DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Woody Allen - gã trí thức thích giễu nhại mọi sự đời

Với hai tập tiểu luận viết trong những năm 1970, giai đoạn sáng tạo sung mãn mang đậm phong cách giễu nhại, lần đầu tiên Woody Allen xuất hiện chính danh tại Việt Nam.

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 1Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 2

Với hai tập tiểu luận viết trong những năm 1970, giai đoạn sáng tạo sung mãn mang đậm phong cách giễu nhại, lần đầu tiên Woody Allen xuất hiện chính danh tại Việt Nam.

Woody Allen là một diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch Mỹ nổi tiếng. Ông được coi là một trong những nhà làm phim lớn nhất của điện ảnh hiện đại. Nhưng Woody Allen còn là một nhà văn với hơn 30 đầu sách. Chân dung, tính cách hài hước, thích giễu nhại của Woody Allen được thể hiện rõ qua cuốn Tuyệt vọng lời (tựa gốc Without Feathers) mới xuất bản tại Việt Nam.

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 3Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 4

Trong bộ phim đen trắng Manhattan (1979), một trong những bộ phim xuất sắc nhất sự nghiệp điện ảnh của Woody Allen mà ông “sắm” một lúc ba vai trò quan trọng: biên kịch, đạo diễn và nam diễn viên chính, ở ngay đoạn mở đầu phim, Allen để cho nhân vật chính là một nhà văn (do chính ông đóng) định nghĩa về thành phố New York.

Gã nhà văn ấy liên tục gạch xóa những gì mình viết về thành phố mà gã tôn thờ hoặc thần tượng hóa nó một cách quá mức. Có khi gã lãng mạn hóa nó, “đây là thành phố tồn tại với hai màu đen và trắng; và rung động theo những thanh âm tuyệt vời của George Gershwin”.

Rồi tự thấy ủy mị quá, gã chuyển sang chỉ trích, “Với gã, New York là phép ẩn dụ cho sự mục rữa của nền văn hóa đương đại”. Vẫn không ổn vì thuyết giáo quá, sâu “đíp” quá - mà gã thì muốn bán sách; gã đổi lại: “Thật khó tồn tại trong một thành phố bị gây mê bởi ma túy, âm nhạc ầm ĩ, truyền hình, tội phạm, rác thải” - lại tự thấy giận dữ quá, mà gã thì không muốn giận dữ.

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 5Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 6

Cuối cùng, gã tạm hài lòng với một nhận định vô thưởng vô phạt có liên quan đến... tình dục, “Gã lãng mạn và mạnh mẽ như thành phố mà gã yêu. Đằng sau chiếc kính vành đen là sức mạnh tình dục của một con mèo rừng”.

Một đoạn “intro” ngắn khoảng 3 phút với hình ảnh đen trắng của thành phố New York và những dòng chữ generic giới thiệu bộ phim lần lượt hiện lên, như dự báo cho khán giả bộ phim nhiều hoài nghi mà họ sắp thưởng thức. Và chân dung của Woody Allen cũng phần nào hiện lên qua những dòng tự sự đầu phim của gã nhà văn mà ông vào vai, hay nói cách khác, không ai khác ông tự đóng vai chính ông.

Woody Allen là thế. Đó là một gã trí thức vừa thích phản biện xã hội, thời cuộc nhưng lại không muốn cực đoan hóa mọi sự hay “lên giọng” dạy đời; một New Yorker vừa tôn sùng, vừa căm ghét cái thành phố mà gã đang sống; nhưng cuối cùng vẫn phải thừa nhận: “New York là thành phố của gã và sẽ luôn luôn là thế”.

Phim của Woody Allen

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 7Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 8

Biết giới thiệu gì về Woody Allen? Vị biên kịch, đạo diễn có một sự nghiệp điện ảnh đồ sộ ở Hollywood, đồng thời là một “tượng đài” được yêu thích đặc biệt ở châu Âu, nhất là nước Pháp. Nghe có vẻ chính xác, nhưng chung chung và sáo rỗng quá. Có lẽ nên bắt đầu từ những trải nghiệm, cảm nhận của tôi về các bộ phim của ông.

