

Chương 1: Tokyo, năm 2050

Chương 2: 2016 – Năm của những cuộc khủng hoảng

Chương 3: Hòa bình kiểu Thái Bình Dương

Chương 4: Phụ nữ giải cứu đất nước

Chương 5: Nhật Bản trở thành nước nói tiếng Anh

Chương 6: Quốc gia đổi mới sáng tạo

Chương 7: Tự chủ về năng lượng

Chương 8: Tập đoàn Nhật Bản đến tập đoàn Đức – với những đặc trưng Nhật Bản

Chương 9: Đánh bại kẻ trong cuộc

Chương 10: Đi lên với dân, đi xuống với quan

Kết luận: Tại sao Nhật Bản lại là vấn đề đáng quan tâm với Hoa Kỳ và thế giới?

Lời cảm ơn

Thông tin về tác giả:

Clyde Prestowitz là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất và được đánh giá cao như Trading Places, Rogue Nation và Three Billion New Capitalists. Ông giữ chức vụ cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ và là nhà đàm phán thương mại đứng đầu tại châu Á. Ông cũng là Phó Chủ tịch của Ủy ban Thương mại và Đầu tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Clinton. Là người thành lập Viện Chiến lược kinh tế ở Washington D.C, ông cũng đưa ra lời khuyên cho chính phủ, các tập đoàn quốc tế,các liên đoàn lao động về vấn đề cạnh tranh và chiến lược toàn cầu hoá.

Công ty cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

***

NHỮNG LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO CHẤN HƯNG NHẬT BẢN

Ba mươi năm trước, cái tên Clyde Prestowitz đại diện cho người bài xích Nhật Bản hàng đầu và là người đã cảnh báo Hoa Kỳ thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Nhưng Prestowitz thực sự cũng đã có sự tôn trọng sâu sắc đối với những giá trị Nhật Bản, ông thông thạo tiếng Nhật và đã nhận một cậu bé người Nhật Bản làm con nuôi. Giờ đây, trong cuốn sách mới nhất của mình, ông đang đưa ra khuyến nghị cho người Nhật Bản làm cách nào thay đổi để thích ứng với tình hình mới dựa trên những kinh nghiệm từng tư vấn cho Hoa Kỳ của chính ông. Đây là một cuốn sách rất đáng đọc.

Richard C. Koo, Chuyên gia kinh tế cao cấp,

Viện Nghiên cứu Nomura

Liệu Nhật Bản có thể đảo ngược lại sự suy tàn? Tất cả chúng ta đều có một chút quyền lợi liên quan trong vấn đề này. Nhật Bản, cuối cùng có thể là một hình mẫu cho những xã hội hậu công nghiệp tiên tiến khác. Có lẽ không có toa thuốc cho sự hồi sinh triệt để, thích hợp và đầy thách thức như toa thuốc mà Clyde Prestowitz đã kê ra. Cho đến khi đọc cuốn sách, tôi đã thấy được hy vọng của chính mình rằng Nhật Bản sẽ xem xét khuyến nghị của ông và tiếp tục đóng góp cho nền văn minh thế giới.

Bob Carr, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia

“Kể từ khi Nhật Bản thành công thách thức sự thống trị ngành công nghiệp của Mỹ vào những năm 1980, Clyde Prestowitz là một tiếng nói hàng đầu trong việc thúc đẩy chúng ta nghĩ khác đi về quốc gia đặc biệt và vẫn bị hiểu nhầm này. Cuốn sách mới nhất của Clyde Prestowitz được xây dựng dựa trên sự nghiệp phong phú của ông trong chính sách thương mại và kinh tế để thăm dò sâu hơn không chỉ những vấn đề vẫn đang tồn tại dai dẳng của đất nước Nhật Bản mà còn cả tiềm năng to lớn để vẫn tiếp tục là một lực lượng sáng tạo trong nền kinh tế toàn cầu”.

Martin Fackler, Chánh văn phòng

tạp chí New York Times tại Tokyo

Câu chuyện hấp dẫn về vấn đề làm thế nào một đất nước có thể tự tái thiết, trong một thế giới nơi tâm điểm chính là Trung Quốc và Nhật Bản là “bữa trưa của ngày hôm qua”. Clyde Prestowitz làm một công việc tuyệt vời là tạo ra một bản kế hoạch giả tưởng về cách Nhật Bản có thể trở thành một cường quốc và tác động đối với con cháu chúng ta. Đã cầm cuốn sách lên rồi thì thật khó mà đặt xuống.

Daniel M. Slane, Ủy viên hội đồng,

Ủy ban xem xét vấn đề An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ, Washington, DC

***

GIỚI THIỆU

NỀN TẢNG CỦA CUỐN SÁCH

Lần đầu tôi được thấy Nhật Bản là vào một buổi sáng mờ sương và lạnh cóng vào ngày 5 tháng 2 năm 1965 khi chiếc tàu SS President Cleveland chạy bằng hơi nước vào Vịnh Tokyo, hướng đến Yokohama sau hành trình 6 ngày lênh đênh trong gió bão từ Honolulu. Đồng hành trong chuyến đi có vợ tôi, Carol, là người Mỹ gốc Hoa, con gái 4 tháng tuổi của chúng tôi, Anne-Noelani và một người chú của vợ tôi, là người Trung Quốc và cũng là người điều hành bộ phận giặt là trên tàu. Tôi quan sát toàn bộ quang cảnh hoàn toàn xa lạ phía dưới từ trên boong tàu khi những chiếc tàu lai dắt từ từ đưa con tàu khổng lồ của chúng tôi cập bến.

