DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Bảy truyện ngắn trong Ánh sao trên tay có chủ đề chung về sự ưu tư trăn trở, hoài nghi, tính bứt phá mạnh mẽ của tuổi trẻ giữa cuộc sống luôn xung đột bởi lý tưởng đẹp đẽ, cao vời và thực tại dung tục, trần trụi trong bối cảnh Trung Quốc đổi mới triệt để mà vẫn giữ đa phần truyền thống văn hóa cũ.

Nhân vật khá đa dạng, ngoài anh trí thức trẻ, cô tiếp viên, ca ve, ca sĩ, kịch sĩ đến đủ thứ hạng người nhập cư từ các vùng quê xa đổ về cái rốn đô thị mong thực hiện ước vọng và hoài bão đổi đời, còn có cả những nhân vật Âu Mỹ đến từ các công ty liên doanh và các mối tình dị chủng đầy hỉ nộ ái ố.

Mô tả sinh động những vấn đề phức tạp trong xã hội Trung Quốc đương đại là ưu điểm của Khâu Hoa Đông trong tập truyện này.
***

Khâu Hoa Đông sinh năm 1969 tại Tân Cương.

Quê gốc Tây Hiệp, Hà Nam, Trung Quốc.

Năm 1988, ông tốt nghiệp cao trung, được đặc cách vào học khoa Trung văn, Đại học Vũ Hán.

Năm 1992, tốt nghiệp đại học, sau đó làm việc nhiều năm tại Báo Trung hoa Công thương Bắc Kinh.

Các tác phẩm của ông chủ yếu là truyện dài, truyện ngắn, tản văn, bình luận thơ.

Đến nay Khâu Hoa Đông đã ra mắt hơn 10 tiểu thuyết, trên 100 truyện ngắn và 1.000 bài tản văn, phê bình văn học, thơ ca. Nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, Đức, Pháp, Nhật...

Một số được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, điện ảnh và đạt được nhiều giải thưởng văn học.

Hiện là ủy viên chấp hành hội liên hiệp Thanh niên các cơ quan trực thuộc Trung ương, Ủy viên hội đồng Hội tác gia Bắc Kinh.

Tác phẩm tiêu biểu

  • Ánh sao trên tay
  • Cô ấy không còn điên nữa
  • Lưỡi dao Tây Tạng
  • Không độ yêu
  • Nàng nói tất cả đã hết
  • Sự tinh khiết của thiên sứ
  • Truyền thuyết dòng sông…

 

Giải thưởng

  • Giải Người tin tức thời báo (1955)
  • Giải tiểu thuyết “Sơn Hoa” (1996)
  • Giải tiểu thuyết người dân thành phố mới của tạp chí văn học Thượng Hải (1997)
  • Giải tác phẩm văn học xuất sắc của Văn học Thượng Hải lần thứ 7 (1998)
  • Giải Yêu người Người Nhật báo” (1999)
  • Giải “Một trong 10 nhân vật văn học nổi bật Trung Quốc năm 2000” do báo “Bắc Kinh buổi tối” bầu chọn (2000)
  • Giải xuất sắc của “Giải Văn học Vỹ Nam” tỉnh Sơn Đầu (2001)...
***

