DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Tạ Tiểu Nga Truyện - Nhiều tác giả

Tác giả Nhiều Tác Giả
Bộ sách
Thể loại Huyền ảo
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 3278
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Huyền ảo Ma quái Truyện ngắn Văn học phương Đông
Nguồn chimviet.free
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Tuyển tập truyện ngắn liêu trai Tạ Tiểu Nga Truyện này gồm có:
  • Yểu nương tái thế,
  • Kê kê kê dậu,
  • Thôi vĩ,
  • Triệu cơ,
  • Điền phụng kiều,
  • Kim trúc tự,
  • Kính nhi,
  • Hồng tuyến,
  • Hóa lang nhi,
  • Bình ẩn tử,
  • Mẫn dự,
  • Thiều tú,
  • "Tô huệ và “Chức cẩm hồi văn thi”,
  • Đàm cửu,
  • Liễu thanh khanh,
  • Ngân châm,
  • Phấn lang,
  • Phùng hiệp,
  • Tạ tiểu nga truyện,
  • Thuý thuý truyện,
  • Tí thị,
  • Tu văn xá nhân truyện,
  • Vĩnh châu dã miếu ký.
***

YỂU NƯƠNG TÁI THẾ

窅 娘 再 世

Tác giả : Vương Thao

Bản dịch cuả : Phạm Xuân Hy

Một ngọn đèn xanh lửa đóm, hắt hiu tranh sáng với loài ma,

Bao phen dặm cát bụi hồng, tất cả khêu cười cho lũ quỷ

Liễu Tuyền Cư Sĩ BỒ TÙNG LINH

Chu Vị Hoàng tự là Bích Thần, hiệu là Trọng Du, người Kim Lăng, vốn dòng dõi thế gia đại tộc, nhưng đến đời Hoàng thì gia đình bắt đầu sui vi sa sút, trở thành bình dân. Nhưng Hoàng vẫn tự coi là con nhà gia thế, thường tỏ ra ngạo mạn, khinh đời.

Gặp lúc giặc cờ đỏ Hồng Tú Toàn nổi dậy phản loạn, vây hãm Kim Lăng, rồi biến nơi đó thành kinh đô, làm thành hang ổ của giặc, trong gần mười ba năm.

Ngôi nhà của gia đình Sinh, vốn rất to lớn rộng rãi, từng bị một viên tướng của Hồng Tú Toàn chiếm làm chỗ cư trú. Đến khi giặc bị quét sạch, quan quân tiến vào Kim Lăng, ngôi nhà cũ ấy lại trở thành chỗ ở của quan quân.

Bấy giờ, những người trong gia đình Sinh phải bỏ xứ phiêu linh tứ tán. Riêng chàng, một thân một mình, bôn đào đến mãi vùng Trấn Nam xa xôi. Mười năm sau, khi Sinh trở về Kim Lăng, thì ngôi nhà bị bỏ hoang, không ai ở, cửa đóng then cài đã lâu, nên Sinh phải nhờ người cắt bỏ tạp thảo, gai góc, gạch ngói, quét dọn bụi bặm cho sạch sẽ, rồi thuê thợ tô vôi làm mới lại.

Nhưng nhà rộng người thưa, cứ đêm đêm, thường thấy lân tinh đom đóm lập lòe , bay lên bay xuống.Từ những ngõ ngách tối tăm, hay những góc nhà vắng vẻ, luôn vẳng nghe có tiếng chồn kêu cú hú, khiến gia nhân sợ hãi không ngủ yên được.

Nhưng riêng Sinh chẳng sợ hãi gì.

Một đêm, chàng vừa chợt tỉnh dậy, thình lình cảm thấy có người luồn tay vào trong chăn của mình, nghe giá băng lạnh lẽo, bừng mắt ra nhìn, té ra là một con a hoàn đi chân đất. Mặt mày nhem nhuốc, xấu xa, bèn quát đuổi đi :

-Tay lạnh như tay ma, dám đến mó vào người ta, ngươi không biết tự ngượng à ?

Con a hoàn đỏ mặt, xấu hổ, lẳng lặng tự ý thoái lui, ra đến ngoài cửa, miệng khe khẽ lẩm bẩm :

-Đáng lẽ để cho cô ta tự đến, xem anh chàng có còn gối cao ngủ yên không !

Sinh biết là bị ma trêu, tuy thế, cũng chẳng sợ gì .

Đứa a hoàn đi khỏi một lúc, Sinh thấy có người vén rèm bước vào, nói :

-Chồng con đứa nào, dám cả gan dọa nạt đứa tỳ nữ dại khờ nhà người ta vậy ?

Sinh nhìn người mới đến. Thì ra là một nữ lang, tuổi khoảng mười bẩy mười tám. Đôi lông mày vừa cong vừa đen, tú lệ như mày ngài. Mái tóc búi cao tròn ở trên đỉnh đầu, đẹp như chim phụng. Sinh tìm áo quần để mặc, tính đứng dậy, thì nữ lang đã đến trước giường, cản lại, rồi ngồi ghé xuống bên cạnh, nói :

-Trời lạnh như thế này, chi bằng quấn chăn, tựa gối, đối diện nhau mà tán gẫu !

