DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Bước Vào Cửa Hiệu Nhiệm Màu

Tác giả Dr. James R. Doty
Bộ sách
Thể loại Self Help - Khởi nghiệp
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 3513
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full James R. Doty Cẩm Xuân Self Help Chữa Lành
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Đối mặt với những nỗi đau và thất bại của bản thân, Tiến sĩ James R. Doty viết nên quyển sách “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu” đầy lôi cuốn bằng tất cả trải nghiệm của ông.

Chính trong câu chuyện chân thật đó, người đọc dễ đồng cảm và tìm thấy hình ảnh của mình trong sách.

James R. Doty là giáo sư lâm sàng tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, là người sáng lập, điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lòng trắc ẩn và vị tha (CCARE) tại đại học Y Stanford. Trên nền câu chuyện y khoa, ông đặt vào trong đó là những trải nghiệm từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, xâu chuỗi nó thành những xúc cảm đầy trải nghiệm. Dù ở khía cạnh nào, tác giả cũng chia sẻ, lý giải những vấn đề cuộc sống mà bất kỳ ai cũng sẽ trải qua.

Xuyên suốt 3 phần của quyển sách, tác giả lần lượt hồi tưởng lại những giai đoạn cuộc sống của mình. Can đảm để đối diện với những vết thương, nhìn nhận sự thất bại là cách mà James R. Doty viết nên quyển sách “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu”.

“Bước vào cửa hiệu nhiệm màu” – Hành trình đi tìm ý nghĩa bản thân - 1

Nhận xét về cuốn sách, thầy Thích Nhất Hạnh đã nhấn mạnh là “sâu sắc và đẹp đẽ”, bởi vì dù trong bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời, James luôn giữ niềm hy vọng tích cực, hạnh phúc để làm kim chỉ nam trong hành trình đi tìm mục đích sống. Và ông truyền tải tinh thần đó xuyên suốt các trang sách, để người đọc thấy được ý nghĩa bản thân.

Từ một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình tầng lớp thấp ở vùng Lancaster, tuổi thơ của tác giả vẫn nuôi trong mình một ước mơ. Rồi cậu gặp gỡ bà chủ của một tiệm bán đồ ảo thuật tên Ruth, bà đã chỉ Jim một “màn ảo thuật” đặc biệt. Mà tác giả gọi trong sách là “4 bí quyết của Ruth” gồm: Thả lỏng cơ thể, Thuần hóa tâm trí, Mở rộng trái tim và Tinh lọc mục tiêu. Chính cuộc gặp gỡ đó đã tạo ra một động lực phi thường để cậu bé Jim hoàn thành ước mơ trở thành một bác sĩ Phẫu thuật Thần kinh.

Phép màu mà tác giả nói đến trong sách chính là định hình mục tiêu của bản thân, đặt suy nghĩ luôn hướng về điều đó và giữ niềm tin vào con đường của mình để đi đến đích. Não bộ sẽ luôn chọn lựa những gì quen thuộc thay vì những gì xa lạ. Bằng việc tưởng tượng ra tương lai thành công của mình, bạn đã khiến não quen thuộc với thành công này. Như cách James tôi luyện tâm trí mình trở thành một bác sĩ rất lâu trước khi nộp đơn vào trường y, đơn giản bằng cách hình dung mình là một bác sĩ.

Ai trong đời đều có mục tiêu để đi về phía trước. Nhưng nếu bản đồ cuộc sống bắt bạn trải qua nhiều thử thách thì bạn cần chiếc la bàn để định vị lại. Như tác giả phải tự xoay sở trước những sóng gió mà gia đình mang đến. Ông không ngại việc “vạch áo cho người xem lưng” khi nói về gia cảnh của mình. Nhưng tuyệt nhiên, trong những câu từ đó không hề là sự trách giận, ngược lại nó chứa đầy tình yêu thương.

Chẳng có cái gọi là cuộc đời hoàn hảo mà chúng ta sinh ra đã ở sẵn trong đó. Ngay cả khi thành công, cuộc sống cũng sẽ mang đến thách thức để “đánh giá” khả năng xử lý hoàn cảnh của chúng ta. Ai cũng đều muốn được công nhận về năng lực của mình dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng sẽ là tự mãn nếu chúng ta không giữ được thăng bằng giữa những sự nhìn nhận đó.