Tôi và Dương Khấp từ một thành phố nhỏ phía đông tới Bắc Kinh với dự định đây sẽ là nơi đổi đời của mình. Chúng tôi còn rất trẻ, do đó luôn tự nhủ rằng mình sẽ vượt qua được mọi thử thách. Vả lại, chúng tôi biết Bắc Kinh là một thành phố luôn xoay tròn như bánh lái, nghe nói cơ hội ở đây nhiều như những con cá nhỏ xinh xắn nằm trơ trên bãi biển sau đợt thủy triều. Chúng tôi đến đây cũng không ngoài ý muốn sẽ có được những cơ hội đó. Chúng tôi thuộc loại người như người ta thường nói là “có ước vọng và hoài bão”. Tôi và Dương Khấp ngoài ước mơ ra, thì một kinh nghiệm bẻ đôi không biết, trong túi chẳng có đồng xu nào cả. Tuy nhiên, ít ra chúng tôi cũng có lòng tự tin vào chính mình. Hai thằng con trai tuổi xuân còn mơn mởn, dự tính sẽ đem tiêu hết lòng nhiệt thành và tuổi thanh xuân của mình trong thành phố này, từ đó đổi lấy những thứ mà chúng tôi muốn có được. Lần đầu, khi hai chúng tôi đứng trên chiếc cầu vượt Tam Nguyên đồ sộ trên đường siêu tốc từ sân bay chạy vào nội thành, ngắm nhìn thành phố  mà mình sắp đến, trong lòng xuất hiện một tâm trạng rất phức tạp. Liệu chúng tôi có thể đạt được những gì đây? Thành phố rộng lớn, vô biên và thật xứng với những danh tiếng của nó. Khói bụi từ các tòa cao ốc phun ra làm xám xịt cả không trung. Thành phố vẫn phát triển và bành trướng, nó sinh sôi hệt như nấm mọc sau mưa khiến người ta kinh ngạc, sững sờ, đến nỗi phải há hốc mồm, giương to mắt. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy lo lắng và sợ hãi. E rằng mình sẽ bị cái thành phố như một chiếc máy chơi game này nuốt chửng, dễ dàng biến chúng tôi thành một thứ đồ vật cũng như những đồng xu kia, rồi nuốt gọn một cách vô tình, không thương tiếc. Tất cả mọi việc đều có thể xảy ra, không phải ai cũng có thể thành công được. Trong thành phố, đầy rẫy những cao ốc như những ngọn núi thủy tinh, mọi người đến đây đều phải thử trèo lên những ngọn núi đó. Chắc chắn sẽ có người té xuống tan xương nát thịt. Nhưng cũng có người vẫn trèo lên được, và từ trên cao, họ tiến sâu vào những cao ốc thủy tinh đó. Thành phố đón lấy họ và chấp nhận họ. Đến lượt họ lại bình tâm và thanh thản đứng bên cửa sổ kiếng, thưởng thức những người khác đang trèo ở ngoài kia, hoặc ngắm nhìn những đường cong rơi ngoạn mục khi có kẻ trượt té xuống dưới.

Chúng tôi ngồi trên xe chạy từ đường Trường An ra ngoài cổng Kiến Quốc. Những tòa cao ốc hùng vĩ: khách sạn quốc tế, cao ốc Hải Quan, khách sạn Khải Thái, cao ốc quốc tế, nhà hàng Trường Phúc Cung, chợ Quí Hữu, Trung tâm mua sắm, Nhà hàng khách sạn Trung Quốc… cứ từng cảnh, từng cảnh đập vào mắt chúng tôi. Chiếc xe lại rẽ qua đường cao tốc Đông Tam Hoàn. Tòa nhà Trung tâm Kinh Quảng cao nhất kinh thành giống như một lăng kính khổng lồ màu xanh có ba mặt. Rồi thì khách sạn Trường Thành, khách sạn Côn Luân, cao ốc Kinh Thành, cao ốc Phát Triển, khách sạn Ngư Dương, cao ốc Lương Mã Hà, trung tâm mua sắm Yangsa, cao ốc Kinh Tín, cao ốc Nghệ Thuật Đông Phương và nhà hàng khách sạn Hilton, v.v... Chỉ cần một lần đi qua đó, bạn sẽ tưởng như mình  đang ở khu vực trung tâm của Detroit, thành phố Seattles hay New York nào đó của nước Mỹ. Ấy là bạn đã tạm quên đi những cảm giác kinh ngạc của bản thân mình. Những nơi đó đèn sáng nhấp nháy, đan xen từng tòa cao ốc, trung tâm mua sắm, siêu thị thương mại, khách sạn lớn. Khắp nơi, người người đang trao đổi những cơ hội mua bán và thực hiện ước vọng của mình. Đây thực sự là một Kinh đô của dục vọng. Hầu như ngày nào bạn cũng phải kinh ngạc trước những cao ốc tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa của thành phố. Lúc này, tôi và Dương Khấp đều cảm thấy mình giống y như một hạt bụi nhỏ bé không nơi nương tựa. Dưới ánh đèn huy hoàng của thành phố, đã có bao nhiêu người từ bốn phương tám hướng hội tụ về đây với ý định sẽ thành công nhỉ? Hình như thành phố này có thể ôm lấy tất cả. Nó dung nạp mọi thứ, từ bảo thủ nhất đến tiên tiến nhất; từ địa phương nhất đến quảng đại nhất; truyền thống nhất và hiện đại nhất; nhốn nháo nhất và trầm tĩnh nhất; vật chất nhất và tinh thần nhất; nghèo nhất và giàu nhất; lý tưởng nhất và hiện thực nhất; bình dân nhất và cao cấp nhất của những ảo mộng, vọng tưởng và quá khích… Hình như trong thành phố này, tất cả đều có thể tồn tại và chung sống hòa bình với những thể đối lập của mình. Chúng cùng đối thoại, cùng song song và triệt tiêu nhau. Chính những điều đó đã tạo ra cái thành phố kỳ lạ này. Tôi và Dương Khấp không kìm nổi cảm xúc bởi sự bao dung và chấp nhận của nó.