Sinh hỏi :

-Nửa đêm khuya vắng, ngoài trời tuyết đổ, sao nàng lại lặn lội giá rét mà đến đây ?

Nữ lang mắt rươm ruớm nước mắt, đáp :

-Vừa rồi cãi nhau với người dì, nên tức giận bỏ nhà ra đi. Bụng còn đang hoang mang, lo không biết đêm nay ngủ chỗ nào, thì vừa lúc đi qua nhà chàng, thấy khe cửa còn le lói ánh đèn, biết là chàng chưa ngủ, nên vào quấy quả một chút.

Lại hỏi :

-Cái con a hoàn xấu xí vừa rồi có phải tay chân của nàng đấy không ?

Nữ lang trả lời :

-Đó là đứa đầu bếp, lo việc cơm nước cho người dì của thiếp đấy mà!

Khi hỏi đến tính danh, tịch quán, thì nữ lang tự giới :

-Thiếp họ Phùng, tự là Hương Lân, người gốc Dương Châu, song thân đều đã qua đời cả rồi, vì thế phải đến sống nhờ ở nhà người dì. Tối qua người chú dượng xuống xóm Tầm Dương, thiếp lấy lời phải khuyên bảo người dì, lại bị người dì lăng nhục, vì thế mà bỏ nhà ra đi .

Sinh gan hỏi đầu đuôi.

Đáp :

-Truyện phòng the khuê các, chẳng đáng kể cho chàng nghe làm gì !

Hai người lan man truyện trò hồi lâu, rồi cùng bông lơn hài hước.Lát sau, Sinh lần tay vào đôi gò bồng đảo của nàng, thấy trơn nhẵn, tròn trịa, đầy đặn, mà mềm mại khác hẳn những cô gái khác. Bèn đùa:

-Đây chính là ngọn đậu khấu mới nhú vào đầu tháng hai !

Nữ lang đỏ bừng mặt, như có vẻ không cầm được lòng.

Sinh lại bảo :

-Đêm nay khanh không có chỗ về, chi bằng ở lại đây, cho ta khỏi cảnh gối lẻ chăn đơn, bớt cô tịch.

Nói rồi thay nàng cởi bỏ giây quần, yếm thắm, hài vớ. Nữ lang đẩy ra, không chịu.Sinh càng ghẹo thêm. Cuối cùng chàng nắm được chân nữ lang, thoát được đôi hài của nàng ra. Ngắm nghía , thấy mũi hài nhỏ, nhọn như mũi trủy thủ, còn đế hài được làm bằng một thứ gỗ thơm, điêu khắc rất là tinh sảo, bên trong để mạt sạ hương, mùi thơm nhuốm đầy tay, khiến Sinh tâm thần mê mẩn, tiêu hồn.

Đêm đó, Sinh cùng nữ lang yến nỉ , oanh non, tỉ tê tâm sự, tận tình mây mưa như điên, mặc cho trăng tà dòm ngoài song cửa. Rồi gối đầu tay nhau mà ngủ, mãi cho đến lúc mặt trời đã lên cao, lúc nào không biết.

Nữ lang dậy trước, đánh thức Sinh, nói:

-Gớm ! Ngủ quên cả trời sáng.

Nói xong, lấy quần áo mặc vào người, hẹn Sinh buổi tối lại đến. Sinh không chịu, nắm vai nàng níu lại, không cho đi.Từ đấy, nữ lang ngụ hẳn tại nhà Sinh, trông nom cơm nước, thay Sinh mua bán chi thu. Nghiễm nhiên như vợ chồng.

Sinh vốn chưa lấy vợ, bấy giờ bèn đặt một bữa tiệc thịnh soạn, mời khắp họ hàng, bè bạn đến dự, rồi bảo nữ lang ăn mặc hoa lệ rực rỡ, đi ra chào khách. Khách khứa ai cũng tấm tắc khen nàng kiều diễm, đẹp như tiên nữ.

Ở được ít lâu, một hôm giữa nửa đêm, Sinh thấy nàng nức nở sụt sùi, lấy làm kinh ngạc, cật hỏi duyên cớ.

Nàng đáp :

-Hôm nay, thiếp đứng chơi ngoài cửa, thì con nữ tì ngày hôm trước đi qua, nó thấy thiếp, đột nhiên tiến đến hỏi thăm thiếp, báo cho thiếp là người dì của thiếp tìm thiếp đã lâu, nay đã biết nơi chỗ thiếp ở, sớm chầy thì cũng đến đây bắt về, thiếp ngại vì thế mà sinh ra kiện tụng.

Sinh nói :

-Truyện đó không hề gì ! Khanh không còn cha mẹ, thân do mình làm chủ, dù có ăn ở nhà người dì, nhưng đâu phải bà ấy đã nuôi khanh từ bé cho đến lớn đâu. Giả sử có kiện cáo, cũng chẳng hợp lý. Từ lúc khanh đến nhà ta, ta đã sớm lo liệu trước rồi. Có sẵn người mai mối làm chứng, và giá thú làm bằng. Dẫu người dì của khanh có một trăm lưỡi, cũng khó mà biện bác nổi.