Tác giả không chỉ kể về những thành công mà còn đối diện với sự thất bại bởi tính kiêu ngạo của chính mình mà ông viết trong sách: “Tôi đã trở nên ngạo mạn. Phương pháp có được mọi thứ tôi muốn, kỹ thuật chuyên môn trong giải phẫu thần kinh của tôi đã khiến tôi cảm thấy mình quan trọng và đặc biệt theo một cách tôi chưa từng cảm thấy trước đây”.

Điều đó dẫn đến việc ông phải đối mặt với cái chết là lúc câu chuyện đẩy lên cao trào. Trong hành trình cận tử đó, ông như được thức tỉnh, tự nhủ rằng đây không phải là cách mà cuộc đời ông nên kết thúc. Như tác giả viết trong sách, chúng ta có thể chết đến ngàn lần trong cuộc đời này. Và đó là một trong những món quà tuyệt vời nhất của việc được sống.

Vết thương lòng vẫn thường trao cho ta cơ hội lớn lao để trưởng thành. Cuộc sống phải mất nhiều năm trời và nhiều sai lầm đau đớn trước khi chúng ta nhận ra điều đó. Như không để chúng ta mất nhiều thời gian tương tự, nên tác giả quyển “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu” đã gói gọn hết những ý nghĩa đó trong hơn 300 trang sách. Những khoảnh khắc tiêu cực nhất lại chứa đựng sự tích cực khi nó thúc đẩy nội tại chúng ta thay đổi. Và trên hết thảy những cảm xúc đẹp đẽ và mãnh liệt, tác giả dần đưa người đọc đi sâu hơn vào ý nghĩa hạnh phúc của cuộc đời.

Giống như rất nhiều thứ khác trong đời, niềm tin của chúng ta vốn là hiện thân của những trải nghiệm sống của chúng ta. Theo lý giải của tác giả, trái tim là nơi chúng ta tìm thấy sự an ủi và an toàn trong tăm tối. Nó là thứ ràng buộc chúng ta lại với nhau và là thứ tan vỡ khi chúng ta chia lìa. James R. Doty cũng khẳng định, đầu óc là sức mạnh, nhưng nó chỉ có thể đạt được thứ ta thật sự muốn nếu ta mở rộng trái tim mình trước tiên. Mà ông gọi đó là la bàn trái tim.

Chúng có thể làm tăng sự tập trung, đưa ra quyết định nhanh hơn, nhưng khi có sự khôn ngoan và mở rộng trái tim. Hành trình của chúng ta không chỉ là một hành trình đơn độc đi vào nội tâm, mà còn là hành trình hướng ngoại với sự nối kết. Cách duy nhất để thật sự thay đổi và biến chuyển cuộc đời mình theo hướng tốt đẹp hơn chính là làm thay đổi và biến chuyển cuộc đời của những người khác.

Tổng thể cuốn sách là một sự chiêm nghiệm sâu sắc, với trải nghiệm mà ai cũng sẽ đôi lần chạm phải. Tác giả tạo ra sự thân thuộc trong cách kể chuyện của mình bằng sự tinh tế, thấu cảm. Với tất cả những mảng màu đó, ông đưa người đọc tìm về ý nghĩa của hạnh phúc. Mỗi chúng ta có câu chuyện của riêng mình, trong mỗi câu chuyện ấy đều có những phân đoạn đớn đau và buồn bã. Chúng ta có thể tạo ra mọi thứ chúng ta muốn. Trao đi yêu thương luôn là điều có thể. Mỗi hành động của lòng trắc ẩn, mỗi khoảnh khắc của thấu hiểu là một món quà dành cho thế giới này và cho chính bạn. 

Về tác giả sách “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu”:

Tiến sĩ James Doty (sinh ngày 1-12-1955) là giáo sư lâm sàng tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Đại học Stanford, là người sáng lập và điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lòng trắc ẩn và vị tha (CCARE) tại đại học Y Stanford. Ông đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học tại Đại học CA, Irvine và trường Y thuộc Đại học Tulane.

Ông có nhiều đóng góp trong lĩnh vực chuyên môn và cả những hoạt động xã hội. Ông là Chủ tịch của Quỹ Dalai Lama, phó chủ tịch của tổ chức Hiến chương Nhân ái Quốc tế, thành viên của Hội đồng Tư vấn Quốc tế về Nghị trường và Tôn giáo thế giới.

