Bốn Mùa - Lịch Thiên Nhiên |
|
Tác giả | Mikhail Prisvin |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 3693 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Mikhail Prisvin Thiên Nhiên Tiểu Thuyết Văn học Nga Văn học phương Tây |
Nguồn | tve-4u.org |
Mikhail Mikhailôvich Prisvin (1873—1954), nhà văn Liên—xô nổi tiếng, sinh tại thị trấn Eletxơ cổ kính của nước Nga. Ông đã sống nửa đời người trong điều kiện của nước Nga Sa hoàng cũ. Những tác phẩm đầu tay của ông thuộc vào thời kỳ này — ông bắt đầu viết từ năm 1906. Nhưng thời kỳ hưng thịnh sức sáng tác của nhà văn đã diễn ra trong những năm chính quyền xô—viết, trong một nước đang được cuộc cách mạng tái sinh.
Prisvin là một người có số phận phức tạp và thú vị. Là tổ viên của những tiểu tổ cách mạng đầu tiên trong nước Nga chuyên chế, nhà nông học về mặt học vấn, hội viên Hội địa lý toàn Nga, nhà nhân chủng học, nhà vật hậu học, người đi săn say sưa và nhà du lịch, ông đã trở thành nhà văn nổi tiếng, đã viết được vài chục cuốn sách đủ loại (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện cổ tích, truyện ký, ký sự, v. v.). Prisvin đã nồng nhiệt đáp lại những giọng nói muôn hình vạn trạng của cuộc sống. Dường như nhà văn muốn được tham gia vào tất cả những công việc đang tiến hành trong Tổ quốc thân yêu, và không chỉ là tham gia, mà còn muốn với đôi chân của mình đi qua khắp hàng nghìn cây số đường sá, rừng núi và cánh đồng của Tổ quốc, với đôi tay của mình sờ mó, vuốt ve những cành lá mềm mại cả của cây bạch dương vùng trung bộ nước Nga lẫn của cây bá hương vùng Xibêri. Nhưng đời sống con người quá ngắn ngủi, dù số phận có hào hiệp, rộng lòng kéo dài ra chăng nữa, như đối với Prisvin — nhà văn từ trần hưởng thọ trên tám mươi mốt tuổi. Đời sống của con người quá ngắn ngủi, và vì thế mỗi người sinh ra trên đời này phải chọn cho mình cái gì là chủ yếu nhất.
Đối với Prisvin cái chủ yếu nhất là Thơ. Ông không bao giờ làm thơ. Trái lại, tất cả những cái gì ông đã viết ra, thì đó là văn xuôi «thông thường› nhất. Ông rất thích sự chính xác. Ông không bao giờ bị cám dỗ bởi sự bịa đặt, mà muốn kể lại cho bạn đọc của mình sự thật rất bình dị. Nhưng «sự thật rất bình dị› ấy trong các tác phẩm của Prisvin thực ra hết sức tinh vi, rất phức tạp và nên thơ cao độ, vì Prisvin viết về một trong những mặt phức tạp nhất và nên thơ nhất của cuộc sống — viết về thiên nhiên.
Prisvin đã dành trên năm mươi năm hoạt động sáng tác của ông vào việc nghiên cứu, mô tả và ca ngợi thiên nhiên. Là một người biết rất rõ về phong cảnh miền bắc nước Nga, Prisvin đã viết nhiều sách, và mỗi cuốn dường như là bài ca hùng tráng về đất đai Nga thân yêu của ông. Cả Lịch thiên nhiên, cả Nước nhỏ giọt trong rừng, cả Kho mặt trời, Nhân sâm, Bốn mùa, Rừng thông cao vút, và cả những sách khác của nhà văn đều như thế cả. Những tác phẩm của Prisvin được xuất bản hàng triệu bản, cho đến nay đã và đang được nổi tiếng rất rộng rãi. Bạn đọc của Prisvin rất đông đảo và đa dạng. Những người thuộc các nghề nghiệp, các khuynh hướng, các trạc tuổi rất khác nhau đã đánh giá Prisvin là một nhà thơ chân chính của đất nước mình.