Nữ lang nói :

-Tuy rằng như thế, nhưng sớm lánh đi thì hay hơn.nay thiếp chỉ nhắc đến tên dì ấy mà lòng đã sợ, huống chi là gặp mặt. Thiếp có người chú làm quan ở Võ Xương, mình đến đó nương nhờ chăng ?

Sinh vốn tính ham thích viễn du, nay nghe nàng nói thế, bè nhận lời, rồi sắm sửa hành trang lập tức lên đường ngay.

Chừng đến Tô Châu, Sinh buộc thuyền đậu ở ngoài cửa Kim Sương Môn.Ban đêm, trên không trăng vừa mới mọc, sáng vằng vặc.Nữ lang dựa bên sông cửa, chăm chú nhìn về phía xa.Chỉ thấy mây nước tiếp liên trên dưới một mầu.Một chốc, có một chiếc thuyền lướt sóng thừa phong chèo đến, đậu sát gần thuyền của Sinh.Rồi có người đưa danh thiếp sang, muốn được gặp Sinh.Chàng thấy lạc khoản đề tên là " Lý Trùng Quang", bụng lấy làm lạ, vì chàng không hề quen biết gì người này, tại sao lại gửi danh thiếp cho chàng thế này.Sinh tính từ tạ. Nhưng khách đã ngang nhiên bước lên thuyền, đi thẳng vào trong khoang. Nữ lang vội vã lẩn vào phía sau.

Khách chắp tay hướng Sinh hành lễ.

Chàng thấy khách mình khoác áo da điêu, đầu đội mũ da chồn, phục sức hết sức hoa lệ, sang trọng. Biết không phải người thường. Bèn mời ngồi cùng nhau đàm đạo. Khách tỏ ra người học rộng hiểu nhiều, khi bàn luận văn thơ thì dẫn cổ trưng kim, phân tích ngọn nguồn, càng khiến Sinh thêm bội phục sự uyên bác của khách.

Hai người truyện vãn mãi cho đến lúc đuốc tàn, trời gần sáng, khách mới từ giã ra về.

Ngày hôm sau, bỗng gió to mưa lớn, thuyền bè đều phải đậu lại, không đi được, Sinh bèn sang thuyền của khách để đáp lễ. Khách thấy Sinh đến, tỏ ra rất mừng, nói:

-Mưa to gió lớn như thế này, được huynh quá bộ đến chơi, thật cũng đỡ tịch mịch !

Rồi sai bầy tiệc khoản đãi. Sinh thấy đồ ăn thức nhắm đều là những thứ sơn trân hải vị, lạ lùng, hiếm quý. Trong lúc ăn, khách bỗng nhắc đến những sự hưng vong của các triều trước, miệng giảng tay khua, như đích thân mục kích sự trị loạn từ thời Ngũ Đại.

Rượu được vài tuần, khách truyền gọi bọn ca nữ ra hát làm vui trợ hứng, và bảo với Sinh rằng :

-Rượu mà cứ uống tì tì thì không thú, không phải cách đãi bạn quý !

Khách nói xong, Sinh đã thấy một bọn ba bốn ca nữ đi ra. Cô nào cũng mắt xanh, răng trắng, đều thuộc loại hương sắc xinh đẹp.Riêng cô đi cuối cùng, ôm đàn tì bà, thì diễm lệ hơn cả. Họ cùng nhau cất tiếng đồng ca. Thanh âm cao vút như hành vân lưu thủy. Lại có lúc ròn rã như tiếng xé lụa. Sau đó, thì chuyển sang độc tấu tì bà. Tiếng đàn du dương lên xuống, lúc trầm lúc bổng, bi ai quyến luyến, khiến người nghe cũng hi hu không cầm được lệ.

Khách bảo với Sinh :

-Đây là khúc “Niệm gia sơn phá”, nhắc lại truyện cũ mà nát ruột đau lòng !

Sinh hỏi :

-Đệ nghe nói khúc hát này do Nam Đường Hậu Chủ sáng tác, các ca nữ của huynh vì sao lại học được ?

Khách đáp :

-Đệ nói ra, e làm huynh sợ ! Đệ đây chính là Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục. Tuy chết đã cả ngàn năm, mà hồn phách chưa tan, nên vẫn thường xuống rong chơi trần thế, cho tiêu hết mối hờn uất trong tim.

Rồi lấy tay chỉ vào người cơ thiếp ngồi cuối, giải thích :

-Cô này là cung nữ Lưu Châu, thiên tính rất thông minh, được đệ yêu quý lắm !

Rồi lại chỉ người cơ thiếp mặc áo tím, nói:

-Còn đây là Bảo Nghĩa Hoàng A Yêu, cùng bị bắt đưa về miền Bắc chung với đệ, rồi chết ở Đại Lương, đến nay nghĩ lại, lòng còn thương tiếc.

Sinh tử tế nhìn kỹ, thấy nàng có sắc đẹp kinh hồn. Cử chỉ lại phong lưu tao nhã. Dung mạo diễm lệ. Đôi mắt long lanh như hàm tiếu, đúng là một tuyệt thế giai nhân.

Sau đó, khách lại giới thiệu đến hai người cơ thiếp khác, ngồi ở mé ngoài :

-Còn đây là Thu Thủy và Khánh Nô.