Theo First News

***

Sri_Sri_Ravi_Shankar

Cuốn sách đầy sức mạnh này của bác sĩ Doty là một chứng thư về cách mà niềm tin và lòng trắc ẩn vượt lên khỏi tôn giáo, sắc tộc và quốc tịch để giúp đỡ một cá nhân vượt qua nghịch cảnh và những giới hạn riêng tư. Nó là một nguồn cảm hứng.

— Sri Sri Ravi Shankar,

nhà sáng lập và lãnh đạo tinh thần của Art of Living Foundation

Rev._Dr._Joan_Brown_Campbell

Đây là câu chuyện về đức tin vượt qua mọi ranh giới và rào cản của tôn giáo. Một câu chuyện của hy vọng trong việc đối mặt với thử thách to lớn nhất cuộc đời và câu chuyện của phép màu mở ra cánh cửa của tiềm năng và sự chữa lành. Đây là hành trình của một nhà giải phẫu thần kinh có cuộc đời ghi dấu bằng cả thành công lẫn thất bại, và lúc nào cũng được bao bọc trong cái khung lộng lẫy của hy vọng, sự tử tế và lòng trắc ẩn. Cuốn sách sẽ chạm vào trái tim, tâm hồn và tâm trí chúng ta.

— Rev. Dr. Joan Brown Campbell,

giám đốc danh dự về tôn giáo tại Học viện Chautauqua, cựu giám đốc điều hành Hội đồng Giáo hội Thế giới

Mata_Amritanandamayi

Khi một người có thể tiến hóa từ suy nghĩ đầu óc đến trái tim, người đó thực tế đã tiến tới đỉnh cao nhất của tình yêu và lòng trắc ẩn thật sự. Jim Doty nỗ lực một cách chân thành đưa người đọc vào chuyến hành trình từ lãnh địa bị giới hạn của đầu óc đến địa hạt không giới hạn của trái tim, nơi mà lòng trắc ẩn thực thụ đang cư ngụ. Khả năng đặt bản thân vào vị thế của người khác, để nhìn và cảm nhận như chính người đó là một thiên khiếu hiếm có của một nhà khám phá tâm linh. Mong cuốn sách này trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người.

— Thánh mẫu Mata Amritanandamayi (Amma)

Scott_Kriens

Phép màu từ câu chuyện của Jim, sự thấu suốt mà anh dùng để chia sẻ cuộc đời anh với chúng ta, là một món quà vĩ đại và là thứ mà tôi sẽ khuyến khích tất cả mọi người đón nhận bằng vòng tay rộng mở. Ngôn từ của anh, thuật nhớ của anh – CDEFGHIJKL – xứng đáng nhận được sự chú ý, sự chú tâm toàn diện của chúng ta, và phần thưởng cho điều đó là khám phá ra sức mạnh của việc khai mở trái tim con người với nhau và với thế giới.

— Scott Kriens,

đồng giám đốc của tổ chức 1440 và chủ nhiệm của Juniper Networks

Neal_Rogin

Sự thật là cuốn sách của Jim Doty không nằm trong danh sách đọc của tôi. Rồi, bằng một sự ngẫu nhiên mà tôi đã đọc lướt qua trang đầu của cuốn sách. Tôi lập tức bị cuốn hút bởi sự thật lòng, sự chân thành không phòng vệ trong cách anh chia sẻ một câu chuyện đầy ắp tình người vô cùng hấp dẫn và sâu sắc. Anh ấy dẫn dắt chúng ta đi qua một hành trình đầy mê hoặc, từ một tuổi thơ khốn khó đến đỉnh cao của thành tựu. Đây là một câu chuyện phong phú những cảm hứng, hiểu biết và bài học cuộc đời khiến tôi ước gì nó đừng bao giờ kết thúc. Có thể nào đọc về cuộc đời một người nào đó lại có thể làm thay đổi cuộc đời của chính bạn? Hãy bước vào cửa hiệu nhiệm màu cùng với Jim Doty và bạn sẽ tìm thấy câu trả lời.