Khi chúng tôi bước xuống cầu tàu mang theo hành lý và bế con gái, qua nơi kiểm soát hộ chiếu và hải quan, tôi nhanh chóng nhận ra rằng năm học tiếng Nhật mà tôi đã hoàn thành tại Trung tâm Đông - Tây ở Honolulu sẽ không trợ giúp nhiều cho tôi được. Các nhân viên kiểm tra hộ chiếu và hải quan dường như đã quyết định nói với giọng luyến láy và với tốc độ của hỏa lực súng máy và tôi chỉ có thể đọc được một ít từ tiếng Nhật trên những tấm bảng chỉ dẫn và tín hiệu xung quanh. Chú của Carol đã giúp chúng tôi bắt một chiếc xe đến ga Sakuragicho của Yokohama, nơi chúng tôi đáp tàu đi Tokyo. Chiếc xe đầy chật người, nhiều phụ nữ mặc những bộ kimono sặc sỡ; và trong cánh mày râu, một số người đi những đôi giầy cao cổ hoặc giầy thông thường, cả hai loại đều có phần ngón chân cái tách biệt - giống như găng tay, nhưng đây là dành cho chân chứ không phải là tay. Tôi nhớ mình đã nghĩ, “Ồ, bạn muốn một điều gì đó khác biệt. Trông có vẻ chính là nó đây”.

Chuyến đi này bắt nguồn từ 2 năm trước khi tôi đang loay hoay dự tính cho việc tốt nghiệp ở Trường Swarthmore vào tháng 6 năm 1963. Trước đó, tôi là một du học sinh theo diện trao đổi, đến Thụy Sĩ và đã bị mong muốn đi du lịch thôi thúc dữ dội. Tôi đã muốn nhìn ngắm thế giới sau khi tốt nghiệp, nhưng lại gặp phải một vấn đề nhỏ: tiền bạc; hay đúng hơn là, thiếu tiền. Vì thế tôi đã tìm kiếm những khoản tài trợ, và trong khi tìm, tôi đã tình cờ đến Trung tâm Đông - Tây, tại Đại học Hawaii. Trung tâm này cung cấp một khoản siêu đãi ngộ - 2 năm trợ cấp học phí, tiền ăn ở, tài liệu học tập, và du lịch, tất cả đều được chi trả, cùng với 200 đôla mỗi tháng tiền tiêu vặt. Những người được nhận trợ cấp được yêu cầu dành một năm nghiên cứu bất kỳ chủ đề nào mà họ đam mê ở trường đại học này. Trung tâm này cũng yêu cầu họ phải học một ngoại ngữ châu Á, năm thứ hai trong khoảng thời gian 2 năm được trợ cấp, sinh viên sẽ dành để nghiên cứu và làm việc ở nước mà họ chọn học ngôn ngữ. Tất cả giống như một thỏa thuận tuyệt vời với tôi. Tôi đã nộp đơn và đủ may mắn để nhận được khoản trợ cấp và bắt đầu một năm dưới những tán cọ đung đưa của Honolulu. Này, dù sao cũng phải có người làm điều đó đấy.

Đầu tiên tôi nghĩ mình sẽ học tiếng Trung, nhưng bố tôi là một nhà hóa học và nhà luyện kim đã làm việc trong ngành hàn và thép. Giờ nhớ lại, đó là năm 1963, và Trung Quốc - sau đó dưới thời của Mao (Mao Trạch Đông) - là một trong những nước nghèo nhất thế giới, trong khi sự hồi phục sau chiến tranh đầy kỳ diệu của nền kinh tế Nhật Bản đã được giới thiệu trên bìa tờ Economist vào tháng 1 năm 1964. Bố tôi nói, “Nhìn này con trai, sao con lại muốn học tiếng Trung chứ? Họ chẳng làm nên điều gì cả. Con nên học tiếng Nhật. Họ tạo ra mọi thứ”. Đó là cách tôi đã đăng ký học tiếng Nhật khi lần đầu tiên theo học tại Trung tâm Đông - Tây và Đại học Hawaii vào tháng 9 năm 1963.

Mặc dù tờ Economist đã ca ngợi sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản, nhưng với một cậu chàng 23 tuổi người Mỹ thì đất nước này dường như chẳng có vẻ gì của sự phát triển đó cả. Đa phần mọi người đi xe đạp và xe buýt hoặc đi bộ. Hầu như không có chuyện tắc đường ở Tokyo vì có quá ít ôtô. Tôi nhớ đã rất ngạc nhiên với những cậu bé giao hàng trên xe đạp, chúng giữ thăng bằng những bát mì đang bốc hơi nghi ngút mà không làm rớt một giọt nước khi mang đến nhà khách hàng. Trong khi những người bạn Nhật Bản của chúng tôi miêu tả căn hộ tôi và vợ tôi tìm được là một ngôi nhà sang trọng, thì nó lại không có nước nóng, không có bồn tắm (xin nhớ rằng con gái của chúng tôi mới 4 tháng tuổi), không có lò sưởi, không có hệ thống sưởi, không máy rửa bát, máy giặt hay máy là quần áo và chỉ có hai bóng đèn điện (tuy nhiên, chúng tôi có một nhà vệ sinh kiểu phương Tây). Đó là thời kỳ trước khi có tã giấy dùng một lần, nên chúng tôi đã phải đun nước sôi để giặt tã hằng ngày, và ở đó cũng không có chuyện rửa tay và mặt bằng nước ấm.