Tôi bắt đầu xem phim của Woody Allen từ những năm cuối 1990. Bắt đầu bằng Annie Hall - dĩ nhiên rồi; bộ phim được giới thiệu là kiệt tác của ông và luôn nằm trong các cuộc bình chọn phim hay nhất của điện ảnh Mỹ. Năm 1977 là một năm đặc biệt của Hollywood với sự ra đời của hai bộ phim quan trọng làm xoay chuyển thể loại và ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phim ra đời sau chúng. Đó là Annie Hall của Woody Allen và Star Wars của George Lucas.

Bộ phim đầu thuộc thể loại rom-com (lãng mạn hài), phim sau thuộc thể loại sci-fi (khoa học giả tưởng). Cả hai đều thành công vang dội và chia nhau các giải thưởng Oscar năm sau đó. Annie Hall đoạt bốn giải, đều thuộc loại quan trọng nhất (trong đó có hai giải cá nhân là Biên kịch và đạo diễn cho Woody Allen); Star Wars đoạt sáu giải, nhưng hầu hết là các giải kỹ thuật.

Annie Hall có một lượng fan khá lớn trong giới trí thức, những thị dân ở các đô thị lớn thích cái không khí lãng mạn hài nhưng không “cliché” (khuôn sáo) của dòng phim này; thậm chí phong cách ăn mặc phá cách kiểu “tomboy” của Diane Keaton còn ảnh hưởng đến phong cách thời trang của giới trẻ nước Mỹ. Trong khi đó, Star Wars chinh phục hầu hết dân “geek”, những gã trai mới lớn đam mê những dải thiên hà xa xôi hay những cuộc chiến giữa các vì sao.

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 9Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 10

Năm 1977 cũng là năm sinh của tôi, lý do chính tôi chọn để xem Annie Hall đầu tiên trong bộ sưu tập những bộ phim của Woody Allen mà tôi tiếp cận qua con đường... băng đĩa lậu.

Annie Hall không hề dễ xem và tôi bị “dội” ngay từ lần xem đầu tiên bởi màu phim đen trắng cổ điển, câu chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt, thoại quá nhiều, nhanh khiến tôi theo không kịp và anh diễn viên nam chính (do Woody Allen đóng) là một anh hề yếm thế và xấu trai, lưng còng, cổ rụt lại thích cay nghiệt sự đời. Nói tóm lại là một hình mẫu nhân vật mà ở độ tuổi đôi mươi bắt đầu cơn nghiền phim Hollywood với những diễn viên đẹp như tạc tượng, gã hề xấu trai ấy không khiến tôi hứng thú.

Nhưng rồi tôi vẫn cố để xem hết và dần dần bị chinh phục bởi sự ý vị từ những câu thoại bắn như liên thanh giữa hai nhân vật chính; về tính cách trái ngược kiểu “đồng sàng dị mộng” nhưng lại hút nhau rồi lại chịu-không-nổi nhau giữa bọn họ. Khi đã quá nhàm chán với những motif phim rom-com đã quá cũ kỹ, sáo mòn; Annie Hall đem đến một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, đặc biệt là cái chất hài giễu nhại, tưng tửng xuyên suốt bộ phim.

Tôi mê Woody Allen từ đó và hầu như ít khi bỏ qua những bộ phim của ông, trừ những bộ phim cũ của thập niên 60, 70 thế kỷ trước khó tìm ra. Tóm lại, tôi xem khoảng 30 bộ phim trên tổng số hơn 50 bộ phim mà Woody Allen đạo diễn từ những năm 1960 đến nay.

Không phải bộ phim nào của ông cũng hay hoặc xuất sắc như Annie Hall, Manhattan, Hannah and Her Sister hay Match Point, Blue Jasmine sau này... nếu không nói có nhiều bộ phim trung bình, tầm phào; nhưng cái “vị” phim của ông thì không lẫn đi đâu được, và lần nào xem phim mới của ông cũng như gặp lại một người bạn thân lâu năm, dẫu không khiến ta bất ngờ nữa, nhưng khiến ta thoải mái ngồi xuống nghe gã kể chuyện, nữa là một kẻ kể chuyện có duyên và hài hước như Woody Allen.