— Neal Rogin,

nhà văn, nhà làm phim từng đoạt giải Emmy,

thành viên hội đồng sáng lập Pachamama Alliance

Cuốn sách này là lời chứng nhận đầy sức mạnh về việc khi chúng ta lựa chọn lòng trắc ẩn như là một phần định nghĩa về con người mình thì phép màu sẽ thật sự bắt đầu hiện ra trong đời ta ra sao. Một cuốn sách truyền cảm hứng bậc nhất nâng đỡ tinh thần chúng ta, khai mở trái tim ta trong thời điểm mà quá nhiều những thứ chúng ta nghe và đọc được dường như chỉ khiến ta thêm tuyệt vọng về nhân loại. Bất kỳ ai đọc cuốn sách này đều sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.

— Thupten Jinpa, tiến sĩ, tác giả cuốn A Fearless Heart

***

Giới thiệu
Những điều tốt đẹp

Có một âm thanh đặc thù được tạo ra khi lớp da đầu được kéo toạc ra khỏi hộp sọ – như âm thanh của một miếng băng gai cỡ lớn khi giật ra khỏi mặt bông. Thanh âm ấy vang lớn, giận dữ và có chút đau buồn. Ở trường Y, không có những lớp học dạy ta những âm thanh và mùi của một cuộc phẫu thuật não. Họ nên mở những lớp như vậy. Tiếng rè rè của mũi khoan nặng trịch khi nó bắt đầu khoan xuyên qua hộp sọ. Cái cưa xương tẩm cả căn phòng phẫu thuật với một thứ mùi của mùn cưa ngày hè, khi nó cắt một đường nối liền những cái lỗ mà mũi khoan vừa tạo ra. Tiếng lép bép khiên cưỡng mà hộp sọ tạo ra khi nó bị nhấc ra khỏi lớp màng cứng[1], lớp bao dày bọc lấy não bộ và phụng sự như một phòng tuyến cuối cùng bảo vệ não bộ khỏi thế giới bên ngoài. Cây kéo chầm chậm cắt qua lớp màng cứng. Khi bộ não phơi bày ra, ta có thể thấy nó phập phồng theo từng nhịp tim, và thỉnh thoảng ta dường như có nghe thấy nó rên rỉ phản kháng trong trạng thái trần trụi và dễ tổn thương của mình – bí mật của nó bị phơi bày cho tất cả dưới ánh đèn chói mắt của phòng mổ.

Cậu bé trông bé nhỏ trong bộ đồ bệnh nhân và gần như bị chiếc giường bệnh nuốt chửng trong lúc cậu nằm chờ phẫu thuật.

– Bà ngoại đã cầu nguyện cho mẹ. Và bà cũng cầu nguyện cho con nữa.

Tôi nghe tiếng hít vào thở ra nặng nhọc của mẹ đứa trẻ khi cô nói những lời này, và tôi biết cô đang cố gắng tỏ ra mạnh mẽ vì con trai mình. Vì chính cô. Và thậm chí có lẽ vì cả tôi nữa. Tôi luồn tay mình vuốt tóc cậu bé. Mái tóc nâu, dài và khỏe – vẫn mang dáng dấp của một đứa trẻ hơn là một chàng trai. Cậu bé nói với tôi cậu vừa trải qua sinh nhật của mình.

– Con có cần bác giải thích lần nữa những gì sẽ xảy ra hôm nay không, nhà vô địch? Hay là con đã sẵn sàng rồi? – Cậu bé thích được gọi là Nhà vô địch, hoặc là Anh bạn.

– Con sẽ đi ngủ. Và bác sẽ lấy thứ Xấu xí ra khỏi đầu con, đầu con không còn đau nữa. Rồi con sẽ gặp lại mẹ và bà ngoại.

Thứ Xấu xí ấy là một khối u nguyên bào tủy[2], loại u não ác tính thường gặp nhất ở trẻ em, khối u nằm ở hố sọ sau (phần đáy sọ). Medulloblastoma, u nguyên bào tủy, không phải là một từ dễ phát âm ngay cả với người lớn, càng khó hơn với một đứa trẻ bốn tuổi, cho dù nó có thông minh đến mấy. Những khối u não ở trẻ em vốn thật sự là thứ vô cùng xấu xí, vì vậy tôi hoàn toàn tán thành cách gọi của cậu bé. Những khối u nguyên bào tủy không có hình dạng nhất định và thường xuyên là kẻ xâm lấn lố bịch vào những cấu tạo cân đối tinh tế của não bộ. Chúng xuất hiện ở hai thùy tiểu não và rồi lớn dần lên, cuối cùng chúng sẽ chèn ép lên, không chỉ vùng tiểu não, mà còn lên thân não cho đến khi nó dứt khoát chặn đứng mọi đường dẫn cho phép chất lỏng trong não tuần hoàn. Não bộ là một trong những tạo tác đẹp đẽ nhất tôi từng thấy. Khám phá bí ẩn của nó và tìm cách chữa lành nó là một đặc ân mà tôi chưa bao giờ dám xem nhẹ.