Chúng tôi đã đun nấu bằng hai thiết bị gas nhỏ trông giống như đèn Bunsen trong lớp hóa học ở trường trung học của tôi. Chúng tôi có một phòng rộng bằng bốn chiếc chiếu tatami để sinh hoạt và ngủ tại đó, và một phòng rộng bằng hai chiếc chiếu tatami để đặt giường cũi của con. Chúng tôi đã sưởi ấm các căn phòng với một bếp dầu nhưng ban đêm phải tắt đi vì mối nguy hiểm động đất thường trực làm đổ bếp dầu giữa đêm và thiêu rụi cả khu xóm. Chúng tôi tắm ở sento, nhà tắm công cộng nơi bức tường ngăn cách giữa phòng tắm của nam giới và nữ giới thấp hơn so với chiều cao trung bình của người Mỹ. Sau khi cởi bỏ trang phục, nam giới sẽ đưa giỏ quần áo của họ cho những nữ phục vụ trẻ, những người này sẽ trả lại đồ khi họ tắm xong. Vào những tối mùa đông trên phố, người ta có thể luôn nhận ra những người vừa tắm xong vì họ được bao quanh bởi những lớp sương mờ trắng do tác động của khí lạnh lên hơi ẩm, làn da và quần áo ấm. Sau khi từ sento trở về nhà, chúng tôi ngủ trên những tấm đệm trải ra trên sàn tatami và dần chìm vào giấc nồng khi những hơi thở nóng ấm phả ra thành những đám hơi trắng trong cái lạnh của căn phòng không được sưởi ấm.

Đó không phải là một cuộc sống xa hoa. Nhưng chúng tôi cũng không cảm thấy thiếu thốn. Thay vào đó, chúng tôi cảm thấy rất đầy đủ và vinh dự được sống cuộc sống đó. Đó là những gì còn sót lại của một chút Tây hóa, một chút Nhật Bản hiện đại dần biến mất mãi mãi. Thời diệu kỳ đó là nền tảng đầu tiên của cuộc sống và sự nghiệp sau này của tôi, và lòng hoài cổ dành cho thời kỳ đó chính là một phần thúc đẩy cho sự ra đời của cuốn sách này.

Tôi đã rời Nhật Bản vào cuối năm 1965 và bước vào ngành ngoại giao Hoa Kỳ, đầu tiên là làm Phó Lãnh sự tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Rotterdam và sau đó là Bí thư thứ ba của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hague. Sau đó tôi trở thành nhà quản lý kinh doanh của Công ty Scott Paper tại Philadelphia và Brussels. Nhưng tôi đã trở lại Nhật Bản vào năm 1976 với cương vị Phó Chủ tịch của công ty tư vấn của Thụy Sĩ Egon Zehnder International. Tôi đã khám phá ra rằng trong một thập kỷ tôi đi xa, Nhật Bản đã trở thành một đất nước giàu có và phát triển. Những chiếc xe đạp đã không chỉ nhường chỗ cho ôtô, mà ôtô còn gây ra những cảnh ùn tắc giao thông bất tận. Thật vậy, jutai (ùn tắc giao thông) đã trở thành một trong những từ tiếng Nhật ưa thích của vợ tôi. Và từ sento cũng đã gần như biến mất, nó đã được thay bằng o-furo (bồn tắm nước nóng) giờ thường là một phần trong ngôi nhà hoặc căn hộ của người Nhật Bản. Tất nhiên, sự hiện đại hóa này cũng có nhược điểm. Chất lượng không khí của Tokyo đã trở nên quá tệ đến nỗi khẩu trang là thứ được người dân Nhật Bản đeo thường xuyên.

Đây là thời kỳ hoàng kim của các tập đoàn Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản dựa vào thị trường có sự định hướng của chính phủ đã thực hiện được điều kỳ diệu với nền kinh tế sau chiến tranh và giờ đây, vào những năm cuối của thập niên 70 của thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản này đang chinh phục thị trường thế giới trong ngành thép, dệt may và điện tử tiêu dùng. Có thể gọi đó là chủ nghĩa tư bản mang những đặc trưng Nhật Bản. Những điểm đặc trưng này bao gồm chế độ việc làm trọn đời dành cho một lực lượng lớn những nhân viên “bình thường”; về phía nhân viên, họ cực kỳ trung thành với công ty, những người này coi bản thân là một phần của một gia đình công ty và họ gần như không bao giờ tính đến việc thay đổi chủ lao động; các công đoàn doanh nghiệp phổ biến hơn công đoàn toàn ngành; và việc bảo vệ thị trường nội địa khỏi nhập khẩu bằng nhiều biện pháp. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có một cơ cấu bị chi phối bởi những bán cácten của các công ty liên kết chặt chẽ với nhau, được biết đến là keiretsu; mô hình giao hàng đúng thời điểm[1]kaizen (cải tiến liên tục); kiểm soát chất lượng sáu sigma (six sigma)[2]; mục tiêu phát triển và hỗ trợ phát triển của chính phủ cho cái gọi là những ngành chiến lược (máy móc, thiết bị bán dẫn, máy tính, thép,…); và chính sách giữ cho đồng yên được định giá thấp so với đồng đôla như một cách gián tiếp trợ cấp xuất khẩu và đánh thuế nhập khẩu.

Ban đầu là một nhà tư vấn chủ yếu cho các công ty nước ngoài cố gắng thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, và sau đó là giám đốc điều hành chi nhánh tại Nhật Bản của hãng sản xuất thiết bị y tế Hoa Kỳ, tôi đã biết được hệ thống này hoạt động không chỉ nhờ kinh nghiệm cay đắng qua những cú va vấp thực tiễn, mà còn qua những lời giải thích kiên nhẫn của một vài bạn gia sư người Mỹ và Nhật Bản đầy thân thiện. Vào cuối những năm 1970, hệ thống các doanh nghiệp Nhật Bản dường như bất bại: Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã vận dụng điều này để bắt đầu tấn công các nhà sản xuất ôtô ở Detroit, trong khi các nhà sản xuất chất bán dẫn của nước này bắt đầu nhắm vào Thung lũng Silicon. Đến năm 1980, cả hai công ty chất bán dẫn của Hoa Kỳ ở Thung lũng này và các nhà sản xuất ôtô ở Detroit cùng với đại diện từ ngành thép, dệt may, công cụ máy móc, điện tử tiêu dùng và những ngành khác đã đến Washington, DC, yêu cầu Chính phủ Mỹ có động thái chống lại ý đồ “gian lận” thương mại của Nhật Bản.