Dương Khấp là một chàng trai khá thú vị, bản chất của anh ta là luôn nghĩ tới những điều viển vông. Chúng tôi học tại một trường Đại học danh tiếng ở miền Nam, là bạn thân của nhau thời cắp sách đến trường. Dương Khấp khá điển trai, anh ta có ít râu quai nón, một cốt cách nam nhi đầy chí hướng. Anh thích mặc complet carô, thắt cà vạt bằng silk màu sặc sỡ, mang kiếng râm gọng nhỏ, tóc xịt gel bóng loáng chải vuốt ngược lên. Ở trường, anh là người luôn thích biến những mẩu chuyện đơn giản trở nên thần bí, hấp dẫn. Hồi đó anh là sinh viên khoa Chính trị. Anh thành lập “Nhóm Áo Xám”, có tính chất giống như một Câu lạc bộ chính trị gia. Nhóm này được mấy vị giáo sư nổi tiếng trong khoa chính trị, khoa pháp luật của trường đại học Harvard thời trước cách mạng làm cố vấn. Dương Khấp làm nhóm trưởng. Đặc điểm của “Nhóm Áo Xám” là tất cả các thành viên đều mặc áo khoác màu nâu xám, vẻ mặt khá nghiêm trang. Có lần họ tổ chức một buổi hội thảo salon, chủ đề thảo luận là “Tinh thần luật pháp” của Maundesge. Tôi có cảm giác rằng đây là một nhóm có tham vọng, họ luôn muốn nắm bắt và thừa hưởng những gì lớn hơn mạng sống của họ (ví dụ tinh thần, sứ mạng của đất nước và dân tộc chẳng hạn). Tôi nghĩ dù cũng mang tiếng là sinh viên đại học, nhưng không ít kẻ trong số đó đầu óc rỗng tuếch và chỉ biết nói suông. Chính vì thế mà tôi đã làm quen và kết thân với Dương Khấp. Tôi rất mến mộ anh. Năm tốt nghiệp đại học, tôi 22 tuổi, Dương Khấp 23. Lòng tràn đầy sự sung mãn và nhẫn nại, chúng tôi cùng nhau đến Bắc Kinh, thẳng tiến vào thế giới và sự vật. Nơi chúng tôi tìm đến không giống  nhau, một người tới trụ sở một cơ quan lớn còn người kia tới trường sân khấu nghệ thuật. Tôi đến trường sân khấu nghệ thuật. Tất cả những người khác trong “Nhóm Áo Xám” chia tay nhau, họ bay nhảy như chim, như thú và ngay lập tức biến đi đâu mất dạng.

Đứng trên đường cầu vượt Tam Nguyên nhìn thành phố Bắc Kinh phía xa xa, tôi nghĩ rằng những gì chúng tôi mong muốn đạt được ở đây không chỉ là tiếng tăm địa vị, mà còn phải có cả tình yêu theo đúng nghĩa của nó. Thời đại học, Dương Khấp hiền khô, một người bạn gái cũng không có. Còn tôi, ít nhiều cũng đã nếm mùi đau khổ của một mối tình đã tan vỡ. Tôi đứng lại hồi lâu, lấy ra cuốn Le Père Goriot của Balzac. Tôi đọc to đoạn nhân vật Lasdiner tràn đầy hùng tâm đứng trên ngọn núi nhỏ ngoại ô Paris, giữa cảnh đêm Paris huy hoàng buông câu nói: “Paris, hãy để chúng tôi liều một phen!”. Sau này Lasdiner dựa vào chiếc váy đầm màu thạch lựu của một quí phu nhân mà leo lên chiếc ghế chính khách kiêm người quản lý nhà băng. Đọc xong, chúng tôi nhìn nhau và cười to, nghĩ lại việc đời, thì ra cũng không thể tránh khỏi những mánh lới và bi tráng. Chúng tôi xuống xe taxi, thẳng tiến vào thành phố. Từng tòa cao ốc đập vào mắt chúng tôi trên đường đi.

