DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Ký Ức Vụn Tập 2 - Nguyễn Quang Lập

Tác giả Nguyễn Quang Lập
Bộ sách
Thể loại Tản Văn
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 4944
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Nguyễn Quang Lập Tản văn Văn học Việt nam Văn học phương Đông
Nguồn waka.vn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Tác giả đi dọc qua thành phố ra tận bờ sông Hồng trong buổi tối mưa gió mang tác phẩm mới in xong đến tặng bạn hữu, mà vừa đề tặng vừa nhấm nhẳng mắng người ta. Tôi viết là viết phục vụ đồng bào đồng chí của tôi, những người lao động quê mùa chân lấm tay bùn đọc chơi cho vui, chứ sức mấy mà mong đám thị thành văn vẻ các ông để mắt, không dám đâu. Đã bực bội không dưng như vậy thì thèm vào, nghĩ bụng thế. Vả lại, khẩu văn blog - theo như lời của chính tác giả nói về cuốn sách - nó là cái gì vậy?

Năm trước nghe thiên hạ kháo nhau loạt bài tả chân do Nguyễn Quang Lập viết và tải trên mạng, tôi nhờ bạn in ra giấy để đọc. Đọc xong, cười rũ, giống như hồi xưa ngang qua Khu Tư lính tráng cười bò ra với nhau nghe kểchuyện bọ. Khẩu văn blog là thế? Và cuốn Ký Ức Vụn là tập hợp của những bài tả chân ấy

Ký ức vụn 2 gồm 4 phần: 

    Phần 1 - Những người bạn khó quên với những ký ức khó quên như Con bò của thằng Thọt, Thằng cu Bợp, Đèn ông sao…
    Phần 2 – Buồn vui một thuở gom nhặt từ bộn bề cuộc sống: Có bệnh thì vái tứ phương, Cái mặc thời bao cấp và mối tình nửa nắng, Chuyện mạng méo thời nay, hão! Hão…
    Phần 3 – Người từng gặp với những chân dung biếm họa cực kỳ đặc sắc: Anh Hờ Hờ, anh Cu Bịp, Mụ Cà…
    Phần 4 – Thương nhớ mười ba là dư âm da diết của Nhớ đồng, yêu cái đình làng, Nhớ ba, Nhớ những người thầy, Vẩn vơ phố cổ…
***
Tối nay xem ti-vi thấy bà S. trả lời phỏng vấn. Bà đã hơn bảy mươi mà mặt mày hãy còn vượng lắm, trắng trẻo và sang trọng. Hơn ba chục năm mình vẫn nhận ra bà vì cái giọng chua loét không lẫn với ai được. Thời con nít tối tối chơi ở sân kho Hợp tác, khi nào họp hành có bà phát biểu là mình tót vào nhà kho đứng nghe liền. Bà nói rất hay, chế độ thế này xã hội thế kia, đất nước thế này dân tộc thế kia... hay như đài nói. Mỗi tội giọng bà chua loét như đài kẹt volume nghe xói vào tận óc, rất kinh. Anh Mẹt Vân nói nghe con mụ S. nói hết buồn ngủ luôn, đố ai ngủ gật được. Hết buồn ngủ nhưng buồn ỉa, nghe con mụ S. nói khi mô mình cũng buồn ỉa, tức gớm bay. Hi hi.

Mình không có ý định kể về bà S., chỉ vì thấy bà mình lại nhớ con bò của thằng Thọt.

Thằng Thọt tên Tuấn, Ngô hay Phạm Anh Tuấn chi đó, nhưng cả làng đều gọi nó là thằng Thọt. Nó bị thọt từ năm hai tuổi do viêm não hay xuất huyết não mình cũng không nhớ nữa. Chân phải nó teo rút bằng bắp tay người lớn, không tự co duỗi được. Khi đi nó phải dùng tay tóm lấy đầu gối nhấc lên đặt xuống. Trông nó đi rất mệt, người cụt chân nhảy lò cò hay đi nạng còn thấy đỡ mệt hơn.