– Bác thấy con đã sẵn sàng rồi. Giờ bác sẽ đeo chiếc mặt nạ siêu anh hùng của mình và bác sẽ gặp lại con trong căn phòng ánh sáng nhé.

Cậu bé mỉm cười với tôi. Khẩu trang và phòng phẫu thuật có thể nghe hơi đáng sợ. Hôm nay tôi gọi chúng là mặt nạ siêu anh hùng và phòng ánh sáng, như thế cậu bé sẽ không cảm thấy sợ hãi nữa. Tâm trí là một thứ thú vị, nhưng tôi sẽ không đi giải thích ngữ nghĩa học với một cậu bé bốn tuổi. Một số trong những bệnh nhân và những người khôn ngoan nhất tôi từng gặp đều là trẻ em. Trái tim trẻ em là những trái tim rộng mở. Lũ trẻ sẽ nói với bạn điều gì khiến chúng sợ hãi, điều gì khiến chúng vui vẻ, hay điều chúng thích và không thích ở bạn là gì. Không có bất kỳ sự che giấu nào và bạn không bao giờ phải đoán xem chúng thật sự cảm thấy thế nào. Tôi quay lại phía mẹ và bà ngoại của cậu bé.

– Một người trong tổ phẫu thuật của chúng tôi sẽ cập nhật tình hình cho các vị trong lúc chúng tôi tiến hành ca mổ. Tôi dự tính đây sẽ là một lần cắt bỏ triệt để. Và tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ biến chứng nào. – Đây không chỉ là những lời động viên trước phẫu thuật để nói với người nhà bệnh nhân những gì họ muốn nghe, dự định của tôi là thực hiện một cuộc phẫu thuật triệt để và hiệu quả để cắt bỏ toàn bộ khối u, đồng thời gửi một mẫu nhỏ của khối u đến phòng thí nghiệm để xem thứ Xấu xí ấy rốt cuộc xấu xí đến đâu.

Tôi biết mẹ lẫn bà ngoại cậu bé đều đang lo sợ. Tôi lần lượt nắm lấy tay từng người, cố gắng đảm bảo với họ và xoa dịu họ. Việc này chẳng bao giờ dễ dàng. Một cơn đau đầu buổi sáng của đứa con bé bỏng đã trở thành cơn ác mộng tồi tệ của mọi bậc làm cha mẹ. Người mẹ tin tưởng tôi. Người bà tin vào Chúa Trời. Tôi thì tin tưởng đội ngũ của mình.

Cùng nhau, chúng tôi sẽ nỗ lực cứu lấy mạng sống của đứa trẻ này.

SAU QUÁ TRÌNH GÂY MÊ, tôi đặt đầu cậu bé vào một cái khung gắn với sọ của cậu, và sau đó đặt cậu nằm sấp xuống. Tôi lấy cái tông đơ cắt tóc ra. Mặc dù y tá thường là người chuẩn bị các khâu tiền phẫu thuật, nhưng tôi vẫn muốn tự mình cạo tóc cho đứa trẻ. Với tôi, việc này tựa như một nghi thức. Và trong lúc chậm rãi cạo mái tóc, tôi nghĩ về đứa trẻ bé bỏng thông minh này và điểm qua từng chi tiết của ca phẫu thuật trong đầu mình. Tôi cắt nhúm tóc đầu tiên và đưa nó cho người truyền tin để bỏ vào một cái túi nhỏ giao lại cho người mẹ. Đây là lần cắt tóc đầu tiên của cậu bé, trong khi đó là điều cuối cùng mà người mẹ bận tâm lúc này, tôi vẫn biết nó sẽ quan trọng với cô ấy về sau. Đó là một cột mốc mà ta sẽ muốn ghi nhớ. Lần đầu tiên cắt tóc. Lần đầu tiên nhổ răng. Ngày đầu tiên đi học. Lần đầu tiên đi xe đạp. Nhưng lần đầu tiên phẫu thuật não chưa bao giờ nằm trong danh sách này.