Lúc đó, Sinh nghe có tiếng ca nữ thổi bài "Thủy Long Ngâm". Âm thanh bay bổng lên không trung, nghe thánh thót, du dương, tựa hồ như làm cho trăng mờ mây đọng.

Khách nói :

-Đó chính là những giọt châu của nhà họ Kiều đấy !

Sinh hỏi :

-Nghe đồn Lý huynh còn có người mỹ nữ sủng ái tên là Yểu Nương, nay ở đâu ?

Đáp :

-Nàng nay đã xuống cõi trần, làm vợ huynh để trả cái nghiệt duyên phong lưu năm trăm năm trước, nên dẫu là người yêu dấu cũ của đệ, cũng không tiện gọi nàng ra đây, e nẩy sinh đố kỵ.

Sinh nghe lời khách nói thế, lòng cảm thấy ngượng nghịu, bất an. Nhưng khách đã cười, bảo :

-Giang sơn còn chẳng giữ nổi, huống hồ là những cơ thiếp ? Bất quá, Yểu Nương nay thuộc về huynh cũng chỉ là tạm thời, chứ không phải việc trường cửu. Xin huynh hãy yêu thương nàng, đừng để cho thời gian đẹp đẽ trôi đi mất.

Nói xong, sai Lưu Châu rót rượu cho Sinh, rồi tiếp :

-Mời huynh cạn hết chén này, xin mừng huynh đã được "thiên cổ mỹ nhân", người đẹp ngàn năm cũ

Sinh nâng chén uống một hơi cạn.

Lần lượt sau đó, từ Bảo Nghĩa trở xuống, các nàng cơ thiếp của Hậu Chủ, luân lưu rót rượu mời Sinh. Chàng đều không từ chối.

Sinh hỏi khách :

-Nghe đồn Bảo Nghĩa có tài thư pháp, đạt đến chỗ tuyệt diệu của họ Chung, họ Vương, chuyên lo việc văn phòng tứ bảo, chẳng hay đệ có thể thưởng thức cái tài đó của nàng chăng ?

Rồi lấy ra một tấm lụa mộc để Bảo Nghĩa viết chữ. Khách sai thị nữ mang nghiên mực, bút lông ra. Bảo Nghĩa ngồi đối diện với Sinh, vung tay múa bút, khoảnh khắc chữ viết đầy trên bức lụa, sau đó dùng ấn ngọc in lên một nét son hổng tươi rói.

Sinh ngồi uống một mạch từ giờ ngọ đến giờ dậu, chừng cũng đã có vẻ hơi túy lúy, nhân sợ thất lễ, khước từ không uống thêm nữa.

Khách bèn bảo Lưu Châu ca tiễn hành. Tiếng ca êm ái dịu dàng, lời lời uyển chuyển, dư âm quấn quýt xoay vần bất tuyệt.

Khách giải thích cho Sinh :

-Hai khúc hát này do Chiêu Huệ Hoàng Hậu sáng tác, tên gọi là "Yêu Túy Vũ " và "Hận Lai Trì ", may nhờ có Lưu Châu thuộc lòng, bằng không chỉ có trên thiên đình, đâu còn được lưu truyền chốn nhân gian nữa.

Nói xong, khách nắm tay Sinh để từ biệt, nói:

-Từ đây u minh hai nẻo, không biết bao giờ mới lại gặp lại nhau, xin huynh chớ đem chuyện này mà viết thành truyện, e làm người nghe kinh hãi.

Rồi sai người tiễn Sinh xuống thuyền, gửi theo hai cái rương để tặng Yểu Nương, lại dặn dò :

-Nhớ nói với Yểu Nương hãy phục thị huynh cho tử tế, đừng hoài niệm gì đến đệ nữa. Tặng vật trong hai rương này tuy nhỏ bé, nhưng đủ để sống suốt đời không hết.

Cả năm nàng cơ thiếp của khách cũng đều đem tặng vật ra cho, và ân cần gửi lời thăm hỏi đến Yểu Nương.

Lúc Sinh về đến thuyền của mình thì chiếc thuyền của khách cũng vội vã khởi hành. Mái chèo rẽ sóng như phi. Chớp mắt không còn thấy hình tích chi nữa.

Sinh đem truyện kỳ dị vừa gặp tường tận thuật lại cho Yểu Nương nghe.Nàng cảm thấy mơ hồ như từ một kiếp xa xôi nào khác, lại còn trách Sinh đặt điều bịa chuyện để đánh lừa nàng.

Sinh bảo :

-Lời nói còn có thể bịa được, chứ những tặng phẩm này đâu có thể ngụy tạo ra được !

Rồi mở rương ra coi.Thấy trân châu bảo vật chất đầy, chẳng biết gọi tên là gì.

Sinh bèn đem một vài vật đến một tiệm kim hoàn ở cổng Ngô Môn bán được ngàn lạng.

Lúc hai người đến Hán Khẩu, gặp dịp một viên kinh quan trong triều tìm mua một viên ngọc lớn, đã từng đến tận Quỳnh Đảo Tân Châu mà không mua được.