Thằng Thọt không có cha. Mạ nó lùn một mẩu chẳng ai lấy, đến năm bốn chục tuổi bỗng nhiên có chửa đẻ ra nó. Mạ nó mừng hết lớn, mặc kệ thiên hạ dè bỉu bà vẫn khoe khắp làng, nói trời thương tui, cho tui thằng con sau này còn nhờ cậy. Từ ngày nó bị thọt mạ nó khóc hết nước mắt, cả làng gọi nó là thằng Thọt bà vẫn một mực gọi là Anh Tuấn. Mình ở sát nhà nó suốt ngày nghe mạ nó gọi nó hết Anh Tuấn ơi đến ơi Anh Tuấn, nghe như hát cải lương. Càng ra đến chỗ đông người mạ nó càng cố tình gọi Anh Tuấn ơi... ơi Anh Tuấn. Sốt ruột quá nó nhăn nhó quát mạ nó, nói mạ cứ gọi thằng Thọt cha đi cho xong, Anh Tuấn với Anh Téo, gọi rứa tui có hết thọt được không. Mạ nó khóc, từ đó không gọi nó là Anh Tuấn nữa, chỉ gọi là thằng cu.

Thằng Thọt không có bạn, trong xóm chẳng đứa nào ghét nó, chỉ vì nó không chạy nhảy cùng với lũ trẻ đánh du kích chơi ù mọi, bắt chôông chôông mò tôm cá, tự nó thấy lạc lõng với bạn bè nên rút lui, thui thủi chơi một mình. Thỉnh thoảng nó sang nhà mình chơi, ngồi chán rồi về, ít khi nó muốn nói chuyện với mình. Mình cũng ít khi nói chuyện với nó, cũng chẳng có chuyện gì để nói trừ một lần năm lớp 3 bỗng nhiên nó hỏi mình, nói lớn lên mi làm chi? Mình nói tau làm lái xe, mi làm chi? Nó chìa cái chân thọt ra, nói mi nói tau làm được cái chi? Rồi nó nói tau mơ có con bò, mi lái xe tau lái bò. Nó nhăn răng cười thích thú.

Nó học giỏi, đại khái con nít nông thôn được 5, 6 điểm không phải ở lại lớp là giỏi rồi. Nhưng đến lớp 3 nó bỏ học, khóc đứng khóc ngồi đòi mạ nó mua cho con bò để nó giữ (quê mình chăn bò gọi là giữ bò). Hồi đó con bò là cả tài sản lớn, việc nó đòi mạ nó mua bò khác nào đơm đó ngọn tre. Mạ nó khóc tủi, nói bán mạ đây không mua được cái đuôi bò mô con. Khóc lóc cả tháng trời, khóc chán rồi cũng thôi, thằng Thọt chẳng biết làm thế nào. Hàng ngày nó một mình đi ra tận Cồn Rươi ngồi xem bò ăn cỏ, xem say sưa như xem tàu hỏa máy bay. Nó ngồi vậy từ trưa đến chiều tối, con nít lùa bò về chuồng hết rồi nó mới lủi thủi về.

Chiều hôm đó thằng Thọt cũng ở Cồn Rươi. Khoảng 5 giờ chiều thì pháo từ Hạm đội 7 bắn vào. Bình thường khoảng 8 giờ đêm hoặc 4, 5 giờ sáng pháo từ Hạm đội 7 bắn vào, chẳng hiểu sao mới 5 giờ chiều chúng đã nã pháo, lại nhằm đúng Cồn Rươi mà nã. Cồn Rươi tan tác, bò chạy đằng bò, người chạy đằng người. Thằng Thọt không chạy đâu được, nó nằm bẹp trong cái hố trâu đằm. Nửa giờ sau pháo tan, nó bò lên khỏi hố bỗng thấy con bê non mới sinh đang đứng run lẩy bẩy. Có lẽ bò ai đó mới sinh, vừa lúc pháo bắn, bò mẹ bỏ con mà chạy.