Tôi nhẹ nhàng cắt từng lọn tóc nâu sáng khỏe mạnh, hy vọng bệnh nhân nhỏ tuổi của tôi rồi có thể trải nghiệm được mỗi một trải nghiệm đầu tiên kia. Trong tâm trí mình, tôi có thể hình dung cậu bé tươi cười với hàm răng trống mất chiếc răng cửa. Tôi hình dung cậu bé bước vào nhà trẻ với chiếc ba lô to tướng bằng cả thân người quàng trên vai. Tôi thấy cậu đạp xe đạp lần đầu tiên – sự rộn ràng của tự do lần đầu tiên ấy, luống cuống nhấn bàn đạp với từng làn gió lùa qua mái tóc. Tôi nghĩ về những đứa con của mình trong lúc tiếp tục cạo đi mái tóc của cậu bé. Hình ảnh và cảnh tượng về tất cả những lần đầu tiên của cậu bé trong tâm trí tôi rõ ràng đến mức tôi không thể tưởng tượng đến bất kỳ kết quả nào khác. Tôi không muốn nhìn thấy tương lai của những lần ra vào bệnh viện và những đợt điều trị ung thư, những lần phẫu thuật bổ sung khác. Là một người sống sót từ chứng u não ở trẻ em, cậu bé sẽ luôn luôn cần được theo dõi, nhưng tôi từ chối nhìn thấy hình ảnh cậu trong tương lai như những gì cậu đã trải qua trong quá khứ. Những trận buồn nôn và ói mửa. Những lần té ngã. Những lần bật dậy vào sáng sớm hét tìm mẹ bởi vì thứ Xấu xí lại chèn ép trong não của cậu gây đau đớn. Cuộc đời đã có đủ đớn đau nên không cần thêm điều này vào nữa. Tôi tiếp tục nhẹ nhàng xén phần tóc của cậu bé chỉ vừa đủ để tiến hành công việc của mình. Tôi điểm hai chấm ở phần đáy sọ, nơi chúng tôi sẽ rạch đường dao mổ và rồi tôi vẽ một đường thẳng nối chúng lại.

Phẫu thuật não vốn đã khó, mà phẫu thuật vùng hố sọ sau còn khó hơn, và phẫu thuật hố sọ sau của một đứa trẻ thì lại cực kỳ khó. Khối u rất lớn. Việc phẫu thuật cần tiến hành cẩn thận, chậm rãi và tỉ mỉ. Đôi mắt phải nhìn qua kính hiển vi hàng giờ liền để tập trung vào một thứ duy nhất. Là một bác sĩ phẫu thuật, chúng tôi được rèn luyện phải dập tắt mọi phản ứng thể lý trong quá trình phẫu thuật. Chúng tôi không đi vệ sinh. Chúng tôi cũng không ăn. Chúng tôi đã được rèn luyện để lờ đi khi lưng bị đau hay bị co cơ. Tôi nhớ lần đầu tiên bước vào phòng mổ, trợ phẫu cho một nhà giải phẫu học nổi tiếng không chỉ vì tài năng mà còn bởi tính hiếu chiến, kiêu căng, tự phụ trong lúc làm phẫu thuật. Tôi đã khiếp sợ và căng thẳng, và khi tôi đứng cạnh ông trong phòng phẫu thuật, mồ hôi bắt đầu túa ra khắp mặt tôi. Tôi hít thở nặng nề sau lớp khẩu trang và cặp kính trên mắt tôi bắt đầu mờ hơi nước. Tôi không thể nhìn rõ các dụng cụ, hay thậm chí là phạm vi tiến hành phẫu thuật. Tôi đã làm việc vô cùng chăm chỉ, đã vượt qua rất nhiều thứ và giờ tôi đứng đây, tham gia một ca phẫu thuật như tôi hằng mơ ước, vậy mà tôi lại chẳng nhìn thấy gì cả. Rồi một chuyện không thể hình dung nổi đã xảy ra. Một giọt mồ hôi lăn khỏi mặt tôi và rơi xuống khu vực vô trùng. Vậy là ông ấy nổi điên lên. Ca mổ lẽ ra là một điểm sáng của đời tôi, lần đầu tiên tôi thực hành phẫu thuật, nhưng thay vào đó, tôi đã làm ô uế khu vực vô trùng và nói ngắn gọn là bị tống ra khỏi phòng mổ. Một trải nghiệm mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Hôm nay, vầng trán của tôi khô ráo và thị lực rõ ràng. Mạch đập của tôi chậm và ổn định. Kinh nghiệm tạo ra sự khác biệt, và trong phòng phẫu thuật của tôi, tôi không phải là kẻ độc tài hay một kẻ hiếu chiến ngạo mạn. Mỗi thành viên trong tổ phẫu thuật đều đáng quý và cần thiết. Tất cả đều tập trung vào nhiệm vụ của mình. Bác sĩ gây mê sẽ theo dõi huyết áp và lượng oxy trong máu của cậu bé, mức độ ý thức cũng như nhịp tim của cậu. Y tá phòng mổ sẽ liên tục giám sát dụng cụ và vật dụng tiếp tế, đảm bảo mọi thứ tôi cần đều nằm trong tầm tay. Một chiếc túi lớn được gắn vào tấm trải giường, treo phía dưới đầu cậu bé để hứng máu và dịch rửa. Chiếc túi được nối với một cái ống đến một máy hút lớn và sẽ không ngừng đo lường lượng chất lỏng để chúng tôi luôn biết được đã mất đi bao nhiêu máu.