Sinh đem ngọc ra cho coi.Viên kinh quan ngạc nhiên sửng sốt khen thầm, liền bỏ năm vạn tiền ra mua.Tuy thế, tặng vật của khách cho Sinh cất dấu vẫn còn nhiều. Chàng đem một số tiền lớn đến Hán Khẩu thuê nhà cửa và mở tiệm buôn bán ở nơi thị tứ kiếm lời. Sắp xếp nhà cửa xong xuôi, Sinh mới đến Võ xương để tìm người chú của Yểu Nương, nhưng người chú của nàng mấy hôm trước đó vì việc công đã đi Dự Chương rồi. Từ khi, Sinh bỏ nghiệp nho để làm thương mại, buôn bán lời một thành ba, trở nên giầu sang sung túc, ăn uống hưởng thụ ngang với bậc công hầu. Nữ tì, nam bộc thường đầy nhà. Sinh lại đem tiền đến Tô Châu mua bốn người tì nữ nữa, đều thuộc hạng nhan sắc diễm tuyệt về nhà nhờ nhạc sư truyền dậy ca hát, và sáng chiều học thêm chữ nghĩa, vì thế họ hiểu thêm về âm luật, kinh sử.

Yểu Nương vốn biết chữ, nay lại biết ngâm thơ làm phú, cùng chàng xướng họa, khiến Sinh tâm mãn ý túc, tự nhủ :

-Bây giờ ta mới thực hiện được nguyện ước ngày xưa, thật là không ngờ.Tuy thế, ngôi nhà cũ không thể không tu sửa, để sau này về già còn có chỗ an dưỡng.

Rồi sai một người nô bộc tài giỏi mang tiền về Kim Lăng để sửa lại ngôi nhà cũ cho thật to lớn.

Một hôm, Sinh đến ngao du ở Hoàng Hạc Lâu, đi mỏi chân, bèn ngồi xuống một hiên đá nghỉ ngơi, thấy trước mặt có một thiếu phụ quý phái , khoảng bốn chục tuổi, ngồi trong một chiếc kiệu đi tới.Thiếu phụ trông vừa xinh tươi vừa phong lưu văn nhã, đẹp chẳng kém chi nàng ái phi họ Từ của Lương Vũ Đế. Đằng sau, lại có đám a hoàn theo hầu.Trong đó, Sinh thấy có cả đứa nữ tì xấu xí ngày trước. Nó dường như cũng nhận ra chàng, nên đến bên người thiếu phụ ghé tai thì thào mấy lời.Thiếu phụ tiến đến trước mặt Sinh, vén áo nghiêng mình thi lễ, nói :

-Chàng là rể bên ngoại nhà ta, ngày trước lấy cháu gái ta, sao không cho người mai mối đến hỏi, nhà cửa ở đâu, ta có thể ghé thăm cho biết được chăng ?

Sinh nghe hỏi, lòng cảm thấy ngượng ngùng, không biết trả lời ra sao, thì thiếu phụ đã sai bộc tòng mang kiệu đến, cùng Sinh đồng hành.

Lại bảo với Sinh :

-Tệ xá cũng gần đây thôi, xin mời chàng ghé thăm trước, sau này họ hàng qua lại, cũng dễ nhận ra cửa nẻo.

Đi chừng hơn nửa dậm, thì phu kiệu dừng lại. Sinh thấy nhà cửa nguy nga.Rõ ra là thế gia đại tộc.Bên trong cửa có bốn năm người đàn ông đứng sẵn để chào đón khách, Sinh bước lên đại đường cùng thiếu phụ tương kiến. Chàng cung kính lấy hàng tiểu bối mà hành lễ. Thiếu phụ dẫn chàng vào trong nội thất, rồi sai tì nữ gọi người con gái là Tú Cô ra. Khoảnh khắc, nghe có tiếng bội ngọc leng keng. Rồi mùi sạ lan thơm lừng xông vào mũi. Một người con gái dáng đẹp như ngọc, tuổi khoảng hai tám, bước đến bên cạnh Sinh.

Người thiếu phụ bảo :

-Đây là con gái ta, hai người có thể gọi nhau bằng anh em cũng được !

Sinh liếc mắt nhìn, thấy hoa nhường nguyệt thẹn, tuyệt thế giai nhân.Sau đấy, thiếu phụ sai bầy tiệc khoản đãi Sinh.Chàng được cả hai mẹ con song song bồi tọa, lần lượt rót rượu khuyên mời. Chàng cũng tận tình đánh chén no say.

Người con gái đưa sóng mắt như nước hồ thu, liếc nhìn Sinh rồi dùng những ngón tay thon nhỏ của nàng véo vào tai chàng nói đùa :

-Này ! Tớ mời mà không uống thì tớ đổ rượu cho đấy .

Sinh mỗi lúc mỗi cảm thấy thần hồn điên đảo, bất giác say mèm, rồi nằm gục xuống tràng kỷ. Mãi cho tới lúc trời tối lờ mờ mới tỉnh lại.Chàng thấy gió lạnh như kim châm, sương rơi đầy đất, bóng trăng chìm bên vách núi.Trong nội thất, cả người lẫn vật đều không thấy đâu, còn chàng, té ra đang nằm trên một nấm mồ hoang, mới biết là gặp ma, bèn thất thểu tập tễnh trở về nhà.

