Có lẽ, khoa học nghiên cứu về nhân cách và hành vi của con người là nghiên cứu thú vị nhất được thực hiện từ trước đến nay. Tại sao con người lại cư xử như thế? Tại sao bạn lại buồn chán, giận dữ, vui sướng hoặc lo âu? Những chuẩn mực về hành vi được thiết lập như thế nào và chúng thay đổi ra sao? Những kiểu hành vi kỳ quái được con người phát triển như thế nào và làm sao để xử lý chúng một cách hiệu quả?
Tâm lý nhân cách là một môn khoa học hấp dẫn, sẽ cung cấp các câu trả lời cho toàn bộ những vấn đề trên, và trong đó có một số vấn đề chúng ta sẽ được đáp ứng sớm hơn mong đợi. Kiến thức chúng ta về việc hình thành và phát triển nhân cách phần lớn dựa trên những học thuyết nhân cách trọng yếu, cũng như các công trình nghiên cứu đã được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra và mở rộng những học thuyết đó. Thông qua hệ thống học thuyết và công trình nghiên cứu – kể từ khi những quan điểm của Freud lần đầu tiên được công bố – chúng ta sẽ hiểu được nhiều hơn về nhân cách và hành vi con người.
Đối với việc nghiên cứu nhân cách, chúng tôi sẽ cung cấp một tầm nhìn thấu đáo về từng học thuyết trọng yếu, đồng thời so sánh cũng như hợp nhất các cách xử lý khác nhau. Chúng tôi chọn những học thuyết có ảnh hưởng đáng kể nhất trong lĩnh vực này và là học thuyết quan trọng nhất hiện nay, đối với hiểu biết của chúng ta về nhân cách, để thảo luận. Chúng tôi cố gắng viết về mỗi học thuyết với tầm nhìn vừa cơ bản vừa nâng cao. Việc lý giải không chỉ đơn thuần nhằm trình bày kiến thức về học thuyết nhân cách, mà cùng lúc chúng tôi còn cung cấp một tầm nhìn chính xác và toàn diện về các học thuyết, để hỗ trợ cho việc nghiên cứu sâu hơn về học thuyết cũng như những phân nhánh của nó.
Bất kể học thuyết nào, nếu trình bày chi tiết mà không chú ý đến những chủ đề có liên quan sẽ trở thành những bài tập khô cứng, lạnh lùng. Vì thế, mỗi chương của học thuyết sẽ thảo luận về lịch sử bắt nguồn của nó và về thân thế sự nghiệp của các nhà lý luận trọng yếu, xem xét nghiên cứu kết hợp với học thuyết, cung cấp sự đánh giá về cách xử lý, phân tích các áp dụng liên quan và so sánh nó với những học thuyết khác. Ví dụ, chúng ta không chỉ thảo luận thuyết Freud mà còn học cách Freud áp dụng học thuyết của ông trong việc tìm ra nguyên nhân chứng loạn thần kinh và liệu pháp phân tâm học được sử dụng như thế nào. Hơn nữa, chúng ta sẽ so sánh thuyết Freud với những thuyết khác, cả về sự tương đồng cũng như khác biệt của những ý niệm chính. Chương cuối cùng sẽ đi xa hơn bằng cách so sánh tương quan toàn diện hơn nữa về những học thuyết khác nhau.
Tuy mỗi chương học thuyết được sắp xếp tương tự nhưng không giống nhau hoàn toàn, vì chúng tôi cố gắng đi theo một trình tự sắp xếp căn bản khi trình bày mỗi phương pháp giải quyết mà không dựa vào một sườn bài cứng nhắc. Để giúp bạn hiểu, đánh giá và so sánh các học thuyết, trong Chương 1 chúng tôi cung cấp một tập hợp các hướng dẫn cần thiết về những ý niệm chính và những định đề xuất hiện trong các cách xử lý khác nhau.
Lần xuất bản này, chúng tôi cũng đi theo cách bố trí cơ bản ở bản gốc nhưng hoàn thiện hơn khi viết lại theo chiều hướng mở rộng, nâng cấp và thêm vào một số điểm mới. Để giúp bạn điểm lại những gì đã học, chúng tôi hỗ trợ cho bạn những câu hỏi dùng để thảo luận. Chúng tôi hy vọng rằng chúng sẽ kích thích và giúp bạn tăng khả năng tư duy.
Từ các lời nhận xét và phê bình của độc giả trước đây, chúng tôi hy vọng rằng với những thay đổi, bổ sung và hiệu đính mới (ngoài việc đảm bảo cho cuốn sách vẫn hoàn thành những tiêu chí mà chúng tôi đã đề ra trong bản gốc) sẽ làm cho chúng hấp dẫn hơn, với một hình thức dễ đọc hơn.
Giá trị trong tác phẩm này được tăng thêm rất nhiều qua đóng góp của một số nhân vật quan trọng. Chúng tôi đặc biệt hàm ơn những nhà lý luận mà chúng tôi đang trình bày những tác phẩm của họ. Mỗi nhà lý luận đương thời đã giúp đỡ, xem xét lại cẩn thận những chương mục về tác phẩm của chính họ (như Carl Rogers, Neal Miller, B.F Skinner, Erik Erikson, Albert Bandura, Raymond Cattell và Hans Eysenck). Từng người đã cung cấp những đề nghị cần thiết liên quan đến tầm nhìn trong tác phẩm của họ, và trong một vài trường hợp, cả những tác phẩm mới chưa được xuất bản (song đáng chú ý) cũng được đưa vào quyển sách này. Đồng thời, chúng tôi trân trọng biết ơn những nhà phê bình đã xem xét lại một vài chương và toàn quyển sách này, gồm: Tiến sĩ Dene Berman (Wright State University), Margaret E. Fitch (Hendrix College), Jesse E. Gordon (University of Michigan), Leslie Horst (San Diego State University), Rosina Lao (East Carolim University), Elaine Nocks (Furman University), John P. Lombardo (State University of Newyork at Cortland) và James Uleman (New York University). Họ đã đóng góp rất nhiều trong việc hiệu đính bản thảo và toàn bộ tác phẩm này có giá trị là nhờ sự hỗ trợ vô cùng to lớn đó. Ngoài ra, chúng tôi còn được sự giúp đỡ của vô số các đồng nghiệp, những người đã tận tình trả lời mọi câu hỏi, đọc các chương và góp ý, những sinh viên đã và chưa tốt nghiệp đã đọc, đóng góp ý kiến cho nhiều chương trong sách này. Trong suốt quá trình viết, biên tập và xuất bản cuốn sách này, chúng tôi vô cùng cảm kích nhà biên tập tâm lý học Susan Finnemore, nhà biên tập xuất bản Merrill Peterson và toàn thể nhân viên của nhà xuất bản Prentice-Hall and Matrix. Trình độ nghiệp vụ, khả năng chuyên môn và sự hợp tác nhiệt tình của họ đã khiến cho quá trình hiệu đính rất hứng thú. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ đó.
Mời các bạn đón đọc
Các Học Thuyết Về Nhân Cách của tác giả
Barry Smith & Harold Vetter.