Tất nhiên, đó là vào năm 1890 khi Ronald Reagan được bầu làm tổng thống, điều đó có nghĩa là một loạt các quan chức cấp cao mới sẽ nắm quyền trong Chính phủ Hoa Kỳ. Tháng 9 năm 1981, tôi đã được bổ nhiệm vào Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đầu tiên làm Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại, sau đó trở thành Quyền Trợ lý Bộ trưởng, và cuối cùng là Cố vấn cho Bộ trưởng. Ở những vị trí này, một trong những nhiệm vụ chính của tôi là giúp dẫn dắt cái mà sau này đã trở thành một loạt những cuộc đàm phán thương mại bất tận với Nhật Bản.

Thực tế, dường như luôn có những cuộc đàm phán trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế. Chất bán dẫn, tivi, ôtô, hạt hạnh nhân, gạo, thuốc lá, dịch vụ và thiết bị viễn thông, bảo hiểm, bất cứ ngành nào bạn kể tên thì chúng tôi cũng đều có một cuộc đàm phán đi đến việc hoặc mở cửa thị trường Nhật Bản hoặc để ngăn chặn ý đồ tấn công của Nhật Bản vào thị trường Hoa Kỳ. Tất cả trông rất phức tạp, và nếu bạn cố gắng tiếp thu mọi chi tiết, thì nó đúng là phức tạp như vậy. Nhưng về bản chất, nó đã cô đọng thành hai tuyên bố cạnh tranh. Những nhà đàm phán đại diện cho ngành công nghiệp của Hoa Kỳ và những nhà đàm phán đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục phàn nàn rằng Nhật Bản đã “gian lận” bằng cách không tuân theo quy định của tự do thương mại và thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản. Họ nói rằng ngành công nghiệp của Nhật Bản đã được trợ cấp và đang bán phá giá (bán dưới mức giá trung bình hoặc dưới mức giá tại thị trường quốc nội) các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong khi các thị trường quốc nội của Nhật Bản được bảo vệ giống như những lâu đài bất khả xâm phạm của thời phong kiến Yamato bằng một loạt các biện pháp. Các nhà đàm phán của Nhật Bản và những người đại diện cho ngành công nghiệp Nhật Bản đã đáp lại bằng câu nói về cơ bản là, “Các anh đang nói gì vậy? Thị trường của chúng tôi mở cửa hơn thị trường của các anh. Chúng tôi đánh thuế thấp hơn và ít hơn các anh. Vấn đề là các anh chưa cố gắng hết sức. Thật ra, các anh hầu như không cố gắng chút nào. Chất lượng sản phẩm của các anh khá tệ, quan hệ lao động thì mâu thuẫn, việc giao hàng thì luôn chậm trễ, dịch vụ thì không có và các anh còn đặt vôlăng xe ôtô ở sai bên [người Nhật Bản lái xe ở bên phải, giống như người Anh]. Các anh nên ngừng than vãn và đe dọa chúng tôi, hãy tập trung hết sức với tinh thần truyền thống “có thể làm được” của người Mỹ mà các anh luôn nhắc đến”.

Từ năm 1980 đến năm 1985, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Nhật Bản đã tăng từ 10 tỷ lên 50 tỷ đôla Mỹ, tương đương khoảng 500.000 - 800.000 việc làm bị mất đi trong thời kỳ suy thoái.

Nhiệm vụ của tôi là ngăn chặn dòng lũ đột ngột này cuốn đi nền sản xuất, công việc và công nghệ của Hoa Kỳ theo cách vẫn duy trì nguyên tắc tự do thương mại và cạnh tranh của Hoa Kỳ. Đặc biệt, nhiệm vụ của tôi là mở cửa thị trường Nhật Bản cho người Mỹ và những mặt hàng nhập khẩu và đầu tư nước ngoài khác.

Như đã nói ở trên, cuộc tranh luận này không phân thắng bại, phía Hoa Kỳ cho rằng Nhật Bản có hành vi gian lận, còn phía Nhật Bản thì cho rằng vấn đề đơn giản là các doanh nghiệp của Hoa Kỳ thiếu năng lực và là vấn đề của những người hùng của Chính phủ Hoa Kỳ (cụ thể là tôi). Thực tế, có một sự thật trong lập luận của phía Nhật Bản. Chẳng hạn, có một trường hợp phổ biến là các công ty của Hoa Kỳ thất bại về mặt chất lượng. Trong ngành ôtô, các chuyên gia phân tích chất lượng độc lập như Liên minh Người tiêu dùng luôn thấy được sự tin cậy và chất lượng của xe ôtô Nhật Bản tốt hơn so với những chiếc xe do “Ba gã khổng lồ” của Hoa Kỳ có trụ sở tại Detroit sản xuất. Tương tự, Hewlett Packard đã tạo ra một chấn động vào đầu những năm 1980 khi công ty này đưa ra một nghiên cứu so sánh chất lượng cho thấy, những chất bán dẫn của Nhật Bản có chất lượng trung bình tốt hơn so với các chất bán dẫn do các nhà sản xuất của Hoa Kỳ sản xuất.