Trong cuốn sách này, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc Việt Nam hai tác phẩm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Prisvin— Bốn mùa và Lịch thiên nhiên. Hai tác phẩm ấy là một loạt chuyện kể về thiên nhiên Nga, không có một chủ đề nhất định. Đúng hơn đó là những nét phác họa diễn đạt rất hình ảnh, những bức tranh truyền cảm, có khi là những cảnh rất nhỏ — chỉ trong vài câu, — những quan sát trực tiếp của nhà vật hậu học nghiệp dư, của nhà tự nhiên. Mùa xuân, Mùa hè, Mùa thu, Mùa đông — nhà văn đã gọi tên các chương trong hai tác phẩm của mình như thế.
Không ai có thể kể lại như Prisvin về vẻ đẹp tuyệt vời của ngày hè nóng bức, về tiếng reo vui tươi của con suối rừng, về câu chuyện bí ẩn của đàn gà lôi non, về những mạng nhện hạ xuống trên cánh đồng, những lá vàng mùa thu kêu sột soạt dưới chân người đi săn, những giọt mưa lấp lánh sa xuống đất. Vẻ hùng vĩ của rừng núi Nga mùa thu, những đường viền đăng ten của nàng mỹ nữ mùa đông, vẻ kiều diễm của đất đai đã thức dậy trong mùa xuân, vẻ tươi sáng trang trọng của bầu trời hè trong vắt — đây chính là Thơ ca chân chính rất gần gũi và dễ hiểu đối với trái tim của nhà văn. Bí mật của sức hấp dẫn lạ thường của Prisvin chính là ở cái nhìn tinh vi của ông, ở niềm vui không bờ bến của những phát hiện thường xuyên của ông. Trong mỗi chi tiết nhỏ nhặt, Prisvin tìm thấy được điều thú vị và quan trọng. Trong mỗi ngọn cỏ, trong mỗi lá cây, nhà văn thấy được nội dung sâu sắc của cuộc sống trên trái đất, và kể lại một cách rất hay đến nỗi bạn đọc cảm thấy thế giới quen thuộc của thiên nhiên chung quanh dường như sống lại và tràn đầy âm thanh.
Ngôn ngữ của Prisvin rất bình dân. Nhưng chính trong tính chất bình dân đó có cả một sự chính xác kỳ lạ lẫn tính muôn màu muôn vẻ. Thật đúng là Prisvin đã dùng ngôn ngữ để vẽ, chẳng khác gì họa sĩ sử dụng cây bút lông. Văn xuôi của ông lấp lánh muôn nghìn màu sắc của chính thiên nhiên, chan chứa thanh tươi và ánh sáng. Prisvin trân trọng quý báu vốn tiếng Nga nhịp nhàng, du dương, như trân trọng quý báu tính chất nên thơ của đất đai Nga thân yêu của ông.
Những tác phẩm Bốn mùa và Lịch thiên nhiên của Prisvin đều chứa đựng một tinh thần yêu nước sâu sắc.
Những sách ấy giáo dục tình yêu vô hạn đối với đất nước, thiên nhiên và những con người của đất nước. Những con người trong hai tác phẩm ấy của Prisvin là những chủ nhân chân chính của đất nước mình. Trong đó bạn đọc sẽ thấy cả những nhà khảo cổ học, cả những nông dân ở các làng lân cận, cả những cậu bé hiếu học, cả những người đi săn say mê. Và đối với tất cả những người đó, cũng như đối với bản thân tác giả, tài nguyên thiên nhiên của đất nước họ thật là vô cùng quý báu.
Đất đai cho con người để mà sống — đó chính là tư tưởng chủ yếu của Prisvin. Một nhà văn Liên—xô nổi tiếng khác, người đồng thời của chúng ta vừa mới từ trần, Cônxtantin Pauxtôpxki, đã nói về điều đó một cách rất đúng và rất hay: Nếu như thiên nhiên có thể cảm thấy lòng biết ơn đối với con người, vì con người đã đi sâu được vào bí mật cuộc sống của nó và đã ca ngợi vẻ đẹp của nó, thì lòng biết ơn ấy trước hết phải dành cho nhà văn Mikhain Mikhailôvich Prisvin.