Chàng bước vào trong buồng tìm Yểu Nương, nhưng nàng cũng biến đâu mất, chỉ thấy trên bàn có một lá thư từ giã.

Sinh buồn chán đến phát cuồng, xuống tóc, bỏ đi vào núi .

Rốt cuộc, chẳng ai biết cuộc đời Sinh sau này ra sao cả.

___________________________________________________________________________

Vài hàng về tác giả :

Vương Thao (王 韜 )

Vương Thao (1828-1878) tự là Trọng Thao, hiệu là Thiên Nam Độn Tẩu, người Trường Châu tỉnh Giang Tô, là học giả và nhà văn thời Thanh Mạt.Năm 18 tuổi ông đỗ tú tài, sau đo thi nhiều lần không đậu, ông bèn bỏ thi cử.Năm 22 tuổi , cha ông qua đời, ông đến Thượng Hải làm trong Mặc Hải Thư Quán với một người Anh trong ba chục năm.Nhân thế đươc tiếp xúc rộng rãi với các tư tưởng Tây phương. Khi xẩy ra cuộc nổi dậy của Thái Bình Thiên Quốc, ông từng nhiều lần viết thư cho nhà đương cuộc Thanh triều hiến phương lược " bình tặc ". Năm 1862, ông về Tô Châu thăm mẹ bịnh, rồi đổi tên là Hoàng Uyển, đề nghị với quân đội Thái Bình Thiên Quốc mượn thế lực ngoại quốc để mưu đồ trung nguyên .Khi quân Thanh chiếm Tô Châu, tìm được bức thư kiến nghị ấy của ông, ghép ông vào tội thông phỉ và ra lệnh bắt, may nhờ người Anh giúp ông trốn được ra Hương Cảng. Sau đó theo người Anh sang Anh Quốc, phiên dịch các thư tịch cổ điển, nhờ đó ông có cơ hội đi du lịch các nước Pháp, Anh, Nga, rồi trở về Hương Cảng làm chủ bút báo Tuần Hoàn Nhật Báo, đề xướng biến pháp, đi trước cả Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu cả chục năm.

Ông mất năm 1878, để lại một số tác phẩm như :

-Thao Viên Thi Văn Tập

-Độn Quật Lan Ngôn

-Tòng Ẩn Mạn Lục

-Tòng Ẩn Tỏa Thoại

Những truyện trong tác phẩm Tòng Ân Mạn Lục được viết theo thể tài chí quái, bằng lối văn ngôn như Liêu Trai Chí Dị, ca tụng những cuộc tình chung thủy, đề cao nam nữ tự do luyến ái, chỉ trích những tệ nạn hủ bại của lớp quan lại phong kiến đương thời.Văn pháp lưu loát, ngôn từ tế nhị, tình tiết cố sự uyển chuyển khúc triết chen lẫn với nhiều bài thơ hay.

Một số truyện trong Tòng Ẩn Mạn Lục đã được chúng tôi dịch và in trong Hậu Liêu Trai và Thiếp Bạc Mệnh trước đây.

Chú thích :

Yểu Nương (窅 娘) :

Yêủ Nương là tên của một nàng cung nữ được Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục.Yểu Nương chẳng những có dáng người tha thướt, lại tài nhẩy múa.Nàng dùng vải bó cho chân nhỏ bé và cong như cung trăng.Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục làm một cái đài hoa sen bằng vàng, cao sáu tấc, trên để những báu vật, và các loại hoa đẹp để cho nàng múa, trông phiêu nhiên như tiên nữ, rất được Hậu Chủ yêu thương sủng ái, và dùng mấy chữ :"Tam thốn kim liên 三 寸 金 蓮) để tán thưởng nàng.

Sau nầy, trong thi văn Trung Quốc thường dùng chữ "Kim Liên " để hình dung đôi bàn chân nhỏ của phụ nữ.Có thể nói tục bó chân của người đàn bà Trung Hoa bắt đầu từ Yểu Nương, rồi lan truyền ra dân gian, đời này sang đời khác, được sùng thượng đến nỗi người đàn bà nào không có bàn chân nhỏ, thì bị đàn ông chê ghét, có thể không lấy được chồng.

Hủ tục bó chân nầy phải chờ đến đời Khang Hy, năm 1664, mới ra lệnh cấm.Nhưng cấm lệnh của Khang Hy cũng chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn, thì bị phe bảo thủ chống đối, nên năm 1668, Khang Hy theo lời tâu của Bộ Lễ rút lại lệnh cấm.

Đến cuộc cách mạng Tân Hợi, hủ tục bó chân của phụ nữ Trung Hoa mới thực sự bị tiêu diệt.

Kim Lăng (金 陵 ) :

Nhà thơ Lý Bạch có hai bài thơ nổi tiếng nhắc đến Kim Lăng, ở hai hoàn cảnh khác nhau là Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài, và Kim Lăng Tửu Tứ Lưu Biệt.

Kim Lăng nay là thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô.

Theo tác giả Cô Vong Ngôn, một truyện văn học cực dâm, thì Kim Lăng bị đổi nhiều tên gọi khác nhau, theo từng triều đại.Thời Xuân Thu, Kim Lăng thuộc nước Ngô, thời Chiến Quốc thuộc nước Việt, sau thuộc nước Sở. Vì vua Sở Uy Vương dựng lăng chôn vàng để trấn yểm đất đó, nên mới gọi là Kim Lăng.