Nhưng điều này khác xa hoàn toàn sự thật. Vì đó cũng là trường hợp mà hệ thống kỳ diệu của nền kinh tế Nhật Bản mà tôi đã biết rõ, đã được thiết kế đặc biệt để tránh sự xâm nhập của người nước ngoài và để thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu. Trong khi đúng là Nhật Bản có mức thuế nói chung thấp hơn so với mức thuế của Hoa Kỳ, nhưng nước này lại có mức thuế rất lớn đánh thẳng vào những sản phẩm chẳng hạn như gạo cho những nước mà Nhật Bản không cạnh tranh được. Thậm chí quan trọng hơn, Nhật Bản giữ đồng yên được định giá thấp so với đồng đôla và duy trì một trang web phức tạp về các thủ tục, quy định và những rào cản về cơ cấu phi thuế quan để tiếp cận thị trường. Cơ cấu keiretsu của các cổ đông và các giám đốc, trong chính những công ty liên kết, đã được xây dựng để ngăn chặn sự tiếp quản các tập đoàn Nhật Bản của những công ty nước ngoài.

Các chuỗi phân phối đã cho thấy một rào cản khó khăn khác. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, những đại lý ôtô được thành lập theo luật là những doanh nghiệp độc lập mà các nhà sản xuất ôtô không thể kiểm soát việc kinh doanh của họ. Vì thế, một đại lý có thể bán sản phẩm của hãng Ford, Honda, Volkswagen, và bất kỳ hãng nào khác có vẻ thu hút khách hàng. Cơ cấu này có nghĩa là khi các công ty ôtô Nhật Bản thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, họ không cần phải xây dựng các mạng lưới đại lý phân phối từ đầu. Họ chỉ việc tận dụng những mạng lưới đại lý của Ford, GM, và Chrysler sẵn có. Tuy nhiên, ở Nhật Bản không như vậy; những đại lý của Toyota chỉ bán sản phẩm của Toyota, và sẽ rất rắc rối cho những đại lý đi ngược lại, cố gắng phá vỡ nguyên tắc đó. Sự khác biệt về mặt cơ cấu ở hai thị trường đã khiến cho việc xuất khẩu ôtô tại thị trường Nhật Bản trở nên khó khăn hơn so với xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Tôi có thể nói tiếp, nhưng tôi dám chắc các bạn đã nắm được ý này. Nhiệm vụ mở cửa thị trường Nhật Bản mà Nhà Trắng đã giao cho các nhà đàm phán thương mại như tôi, về cơ bản có nghĩa là tái cấu trúc hệ thống kinh tế đã tạo ra điều kỳ diệu và dường như đang chinh phục tất cả những hệ thống kinh tế trước nó. Cố gắng thay đổi những điều mà tất cả người Nhật Bản đã bị thuyết phục là một hệ thống đã giành được chiến thắng không phải là trở ngại duy nhất của chúng tôi; nhiều người ở Nhật Bản chắc chắn rằng hệ thống kinh tế của họ là kết quả của nền văn hóa nước họ và do đó người Nhật Bản rất đặc biệt; các đồng nghiệp của tôi và tôi do đó đã gặp phải rất nhiều trở ngại khi chỉ trích và cố gắng thay đổi văn hóa đó. Trở ngại cuối cùng của chúng tôi là nhiều nhà kinh tế học và nhà bình luận của Hoa Kỳ đã không hiểu được bản chất và cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản và còn cho rằng vì nền kinh tế này có mức thuế thấp và vì các quan chức Nhật Bản khẳng định rằng nền kinh tế của họ là nền kinh tế thị trường - tư bản chủ nghĩa cũng giống như của Hoa Kỳ, mà thực sự là giống nền kinh tế Hoa Kỳ - chắc chắn là như vậy, với một vài yếu tố Nhật Bản kỳ quặc.

Kết quả là, nhiều nhà bình luận Nhật Bản và Hoa Kỳ đã chỉ trích chúng tôi vì nỗ lực quá mức để mở cửa một thị trường đã được mở cửa rồi. Là một người đàm phán đứng đầu, tôi đặc biệt đã bị Hobart Rowen của tờ Washington Post gọi là “kẻ bài xích Nhật Bản” và biệt danh đó đã tồn tại suốt một thời gian dài trên báo chí ở cả Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đó là một thuật ngữ rất phiền toái cho tôi vì nó mặc nhiên gắn mác cho tôi là kẻ phân biệt chủng tộc. Suy nghĩa trong chốc lát thì lẽ ra Rowen đã có thể gọi tôi là một kẻ chỉ trích Nhật Bản. Tuy nhiên sự chỉ trích ở đây là hợp pháp về mặt trí tuệ và đạo đức. “Bài xích”, mặt khác, lại mang tính cảm xúc và phi lý, đầy hận thù và với ý định gây tổn hại một cách tiêu cực. Vì nó là một từ viết tắt khá tiện, nên các nhà báo đã bàn đến thuật ngữ này một cách rất vô tư và nó đã trở nên phổ biến, nhưng về bản chất nó hoàn toàn không hợp lý và gây hiểu nhầm tai hại. Nó đã được dự tính - và đúng như dự tính - làm chệch hướng các cuộc thảo luận thương mại Hoa Kỳ - Nhật Bản, từ những chỉ trích chính đáng về Nhật Bản sang phỉ báng mang tính cá nhân.