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 11

Woody Allen, sinh năm 1935, bắt đầu viết lách từ năm 1950. Ở tuổi 15, ông đã bước vào lĩnh vực giải trí khi bắt đầu viết những mẫu chuyện cười cho các tờ báo địa phương, kiếm được khoảng 200 USD mỗi tuần. Sau đó ông viết kịch bản hài cho các chương trình talk show, nhưng dần dần cảm giác chán nản vì thấy vô bổ và tốn thời gian. Hai người bạn thân đồng thời là quản lý khuyên ông nên chuyển sang làm stand-up comedian (diễn viên hài độc thoại) vì quá quen thuộc với cách viết tiểu phẩm hài hước, trào phúng của ông.

Dù ban đầu không mấy tự tin về ngoại hình và sợ hãi phải đứng trước đám đông khán giả, nhưng dần dần ông bắt đầu chinh phục được họ và thoát dần khỏi nỗi sợ. Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, Woody Allen trở thành một “cây hài độc thoại” nổi tiếng ở New York, thậm chí sau này còn được Comedy Central bình chọn ông đứng thứ 4 trong 100 nghệ sĩ hài độc thoại vĩ đại nhất mọi thời.

Giữa thập niên 1960, Woody Allen lấn sân sang sự nghiệp điện ảnh với vai trò biên kịch và sau đó vừa biên kịch, vừa đạo diễn, kiêm luôn diễn viên nam chính và trở thành một ngôi sao sáng giá của thập niên 1970 với một loạt phim thành công như Bananas (1971), Sleeper (1973), đặc biệt là bộ đôi Annie Hall (1977) và Manhattan (1979) mà ông đóng chung với Diane Keaton, đều thành công vang dội, trở thành biểu tượng mới của dòng phim lãng mạn hài. Viện Phim Mỹ đã bình chọn tới năm bộ phim của Woody Allen vào top 100 bộ phim hài hước nhất mọi thời, trong đó có bốn bộ phim kể trên, đều ra đời trong thập niên 1970.

Các nhân vật nam trong phim của Woody Allen thường mang bóng dáng của chính ông, lúc thì một gã hề yếm thế (Annie Hall), “thường đọc trang cuối của cuốn tiểu thuyết trước vì sợ chết mà chưa biết đoạn kết thế nào”; một nhà văn hoài nghi (Manhattan), hay những nhân vật trí thức vừa thành đạt, nổi tiếng kiểu đạo diễn, nhà biên kịch, nhà sản xuất phim... nhưng không mấy hài lòng với cuộc sống của chính mình; những kẻ vừa chán ghét sự phù phiếm, giả tạo của giới thượng lưu, giới trí thức nhưng lại không chống được các cám dỗ từ chúng.

Các nhân vật nữ của ông ngược lại, thường có vẻ phóng túng, đầu óc tự do pha lẫn một chút ngây thơ trong sáng và hầu hết xuất thân từ các thị tứ nhỏ (ngược lại với những gã trai có xuất xứ từ New York).

Gần sáu thập kỷ trong nghề điện ảnh, Woody Allen xác lập một vị trí riêng biệt, một kẻ được kính trọng nhiều về nghề nghiệp và cũng bị ghét không hiếm vì những scandal đời tư. Nhưng Woody Allen dường như không để ý đến dư luận, hoặc giả dư luận không chạm được vào Allen vì với vai trò là biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất, nhà văn, tiểu luận gia, nghệ sĩ hài độc thoại và thậm chí cả soạn nhạc cho phim đã ngốn hết thời gian của ông.

Từ đầu thập niên 1970 đến nay, mỗi năm ông cho ra đời ít nhất một phim (nhưng không nhiều hơn hai). Với hơn 50 bộ phim đã đạo diễn, Woody Allen đã nhận được tổng cộng 136 đề cử và đoạt các giải lớn nhỏ, nhiều hơn cả ba danh hài huyền thoại khác là Charles Chaplin, Buster Keaton và Harold Lloyd cộng lại.