Đến đời Tần Thủy Hoàng thì đổi là Mạt Lăng.Thời Tam Quốc, năm 212 CN Tôn Quyền xây cất Thạch Đầu Thành và đến năm 229 Quyền đóng đô ở đó mới đổi Kim Lăng là Kiến Nghiệp.Đời Tây Tấn, vì tị húy Tư Mã Nghiệp đổi Kiến Nghiệp là Kiến Khang.Các đời Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần và Nam Đường đều đóng đô ở đó. Đời Tùy là Tưởng Châu. Đời Tống là Kiến Khang Phủ. Đời Nguyên là Tập Khánh .

Đến Minh Thái Tổ lại đổi là Ứng Thiên Phủ.

Năm 1421 CN, Minh Thành Tổ rời đô đến Bắc Kinh, Ứng Thiên Phủ mới gọi là Nam Kinh

Năm 1853 CN, Nam Kinh trở thành quốc đô của Hồng Tú Toàn và gọi là Thiên Kinh.

Năm 1927 Trung Hoa Dân Quốc thành lập, đến năm 1930 lại gọi là Nam Kinh Thị

Hồng Tú Toàn (洪 秀 全) :

Nguyên tác viết là "Xích khấu chi loạn 赤 寇 之 亂", vì vào thời điểm tác giả viết truyện này, Hồng Tú Toàn còn bị coi là giặc, và khi khởi nghĩa dùng mầu cờ đỏ, nên tác giả dùng chữ "xích khấu" để ám chỉ Hồng Tú Toàn giặc, chứ chưa được tôn xưng là một nhà cách mạng như ngày nay ở lục địa.

Hồng Tú Toàn sinh năm 1814 mất năm 1864.

Ông là người Hoa Huyện tỉnh Quảng Đông , nguyên danh là Hỏa Tú, rồi lại đổi là Nhân Khôn, và mãi đến khi lớn mới tự lấy tên là Tú Toàn.

Ngay từ hồi còn bé, Toàn là đứa trẻ hiếu học, nên rất được thân phụ thương yêu.Khoảng năm Tuyên Thống nhà Thanh, Toàn ra nhập "Bái Thượng Đế Hội", nhận Chu Cửu Đào làm sư phụ. Khi Cửu Đào mất, Toàn được đồ chúng đưa lên làm giáo chủ. Để thu hút và mê hoặc quần chúng, Toàn phao ngôn mình là con thứ hai của thượng đế, em của Chúa Giê Su.

Năm 1851, với sự phò tá của Dương Tú Thanh và Thạch Đạt Khai, Toàn khởi nghĩa ở thôn Kim Điền, tỉnh Quảng Tây, rồi đem quân đánh chiếm châu Vĩnh An, kiến lập Thái Bình Thiên Quốc và đem quân Bắc phạt, liên tiếp chiếm được nhiều tỉnh,

Năm 1853, Toàn công hạ Kim Lăng (tức Nam Kinh ), tự xưng là Thiên Vương và đóng đô ở đấy.Toàn ra lệnh đổi Dương Lịch, cải y phục, đề xướng tân học, phế bỏ tục bó chân của phụ nữ, phế bỏ xướng kỹ, cấm nha phiến. Quân triều đình nhiều phen bị Toàn đánh bại.

Nhưng về sau vì nội bộ lãnh đạo mâu thuẫn, các tướng đố kỵ giết hại nhau, khiến lòng dân ly tán.Thái Bình Thiên Quốc bị Tăng Quốc Phiên và Tả Tôn Đường, những trọng thần của Thanh triều, đánh bại.

Năm 1964, Thiên Kinh bị phá vỡ, Hồng Tú Toàn uống độc dược tự tử.Thái Bình Thiên Quốc bị diệt vong.

Tầm Dương (潯 陽) :

Tầm Dương là tên một quận đời Đường, nay thuộc thị trấn Cửu Giang tỉnh Giang Tây. Thời Tùy đặt tên là Bồn Thành, sang đến nhà Đường mới cải là Tầm Dương. Nhà thơ Bạch Cư Di bị biếm làm Tư Mã Giang Châu, từng để lại dấu chân của mình ở địa danh này, qua bài thơ nổi tiếng " Tỳ Bà Hành 琵 琶 行 ", mở đầu bằng câu : " Tầm Dương giang đầu dạ tống khách ". Sau này, khi Tống Giang , thủ lãnh của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, bị đầy đến Giang Châu, ngồi trên lầu uống rượu, ngắnm mưa rơi trên sông Tầm Dương, say rồi phẫn kích, đề phản thi mà bị bắt.

Nam Đường Hậu Chủ (南 唐 後 主):

Nam Đường(937-975) là một triều đại trong thời Ngũ Đại Thập Quốc (907 -975) do Lý Thăng kiến lập.Hậu Chủ của vương triều tên là Lý Dục, thường gọi là Lý Hậu Chủ, tự là Trùng Quang, hiệu là Liên Phong Cư Sĩ, sinh năm 937 CN, mất năm 978 CN

Năm 961CN Lý Dục được phong làm Thái Tử, lên nối ngôi cha.