Phụ mổ cho tôi là một sinh viên nội trú năm cuối đang trong kỳ thực tập và là thành viên mới của tổ, nhưng cậu ta cũng hoàn toàn tập trung giống như tôi vào những mạch máu, mô não và những tiểu tiết trong việc loại bỏ khối u. Chúng tôi chẳng thể nghĩ gì về những kế hoạch ngày mai, những chính sách của bệnh viện, những đứa con của chúng tôi hay những mối quan hệ gia đình trắc trở. Công việc này đòi hỏi sự cảnh giác cao độ, tập trung tuyệt đối vào một điểm duy nhất, giống như thiền định vậy. Chúng tôi đã rèn luyện tâm trí của mình, và tâm trí đã rèn luyện cơ thể. Sẽ là một dòng chảy, một giai điệu tuyệt vời khi bạn có một đội ngũ hoàn hảo mà tất cả mọi người đồng bộ với nhau. Tâm trí và cơ thể chúng tôi vận hành cùng nhau như một thể thống nhất.

Tôi đang loại bỏ phần cuối cùng của khối u, phần gắn với một trong những tĩnh mạch quan trọng nhất trong bộ não. Hệ thống tĩnh mạch ở hố sọ sau cực kỳ phức tạp, và phụ mổ của tôi tiến hành hút dịch trong lúc tôi cắt bỏ từng chút tàn dư sau cùng còn lại của khối u. Cậu ấy đã để tâm trí mình lơ đãng trong đúng một giây, và trong một giây đó, ống hút của cậu đã làm rách tĩnh mạch; và trong một khắc, mọi thứ đều ngừng lại.

Rồi những điều kinh khủng ập đến!

Máu từ tĩnh mạch bị rách kia tràn vào khoang phẫu thuật và bắt đầu lan khắp vết thương trên đầu đứa trẻ đẹp đẽ này. Bác sĩ gây mê bắt đầu hét lên rằng huyết áp của cậu bé đang tuột rất nhanh và lượng máu mất đi là không thể kiểm soát. Tôi cần kẹp chặt tĩnh mạch lại và ngăn máu chảy nhưng tĩnh mạch đã chìm vào cái hố đầy máu và tôi không thể nhìn thấy nó. Chỉ riêng chiếc máy hút của tôi thì không thể kiểm soát được lượng máu chảy, và đôi tay cậu phụ tá run rẩy đến nỗi chẳng thể giúp được gì.

– Thằng bé ngừng tim, ngừng thở rồi! – Bác sĩ gây mê hét lên. Anh ta phải bò xuống gầm bàn mổ bởi đầu của đứa trẻ bị khóa chặt vào cái khung, theo thế nằm sấp, với phần sau đầu mở toang. Bác sĩ gây mê bắt đầu ép vào ngực cậu bé trong lúc tay còn lại giữ phần lưng của cậu, tận sức cố gắng làm tim cậu bé đập trở lại. Chất lỏng sắp tràn vào những tĩnh mạch chủ. Chức năng cơ bản và quan trọng nhất của tim là bơm máu, và cái bơm diệu kỳ giúp cho mọi thứ trên cơ thể vận hành này đã dừng lại. Đứa trẻ bốn tuổi này đang chảy máu đến chết trên bàn mổ ngay trước mắt tôi. Trong lúc bác sĩ gây mê ấn vào ngực cậu bé, thì vết thương tiếp tục ngập trong máu. Chúng tôi phải cầm được máu, hoặc là đứa trẻ sẽ chết. Não tiêu thụ 15% lượng máu bơm từ tim và chỉ có thể sống sót vài phút sau khi tim ngừng đập. Não cần máu, và quan trọng hơn, nó cần oxy có trong máu. Thời gian của chúng tôi đang cạn dần trước khi cậu bé chết não – chúng cần có nhau – bộ não và trái tim.