Đây là một giai đoạn đầy đau đớn với tôi về cả mặt sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân. Về mặt công việc, trong khi tôi cùng với những nhà đàm phán khác của Hoa Kỳ đã nỗ lực đưa ra được một vài thỏa thuận như Hiệp định Chất bán dẫn và Hiệp định Viễn thông Hoa Kỳ - Nhật Bản, những hiệp định đã thực sự mở ra hai thị trường ở Nhật Bản ít nhất ở một mức độ nào đó, thì gần như mọi nỗ lực của chúng tôi dường như vô ích. Về mặt đời sống cá nhân, cực kỳ không dễ chịu chút nào khi - và gia đình tôi (đặc biệt là con trai nuôi người Nhật Bản của tôi) phải chịu đựng - các câu chuyện trên phương tiện truyền thông liên tục gọi tôi là kẻ chống lại người Nhật Bản hoặc thậm chí là kẻ chống lại người châu Á. Một số người bạn tốt ở Nhật Bản cố gắng bác bỏ những thông tin này bằng cách viết thư cho các biên tập viên của các tờ báo hàng đầu Nhật Bản, nhưng nhiệt huyết của họ không đủ để đối phó với hình ảnh tồi tệ của tôi được những bình luận trên truyền thông nuôi dưỡng.

Tôi rời khỏi chính quyền của Tổng thống Reagan vào năm 1986 và viết cuốn sách Trading Places: How America Is Giving Its Future to Japan (tạm dịch: Những đánh giá về thương mại: Cách mà Hoa Kỳ đang trao tương lai của mình vào tay Nhật Bản), trong đó tôi đã cố gắng giải thích những hiểu biết quan trọng mà tôi đã có được từ những năm làm việc ở Nhật Bản và đàm phán với Nhật Bản, rằng Nhật Bản không gian lận và tỷ lệ việc làm của Hoa Kỳ thì không giảm xuống. Thay vào đó, đơn giản là hai bên đang chơi những trò chơi khác nhau. Hoa Kỳ thì đang chơi bóng chày trong khi Nhật Bản lại đang chơi bóng đá. Nhật Bản không gian lận hay chơi bóng đá dở tệ, còn Hoa Kỳ đang chơi trò bóng chày rất tốt. Cái khó là người Mỹ vẫn hành động như thể và nhấn mạnh rằng cả hai bên đang chơi bóng chày. Vì cả hai bên không cùng chơi một trò, và vì người Mỹ (vì những lý do cả về tính chính thống của nền kinh tế và sự thuận lợi của địa chính trị) đã không chịu thừa nhận, và vì bóng đá là một trò chơi khó hơn bóng chày nên người Mỹ đã nhận về một thất bại nặng nề.

Sau khi hoàn thành cuốn Trading Places, tôi đã chuyển sang viết về những vấn đề khác như việc sáng lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, và dần tách khỏi các vấn đề về Nhật Bản. Thật vậy, thuật ngữ “đi qua Nhật Bản” (Japan passing) đã được sử dụng trong những năm 1990 để mô tả hiện tượng mọi người bỏ qua Nhật Bản trên đường đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á, bỏ qua thị trường Nhật Bản vì có thiện cảm với thị trường nào đó hấp dẫn hơn. Tôi đã trở thành một trong những “người đi qua” như thế.

Trớ trêu thay, dù bề ngoài có vẻ trái ngược, nhưng Nhật Bản đã sáng suốt lắng nghe một nhóm nhỏ “những người theo chủ nghĩa xét lại” (ngoài tôi ra, còn có Jim Fallows của Atlantic, Chalmers Johnson của Đại học California tại Berkeley và Karel van Wolferen của tờ báo Hà Lan NRC Handelsblad) những người đang kêu gọi cải cách và mở cửa tại Nhật Bản. Nhưng kết quả là làn sóng xuất khẩu và thặng dư thương mại khổng lồ của Nhật Bản lại có dấu hiệu của rắc rối nhiều hơn là thành công. Phương pháp đuổi kịp của các tập đoàn Nhật Bản để đạt được thành tựu “thần kỳ” đã có hiệu quả. Nhưng đôi khi khả năng là có kết quả tốt quá mức cần thiết. Điều thần kỳ này được dựa trên việc tiết kiệm triệt để, đầu tư nhiều vào sản xuất, tiêu dùng trong nước tương đối thấp, và thặng dư thương mại của hàng hóa được sản xuất ngày càng tăng cao. Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, việc liên tục lặp lại phương pháp này đã tạo ra đầu tư quá mức vào khả năng sản xuất dư thừa tại Nhật Bản.

Nền kinh tế nước này đã trở nên mất cân bằng nghiêm trọng. Người tiêu dùng Nhật Bản đã tụt lại xa phía sau so với người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và châu Âu khi nước này tiếp tục mở rộng khu vực sản xuất hiện đại, khổng lồ của mình trong khi bỏ qua các dịch vụ đã lỗi thời, ngày càng kém hiệu quả và những khả năng phát triển ngành kinh doanh mới.

Thặng dư thương mại lớn đã tạo áp lực cho Nhật Bản để củng cố đồng yên so với đồng đôla, và cuối cùng nước này đã thực hiện như vậy vào năm 1985. Điều này lẽ ra đã mang lại kết quả trong tái cấu trúc và tái cân bằng nền kinh tế. Nhưng Chính phủ Nhật Bản và ngành công nghiệp nước này đã cố gắng hết sức để giữ cho cỗ máy thần kỳ cũ kỹ tiếp tục hoạt động. Ngân hàng trung ương đã tung ra những khoản vay với lãi suất thấp tràn ngập thị trường và đầu tư trở nên dễ hơn bao giờ hết. Thật vậy, với những công ty lớn như Toyota trong những năm 1989-1991, chi phí sản xuất là âm. Đúng là như vậy - các thị trường đã trả tiền cho Toyota để kiếm tiền. Tất nhiên, điều đó khiến cho các nhà sản xuất dễ dàng tăng khả năng sản xuất. Thêm vào đó, khoản vay với lãi suất thấp này nhằm vào việc duy trì tính cạnh tranh của các nhà sản xuất Nhật Bản bất chấp việc đồng yên tăng cao cũng tạo ra một bong bóng khổng lồ trong bất động sản và thị trường chứng khoán. Việc vỡ bong bóng vào năm 1992 đã tạo ra hai “thập kỷ mất mát” tiếp theo, và chính giai đoạn đó đã khiến Nhật Bản lâm vào khủng hoảng như hiện nay.