Là một ông vua tài hoa phong nhã, giỏi thơ văn, hội họa, âm luật và đặc biệt về từ khúc.Trong suốt thời gian tại vị, Hậu Chủ không lo nhiều đến chính sự mà chỉ chuyên chú vào những yến tiệc, ca vũ, vui đùa cùng bầy cung tần mỹ nữ.

Những câu truyện diễm tình của Hậu Chủ với những giai nhân tri kỷ cũng như những bài từ của ông được người đời đua nhau tường thuật truyền tụng.Đặc biệt là ông từng sủng ái nàng cung phi Kiều thị.Kiều thị là người rất thông minh, viết chữ rất đẹp, lại tôn thờ đạo Phật, Hậu Chủ tự tay viết "Kim Tự Tâm Kinh " để tặng nàng

Năm 975, Nam Đường bị Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn diệt, Kim Lăng bị phá vỡ, Hậu Chủ bị bắt làm tù binh.Trước cảnh quốc phá gia tan, Hậu Chủ tuy đau đớn như đứt tùng khúc ruột, nhưng vẫn không bỏ được "tật" phong lưu, vung bút viết một bài từ để đời, tả cảnh vong quốc, lời lẽ rất là thê lương, đau đớn, đó là bài "Lâm Giang Tiên."

Hậu chủ bị đưa về Biện Kinh, hai năm sau thì bị Tống Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa sai em là Triệu Đình Mỹ đánh thuốc độc chết.

Sau khi Hậu Chủ mất, Kiều thị đã viết lại "Kim Tự Tâm Kinh" , chữ viết rất đẹp, đem dâng vào chùa Tướng Quốc để cầu phúc cho Hậu Chủ.

Lạc khoản (落 款)

Ký tên trên những thư tín, lễ phẩm, thư, họa thì gọi là lạc khoản

Ngũ Đại Thập Quốc (五 代 十 國) :

Năm 907 CN, Chu Ôn diệt nhà Đường xưng đế, lấy quốc hiệu là Lương, sử gọi là Hậu Lương, chiếm một phần lớn phía Bắc nước Tầu, kế tục sau đó xuất hiện các nước như Hậu Đường, Hậu Hán, Hậu Chu, Hậu Tấn. Sử gia gọi năm nước này là thời kỳ Ngũ Đại.

Đồng thời với năm nước này, ở phía nam nước Tầu cũng xuất hiện trước sau 10 nước là Ngô, Nam Đường,

Ngô Việt, Sở, Mân, Nam Hán, Tiền Thục, Hậu Thục, Kinh Nam, Bắc Hán.Năm 979 CN, các nước này bị Triệu Khuông Dẫn tiêu diệt, kết thúc cục diện thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc.

Đậu khấu (荳 蔻):

Đậu khấu là một loại hương thảo, hoa nở vào mùa hè, mọc ở xứ nóng, rất đẹp, dùng làm thuốc được.Trong các văn thơ cổ điển, người dùng từ ngữ đậu khấu để tương trưng người con gái còn trong trắng chưa lấy chồng.

Lương Vũ Đế (梁 武 帝):

Sinh năm 464 CN mất năm 549 CN.

Lương Vũ Đế tên thật là Tiêu Diễn, người sáng lập nhà Lương thời Nam Triều, tự là Thúc Đạt, vốn là người đồng tộc của vua nhà Tiêu Tề, em họ Tiêu Đạo Thành, người Nam Lan Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Châu, phía tây bắc Thường Châu).Tiêu Diễn từng làm quan nhà Tề, giữ chức Thứ Sử Ung Châu, trấn thủ Tương Dương. Nhân vua Tề vô đạo, giết người anh của Tiêu Diễn, Diễn khởi binh vây hãm Kiến Khang, l ập Tiêu Bảo Dung làm Hòa Đế.

Diễn nắm chức Đại Tư Mã, và được phong Lương Vương.

Năm 502 CN, Diễn được nhường ngôi, lấy quốc hiệu là Lương, trọng dụng sĩ tộc, sửa sang văn giáo, nhờ vậy quốc thế được chấn hưng. Sau lại dốc lòng tín thờ Phật giáo, xây cất Đồng Thái Tự, ba lần vào đó tu.

Năm 547 CN, Tiêu Diễn tiếp thụ đầu hàng của Hầu Cảnh.Hai năm sau thì bị Hầu Cảnh dẫn binh vượt sông nam hạ, công phá thủ đô, Tiêu Diễn bị đói và bệnh mà chết.

Tiêu Diễn là người giỏi về văn học, âm luật, thư pháp.

Văn phòng tứ bảo (文 房 四 寶):

Văn phòng tức thư phòng.Cổ nhân ngày xưa ở trong thư phòng thường dùng và thường bầy biện bốn vật dụng được quý trọng như bảo vật là bút, giấy, nghiên, mực.Vì thế nên gọi là văn phòng tứ bảo.

(Dịch xong ngày 21-5-2004 lúc 12:42.Phạm xuân Hy)

Mời các bạn đón đọc Tuyển tập truyện ngắn liêu trai Tạ Tiểu Nga Truyện.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000