HAI

Nhớ lại bộ dạng hồi mới đến thành phố này, tiếp đó là một cuộc sống vất vả, bức bách. Tất cả những điều đó chúng tôi đều không lường trước được. Dương Khấp sau khi ghi tên vào một cơ quan lớn, liền được phái đến khu huấn luyện Diên An. Anh ở đó tám tháng. Trong bức thư đầu tiên viết cho tôi, anh gọi việc huấn luyện thú vị ấy chính là việc điều cán bộ xuống nông thôn. Công việc chính anh phải làm là tối tối, cùng với những cán bộ trong thôn nơi anh ở thừa lúc tối trời, đi vây bắt những phụ nữ không chịu hưởng ứng lời kêu gọi của chương trình quốc gia sinh đẻ có kế hoạch, đưa họ vào bệnh viện để triệt sản. Trong thư anh viết: “Cậu biết đấy, ở vùng thôn quê hẻo lánh này, những nông dân ban ngày ngoài việc lên nương rẫy ra, ban đêm có việc gì làm đâu. Cho nên tại nhiều thôn tỉ lệ sinh đẻ báo động nghiêm trọng. Đêm tối, những phụ nữ bị bắt gào thét như lợn bị chọc tiết vậy. Thật chẳng nỡ lòng nào, nhưng chúng tôi nghĩ làm như vậy là đúng.” Cuối cùng thì anh cũng kết thúc tám tháng tập huấn. Khi gặp lại nhau tại một quán cà phê, anh đã trở thành một cán bộ nông thôn thực thụ. Hôm ấy, anh lấy trong túi quần ra một tấm hình và nói với tôi:

“Tớ mới làm quen cô này. Tớ đã yêu cô gái này rồi”.

Tôi hơi ngạc nhiên, bởi thời gian qua, Dương Khấp là người không dễ bị xiêu lòng trước phụ nữ. Tôi xem hình, cô gái trong ảnh không đẹp, hình dáng bình thường, nhưng nhã nhặn, hiền thục, tự nhiên thoải mái, có tính cách thanh tú của một khuê nữ đài các.

“Cậu có biết cha cô ấy là ai không?”. Khuôn mặt nhẵn nhụi của Dương Khấp tràn ngập một nụ cười vô nghĩa. Anh kể ra danh tánh của một người quan trọng trong giới chính trị. Tôi mỉm cười:

“Cậu từ một người theo chủ nghĩa lý tưởng chuyển sang chủ nghĩa hiện thực rồi”.

“Đâu có, tớ vẫn là một người theo chủ nghĩa lý tưởng đấy chứ”. Anh không ngần ngại cắt lời tôi, ánh mắt đăm chiêu nhìn đường phố bên ngoài cửa sổ. “Có một đồng sự là tình địch với tớ, chúng tớ đang cạnh tranh nhau”. Anh cười phá lên. “Cậu có chiêu thức nào mới không? Dạy tớ vài chiêu đi. Cậu là tay cao thủ mà”.

Tôi hiểu rằng anh ta có những suy nghĩ và đang mưu cầu phát triển trên con đường chính trị. Hồi ở trường, việc tổ chức “Nhóm Áo Xám” đã khích lệ anh ta, giúp anh ta có những hoài bão và lý tưởng lớn. Anh ta biết trong cái thành phố này, để mưu cầu sự phát triển trên con đường chính trị, thì việc tìm và lấy một cô gái khá giả làm vợ là một hướng đi, anh ta đã sớm nhận ra chân lý này.

Trong thời gian chừng nửa năm sau đó, Dương Khấp và tay đồng sự trẻ của anh đã triển khai một cuộc đeo đuổi ái tình. Xuất phát từ kế hoạch lớn lao với tiền đồ và tương lai của chính mình, lần đầu tiên anh bắt đầu lao vào đeo đuổi con gái. Cuộc chiến giằng co mấy tháng trời, rốt cuộc Dương Khấp bại trận. Nhanh như chớp, cô gái ấy đã lấy người khác, chính là tay đồng sự đồng thời là tình địch của Dương Khấp.