Nói riêng về giải Oscar thì ông là nhà vô địch với 24 đề cử cho ba hạng mục đạo diễn, biên kịch và nam diễn viên chính; và đoạt bốn giải, trong đó có ba Oscar cho biên kịch. Còn xét riêng về biên kịch, Woody Allen cũng lập kỷ lục với 16 đề cử, tất cả đều là kịch bản gốc, nhiều hơn bất cứ một nhà biên kịch chuyên ng- hiệp nào ở Hollywood.

Điều này nói lên tài năng ở lĩnh vực biên kịch của ông có vẻ nổi trội hơn đạo diễn, dù với những kịch bản của Allen, nếu không do chính ông đạo diễn thì chắc chắn chúng ta sẽ không có những bộ phim theo trường phái “Woody Al-len” có một không hai với những bộ phim vừa hay hoặc xuất chúng (đã kể ở trên), vừa đều đều hạng trung (không kể hết) và cả dở (không cần nhắc tới).

Ở tuổi 82, tuổi mà hầu hết nếu còn sống cũng đang ở trong các nhà dưỡng lão, đi vệ sinh một cách tự chủ đã là thành tích đáng mừng thì Woody Allen vẫn làm việc đều đặn và miệt mài như một con ong chăm chỉ, với bộ phim Wonder Wheel do Kate Winslet đóng chính ra mắt vào tháng Mười hai năm nay, một ứng cử viên tiềm năng của Oscar năm sau và đã kịp làm xong hậu kỳ cho một bộ phim mới khác ra mắt vào năm 2018. Sở dĩ giới thiệu cho cuốn sách Without Feathers của Woody Allen mà tôi đề cập nhiều đến sự nghiệp điện ảnh của ông, bởi cái tên của ông gắn liền với những bộ phim của nghệ thuật thứ bảy. Cho dù là một cái tên lừng danh trong làng điện ảnh, Woody Allen chưa bao giờ là một cái tên của đại chúng, và thậm chí khá xa lạ với khán giả Việt Nam.

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 12Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 13

Thật đáng buồn là trong hơn 50 bộ phim của hơn nửa thế kỷ do Woody Allen biên kịch và đạo diễn, chưa có bộ phim nào của ông được chiếu chính thức ở Việt Nam. Hầu hết đều qua đường băng đĩa lậu và sau này là trên các trang phim trực tuyến lậu.

Phim ảnh của Woody Allen còn như thế thì mong gì những cuốn sách văn chương của ông? Chính bản thân tôi cũng bất ngờ khi đọc hai bản thảo With- out Feathers (tựa tiếng Việt: Tuyệt vọng lời) và Side Effects (tựa tiếng Việt: Lộn tùng phèo) của Woody Allen được Tao Đàn mua bản quyền, dịch và xuất bản ở Việt Nam vì cứ ngỡ chúng là những cuốn sách ông bàn về phim ảnh.

Đây là lần đầu tiên, cái tên của Woody Allen được xuất hiện một cách đường hoàng và “chính danh” ở Việt Nam với hai tác phẩm tiểu luận viết trong những năm 1970, giai đoạn sáng tạo sung mãn và mang đậm phong cách hài hước, giễu nhại nhất của ông.

Lý giải cho phong cách hài hước trào phúng và đậm đặc không khí “phi lý”, “điên rồ” của Woody Allen có thể xem xét ở hai khía cạnh. Thứ nhất là nguồn gốc Do Thái của ông. Ông bà nội của Allen là một cặp vợ chồng người Nga gốc Do thái nhập cư, trong khi ông bà ngoại là dân Áo gốc Do thái nhập cư. Hòa trộn các dòng máu từ hai bên nội, ngoại; Woody Allen là một gã trí thức Do Thái không lẫn đi đâu một phân.

Thứ hai là những thần tượng lớn nhất thời mới vào nghề và vẫn được Allen tôn sùng cho đến ngày hôm nay, là những cái tên đạo diễn, nhà văn, nhà soạn nhạc xuất chúng như Ingmar Bergman, Groucho Marx, Federico Fellini, Cole Porter và Anton Chekhov; những nghệ sĩ, trí thức với cái nhìn đậm màu sắc phản tỉnh hoặc phi lý, siêu thực.