Tôi cố gắng kẹp tĩnh mạch lại, nhưng không cách gì thấy được mạch máu qua vũng máu này. Mặc dù đầu cậu bé được cố định nguyên vị trí, nhưng những lần ép ngực vẫn làm nó di chuyển rất nhẹ từng chút một. Cả đội biết và tôi cũng biết rằng chúng tôi không còn nhiều thời gian. Bác sĩ gây mê ngước lên nhìn tôi và tôi nhìn thấy nỗi sợ trong mắt anh. Chúng tôi có thể sẽ để mất đứa bé này. Hồi sức tim phổi (CPR) giống như khởi động ly hợp một chiếc xe ô tô đang sang số hai vậy, hoàn toàn không chắc chắn, đặc biệt khi chúng tôi đang không ngừng để bị mất máu như thế này.

Máu tiếp tục chảy tràn trong phần đầu đang hở của đứa trẻ. Tôi đang làm việc trong trạng thái mò mẫm và tôi chẳng thể làm được gì để ngăn máu chảy. Tôi nhìn vào máy đo nhịp tim và vẫn chẳng có nhịp tim nào cả. Trong khoảnh khắc đó, tôi mở rộng trái tim mình để có thể vượt lên mọi lý lẽ, mọi kỹ năng, và tôi làm theo những gì tôi được dạy cách đây hàng thập kỷ, không phải trong trường nội trú, không phải trong trường Y, mà ở trong một căn phòng phía sau một cửa hiệu ảo thuật bé nhỏ trong vùng hoang mạc California.

Tôi thả lỏng tâm trí.

Tôi thư giãn cơ thể.

Tôi hình dung ra mạch máu đã bị chìm vào vũng máu kia. Tôi nhìn thấy nó bằng đôi mắt tâm trí, đôi mắt được lắp vào đường đi trong hệ mạch máu của đứa trẻ này. Tôi tiến lên trong trạng thái mò mẫm nhưng hiểu được rằng cuộc sống có nhiều hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy, và mỗi chúng ta có khả năng làm những điều phi thường vượt xa những gì chúng ta nghĩ. Chúng ta làm chủ chính vận mệnh của mình, và tôi không chấp nhận đứa trẻ bốn tuổi này phải đi đến cái chết trên bàn mổ ngày hôm nay.

Tôi với tay xuống vũng máu với một cái kẹp, kẹp lại, rồi chậm chậm rút tay ra.

Máu ngừng chảy, và rồi, như từ chốn xa xôi nào đó, tôi nghe thấy tiếng tích tắc rất chậm của máy đo nhịp tim. Lúc đầu rất yếu ớt. Không đều. Nhưng rồi nó nhanh chóng trở nên mạnh mẽ và đều đặn hơn, y như mọi trái tim vẫn đập khi nó bắt đầu đến với sự sống.

Tôi cảm thấy nhịp tim của mình bắt đầu khớp với nhịp tim trên máy.

Sau đó, với tư cách là bác sĩ phẫu thuật, tôi sẽ trao cho người mẹ những gì còn lại sau lần cắt tóc đầu tiên của cậu bé, và anh bạn nhỏ của tôi sẽ thoát khỏi trạng thái bị gây mê, trở thành người sống sót. Cậu bé sẽ hoàn toàn bình thường. Trong vòng bốn mươi tám tiếng sau đó, cậu sẽ nói chuyện lại được và thậm chí có thể cười, tôi có thể nói với cậu rằng thứ Xấu xí đã không còn nữa rồi.

Mời các bạn mượn đọc sách Bước Vào Cửa Hiệu Nhiệm Màu của tác giả Dr. James R. Doty & Cẩm Xuân (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000