May cho thằng Thọt, có gánh phân bò của ai đó vứt ngay gần đấy. Nó đổ phân bò, lấy cái rổ rồi kì cạch bế con bê đặt nằm trong cái rổ, kì cạch kiếm dây thừng cột vào rổ rồi quàng dây vào cổ nó, kì cạch kéo con bê đi. Nó bước một bước lại tóm đầu gối nhấc lên một bước, cứ bước đi bước nhấc như thế nó kéo rê con bê quá nửa đêm mới về đến nhà.

Mạ nó mừng húm, giấu kín con bê trong nhà cho đến khi con bê đi lại được, ăn cỏ được mới đánh tiếng với hàng xóm, nói tui mới mua con bê cho thằng cu. Nói chung không ai biết trừ mình, hi hi. Tình cờ thôi, mạ mình sai mình sang nhà nó mượn cái thang. Vừa vào ngõ mình thấy thằng Thọt bưng cái thau nhỏ chạy nhanh vào buồng. Thấy lạ mình rón rén vào nhà nó, đứng sát vách nứa buồng nhà nó nhìn vào. Nó đang cho con bê non uống nước cơm hòa mật mía. Mình nhảy vào buồng, nói răng mi nuôi bò trong buồng? Thằng Thọt tái mặt, nó kéo mình ngồi sụp xuống, nói mi câm mồm rồi tau kể cho nghe. Nhờ vậy mình mới biết vì sao nó có con bò.

Khỏi phải nói thằng Thọt yêu con bò biết nhường nào. Con bò là bạn đời duy nhất của nó. Suốt ngày nó quấn quýt bên con bò, đêm ngủ nó cũng thức dậy hai ba lần chạy ra chuồng bò, đốt rơm đuổi muỗi hoặc sưởi ấm cho bò. Khi con bò lớn, nó làm cái lục lạc bằng vỏ đuy-ra của máy bay đeo vào cổ bò. Cái lục lạc hình cầu, kêu leng keng rất hay. Nó huấn luyện cho con bò biết đứng lên nằm xuống theo lệnh. Nó vỗ mấy cái vào mông bò, nói nằm, nằm! Con bò nằm xuống liền, nó leo lên lưng bò, thúc bò đi tới Cồn Rươi. Thằng Thọt ngồi trên lưng bò hát nghêu ngao, cái lục lạc kêu leng keng, đời nó gọi là hết ý. Lắm lúc mình cũng thèm được như nó, ngồi trên lưng bò hát nghêu ngao cùng với cái lục lạc kêu leng keng.

Nhà nó khá lên nhờ con bò. Người làng thuê bò cày, cứ mỗi buổi cày hai, ba cân thóc, một năm hai mùa thu được hơn tạ thóc, nhà nó gọi là no cơm ấm cật. Ai thuê bò cày đều trả công đàng hoàng, chỉ bà S. là không. Khi nào thuê bò bà cũng hứa với mạ nó, nói chị cứ ghi sổ đến mùa em trả cho, tóm lại 4, 5 mùa không chịu trả. Đòi không được mạ thằng Thọt đến nhà chửi, bà S. chửi trả, rồi xông vào cấu xé nhau. Bà S. là cán bộ thôn không việc gì, mạ thằng Thọt bị dân quân bắt giam nhà kho, họp kiểm điểm chán chê rồi bị đuổi ra khỏi Hợp tác. Mạ thằng Thọt không sợ, bà ở nhà tập trung xây dựng cái vườn nhà bà, trồng ớt, trồng hành, trồng cà chua mỗi mùa thu được năm, bảy trăm đồng. Cùng với hơn tạ thóc con bò thằng Thọt đưa lại, nhà nó có của ăn của để. Mạ mình sang chơi, nói chị ra Hợp tác lại sung sướng hè. Mạ thằng Thọt cười he he, nói biết rứa tui ra Hợp tác lâu rồi, ngu rứa không biết.