Đọc Woody Allen như thế nào?

Cũng giống như lần đầu tiên xem phim của Woody Allen, tôi cũng bị “dội” khi đọc Tuyệt vọng lời của ông. Với một cách viết giễu nhại và phúng dụ, cuốn sách ban đầu không hề dễ đọc, thậm chí gây khó chịu và tôi phải bỏ cuộc sau khi đọc được hơn nửa cuốn mà chữ vẫn đi ra ngoài đầu. Đó là giai đoạn mà sức khỏe của tôi sa sút vì căn bệnh đường ruột nên càng khó tập trung. Tôi buộc phải dừng lại và tạm quên Tuyệt vọng lời trong hơn ba tháng để phục hồi sức khỏe.

Và khi đọc lại cuốn sách này trong những ngày tinh thần thoải mái và tập trung hoàn toàn, tôi mới bắt đầu nhận ra phong cách quen thuộc của ông được thể hiện ở một ngôn ngữ khác, một hình thức biểu đạt khác, là chữ chứ không phải hình.

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 14Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 15

Without Feathers (1975) là một trong những tác phẩm văn chương nổi tiếng nhất của Woody Allen trong số hơn 30 đầu sách - một con số khiến tôi ngạc nhiên vì dù tự nhận là một “fan” trong lĩnh vực điện ảnh, tôi không hề biết đến những cuốn tiểu luận, những vở kịch bằng chữ vang danh không kém của ông. Đây là một tuyển tập những bài tiểu luận và hai vở kịch, có tên Chết và Chúa. Nó từng nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times trong suốt bốn tháng liền.

Như đã nói, đọc Without Feathers dễ bị “dội” ban đầu vì Woody Allen có một lối viết và phong cách hài hước, giễu nhại không dễ tiếp cận. Các tiểu luận của ông như những câu chuyện ngụ ngôn hiện đại, trong đó ông không ngần ngại “lật tẩy” các bi kịch Hy Lạp, trêu đùa các tên tuổi lớn (Shakespeare, Victor Hugo, Vincent Van Gogh...) và đùa cợt các câu chuyện cổ tích, thần thoại; chọc ngoáy từ những vị thần đến các con quái vật.

Woody Allen - ga tri thuc thich gieu nhai moi su doi hinh anh 16

Các tiểu luận của ông vừa đậm màu sắc phúng dụ với trí tưởng tượng phong phú, phá vỡ những chuẩn mực trong quan niệm đạo đức, cách nhìn nhận lại các tác phẩm hàn lâm, kinh điển và luôn luôn để lại những cú “twist” khiến người đọc muốn “bay não”. Nói như ngôn ngữ của giới trẻ hiện đại, với Without Feathers, Woody Allen là một bậc “thánh troll” khiến chúng ta phải bật cười vì đầu óc tưởng tượng quái đản và luôn có một cái kết “phá rào”.

Trong Chọn lọc từ sổ tay Allen, một dạng “random thoughs” với lời dẫn là “những trích đoạn từ nhật ký vẫn được giấu kín của Woody Allen, sẽ được xuất bản sau khi ông chết hoặc đợi khi ông chết rồi, tùy vào điều kiện nào đến trước”, ông khiến tôi bật cười vì những ý tưởng ngẫu nhiên bất chợt vừa quái đản vừa hài hước một cách điên rồ.

“Khi tôi đi dạo buổi trưa nay, tôi có vài ý nghĩ bệnh tật hơn. Vì sao cái chết lại gây cho tôi phiền nhiễu đến vậy? Có lẽ vì giờ khắc. Melnick nói rằng linh hồn bất tử và vẫn sống sau khi thân thể ngã xuống, nhưng nếu linh hồn tôi sống sót mà không có cơ thể, tôi tin rằng tất cả bộ đồ của mình sẽ rộng thùng thình. Ôi thế thì…” hay một ý tưởng truyện ngắn theo kiểu Kafka: “Một người dậy vào buổi sáng và thấy anh ta biến thành miếng độn vòm chân của chính mình. (Ý tưởng này có thể triển khai ra nhiều cấp độ. Ở cấp độ tâm lý học, đó chính là yếu tính trong lý thuyết của Kruger, đồ đệ Freud, người khám phá ra tính dục trong thịt nguội.)”