Tôi và Dương Khấp tản bộ trên quảng trường Thiên An Môn trong tuyết lớn cuối mùa, gió thổi se se lạnh. Không xa lắm là bia tưởng niệm anh hùng dân tộc đứng sừng sững, nguy nga. Trên quảng trường có những đứa trẻ đang thả diều. Chúng tôi dựng cổ áo khoác lên, lẳng lặng bước đi không nói một lời. Mặt tuyết nhanh chóng tan ra, xe chạy không ngừng trên đường phố Trường An sáu làn, trông giống hệt dòng sông đang chảy xiết. Anh chàng Dương Khấp sau cú sốc kia xem ra trầm ngâm hẳn. Cuối cùng tôi bật cười bảo:

“Nói xem nào. Tại sao cậu lại thất bại?”

“Cô ấy bảo cái tên của tớ không tốt lành, có chữ “Khấp”(khóc). Cô ấy nói nếu tớ chịu đổi tên thì cô ấy sẽ lấy tớ. Đó là ý kiến của gia đình cô ấy. “Mặc kệ, tớ sẽ không đổi tên đâu.” Anh nói trong giận dữ. “Tớ sẽ không sửa.”

Tôi vẫn cười, tiếng cười vang động đến tai những người lính đang gác trên quảng trường. Tôi nói: “Lúc trước, sao cha mẹ cậu lại đặt cho cậu cái tên Dương Khấp này?”

Anh nhìn tôi bằng một cái nhìn khác lạ: “Tại vì sau khi sinh ra, tớ chẳng khóc. Cha mẹ tớ sợ rằng sẽ có khắc mạng, nên liền đặt cái tên này. Tớ sẽ không vì một người phụ nữ mà đổi tên. Chuyện thật tức cười. Đây là vấn đề nguyên tắc”. Anh lắc lắc bàn tay.

“Chẳng lẽ cậu để cái tiền đồ xán lạn như vậy rơi vào tay kẻ khác sao?” Tôi hỏi.

Anh cười nhẹ. “Kiếm cái khác làm lại. Tay đồng nghiệp của tớ sau 2 tháng kết hôn với cô ấy, đã được điều qua một bộ phận trọng điểm hơn. Tớ không biết việc điều động đó có liên can với sự việc này không? Tuy nhiên, nơi anh ta công tác hiện nay rất có lợi cho sự phát triển của anh ta”. Nói đến đây, anh bỗng bật lên một tiếng chửi đổng rất tục tĩu rồi nói tiếp: “Tớ phải bắt đầu hoạch định lại kế hoạch của mình thôi. Mùa xuân sang năm, tớ sẽ không làm trong cơ quan ấy nữa”.

Về phần tôi, số phận thật chẳng ra làm sao khi tôi được bố trí đến nhận công tác ở Trường sân khấu nghệ thuật. Tôi nghĩ thời đại này có lẽ là một thời đại không cần đến kịch bản. Khắp nơi trong cuộc sống đều đầy rẫy những cảnh tượng kịch, chúng thậm chí còn siêu đẳng hơn so với chính những cảnh trong phim, kịch. Vậy thì sau cả một ngày trời bận rộn, có ai lại còn đến rạp để xem những cảnh phim, kịch vẫn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày nữa cơ chứ? Tới đơn vị nhận việc, tôi liền được phân công vào ban quản lý dự án nhân sự, mỗi ngày chỉ cần ngồi tại đây 8 tiếng là được, một tháng lãnh hơn 300 đồng nhân dân tệ. Dù biết rằng với số tiền này ở Bắc Kinh, sẽ không đủ để chơi điện tử một xu một tiếng nhưng tôi vẫn thích chơi. Nửa năm sau, rạp chiếu bóng ế ẩm, tôi dọn khỏi nơi làm việc, ra mướn một căn phòng trọ của người bạn trong một khu dân cư nhỏ. Tôi từ chức và bỏ nghề, tự nhốt mình trong nhà để suy nghĩ suốt một tuần. Tôi sẽ làm việc gì đây? Rốt cuộc tôi cũng tìm ra. Có lẽ phải bắt chước Vương Sóc là nhờ vào việc viết lách mà phát tài và kiếm người yêu. Cuối cùng tôi quyết định viết văn.

Mời các bạn đón đọc Ánh Sao Trên Tay của tác giả Khâu Hoa Đông.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000