Năm 2011, tôi tham gia vào một dự án so sánh một số những ngành chủ chốt của Hàn Quốc với những đối thủ cạnh tranh Nhật Bản. Trong khi đang thực hiện dự án này, tôi càng ngày càng nhận ra rằng Hàn Quốc đang đánh bại đối thủ Nhật Bản. Đầu tiên, tôi không tin điều đó. Hyundai đang lấy dần thị phần từ tay Toyota tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu? Samsung thì đang đối xử với Sony như một kẻ thấp bé nhẹ cân? Và nhìn xa hơn, Apple đang hành động như chúng ta đã từng mong Sony hành động. Samsung và Apple đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường điện thoại thông minh, nhưng không có ứng cử viên nặng ký nào của Nhật Bản. Thị phần của Sony chỉ tính trên đầu ngón tay (dưới 10%). Điều gì đang xảy ra vậy, tôi tự hỏi mình.

Để trả lời câu hỏi của mình, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian ở Nhật Bản hơn để nói chuyện với những người bạn cũ và những người mới quen trong lĩnh vực kinh doanh, chính phủ, giới học thuật, lao động, và truyền thông. Những gì tôi tìm hiểu được thật đáng lo ngại. Sự hợp tác và thông tin liên lạc trước kia giữa chính phủ và doanh nghiệp có vẻ đã gần như dừng lại. Bất chấp rất nhiều cuộc trao đổi và nỗ lực, nền kinh tế Nhật Bản không có nhiều bước tiến để trở nên tái cân bằng. Cũng có loại tinh thần kiểu “không thể làm gì được hơn” thay vì những gì tôi nhớ là tinh thần Nhật Bản lạc quan và kiên trì xa xưa được đúc kết lại trong lời kêu gọi được sử dụng rộng rãi “Gambatte!” (Cố lên!). Đặc biệt trong giới trẻ, tính bi quan hiện diện ở khắp nơi. Chính tôi cũng đã lo lắng cho tương lai của chúng, cho tương lai của con cái của những người bạn Nhật Bản của tôi và cho tương lai của đất nước đã là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi cũng đang gần tới sinh nhật tuổi 72 của mình và ngày càng ý thức được thời gian trôi qua, và thực tế là tôi đã quan sát và làm việc tại, hay làm việc cho Nhật Bản trong 50 năm. Vậy tôi có thể làm gì để cảnh báo và giúp đất nước này đảo ngược được tình thế?

Tôi đã quyết định viết cuốn sách này - về phương diện nào đó, điểm tựa thứ hai là sự gắn bó lâu dài của tôi với Nhật Bản - với hy vọng rằng kinh nghiệm của tôi có thể đưa ra một số những hiểu biết và đề xuất mà Nhật Bản có thể sử dụng để phục hồi lại sức sống vốn có trước đây. Câu chuyện này mở ra vào năm 2050, khi Nhật Bản, thật ra, là đã hoàn toàn phục hồi. Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới trong một loạt các lĩnh vực rộng lớn về công nghệ và nghệ thuật cũng như trong kinh doanh, đổi mới và năng lượng sạch. Các sinh viên trên khắp thế giới không còn muốn đến Harvard hay Standford; thay vào đó, họ muốn học ở Đại học Tokyo hoặc Đại học Kyoto. Các bệnh nhân trên khắp thế giới không còn đổ xô đến Mayo Clinic[3]; thay vào đó, họ đến Meguro Clinic tại Tokyo. Điều này rất khác biệt so với mọi thứ vào năm 2015. Tất nhiên, câu hỏi là: Điều gì đã xảy ra?

Phần còn lại của cuốn sách kể về câu chuyện “những gì đã xảy ra”. Nhưng đầu tiên nội dung phần này nhấn mạnh quan điểm rằng “những gì đã xảy ra” chính là khả năng tiềm ẩn và hoàn toàn đáng tin cậy. Dù sao thì Nhật Bản đã tự tái thiết hai lần trong hơn một thế kỷ trước - một lần trong thời kỳ Phục hưng Minh Trị năm 1868, khi Nhật Bản mở cửa do tác động của phương Tây sau nhiều thế kỷ bế quan tỏa cảng, và một lần nữa là sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nên chúng ta biết rằng Nhật Bản có khả năng thay đổi mang tính cách mạng. Họ có thể làm được điều đó. Câu hỏi bây giờ chỉ là làm cách nào để thực hiện thay đổi đó một lần nữa.

Những lần tái thiết trước đó đã diễn ra sau cuộc đại khủng hoảng. Do đó hoàn toàn hợp lý để kết luận rằng công cuộc tái thiết lần thứ ba cũng sẽ cần đến một cuộc khủng hoảng hoặc hơn thế. Khi điều đó xảy ra, Nhật Bản phải sẵn sàng đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, vấn đề này được phác họa trong Chương 2. Điều quan trọng nhất trong tương lai gần là sự đe dọa sụp đổ của nền kinh tế trong bối cảnh chính sách kinh tế Abenomics thất bại. Ngoài ra, Chương 2 cũng đưa ra một số cuộc khủng hoảng được phỏng đoán, chẳng hạn như Israel tấn công Iran và Hoa Kỳ rút Hạm Đội Bảy khỏi Nhật Bản, những cuộc khủng hoảng này là có thể tưởng tượng được, và cùng với những cuộc khủng hoảng khác sẽ dẫn đến tình trạng khẩn cấp quốc gia và lập ra Ủy ban Tái thiết quốc gia đặc biệt (gọi tắt là Ủy ban Tái thiết) đại diện cho tất cả các lĩnh vực trong xã hội và được giao nhiệm vụ tái thiết đất nước một lần nữa.