Trong khi với Nàng điếm Mensa (Mensa theo chú thích là “tên hiệp hội quốc tế của những người có IQ cao. Để được là thành viên, cần có IQ từ 132 trở lên”), có cấu tứ của một truyện ngắn hài hước, trào lộng. Truyện kể về một tay “nhân viên bảo dưỡng máy móc” đến cầu cứu một viên cảnh sát điều tra vì gã bị một ả gái điếm tống tiền và có nguy cơ tan vỡ gia đình.

Lý do gã bị tống tiền không phải do tình dục (thế mới đau) mà vì gã tự nhận mình là một người khát khao trí thức “cần một phụ nữ kích thích về mặt trí óc” và có thể bàn luận về những tên tuổi lớn hay những chủ đề vĩ mô, đại loại Proust, Yeats, Melville hay nhân loại học. Cuối cùng, gã lại bị một nàng điếm Mensa có chỉ số IQ cao cho vào bẫy và tống tiền!

Lối giễu nhại đặc trưng hay phong cách hài hước vô tiền khoáng hậu này cũng được Woody Allen khai triển trong Xem xét hiện tượng tâm linh, Các tiểu luận thời đầu, Chuyện hoang đường và quái vật thần thoại, Không kinh cầu dành cho Weinstein, Nguồn gốc tiếng lóng...

Một trong những tiểu luận khiến tôi cười không kiểm soát được là Khi hoạ sĩ phái ấn tượng làm nha sĩ mà trong đó Woody Allen nhại lại những bức thư của Vincent Van Gogh viết cho em trai Theo. Ông biến những bức thư cảm động của bậc danh họa thành những câu chuyện tiếu lâm tào lao để xin tiền em trai.

Tôi xin trích dẫn một trong các bức thư ấy: “Theo thân mến, Tou- louse-Lautrec là người đàn ông u buồn nhất thế gian. Cậu ta chẳng khao khát gì hơn là trở thành một nha sĩ nức tiếng, và cậu có tài năng thật, nhưng lại quá lùn để với tới miệng bệnh nhân và quá kiêu hãnh để chịu đứng trên cái bục nào đó. Tay với qua đầu, cậu ta dò dẫm miệng người ta mà có thấy gì đâu, và hôm qua, thay vì trám răng bà Fitelson, cậu ta trám má bà ấy”.

Hay trong một tiểu luận hài hước khó cưỡng khác là Bình thường như... cân đường hộp sữa, Woody Allen “đá đểu” từ Shakespeare (cho rằng những tác phẩm kinh điển như Hamlet, Vua Lear, Romeo và Juliet, Othello... không phải do ông viết) tới Victor Hugo (Cụ Vic về sau trở nên quen thuộc với chúng ta dưới tên gọi Victor Hugo, người viết Thằng gù nhà thờ Đức Bà, tác phẩm hầu hết sinh viên văn chương đều cảm thấy chép y nguyên Coriolanus trừ một vài thay đổi thấy rõ.).

Hài hước, quái đản, thậm chí với trí tưởng tượng điên rồ và một kiến thức khổng lồ, Without Feathers cuối cùng không hề khó đọc như tôi từng e ngại, nếu bạn đọc thật chậm rãi và thưởng thức chứ không phải “chịu đựng” chúng.

Như lời nhận xét của một độc giả mà tôi đọc trên Goodreads, xin mượn để kết lại bài giới thiệu này: “Without Feathers phù hợp với trẻ em, sinh viên đại học, người New York, giới trí thức và bất cứ ai muốn cười một cách sâu cay về sự điên cuồng trong sự tồn tại của con người. Tôi cười trên mỗi trang sách và nhiều năm sau đọc lại tôi vẫn cười như thế. Without Feathers là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Woody Allen.”


Giá bìa 86.000

Giá bán

69.000

Giá bìa 86.000

Giá bán

69.000