Bà S. vẫn không trả thóc cho nhà thằng Thọt, mạ nó chửi thế nào cũng không trả. Nhưng nhờ việc mạ thằng Thọt chửi bà S. quanh năm, người làng ai cũng biết, đến kì đại hội xã viên chẳng ai bầu bà vào ban chủ nhiệm hợp tác nữa. Bà S. thù nhà thằng Thọt từ đó.

Một hôm đi học về, mình thấy thằng Thọt đứng ở ngõ khóc thút thít. Mình hỏi sao, nó nói bò tau sắp chết rồi. Mình chạy vào, con bò thằng Thọt bụng phình to quá cỡ, nằm thở khò khè, nước dãi chảy ròng ròng, hai mắt bò mở to trắng dã. Mạ nó chạy khắp xã nhờ người cứu giúp, hai, ba ông thú y đến rồi cũng lắc đầu bỏ đi. Người ta nghi bò bị bỏ thuốc độc, chỉ nghi thế thôi, không biết ai bỏ thuốc độc, vì sao lại bỏ thuốc độc cho bò. Chuyện này từ xưa nay hiếm.

Đến nửa đêm bò thằng Thọt chết. Mạ thằng Thọt nhờ đàn ông trong xóm làm thịt nhằm gỡ gạc chút đỉnh. Người ta vừa xách dao đến thì bà S. cũng vừa đến. Bà đọc lệnh chôn bò, cấm không được mổ thịt. Lệnh của Chủ nhiệm Hợp tác có dấu đỏ hẳn hoi, mạ con thằng Thọt phải chấp hành.

Con bò được chôn ở trảng cát sau làng, trong rừng trâm bầu, chôn ngay trong đêm. Chôn xong mọi người về cả, thằng Thọt không về. Nó cứ ngồi lì trước nấm mộ, mạ nó nói thế nào nó cũng không chịu về. Mạ nó chạy về nhà mình, đánh thức mình dậy, nói Lập ơi thím lạy con, con ra nói thằng cu về cho thím với. Mình chạy ra, nói thôi về đi, nhà mi bây giờ có tiền rồi, mạ mi mua con khác, lo chi. Nó nói nhưng tau thương nó lắm, nó chết tau biết sống ra răng. Thằng Thọt ôm lấy mình khóc nức nở.

Chuyện rồi cũng qua, mạ thằng Thọt mua cho nó con bê. Nó lại quấn quýt bên con bê như ngày xưa nó đã từng quấn quýt với con bò đã chết. Sẽ không có gì đáng kể nữa nếu thằng Thọt không bắt gặp thằng cu ba tuổi của mụ S. đang cầm cái lục lạc đi chơi. Đúng là cái lục lạc bò thằng Thọt, cái lục lạc đã chôn cùng con bò. Thằng Thọt giật lấy cái lục lạc vùng chạy về kho Hợp tác. Ở đó người lớn đang họp, bà S. đang nói. Xưa nay bà S. chỉ có một bài, chế độ thế này xã hội thế kia, đất nước thế này dân tộc thế kia...

Thằng Thọt nhảy tới trước mặt bà S. giơ cái lục lạc rung rung, nói ê ê đồ nói láo, ê ê đồ nói láo! Bà S. túm cổ thằng Thọt chực cho nó một bợp tai, gặp cái nhìn nghiêm trọng của mọi người bà thả nó ra, lủi thẳng một mạch. Sau đó nhà bà cũng lủi khỏi làng Đông. Hơn ba chục năm nay chẳng ai biết bà đi đâu, bây giờ mình mới thấy bà trên ti-vi.
...
Mời các bạn đón đọc Ký Ức Vụn Tập 2 của tác giả Nguyễn Quang Lập.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000