Chương 3 chuyển sang vấn đề Nhật Bản và bối cảnh quốc tế. Trong nhiều năm Nhật Bản đã trở nên quen với việc được bảo vệ dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, và nhiều người Nhật Bản không thể tưởng tượng được rằng tình hình này sẽ thay đổi. Nhưng sự thật đúng là nó sẽ như thế. Nếu quan trọng là hiểu được rằng những vấn đề chính mà Nhật Bản sẽ phải đối mặt trong bối cảnh của một thế giới, nơi mà sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ sẽ có nhiều hạn chế hơn so với từ năm 1945. Trong chương này, Hoa Kỳ thông qua chính sách rút lực lượng quân đội từ Nhật Bản cho đến chuỗi đảo thứ hai và Nhật Bản buộc phải trở thành một cường quốc địa chính trị và ngoại giao mạnh hơn rất nhiều, dù Hoa Kỳ không hoàn toàn biến mất khỏi bối cảnh này.

Chương 4 sẽ xem xét những vấn đề then chốt của Nhật Bản khi tôi nhìn ra được những vấn đề này. Vấn đề đầu tiên không phải là về kinh tế. Kinh tế, tất nhiên là vấn đề chính và ngay lập tức thấy rõ nhất, nhưng vấn đề tồn tại thực sự mà Nhật Bản đang phải đối mặt là vấn đề dân số. Đất nước này đang tàn lụi; tôi thậm chí không thể thêm trạng từ bổ nghĩa “chậm”, vì tốc độ già hóa và giảm dần dân số đang khá nhanh. Vào năm 2050, 124 triệu người Nhật Bản hôm nay có thể chỉ còn dưới 88 triệu trong 35 năm nữa. Chưa phải là quá muộn để xoay chuyển tình thế. Những nước khác như Thụy Điển và Pháp đã làm được. Nhưng chỉ trong vài năm nữa thôi nó sẽ là quá muộn. Do đó, Nhật Bản phải rất nhanh chóng thực hiện các bước mà các nước khác đã cho thấy là có hiệu quả. Điều này chủ yếu sẽ đòi hỏi sự thay đổi đáng kể vai trò của nữ giới và thái độ của nam giới cũng như các chính sách nhập cư.

Chương 5 giải quyết vấn đề Nhật Bản trở thành quốc gia sử dụng hai thứ tiếng với khả năng nói tiếng Anh tương tự như các nước Phần Lan, Ba Lan và Đức. Thoạt nhìn, điều này có thể dường như không phải là vấn đề được ưu tiên nhiều như vấn đề dân số, nhưng nó có mối quan hệ mật thiết với vấn đề dân số, mà lần lượt có ảnh hưởng lớn đến những vấn đề khác mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Nếu người Nhật Bản có thể nói tốt tiếng Anh, thì đất nước này sẽ thu hút rất nhiều nhân tài từ nước ngoài định cư lâu dài tại nước này và thậm chí, có thể, sẽ trở thành những công dân. Nhật Bản có thể dễ dàng cập nhật những phát triển mới nhất về khoa học, công nghệ, kinh doanh, tài chính và mọi lĩnh vực khác. Vì vậy, điều quan trọng là người Nhật Bản phải có khả năng tiếng Anh tốt.

Chương 6 tập trung vào sự cần thiết để Nhật Bản đẩy mạnh và trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ bằng cách giảm thiểu nguy cơ cao đi kèm với các loại hình hoạt động kinh doanh mới tại Nhật Bản. Chương 7 xem xét việc làm cách nào Nhật Bản có thể trở nên độc lập về năng lượng bằng những biện pháp phát triển nhiều nguồn năng lượng giá rẻ tiềm năng trong nước. Chương 8 gợi ý việc làm cách nào Nhật Bản có thể hiện đại hóa hệ thống và cơ cấu doanh nghiệp với việc đặc biệt nhấn mạnh vào vị thế ngang bằng và bình đẳng về đối xử dành cho tất cả người lao động, và Chương 9 tái thiết lại cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản để loại bỏ tình trạng độc quyền, những rào cản với cạnh tranh, rào cản về pháp lý và những nhóm lợi ích đầy quyền lực như các hợp tác xã nông nghiệp và các hiệp hội y tế.

Cuối cùng, Chương 10 dự đoán một Nhật Bản được phân cấp và dân chủ hóa một cách cơ bản, được tổ chức theo những mô hình liên bang như Đức và Hoa Kỳ.

Tôi hy vọng người Nhật Bản tương lai sẽ nhớ đến tôi như một người bạn, người đã đưa ra một số đề xuất nhỏ nhưng hữu ích.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng cuốn sách này được hoàn thành vào tháng 4 năm 2015, nên tất cả những sự kiện được mô tả cho đến thời điểm đó là có thật và thực sự xảy ra. Sau thời điểm đó, tất cả những sự kiện được đề cập đến hoàn toàn là dự báo và phỏng đoán của riêng tôi dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết về lịch sử và xu hướng toàn cầu.

Mời các bạn đón

may-doc-sach
thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000